Miền Nam Việt Nam là Thành đồng Tổ quốc

Lâu nay có một bộ phận dư luận ngộ nhận hoặc cố tin rằng cuộc chiến Mỹ - Việt trước năm 1975 là cuộc chiến tranh "giữa miền Bắc và miền Nam". Họ gọi các ngụy quyền Diệm-Nhu, Thiệu-Kỳ là "miền Nam Việt Nam". Hồi nhỏ chính tôi cũng tưởng như vậy do chưa biết nhiều về đề tài này.

Với những người ngộ nhận, thì phần lớn có lẽ do bị ảnh hưởng từ "chiến thuật biển người" về chiến tranh thông tin của Mỹ, khi đó tràn ngập sách báo gọi ngụy quyền của Mỹ là "South Vietnam" ("Nam Việt Nam"). Bên cạnh đó còn có một bộ phận cố tin như vậy, thậm chí có những người khi nghe tôi và người nhà nói gì tỏ ra ủng hộ cộng sản, khi họ biết chúng tôi là người miền Nam qua giọng nói, thì họ gọi chúng tôi là "dân tập kết", họ cố nghĩ, cố tưởng tượng ra rằng những người miền Nam nào mà ủng hộ cộng sản, mà không thích Mỹ, thì đều là dân tập kết. Trong khi chúng tôi chưa bao giờ đi tập kết và chưa bao giờ sinh sống ở miền Bắc.

Những người ngộ nhận hoặc cố gắng lảng tránh sự thật rằng người dân địa phương ở miền Nam ủng hộ cách mạng và quân dân miền Nam trực tiếp chiến đấu chống Mỹ-ngụy chủ yếu là những người mà lợi ích cộng sinh của họ gắn bó chặt chẽ với Mỹ-ngụy, đồng thời đối lập với lợi ích của cách mạng, của dân tộc, với mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Hoặc/và những người chủ yếu sống trong những khu vực phồn vinh giả tạo ở trung tâm Sài Gòn, mà không để ý, không biết, hoặc tránh né quan sát, nhận thức các nơi khác ở Sài Gòn và miền Nam Việt Nam, nhất là vùng nông thôn.

Vậy cuộc chiến tranh này có phải là cuộc chiến giữa miền Bắc và miền Nam hay không? Ngụy quyền Sài Gòn có phải là miền Nam Việt Nam hay không? Vấn đề này mình cũng từng đề cập sơ lược trong một số bài viết về đề tài kháng chiến chống Mỹ. Trong bài này mình muốn chú trọng nói rõ hơn về vấn đề này.

Chưa cần nói đến chính trị, chỉ nói về thực tiễn quân sự thôi thì đã cho thấy rằng thực tế quân sự trong kháng chiến chống Mỹ không phải là Bắc đánh vào Nam như Đàng Ngoài đánh vào Đàng Trong trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, hay Bắc Triều Tiên đánh vào Nam Triều Tiên trong chiến tranh Triều Tiên.

Thực tế chiến cuộc ở Việt Nam chủ yếu là sự giằng co "mảnh da báo" giữa vùng giải phóng và vùng tạm chiếm ngay trong lòng miền Nam Việt Nam. Đó không phải là sự giằng co giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Vĩ tuyến 17 và các vùng phụ cận là địa điểm ít khói lửa nhất trong 21 năm chiến tranh Mỹ - Việt.

Đó là sự giằng co qua lại giữa quyền lực Việt Nam và quyền lực Hoa Kỳ, giữa vùng giải phóng và vùng bị tạm chiếm. Bên cạnh đó còn có vùng tự do, là những vùng người dân trai tráng địa phương chống Mỹ-ngụy, tự lập chính quyền tự quản, mà không có sự ảnh hưởng, lãnh đạo thực chất từ Trung ương cục miền Nam, do nguyên nhân địa lý, tính chất địa phương, và các nguyên nhân khác, chủ yếu trong thời điểm chưa có Mặt Trận và chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, và trong thời gian đầu khi sự lãnh đạo của Trung ương và Đảng Cộng sản Việt Nam chưa được chặt chẽ, trật tự, chưa có một hệ thống rõ ràng, thống nhất.

