Những bài hát rung động lòng người trong kháng chiến chống Mỹ

Thời chống Mỹ là một trong những thời kỳ bi tráng và cao đẹp nhất trong lịch sử Việt Nam, từ đó xuất hiện những nhạc sĩ tài ba và nhiều nhất các bài hát kinh điển trong âm nhạc cách mạng Việt Nam. Nhiều bài hát trong thời chống Mỹ đã trở thành những bài hát hay nhất của nhạc đỏ và tân nhạc Việt Nam. Bây giờ khi nghe nhạc cách mạng, mỗi khi nghe được một bài cực kỳ hay, khi lên Google tìm hiểu bài đó thì thường sẽ nhận ra bài đó được sáng tác trong thời chống Mỹ. Nói chung có rất nhiều bài tuyệt vời được sáng tác trong thời kỳ đó.


Nhiều người hay hỏi làm sao mà Việt Nam có thể thắng Mỹ, vì sao mà chiến công thắng Mỹ trên thế giới ngày nay vẫn chỉ là một "khát vọng Việt Nam", một ước mơ không thể vươn tới của lực lượng vũ trang các nước khi đứng trước quân đội vô địch Hoa Kỳ. So sánh những đối tượng bị Mỹ đánh bại với Việt Nam thì chúng ta thấy ngay cái khác biệt ấn tượng đó là tâm tư tình cảm của dân tộc Việt Nam, thứ mà các nơi đó không có. Và những bài hát còn mãi với thời gian này đã cho người nghe cảm nhận được cái tâm tư tình cảm đó. Chính nhờ cái tâm tư tình cảm dân tộc này mà dân tộc Việt đã chiến thắng quân đội Mỹ.

Cho nên, muốn biết vì sao Việt Nam có thể thắng Mỹ thì nghe những bài hát này là sẽ nhận ra, đây là những bài hát nói lên tâm hồn và khí phách Việt Nam thời chống Mỹ. Một dân tộc có tâm hồn như vậy thì làm sao mà thua được? Làm sao ai thắng được? Trừ phi diệt hết dân tộc Việt Nam thì mới có thể thắng được. Nhưng nếu diệt hết dân tộc VN thì lấy ai lao động cho tài phiệt Mỹ, lấy ai giúp tài phiệt Mỹ khai thác tài nguyên Việt Nam? Do đó, Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến không thể thắng của Mỹ.

Người ta có thể đánh thắng một quân đội, một nhà nước, chính phủ. Nhưng người ta không thể đánh thắng một dân tộc. Dù đó có là đạo quân trăm trận trăm thắng Tần Thủy Hoàng, binh mã vô địch thiên hạ Nguyên Mông, thực dân Pháp, hay không quân vô địch thế giới Hoa Kỳ. Và khi mà nhà nước, chính phủ đó có lòng dân, khi quân với dân là 1, thì không thể bại được, dù kẻ xâm lược có mạnh hơn gấp trăm lần đi nữa.

Mình cũng từng tìm kiếm trên Google, Youtube, tìm nghe các loại nhạc yêu nước, nhạc hành quân, nhạc chiến đấu, nhạc động viên của các quốc gia dân tộc khác, nhưng công tâm mà nói thì về chất lượng âm nhạc, về khả năng đi vào lòng người, gây rung động lòng người, thì những loại nhạc đó của họ còn kém rất xa so với nhạc cách mạng Việt Nam thời chống Mỹ.

Xin được nói vào vấn đề chính, một người thân trong nhà mình, là cựu chiến binh từng tham chiến trong kháng chiến chống Mỹ đang dự tính ra album nhạc cách mạng, gồm những bài hát trong thời chống Mỹ hoặc về đề tài KCCM.

Những bài hát cách mạng đặc sắc trong thời chống Mỹ thì có rất nhiều, nên mỗi album nhạc đều cần đặt trọng tâm trọng điểm vào một góc độ, khía cạnh nào đó, chứ không thể "ôm đồm" hết tất cả bài được. Công tác chọn nhạc sẽ theo hướng chú trọng vào những bài hát nào mà không quá nổi tiếng trong cả nước mà trở thành những bài hát cộng đồng hầu như đi đâu cũng thấy hát (trường học, tiệc tùng, đám cưới, sinh hoạt nhóm, hoạt động tình nguyện, cắm trại, hướng đạo....) như mấy bài "Xa khơi", "Tình ca", "Người con gái sông La", "Tiếng chày trên sóc Bom Bo", "Xuân chiến khu", "Cuộc đời vẫn đẹp sao", "Bài ca người giáo viên nhân dân", "Tự nguyện", "Bác đang cùng chúng cháu hành quân", "Đất nước trọn niềm vui", "Như có Bác trong ngày đại thắng"....