Ví dụ tại Cà Mau đầu thập niên 1960, hàng chục vạn thanh niên kéo vào rừng U Minh và rừng Năm Căn lập nên hàng chục "làng rừng" công khai chống Mỹ-Diệm, lập vùng tự do, tự quản lý, xây dựng các chiến khu độc lập chống Mỹ-Diệm.

Như vậy, ở miền Nam Việt Nam về mặt quản lý là cơ bản có 3 vùng: Vùng giải phóng, vùng tạm chiếm, và vùng tự do. Cuộc chiến này không hề là sự giằng co, giành giật qua lại giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, mà là sự giằng co, giành giật đất đai, vùng quản lý, vùng kiểm soát qua lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ở trong lòng miền Nam Việt Nam. Đó cũng là một trong những khác biệt lớn nhất giữa cuộc chiến ở Việt Namcuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên.

Ngay cả những người đứng đầu, tại vị lâu năm trong ngụy quyền như các ông Ngô Đình Diệm, Nguyễn Cao Kỳ cũng không phải là người miền Nam. Ông Diệm là người miền Trung. Ông Kỳ là người Hà Nội.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam trước giặc Pháp. Gần 2 triệu người miền Bắc thuộc bộ phận "triệu người buồn" di cư vào Nam vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Phần lớn trong số đó là dân Công giáo ủng hộ gia tộc Ngô Đình, chống cộng cực đoan, và trở thành những bộ phận chính yếu trong ngụy quyền và ngụy quân. An ninh quân đội của ngụy phần đông, nếu không nói là hầu hết đều là dân Bắc Kỳ 54, gia tộc họ Ngô hầu như chỉ tin dùng những người này. Gia đình họ Ngô và những tay chân thân tín họ tin dùng đều không phải người miền Nam.

Chiến cuộc 1954-1975 là sự đối địch giữa người Việt và người Mỹ, và phía Việt Nam và phía Hoa Kỳ đều có những người Việt từ khắp ba miền Bắc-Trung-Nam phục vụ và tham chiến. Do đó, đây không phải là cuộc chiến giữa người miền Bắc và người miền Nam, mà là cuộc chiến giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Quân dân Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo, lưu ý tên gọi là "Đảng Lao động Việt Nam" chứ không phải là "Đảng Lao động Bắc Việt Nam". Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo cả nước chứ không phải chỉ có lãnh đạo miền Bắc. Các nhân vật lãnh đạo kháng chiến quan trọng ở cả ba miền như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà, Võ Văn Kiệt, Võ Chí Công, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình v.v. đều là người miền Nam Việt Nam.

Các nguyên thủ quốc gia của CHXHCN Việt Nam gần đây như các ông Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng v.v. đều là những người miền Nam Việt Nam từng chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ.

Cuộc chiến một phía do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, một phía do chính phủ Hoa Kỳ lãnh đạo. Còn cái gọi là "Việt Nam Cộng hòa" là một ngụy quyền bản xứ bù nhìn và là một vũ khí chính trị của Mỹ để tạo danh nghĩa chính trị và phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Ngụy quyền Sài Gòn có vai trò mờ nhạt, và về ngoại giao thì cũng tương tự Cộng hòa miền Nam Việt Nam: Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đơn giản là cho xây các cơ quan ngoại giao cho CHMNVN và VNCH ở các quốc gia đồng minh của mình, rồi gọi đó là "quan hệ ngoại giao quốc tế", không có quan hệ ngoại giao thực tế, không có vai trò ngoại giao thực chất.

Năm 1968, trong những vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam, những kế hoạch nông nghiệp rộng lớn đã được thực hiện và nhiều cuộc bầu cử đã được các lực lượng địa phương tổ chức để thành lập chính quyền, cuộc bầu cử tháng 11 năm 1968 đã được hoàn thành trong 17 tỉnh, 5 thành phố và 38 huyện ở miền Nam Việt Nam.

Năm 1969, Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Theo nhà nghiên cứu sử học người Mỹ gốc Nga L.V. Kotov trong bài nghiên cứu American Aggression in Vietnam (Cuộc xâm lược của Mỹ ở Việt Nam) trên Bách khoa thư Farlex, thì sự thành lập Cộng hòa miền Nam Việt Nam là xuất phát từ nhu cầu thực tế cần một chính phủ thống nhất tạm thời ở miền Nam để thay thế cho các chính quyền dân cử địa phương, các cơ quan tự quản từ các cấp xã, thôn, tỉnh, vốn trước đó đã được dân địa phương thành lập để thay thế các bộ phận hành chính con rối của Mỹ, để giải quyết việc hành chính trong những vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam.

Thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã cho thấy số bà mẹ Việt Nam anh hùng (theo tiêu chuẩn có ít nhất 3 liệt sĩ là bản thân, chồng, hoặc con trai trong gia đình) của miền Nam nhiều gần gấp đôi miền Bắc. Miền Nam có 29.220 bà mẹ Việt Nam anh hùng, miền Bắc có 15.033 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thông tin này đã cho thấy một thực tế là quân dân miền Nam đã hy sinh nhiều hơn miền Bắc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hiệp định Genève 1954 không hề chia đôi đất nước

Nội dung hiệp định Genève về Đông Dương không có điều khoản nào quy định chia cắt Việt Nam thành hai miền, hai quốc gia. Hiệp định chỉ công nhận giới tuyến quân sự tạm thời trong 2 năm để chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước, tạm chia làm 2 vùng tập trung quân sự cho quân đội hai phía Việt - Pháp tập kết, hiệp định không có ý nghĩa chia cắt đất nước.

Đây không phải là "hiệp định chia đôi đất nước" như một số người thiếu thông tin đã nhầm lẫn, mà trái lại, là hiệp định lập lại hòa bình, độc lập và thống nhất của 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Campuchia, Lào), Pháp rút quân trong 2 năm và tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam năm 1956.

Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954 có hai phần: Phần "Thỏa hiệp" và phần "Tuyên bố Cuối cùng" (Final Declaration). Phần "Thỏa hiệp", gồm 47 điều khoản, được ký kết giữa Henri Delteil, Quyền Tổng tư lệnh lực lượng Liên hiệp Pháp và Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng quốc phòng VNDCCH. Phần này có những điều khoản chính như sau:

- Thiết lập một đường ranh giới quân sự tạm thời tại vĩ tuyến 17 (Provisional Military Demarcation Line) để quân đội hai bên rút quân về: Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam ở trên vĩ tuyến 17, lực lượng quân đội Liên hiệp Pháp (French Union), bao gồm lính Pháp và lính bản xứ ở dưới vĩ tuyến 17.

- Sẽ có một cuộc tổng tuyển cử tự do trên toàn cõi Việt Nam vào năm 1956. Quân đội Pháp phải rời khỏi Việt Nam trong 2 năm.

Bản "Tuyên bố cuối cùng" gồm 13 đoạn, nói đến cả sự thống nhất và độc lập của 3 nước Đông Dương, trong đó có một đoạn đáng để ý và cực kỳ quan trọng, đoạn (6) (Paragraph [6]) là như sau: "Hội Nghị nhận thức rằng mục đích chính yếu của Thỏa Hiệp về Việt Nam là dàn xếp những vấn đề quân sự trên quan điểm chấm dứt những đối nghịch quân sự và rằng ĐƯỜNG RANH GIỚI QUÂN SỰ LÀ TẠM THỜI VÀ KHÔNG THỂ DIỄN GIẢI BẤT CỨ BẰNG CÁCH NÀO ĐÓ LÀ MỘT BIÊN GIỚI PHÂN ĐỊNH VỀ CHÍNH TRỊ HAY ĐẤT ĐAI. Hội Nghị bày tỏ sự tin tưởng là thi hành những điều khoản trong bản Tuyên Ngôn này và trong Thỏa Hiệp ngưng chiến sẽ tạo nên căn bản cần thiết để trong tương lai gần đạt tới một sự dàn xếp chính trị ở Việt Nam".

Và phần đầu của đoạn (7) nguyên văn như sau: "Hội Nghị tuyên cáo rằng, về Việt Nam, sự dàn xếp những vấn đề chính trị, thực hiện trên căn bản tôn trọng những nguyên tắc về nền độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ khiến cho người dân Việt Nam được hưởng những quyền tự do căn bản, bảo đảm bởi những định chế dân chủ được thành lập như là kết quả của một cuộc tổng tuyển cử bằng phiếu bầu kín." Và cuộc tổng tuyển cử đó sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956.

Nói chung, đây là các nội dung chính của hiệp định Genève về Đông Dương:

- Các nước tham gia hội nghị tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào.

- Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương.

- Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập trung quân sự. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (bao gồm cả người miền Nam) tập kết về miền Bắc; Chính quyền và quân đội Liên hiệp Pháp (bao gồm cả người miền Bắc) tập kết về miền Nam.

- 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung. Dân chúng được tự do đi lại giữa hai miền.

- 2 năm sau, tức ngày 20 tháng 7 năm 1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do trên cả nước để thống nhất lại Việt Nam.

Người Mỹ vốn không ký vào hiệp định Genève 1954 để tránh bị ràng buộc pháp lý, bất lợi cho việc xâm lược và chia cắt Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của họ. Nhưng chính họ cũng đã "nói hớ" và vô tình cho thấy rằng hiệp định Genève 1954 không hề là hiệp định chia đôi Việt Nam. Nhà sử học, chính trị học George McTurnan Kahin và John W. Lewis trong sách The United States in Vietnam: An analysis in depth of the history of America’s involvement in Vietnam (Hoa Kỳ ở Việt Nam: Một phân tích chuyên sâu về lịch sử can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam), do Delta Books xuất bản năm 1967, đã cho biết: "Trong bản Tuyên ngôn đơn phương (Unilateral Declaration) của Hoa Kỳ về Hội nghị Genève không có chữ nào nói đến "Bắc Việt Nam" hay "Nam Việt Nam". Tất cả những gì mà bên đại diện Mỹ nói đến là một Việt Nam".

Những bằng chứng ở trên đã cho thấy hiệp định Genève 1954 không chia đôi đất nước, mà ngược lại chính là quy định việc thống nhất đất nước. Chính vì vậy, sau này năm 1965, trong bài viết "Sách Trắng của Mỹ" trên báo Nhân dân, số 3992, ngày 8/3, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại: "Hiệp định Giơnevơ 1954, trong Điều 17, 18, 19 và trong điểm 4, 6 đã quy định rõ ràng: Cấm không được đưa vào Việt Nam các thứ vũ khí nước ngoài. Cấm không được xây dựng cǎn cứ quân sự mới trên lãnh thổ Việt Nam. Cấm nước ngoài không được lập cǎn cứ quân sự ở Việt Nam. Cấm đưa bộ đội, nhân viên quân sự và vũ khí đạn dược nước ngoài vào Việt Nam. Giới tuyến 17 là tạm thời, không phải là giới tuyến chính trị, hoặc giới tuyến lãnh thổ; Việt Nam sẽ thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do khắp cả nước vào nǎm 1956."

oOo

Như vậy đã có quá nhiều nhân tố để cho thấy đây là một cuộc chiến toàn quốc với sự tham chiến của cả nước, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chứ không phải là một cuộc chiến giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

Mình là người Bến Tre, lớn lên ở Sài Gòn, gia đình quê ở Bến Tre, là người miền Nam rặc, cho nên mình càng thấy bực mình, khó chịu hơn khi nghe ai đó gọi bọn ngụy là "miền Nam Việt Nam". Người nhà mình cũng vậy, nhất là những người cựu chiến binh hoặc con cháu của các CCB từng tham chiến trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mỗi khi nghe vậy tự nhiên thấy bực bội, nóng nảy, vì biết rõ cách gọi đó là không đúng sự thật, không đúng với thực tế, với những gì đã diễn ra.

Lâu nay mình rất thích nghe, thích đọc những ý kiến của anh Quản Giáo về đề tài kháng chiến chống Mỹ, rất ấn tượng, đó hầu hết là những ý kiến có quan điểm dân tộc, chính xác về nội dung, dữ kiện, với một tác phong mạnh mẽ của người lính. Anh Quản Giáo đã viết về vấn đề này như sau:

"Ngụy SG là miền Nam thì quân dân ở MN đánh Mỹ là miền nào? QGP làm chủ 2/3 lãnh thổ và phần lớn số dân thì là miền nào?

Tập đoàn tay sai ngụy SG không phải là "cuốc da", không phải là miền Nam (chúng không làm chủ 1 tấc đất nào, phần lớn diện tích MN do QGP làm chủ, phần còn lại do Mỹ làm chủ), chúng là 1 bầy tay sai, chúng theo giặc, do giặc xâm lược tổ chức và nuôi để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của giặc, chúng bắn giết theo lệnh giặc xâm lược, chúng có 1 vài triệu tên, nhưng dù cho chúng có hàng chục triệu tên đi nữa thì chúng cũng không phải là Miền Nam.

Miền Nam là thành đồng của Tổ Quốc VN, nơi mà người dân mang dòng máu con rồng cháu tiên, gắn liền với 1 nền văn hiến lâu đời, có truyền thống đánh giặc ngoại xâm hào hùng do tổ tiên để lại, chứ Miền Nam không phải là 1 bầy người tụ tập đến từ mọi miền để làm tay sai cho giặc, sẵn sàng nhảy ra chết thay và đẩy đồng bào mình ra đỡ đạn chết thay cho giặc ngoại xâm để kiếm miếng ăn ("còn viện trợ Mỹ - còn chiến đấu")."


"South Vietnam" là gì?

Một số dịch giả người Việt dịch "South Vietnam" thành "miền Nam Việt Nam" là sai nghiêm trọng. "Southern Vietnam" mới là "miền Nam Việt Nam".

Trong các sách báo Mỹ về Chiến tranh Việt Nam, các tác giả gọi như sau:

Họ dùng từ "Southern Vietnam" để nói về miền Nam Việt Nam.

Họ dùng từ "South Vietnam" ("Nam Việt Nam", do ảnh hưởng từ quan điểm chính thống và tuyên truyền, hệ thống truyền thông của chính phủ Mỹ) hoặc/và "Republic of Vietnam" ("Việt Nam Cộng hòa") để gọi ngụy quyền tay sai của Mỹ 1955-1975.

Như vậy, "South Vietnam" dù có muốn dịch theo kiểu Mỹ hay kiểu "trung lập" đi nữa thì vẫn phải dịch là "Nam Việt Nam". Còn nếu dịch là "miền Nam Việt Nam" là hoàn toàn sai.

Tương tự, "North Vietnam" dù muốn dịch theo quan điểm Mỹ hay quan điểm "trung lập" đi nữa thì vẫn phải dịch là "Bắc Việt Nam". Nếu dịch là "miền Bắc Việt Nam" là hoàn toàn sai. "Northern Vietnam" mới là miền Bắc Việt Nam.

"Thời Việt Nam Cộng hòa"?

Bên Mỹ này nhiều bạn vichoco (chữ được cộng đồng mạng dùng để chỉ những tên "Việt chống cộng"), đặc biệt trong số đó là thành phần vacova (vác cờ vàng) suốt ngày vác cờ ba que đi biểu tình mở miệng ra là một điều "Việt Nam Cộng hòa", hai điều "VNCH". Nào là "Sài Gòn thời Việt Nam Cộng hòa", "miền Nam Việt Nam thời VNCH" v.v. Rồi một số bạn trẻ không phải là chống cộng có lẽ do đọc quá nhiều nên cũng bị ảnh hưởng rồi nói theo như vậy. Theo phong cách mà Joseph Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức Quốc Xã đã tuyên bố đại ý: Sự thật là những gì không đúng sự thật được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Thật ra có cái gọi là "thời Việt Nam Cộng hòa" hay không? Họ có thật sự là "Việt Nam" hay không? Đó có phải là một nền cộng hòa thật sự hay không?

Lịch sử Việt Nam chỉ có thời đại Hồ Chí Minh, thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, gọi là "thời chống Mỹ", "thời đánh Mỹ" hay đơn giản là thời Mỹ (để phân biệt với thời Pháp) đều đúng.

Còn cái gọi là "Việt Nam Cộng hòa" là một nhóm bù nhìn bất hợp pháp, do giặc ngoại xâm dựng lên trên một đất nước đã tồn tại hàng ngàn năm, lên trên một Nhà nước đã thành lập từ năm 1945, lên trên một Quốc hội đã bầu cử toàn quốc từ năm 1946. Và thực tế rõ ràng nó là một nhóm bù nhìn, nhiều sĩ quan, "lãnh đạo" của chính quyền này đã phải thừa nhận như vậy. (xem thêm)

Như vậy về pháp luật Việt Nam thì nó là bất hợp pháp, về thực tế thì nó là bù nhìn. Hầu hết nông thôn miền Nam là do Mặt Trận làm chủ, gọi là vùng giải phóng, ngoài ra có một số vùng tự do.

Những phần còn lại là do Mỹ làm chủ, Mỹ có quyền ở đó. Ngụy quyền Sài Gòn không làm chủ thực tế một tấc đất nào ở miền Nam Việt Nam. Trong những vùng tạm chiếm thì người Mỹ nắm hết, kinh tế, chính trị, quân sự. Ngụy quyền Sài Gòn được Mỹ "bao trọn gói" và nuôi dưỡng hoàn toàn. Ngụy quyền này không thể tự tồn tại nếu không có Mỹ.

Người Mỹ không cần phải bóp chết hay buông tay ra thả cho ngụy quyền chết. Mà chỉ cần người Mỹ ngồi yên không làm gì thì ngụy quyền cũng đủ chết khi không có ai nuôi. Năm 1975, Mỹ chỉ giảm viện trợ quân sự, nghĩa là giảm cung cấp súng đạn, thì nó đã không cầm cự nổi qua tháng 4.

Tương tự, ví dụ bây giờ Việt Nam đem quân sang Texas dựng lên một chính quyền rồi đặt tên là "Hoa Kỳ Cộng hòa", rồi vận động cho Nga, Trung Quốc, Campuchia, Lào v.v. công nhận và thiết lập ngoại giao với chính quyền Texas đó, thì đó vẫn là thời Obama, là thời kỳ Việt Nam xâm lược nước Mỹ, xâm lược Texas, chứ không phải là "thời Hoa Kỳ Cộng hòa", "thời Texas Cộng hòa".

Tại sao cùng một logic cho cả hai bên mà Mỹ làm thì nghĩ khác, Việt Nam làm thì nghĩ khác? Đó xuất phát từ "tư tưởng nước nhỏ", "tư tưởng nhược tiểu", tồn tại trong mỗi người chúng ta. Không xem Việt Nam với Hoa Kỳ là hai bên, hai dân tộc ngang nhau, bằng nhau. Đây là một khuyết điểm chúng ta nên sửa lại.

Thiếu Long