Những bài hát đã có quá nhiều người biết như vậy sẽ không được đưa vào album, vì mục tiêu của cụ là muốn giới thiệu những bài hay mà chưa có quá nhiều người biết, theo hướng tôn vinh cái cao đẹp, cao quý, cái chân-thiện-mỹ trong thời kỳ này đến người nghe. Nhằm nhẹ nhàng thức tỉnh, cảnh tỉnh lại một số lối sống lạc điệu, lệch hướng, thậm chí sa đọa, cục súc, xôi thịt, thiếu lý tưởng trong một bộ phận thanh niên tuổi trẻ ngày nay.

Có những bài đã từng nổi tiếng trong thời chiến nhưng bởi nguyên nhân nào đó mà nó bị quên lãng một thời gian, rồi sau đó lại thịnh hành trở lại từ những cơ duyên rất.... không giống ai. Như bài Từ một ngã tư đường phố của nhạc sĩ Phạm Tuyên, một bài hát có âm điệu vừa thanh thoát vừa khí thế, nói lên sức sống mãnh liệt trên các đường phố đô thị ở hậu phương lớn miền Bắc trong thời chống Mỹ. Khi nghe bài hát này - dù nội dung bài không nói gì đến Trường Sơn, đến tiền tuyến lớn miền Nam - thì người nghe vẫn hiểu được vì sao mà hàng hàng lớp lớp thanh niên thiếu nữ ngày ngày đội bom chi viện cho miền Nam, bất chấp bao nhiêu loại hình chiến tranh công nghệ cao, bất chấp bao nhiêu hàng rào điện tử McNamara, tất cả những vũ khí công nghệ cao của Mỹ đều không có cách nào ngăn được những đoàn người. Có một hậu phương khí thế và vững chắc như vậy thì tiền tuyến cũng sẽ không chịu thua và trước sau gì cũng sẽ giành chiến thắng.

Sau ngày giải phóng, bài Từ một ngã tư đường phố vì nguyên nhân nào đó mà không được giới thiệu nhiều đến công chúng, nó trở thành bài hát chính trong vài chương trình truyền hình về an toàn giao thông, nhưng âm nhạc chỉ cất lên một thời gian ngắn và hòa âm cũ kỹ không được tốt lắm nên có lẽ vì thế chưa gây được ấn tượng lắm đối với giới trẻ.

Đến khi trong chương trình "Gặp Nhau Cuối Năm" năm 2009, khi các "táo quân", "Nam Tào", "Bắc Đẩu" mạo hiểm dùng âm điệu tuyệt vời của bài này để hát trong chương trình thì mọi người đua nhau tìm hiểu xem đây là bài gì mà không biết. Không phải nhạc trẻ, không phải nhạc tình, không phải nhạc nước ngoài, vậy thì là bài gì mà hay vậy. Lúc đó mọi người trên Youtube cứ comment dưới chương trình Táo Quân 2009 hỏi đây bài gì. Một số người lớn tuổi hơn biết thì trả lời. Rồi sau đó đến khi nhóm nhạc Mắt Ngọc, là nhóm nhạc nổi tiếng trong làng nhạc trẻ trình bày bài này trong chương trình kỷ niệm ngày thành lập Công an Nhân dân Việt Nam thì bài này trở nên thịnh hành.

Nếu tra Google có thể thấy trước năm 2009 thì số lượng bài hát Từ một ngã tư đường phố được up lên các trang nhạc là.... 0, không có bài nào được up lên. Các CD nhạc cách mạng mới cũng không hát nó. Nhưng sau năm 2009, một số người up lại các bản cũ, bản của nhóm Mắt Ngọc trình bày được phổ biến rộng rãi, sau đó là Đăng Dương, Lan Anh cũng trình bày. Từ đó các fans trong các trang nhạc đều up bài này lên với số lượng lớn. Từ một bài hát ít người biết đến hầu như ai cũng biết.

Ngoài ra, những bài được chọn là những bài mà khi nghe nội dung thì người nghe cảm nhận ra được bối cảnh, không khí thời chống Mỹ. Những bài hát mà vẽ lại được bức tranh tổng thể của thời hào hùng đó. Chứ không chọn những bài nói cụ thể vào một nhân vật, tổ chức, đơn vị, chiến dịch. Chứ nếu chọn luôn những bài đó thì nội những bài hát về Bác Hồ trong thời chống Mỹ thì đã có 5, 6 bài hay rồi.

Về mặt âm nhạc, hòa âm, thì album sẽ đặt trọng tâm vào chất lượng âm nhạc, vào những bài trữ tình cách mạng có âm hưởng nhẹ nhàng, thanh thoát, êm dịu, tình cảm, có sức lay động lòng người. Nghĩa là nhạc cách mạng nhưng không phải là "nhạc nghi lễ", "nhạc chiến tranh", "nhạc chiến đấu", "nhạc hành quân". Cụ được các con cháu giúp đỡ nhiệt tình và hiện đang trong quá trình thăm dò thị hiếu người nghe.

Đang nghe mấy bài nhạc hay tự nhiên nhớ ra vụ album nhạc này. Mình nghĩ mình cũng có một cái blog như người ta, vậy thì tại sao chúng ta không góp một tay cho việc thăm dò sở thích người nghe. Đây là những bài hát theo yêu cầu nói trên mà mình chọn để thăm dò ý kiến trong blog này. Đây đều là những bài hát thuộc những tác phẩm hay nhất với những bản ưng ý nhất tìm thấy trên Internet. Như bài Câu hát bông senBài ca hy vọng, nhiều năm trước mình từng giới thiệu vài bài nhạc đỏ và nhạc dân ca Việt Nam cho ông thầy dạy nhạc người Mỹ nghe, và ông ta đã mê 2 bài này. Ông ta chuyên nghe Celine Dion, Shania Twain, Faith Hill và cũng là một thính giả khó tính mà vẫn phải đánh giá cao hai tác phẩm này về thuần túy âm nhạc. Một bài chân tình, mộc mạc, bình dị, một bài sang trọng, thoát tục, tao nhã. Chất lượng âm nhạc đều tuyệt vời.

Về lời nhạc thì bài Câu hát bông sen có câu thơ mở đầu rất tuyệt vời. Mình đã nghe nhiều bài trong nhiều thể loại nhạc Ta - Tây - Tàu nhưng chưa thấy bài nào có câu mở đầu ấn tượng như vậy: "Mưa nắng bao năm anh đi trả thù cho non nước, giặc về phá nát quê ta nhưng không hết được sen trên đồng ta.... Trên đồng ta sen vẫn nở hoa, hai mùa mưa nắng thiết tha, hương thơm càng lộng gió bay xa....".

Có những người nhầm lẫn bảo rằng đây là nhạc xưa, nhạc chiến tranh, thì ngày nay đã lỗi thời rồi. Nhạc thời chiến, nhạc thời xưa nhưng nó hội tụ, nó bao gồm những cái hay cái đẹp, cái chân-thiện-mỹ, nó có tác dụng động viên khuyến khích cái tích cực, cái tốt đẹp cho ngày nay thì nó vẫn có giá trị và nó vẫn hợp thời.

Trên thế giới có rất nhiều nhạc phẩm xuất sắc được sáng tác vào thời xưa, vào thời chiến, nhưng đến nay người ta vẫn hát. Nhạc cổ điển Beethoven, Mozart v.v. đến nay vẫn thịnh hành. Nhạc cách mạng, nhạc đỏ, tuy phần lớn được sáng tác trong thời xưa, thời chiến, nhưng các albums đang bán được và phát hành đều đều, tất cả các trang nhạc tư nhân trên Internet đều có phần dành cho thể loại nhạc cao quý này và các fans vẫn nghe và upload/download thường xuyên. Nhạc cách mạng trên zing, nhaccuatui, những bài hay đang có hàng triệu lượt nghe. Các clip nhạc cách mạng hay trên Youtube đang có hàng trăm ngàn lượt xem. Không ai bắt buộc hay kêu gọi gì cả, rõ ràng đây là một thị hiếu thật sự.

Khi nói đến âm nhạc, thì vấn đề là có nghe hay hay là không, quan trọng là có hay hay không, chứ vấn đề không nằm ở chỗ nó bao nhiêu tuổi, nó đã sáng tác được bao lâu, năm nào tháng nào. Trên thế giới này, trong đó có châu Á, Việt Nam, có rất nhiều ca khúc còn mãi với thời gian.

Đề nghị các bạn giúp ông cụ cựu chiến binh nhà mình góp phần thăm dò thị hiếu người nghe nhạc bằng cách nghe những bài hát sau đây và bình chọn 1 hoặc 2 bài hát mà các bạn thấy hay nhất: