Toàn cảnh cuộc đối đầu lịch sử Việt - Mỹ 1954-1975 (kỳ 1)

Kỳ 1: Bản chất một cuộc xâm lược không thể biện minh
(Kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước)

--------------------------------------------------------------------------

Mục lục:

Bản chất cuộc chiến Mỹ - Việt 1954-1975

1. Tính bất hợp pháp của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam

1A. Luật pháp Việt Nam

1B. Luật pháp Hoa Kỳ

1C. Luật pháp quốc tế

2. Bản chất một thuộc địa kiểu mới

2A. Bản chất và nguồn gốc của chính quyền Sài Gòn

3. Các nhân vật phía bên kia hé lộ bản chất cuộc chiến

4. Những trí thức bên ngoài chính phủ Mỹ nói về cuộc chiến


--------------------------------------------------------------------------



Thấm thoát đã 38 năm trôi qua, trên đất Việt ngày nay đã không còn khói lửa chiến chinh. Nhưng trong tâm khảm của nhiều người Việt Nam, nhất là những người được sống, được chứng kiến, được hòa mình vào cuộc chiến bi hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vẫn vang vọng bản hùng ca đầy cảm khái.

Cách đây 38 năm, người Việt Nam đã hoàn thành một trong những kỳ tích chiến công hiển hách nhất trong lịch sử Việt Nam và thế giới, khiến cho dư âm cuộc chiến này vẫn vang vọng khắp năm châu trong thế giới ngày nay.

Vào những ngày cuối tháng tư 38 năm về trước, những người Mỹ cuối cùng trên đất Việt buộc phải chấm dứt hoàn toàn mọi hình thức xâm lược và rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Sự thương vong và thiệt hại nặng nề của Mỹ đã không giúp cho ý đồ nào của họ đạt được. Họ đến xứ Việt xa xôi cách nước Mỹ nửa vòng trái đất, với gần 60 vạn binh hùng tướng mạnh, nhưng họ đã phải ra đi với hai bàn tay trắng và bỏ lại sau lưng gần 6 vạn xác binh tướng viễn chinh, trong đó có 37 người cấp tướng. Chưa có một cuộc chiến nào trong quân sử Hoa Kỳ mà số binh lính và các tướng chết trận nhiều như vậy. Đến nỗi sau này chính phủ Mỹ đã cho xây Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Washington DC, để tưởng niệm những quân nhân Mỹ đã tử trận ở Việt Nam.

Ba chiến lược chiến tranh (chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh), 2 chiến lược tác chiến (Tìm và Diệt của tướng William Westmoreland và Quét và Giữ của tướng Creighton Abrams), chiến thuật Trực thăng vận, Thiết xa vận của Mỹ đều bị phá sản trên chiến trường Việt Nam.

Trong quá trình xâm lược Việt Nam, với ý chí quyết thắng bằng mọi giá, Mỹ đã sáng tạo, nghiên cứu nhiều công nghệ mới, đặc chế nhiều vũ khí, công cụ chiến tranh mới. Họ đã nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng 3 loại hình chiến tranh công nghệ cao: Chiến tranh điện tử (electronical warfare), chiến tranh hóa học (chemical warfare) và chiến tranh khí tượng (weather warfare). Trong đó, chiến tranh điện tử và chiến tranh khí tượng là lần đầu tiên quân đội Mỹ áp dụng trong chiến sử Hoa Kỳ. Song tất cả nỗ lực đó đều thất bại trên chiến trường Việt Nam.

Bản chất cuộc chiến Mỹ - Việt 1954-1975

Đó là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ và là cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Mỹ để bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam. Việt Nam đã giành độc lập vào năm 1945, nên cuộc chiến tranh này (cũng như cuộc chiến chống Pháp từ năm 1945 đến 1954) không phải là cuộc chiến giành độc lập mà là cuộc chiến giữ gìn độc lập và bảo vệ Tổ quốc, chống sự xâm lược và chiếm đóng của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, giành lại hoàn toàn độc lập chủ quyền dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Không phải chỉ có người Việt Nam mới có nhận định này, mà đây cũng là nhận xét chung của đông đảo trí thức, học giả, sử gia, nhà nghiên cứu, chính trị gia, nhà quân sự trên thế giới, bao gồm cả người Mỹ, trong đó có cả những cựu quân nhân chiến tranh Việt Nam của Mỹ và cựu quân nhân quân đội Sài Gòn.

Nguyên nhân có cuộc chiến từ năm 1954 đến 1975 là do Mỹ đã xâm lược và chiếm đóng nửa nước Việt Nam. Bản chất cuộc chiến này là một cuộc chiến tranh tự vệ, đánh đuổi giặc xâm lược từ bên ngoài, giữa quân dân Việt Nam ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam và gần 60 vạn quân viễn chinh từ Hoa Kỳ cùng các chư hầu, ngụy quân của họ.

Ngụy quyền và ngụy quân Sài Gòn đầu tiên do giặc xâm lược thực dân Pháp lập ra trong cuộc chiến cướp lại thuộc địa của họ, sau đó được Mỹ nắm lấy. Ngụy quyền Sài Gòn không có thực quyền, là những bù nhìn, con rối của chính phủ Pháp - Mỹ. Các ngụy quyền cờ ba sọc ở miền Nam dưới bàn tay 2 mẫu quốc chưa bao giờ hội đủ các nhân tố, đặc tính, thực lực, thực quyền, giá trị, căn cước của một quốc gia đúng nghĩa, của một đất nước có đầy đủ chủ quyền, có đủ sự độc lập về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa.

Cả bộ máy ngụy quyền được giặc xâm lược tạo dựng một cách bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam (theo Hiến pháp 1946 và 1959), và vi phạm tất cả các hiệp định pháp lý mà các bên liên quan đã ký (theo hiệp định Genève 1954 và hiệp định Paris 1973). Pháp - Mỹ đã dựng và nuôi những "quốc gia" lên trên quốc gia Việt Nam đã tồn tại mấy ngàn năm và đã phục hưng nền độc lập tự chủ từ năm 1945. Họ đã dựng và nuôi những "nhà nước" lên trên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập từ 1945. Họ tạo ra những "Quốc hội" lên trên Quốc hội đã tổ chức bầu cử toàn dân toàn quốc vào năm 1946.

Bản chất của cuộc chiến tranh này cũng như bản chất của các bên không liên quan đến kết quả thắng thua. Trong lịch sử Việt Nam và thế giới có nhiều kẻ thắng không thành chính nghĩa, người thua nhưng không ai coi là giặc, trái lại được coi là anh hùng. Như người ta hay nói: "Không thể lấy thành - bại luận anh hùng". Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngay trong lúc cuộc chiến đang diễn ra, chưa có kết quả thắng - bại, thì nhân dân cả nước, trước hết là người dân miền Nam đã xem các chính quyền bù nhìn của giặc là những ngụy quyền, và gọi họ là "bọn ngụy".

Nhiều trí thức, học giả, nhà nghiên cứu trên thế giới, kể cả nhiều người nằm trong chính phủ Mỹ và ngụy quyền của Mỹ, những người thua trận, những người khách quan trung lập bên ngoài không liên quan đến cuộc chiến, những người không ở trong chính phủ Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam, không thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban tuyên giáo, hay thuộc các nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa Việt Nam, hay thuộc các nhóm sử gia trong ngành sử học Việt Nam, cũng có quan điểm tương đồng với quan điểm chính thức của nhà nước Việt Nam và quan điểm chính thống của đại khối dân tộc Việt Nam.

1. Tính bất hợp pháp của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam

Đã là chiến tranh xâm lược, nước này gây hấn trước, đem quân tấn công, tiến đánh nước kia vì các mục đích và lợi ích của họ thì ít nhiều gì nó đã có tính chất bất hợp pháp. Nhưng tính chất bất hợp pháp của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam thì lại ấn tượng và dễ thấy hơn nhiều so với các cuộc chiến phức tạp khác.

Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã vi phạm luật pháp Việt Nam, luật pháp Hoa Kỳ, và luật pháp quốc tế. Mỹ trực tiếp đổ quân vào Việt Nam và tấn công những vùng giải phóng của miền Nam, xâm phạm không phận, hải phận và dội bom phá hoại miền Bắc. Đến năm 1969, số lượng thực binh Mỹ ở Việt Nam đã lên đến hơn 55 vạn quân. Và sự đổ quân xâm nhập, trực tiếp tiến hành chiến tranh này là một hành động tự tiện mà không theo bất kỳ một hiệp định ký kết, một văn kiện chính thức, một điều luật quốc tế, hay bất kỳ cơ sở pháp lý chính danh nào.

1A. Luật pháp Việt Nam

Nói đến tính chính danh và hợp pháp ở Việt Nam thiết nghĩ cần nhìn lại lịch sử Việt Nam. Lực lượng cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản Việt Nam đã đấu tranh giành độc lập trong thời Pháp thuộc, đấu tranh ở cả trong và ngoài nước. Năm 1930, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thống nhất các đảng phái cộng sản ở Việt Nam lại thành 1 Đảng tiền phong. Sau đó lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập các Mặt Trận đoàn kết khác nhau để chống Pháp - Nhật giành độc lập, trong đó nổi tiếng nhất là Mặt trận Việt Minh.

Năm 1944, Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng như Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (lực lượng nòng cốt, đấu tranh chính trị có vũ trang), quân du kích Nam Kỳ, Đội du kích Bắc Sơn, Đội du kích Ba Tơ, Cứu quốc quân v.v. lại thành một quân đội chính thức của quốc gia, là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau này.

Trong thời kỳ này, lực lượng cách mạng Việt Nam đã đi đầu và lãnh đạo nhân dân Việt Nam chống Pháp - Nhật trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), phong trào dân chủ Đông Dương (1936-1939), khởi nghĩa lớn ở Nam Kỳ (1940), khởi nghĩa Bắc Sơn (1940), cao trào kháng Nhật cứu nước (1945 - phá kho thóc cứu dân, mở Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, mở rộng đấu tranh ở nông thôn, thành thị và các khu công nghiệp), khởi nghĩa Ba Tơ chống Nhật (1945).

Năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (trước đó tên là Tân Việt Cách mạng Đảng), và An Nam Cộng sản Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, cuộc kháng chiến ở Việt Nam với hạt nhân là lực lượng công nhân và nông dân đã chuyển biến mạnh mẽ. Đến tháng 9 năm 1930, đã có hàng loạt cuộc đấu tranh quy mô lớn. Nông dân Nghệ-Tĩnh đã vũ trang tấn công vào bộ máy cai trị của chế độ thuộc địa, tiêu biểu như: Biểu tình của hơn 3.000 nông dân huyện Nam Đàn (30/8/1930), của gần 20.000 nông dân huyện Thanh Chương (1/9/1930), của hơn 3.000 nông dân huyện Can Lộc (7/9/1930)...., đỉnh cao là cuộc biểu tình đẫm máu ngày 12/9/1930 của khoảng 8.000 nông dân phủ Hưng Nguyên kéo đến phủ lỵ với những khẩu hiệu: "Đả đảo chủ nghĩa đế quốc! Đả đảo phong kiến! Bỏ sưu thuế, chia ruộng đất". Thực dân Pháp dùng máy bay ném bom giết chết 217 người.

Cuộc nổi dậy Xô viết Nghệ Tĩnh kéo dài tới năm 1931, dẫn tới sự tan rã bộ máy ngụy quyền địa phương của thực dân và hình thành các chính quyền nhân dân. Tại Nghệ An, tổ chức Nông hội đã nắm chính quyền ở các xã thuộc huyện Thanh Chương, Nam Đàn, một phần Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Diễn Châu. Tại Hà Tĩnh, các huyện Can Lộc, Thạch Hà và Đức Thọ có 172 xã thành lập chính quyền cách mạng.

Khí thế của Xô viết Nghệ Tĩnh nhanh chóng lan rộng trong cả nước. Chỉ trong tháng 9 và tháng 10 năm 1930, cả nước có 362 cuộc đấu tranh. Cuối cùng, do vũ khí thô sơ, thiếu kinh nghiệm tổ chức, thực dân Pháp xua quân tấn công, lực lượng nghĩa quân bị đàn áp và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tan rã.

Năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trong hoàn cảnh nước Pháp bị bại trận trong Thế chiến II, phát xít Nhật xâm chiếm Đông Dương. Ngày 23 tháng 11, khởi nghĩa đã diễn ra ở Mỹ Tho, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Bạc Liêu.... đã gây nhiều tổn thất nặng cho giặc ngoại xâm và gây tiếng vang lớn. Nhưng sau đó Pháp - Nhật thẳng tay đàn áp cuộc khởi nghĩa, hàng ngàn người bị giết và bị bắt, nhiều làng bị đốt phá, nhiều cán bộ đảng viên cao cấp như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai.... bị xử tử. Lực lượng khởi nghĩa một số rút được về U Minh, Đồng Tháp.

Biểu tượng của Nam Kỳ khởi nghĩa



Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam và trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chống Pháp - Nhật. Sau một thời gian nắm tình hình trong nước và chuẩn bị, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần VIII Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941 trong rừng Khuổi Nậm, thuộc Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, vào ngày 19 tháng 5 năm 1941, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh). Đây là một mặt trận đoàn kết dân tộc do Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập và lãnh đạo để thực hiện nhiệm vụ trước mắt, đó là chống Pháp - Nhật giành độc lập và thống nhất đất nước.

Tối 9/3/1945, Nhật chính thức đảo chính Pháp (chính quyền chống phát xít của Pháp do Charles de Gaulle lãnh đạo) trên toàn bán đảo Đông Dương. Sau khi độc chiếm Đông Dương, chính phủ Nhật liền thi hành chính sách mua chuộc, hứa hẹn mị dân, quảng bá thuyết Đại Đông Á, kết hợp với chính sách đàn áp bằng võ lực.

Về chính trị, Nhật tuyên bố trao trả "độc lập" cho Việt Nam, dựng lên "Đế quốc Việt Nam", đưa lên cựu hoàng Bảo Đại và nhà nho Trần Trọng Kim, giữ nguyên bộ máy cai trị thuộc địa của Pháp và thay người Nhật vào vị trí người Pháp. Nhật cho quân đội tấn công vào các chiến khu và cơ sở cách mạng của Việt Minh.

Về kinh tế, Nhật chiếm các cơ sở kinh tế của chế độ cũ, in giấy bạc mới tung ra thị trường, cướp lấy tài nguyên, hàng hóa, lương thực và cướp đoạt tài sản dân chúng; làm cho nền kinh tế Đông Dương bị kiệt quệ, cuộc sống người dân điêu đứng. Giá gạo ở Bắc Kỳ vào tháng 10/1944 còn là 1.150 đồng/tạ, thì đến tháng 2/1945 là 1.000 đồng/tạ. Tình trạng đó đã dẫn đến nạn đói Ất Dậu, làm gần 2 triệu người bị chết đói.

Ngày 12 tháng 3 năm 1945, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ và chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa (Cách mạng tháng tám).

Phong trào đã diễn ra mạnh mẽ và tấn công Nhật toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, quân sự trên khắp các thành thị, nông thôn và miền núi. Phong trào đã chiếm giữ được nhiều vùng rộng lớn, hình thành nhiều căn cứ Việt Minh.

Quân đội Nhật đã mở các cuộc càn quét, bình định, tấn công mạnh vào những vùng giải phóng. Lực lượng Việt Minh, các đội dân quân - tự vệ, du kích đã chống trả quyết liệt, tiêu biểu là các trận đánh bảo vệ chiến khu Vần, chiến khu Hiền Lương và chiến khu Trần Hưng Đạo. Tại các đô thị, các phong trào đấu tranh của công nhân, học sinh, viên chức dâng cao. Nhiều tổ chức công nhân cứu quốc được xây dựng ở nhiều xí nghiệp. Cao trào kháng Nhật hoạt động sôi nổi khắp ba miền.

Việt Minh thực hiện khởi nghĩa chống Nhật từng phần, mở rộng căn cứ địa, làm tiền đề tiến lên tổng khởi nghĩa (Cách mạng tháng tám). Phong trào đã giải phóng được nhiều vùng rộng lớn từ tay Nhật, hình thành nhiều vùng giải phóng, trong đó có Khu Giải phóng Việt Bắc - bao gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, và một số vùng ở Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái.

Để đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật, Đảng Cộng sản Đông Dương đã triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Hội nghị họp từ ngày 15 đến 20/4/1945 tại huyện Hưng Hóa (Bắc Giang), do ông Trường Chinh chủ trì. Tham dự Hội nghị có đại diện từ nhiều chiến khu khác nhau, do xứ ủy Bắc Kỳ lãnh đạo, như chiến khu Quỳnh Lưu (Khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu).

Hội nghị này quyết định phát triển lực lượng vũ trang và bán vũ trang, thống nhất các tổ chức vũ trang thành Việt Nam Giải phóng quân, xây dựng 7 chiến khu chống Nhật trong cả nước: Chiến khu Lê Lợi, Quang Trung, Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, Trưng Trắc, Phan Đình Phùng (miền Trung) và Nguyễn Tri Phương (miền Nam).

Hội nghị cử ra Ủy ban quân sự cách mạng gồm Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn. Ủy ban này chỉ huy các chiến khu ở miền Bắc Việt Nam, đồng thời có nhiệm vụ lãnh đạo và hỗ trợ toàn quốc về quân sự. Đến tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định về chiến khu Hoàng Hoa Thám và chọn Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) làm đại bản doanh chỉ đạo phong trào chống Nhật trên cả nước.

Ngoài các chiến khu do Tổng bộ Việt Minh ở trung ương và Xứ ủy ở địa phương chủ trương thành lập, nhiều tỉnh, huyện cũng xây dựng những khu căn cứ riêng của địa phương để chống quân đội Nhật, như Yên Thế (Bắc Giang), Lập Trạch (Vĩnh Yên), Bãi Sậy (Hưng Yên), Trầm Lộng (Hà Đông), Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Tam Kỳ, Quốc Sơn, Tiên Phước (Quảng Nam), Đá Trắng, Sông Quao (Ninh Thuận).

Khi phát xít Nhật đầu hàng phe Đồng Minh giữa năm 1945, thì trong những vùng tạm chiếm ở Việt Nam một khoảng trống quyền lực (chính quyền bù nhìn của Nhật chỉ có cái tên, không có quyền lực), Việt Nam có cơ hội lớn giành lại độc lập. Cơ hội này đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh và Việt Minh tận dụng.

Noi gương, rút kinh nghiệm và tiếp nối những thành quả của cao trào kháng Nhật và khởi nghĩa Ba Tơ, cũng như tất cả cuộc chiến đấu chống Pháp - Nhật trước đó, ngày 19 tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh tổ chức cuộc Cách mạng tháng Tám, vận động nhân dân xuống đường giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, bắt đầu từ Tổng khởi nghĩa Hà Nội rồi dần lan rộng ra khắp miền Bắc, miền Trung, miền Nam và cả nước.

Sáng ngày 26 tháng 8 năm 1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để ra mắt người dân và chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa.

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Bác Hồ mời một số người đến góp ý cho bản Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo. Ngày 31 tháng 8 năm 1945, Bác Hồ bổ sung thêm cho dự thảo Tuyên ngôn độc lập.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước nhân dân, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việt Nam chính thức phục hồi nền độc lập sau gần 100 năm ngoại thuộc.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc tập trung tổ chức cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 14 ngày 8 tháng 9 năm 1945 và sắc lệnh số 51 ngày 17 tháng 10 năm 1945 về tổ chức Tổng tuyển cử.

Quốc hội khóa I được bầu ngày 6 tháng 1 năm 1946 trên cả nước, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 89%. Đây cũng là cuộc bầu cử thể hiện rõ nhất lòng dân. Tại những vùng tạm chiếm ở miền Nam (do Pháp theo chân Anh vào giải giáp Nhật rồi ở lại không đi), nơi chiến sự vẫn còn xảy ra ác liệt, lá phiếu bỏ hòm có khi phải đổi bằng máu. Có 42 cán bộ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị chết trong công tác vận động bầu cử, trong đó có cả lãnh đạo khu Sài Gòn - Chợ Lớn là Nguyễn Văn Tư. Quân Pháp ở những vùng tạm chiếm (Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An) tấn công người đi bầu cử. Máy bay Pháp ném bom khu vực bầu cử ở Mỹ Tho, Khánh Hòa.

Theo sắc lệnh số 34-SL ngày 20 tháng 9 năm 1945, Ủy ban dự thảo Hiến pháp được thành lập. Bản dự án Hiến pháp đã được soạn thảo và công bố vào tháng 11 năm 1946. Ban dự thảo Hiến pháp (Tiểu ban Hiến pháp) được Quốc hội bầu ra ngày 2 tháng 3 năm 1946. Ban này tiếp tục nghiên cứu dự thảo hiến pháp.

Trong phiên họp ngày 29 tháng 10 năm 1946, Tiểu ban Hiến pháp được mở rộng thêm 10 đại biểu đại diện cho các nhóm, các vùng và đồng bào thiểu số để tu chỉnh dự thảo hiến pháp và trình ra Quốc hội ngày 2 tháng 11 năm 1946 để Quốc hội thảo luận, sửa chữa và thông qua.

Bản hiến pháp được Quốc hội Việt Nam khóa I thông qua vào ngày 9 tháng 11 năm 1946, tại kỳ họp thứ 2, với 240 phiếu tán thành trên tổng số 242 phiếu. Từ đó, Quốc hội Việt Nam đã hoạt động liên tục một cách hợp hiến, hợp pháp cho đến ngày nay.

Các văn bản, văn kiện có giá trị pháp lý sau đó như: Sắc lệnh 229/SL của chủ tịch Hồ Chí Minh quy định các cơ quan quân sự trên toàn cõi Việt Nam (bao gồm miền Nam Việt Nam) đều trực thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 11/1946, tuyên cáo 12 khu hành chính của VNDCCH (trên cả nước) cũng vào tháng 11/1946. Tất cả những văn kiện pháp lý đó đều minh định một nguyên tắc cơ bản: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, theo luật pháp Việt Nam, là một nước độc lập và thống nhất từ Bắc chí Nam.

Đoạn trên phải trình bày khá dài và đầy đủ như vậy là để cho thấy tính chính danh và hợp pháp rõ ràng và không thể tranh cãi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ trước năm 1945, trước kháng chiến chống Pháp, và còn để cho bạn đọc thấy rõ sự ấu trĩ của luận.điệu "Hồ Chí Minh và CSVN cướp quyền từ tay chính quyền Trần Trọng Kim" mà chúng ta đôi khi thấy ở những người cực đoan hoặc thiếu thông tin.

Hiến pháp 1959 cũng nhắc lại những nguyên tắc trên. Như vậy, bất kỳ thế lực bên ngoài nào xâm nhập lãnh thổ Việt Nam và tạo ra những "quốc gia" lên trên một quốc gia đã tồn tại hàng ngàn năm, dựng lên những "nhà nước" lên trên một Nhà nước đã thành lập từ năm 1945, lập ra những "quốc hội" lên trên Quốc hội khóa I đã tổ chức bầu cử toàn quốc từ năm 1946 thì đều là vi phạm luật pháp Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Tóm lại, sau khi Nhật đảo chính Pháp thì Việt Minh và quân đội Việt Nam đã tiến hành chống quân phiệt Nhật, kết quả cuối cùng là cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng tám giành chính quyền, giành thực quyền từ tay người Nhật về tay người Việt Nam, quân đội Việt Nam tước vũ khí, giải giáp một bộ phận quân đội Nhật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khôi phục nền độc lập của Việt Nam sau gần 100 năm Pháp thuộc và bị phát xít Nhật xâm lược, thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước khi các quân đội nước ngoài tiến vào với danh nghĩa giải giáp Nhật.

Việt Nam thành lập Nhà nước, tổ chức bầu cử Quốc hội trên cả nước, hoàn thành Hiến pháp, thành lập Chính phủ, khẳng định chủ quyền độc lập và thống nhất toàn quốc trong thời gian 1945-1946, trong lúc ngụy quyền "Quốc gia Việt Nam" và "Việt Nam Cộng hòa" của Pháp - Mỹ không tồn tại, và đến năm 1949 mới được thực dân Pháp dựng lên trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tái chiếm thuộc địa.

Như vậy, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hồ Chí Minh có cơ sở lịch sử và các chứng cứ, văn kiện pháp lý cho thấy tính hợp pháp, danh chính ngôn thuận của mình. Và hành động của Mỹ xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở miền Nam, phá hoại việc thực thi hiệp định Genève 1954 để thống nhất Việt Nam, thu nhận và sử dụng ngụy quyền mà Pháp đã sử dụng và để lại, thực hiện chia cắt Việt Nam, rồi lần lượt đưa hơn 60 vạn quân Mỹ và chư hầu vào mở rộng chiến tranh xâm lược, xua quân tấn công những vùng giải phóng, dội bom phá hoại, gây các tội ác v.v. đều là những hành động vi phạm luật pháp Việt Nam.

Những bằng chứng lịch sử đó đã tồn tại trong lúc trên đất Việt không tồn tại bất kỳ 1 quốc gia, nhà nước, chính thể nào khác, và cả sau này cũng không có một "quốc gia" nào khác được bầu ra theo một thể thức như vậy, mà mang tính toàn quốc, và đậm ý chí toàn dân đến như vậy.

1B. Luật pháp Hoa Kỳ

Có lẽ Hoa Kỳ coi các chính quyền bù nhìn ở miền Nam Việt Nam như là một loại tay sai rẻ tiền nên đã không ký bất kỳ văn kiện nào về việc thiết lập căn cứ quân sự, đóng quân ở nước sở tại, ví dụ hiệp định Phòng thủ chung, hay thỏa ước về Trạng thái đóng quân (SOFA - Status of forces agreement), hay hợp đồng cho thuê lãnh thổ, mà Mỹ đã ký với các nước khác nơi họ đóng quân, theo thông lệ quốc tế.

Tất cả danh nghĩa pháp lý mà Mỹ biện minh cho các hành động quân sự ở Việt Nam là Nghị quyết Đông Nam Á, Luật 88-408 (tên thông dụng là Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ), một nghị quyết được Lưỡng viện Mỹ thông qua ngày 7/8/1964 vì bị lừa dối bởi các báo cáo bịa đặt của tổng thống và chính phủ, sau khi chính phủ Mỹ công bố cái gọi là "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" 3 ngày trước đó.

Ngày 2/8/1964, hải quân và không quân Mỹ xâm phạm vịnh Bắc Bộ và tấn công bắn hư 3 tàu chiến của Việt Nam, gây thương vong cho 10 chiến sĩ hải quân Việt Nam. Ngày 4/8/1964, người Mỹ tưởng tượng ra một cuộc tấn công trả đũa của Hải quân Nhân dân Việt Nam, rồi công bố nó như là một dữ kiện có thật. Sau đó tổng thống Lyndon Johnson và chính phủ Mỹ đã gọi "trận hải chiến" hư cấu này là "Gulf of Tonkin incident" (Sự kiện Vịnh Bắc Bộ).

"Sự kiện" này sau đó đã trở thành danh nghĩa chiến tranh của đế quốc Mỹ, trở thành lời biện hộ cho cuộc chiến của giới diều hâu Mỹ, và thuyết phục được Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Đông Nam Á, tạo cơ sở pháp lý theo luật pháp Hoa Kỳ để leo thang chiến tranh xâm lược, đổ quân vào Việt Nam cứu nguy hệ thống thuộc địa kiểu mới đang rạn nứt, lung lay và trên đà sụp đổ.

Đây là cơ sở để tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tiến hành chiến tranh phá hoại tại miền Bắc Việt Nam và leo thang chiến tranh, bắt đầu chuyển đổi chiến lược từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam.

Vụ lừa dối về "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" được chính người Mỹ lần lượt làm rõ theo các mốc thời gian sau đây:

Năm 1981, nhà báo Robert Scheer kiểm tra, đối chiếu lại nhật ký hàng hải của thuyền trưởng Herrick trên tàu chiến USS Maddox DD-731 với báo cáo ngày 4 tháng 8 của ông về một vụ "đột kích rõ ràng" của hải quân Việt Nam, thì phát hiện ra trong nhật ký hàng hải của con tàu vốn không có ghi lại sự kiện đó.

Tàu chiến USS Maddox DD-731 của hải quân Hoa Kỳ.



Năm 2001, chính phủ Mỹ đã bạch hóa một cuốn băng ghi âm, trong đó tổng thống Lyndon B. Johnson khi nói chuyện riêng với các cộng sự vào năm 1965 đã gián tiếp thừa nhận không có tàu chiến Việt Nam nào xuất hiện gần hải quân Mỹ trong ngày 4/8/1964. Johnson nói đùa: "Theo tất cả những gì tôi biết, hải quân của chúng ta đã bắn vào cá voi ở đó."

Trong phim tài liệu Mỹ The Fog of War (Khói lửa chiến tranh) năm 2003, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara thừa nhận "cuộc tấn công của Bắc Việt" trong ngày 4 tháng 8 năm 1964 là chưa bao giờ xảy ra.

Các giải mật khác sau này, trong đó có một báo cáo năm 2005 của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ/Cục An ninh Trung ương (National Security Agency/Central Security Service - NSA/CSS) khẳng định cuộc tấn công đêm 4/8/1964 là không có thật.

Tháng 10 cùng năm, Thời báo New York (New York Times) đã cho biết ông Robert J. Hanyok, chuyên viên sử học của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), đã kết luận rằng cơ quan này đã từng cố tình bóp méo các báo cáo tình báo với ngành lập pháp (quốc hội) về sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

Tháng 1 năm 2008, Hiệp hội các Nhà khoa học Hoa Kỳ (FAS) cho biết NSA đã giải mật bản báo cáo Spartans in Darkness (Người Xpác-tơ trong Bóng tối), trong đó khẳng định Hải quân Nhân dân Việt Nam không hề tấn công tàu chiến Hoa Kỳ trong đêm 4 tháng 8 năm 1964.

Ngày 14/7/2010, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ và Thượng nghị sĩ John Kerry (từng là ứng cử viên Tổng thống, hiện là Bộ trưởng ngoại giao), chủ tịch Ủy ban, đã công bố 1.165 trang hồ sơ được giải mật về cuộc chiến Mỹ - Việt. Tài liệu cho thấy, một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thời đó đã phản đối hoặc thắc mắc về việc họ bị vô hiệu hóa, bị thông tin sai lệch từ chính phủ về sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Hồ sơ được giải mật là bản ghi các cuộc điều trần và các cuộc họp trong hai năm 1967-1968, do chuyên gia sử học của Thượng viện Hoa Kỳ là D. Ritchie ghi lại.

Trong một phiên họp khác, thượng nghị sĩ Al Gore (cựu phó Tổng thống, ứng cử viên Tổng thống) cảnh báo: "Nếu đất nước này bị lừa dối, nếu Ủy ban này, Quốc hội này cùng bị lừa dối vì bị người ta dựng lên một sự kiện không có thật để tiến hành một cuộc chiến tranh làm hàng ngàn thanh niên bị chết vô nghĩa, và còn nhiều ngàn người nữa bị tàn tật suốt đời, thì đất nước đó đã mất đi uy tín, đạo đức, vị thế trên thế giới, và hậu quả sẽ rất nặng nề".

Tất cả các bằng chứng, các hồ sơ được giải mật đó đã cho thấy rằng về luật pháp Hoa Kỳ, thì cuộc chiến vốn đã xuất phát từ một cơ sở dối trá, ngay từ trước khi Mỹ đổ đại quân vào Việt Nam. Sự dối trá này cộng với nhiều báo cáo dối trá khác đã bộc lộ sau chiến dịch Mậu Thân đã làm cho giáo sư tiến sĩ sử học Mỹ Larry Berman phải nói: Toàn bộ cuộc chiến này dựa trên cơ sở của một lời dối trá.

Như vậy, các hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn 1965-1973, là vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, lừa dối Quốc hội, và sử dụng quân đội Mỹ ở Việt Nam một cách bất hợp pháp theo luật pháp của chính Hoa Kỳ. Có lẽ vì vậy mà cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam mới bị nhân dân Mỹ chống đối với mức độ cao như thế, nhất là trong giới trí thức, luật gia.

Phong trào chống Chiến tranh Việt Nam tại Mỹ có tầm vóc quy mô và có sức lan tỏa hơn hẳn so với các cuộc chiến khác của Mỹ. Nhiều người Mỹ mơ hồ nhận ra đây là một cuộc chiến có gì đó mờ ám, bất hợp pháp, không minh bạch ngay từ đầu, dù lúc đó các hồ sơ về sự kiện Vịnh Bắc Bộ chưa được đưa ra ánh sáng. Nếu không có sự nghi ngờ và áp lực từ một bộ phận đại biểu trong Quốc hội Mỹ thì có lẽ "cuộc tấn công" tưởng tượng ngày 4/8/1964 đã không bị phát hiện và vạch trần.

1C. Luật pháp quốc tế

Sau kháng chiến chống Pháp, hiệp định Genève về Đông Dương cũng chỉ công nhận giới tuyến quân sự tạm thời trong 2 năm để chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước, tạm chia làm 2 vùng tập trung quân sự cho quân đội hai phía Việt - Pháp tập kết chứ không nói gì đến vấn đề thay đổi lãnh thổ.

Theo hiệp định này, vĩ tuyến 17 không phải là làn ranh có ý nghĩa về lãnh thổ hay chính trị. Hiệp nghị này không có ý nghĩa chia đôi đất nước về lãnh thổ và chính trị. Bản thân hiệp định Genève 1954 không hề chia cắt đất nước thành hai quốc gia. Đây không phải là hiệp định chia cắt đất nước như một số người thiếu thông tin đã nhầm lẫn, mà là hiệp định lập lại hòa bình, độc lập và thống nhất của 3 nước Đông Dương, Pháp rút quân trong 2 năm và tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam năm 1956.

Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954 có hai phần: Phần "Thỏa hiệp" và phần "Tuyên bố Cuối cùng" (Final Declaration).

Phần "Thỏa hiệp", gồm 47 điều khoản, được ký kết giữa Henri Delteil, Quyền Tổng tư lệnh lực lượng Liên hiệp Pháp và Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng quốc phòng VNDCCH. Phần này có những điều khoản chính như sau:

  • Thiết lập một đường ranh giới quân sự tạm thời tại vĩ tuyến 17 (Provisional Military Demarcation Line) để quân đội hai bên rút quân về: Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam ở trên vĩ tuyến 17, lực lượng quân đội Liên hiệp Pháp (French Union), bao gồm lính Pháp và lính bản xứ ở dưới vĩ tuyến 17.


  • Sẽ có một cuộc tổng tuyển cử tự do trên toàn cõi Việt Nam vào năm 1956. Quân đội Pháp phải rời khỏi Việt Nam trong 2 năm.


Bản "Tuyên bố cuối cùng" gồm 13 đoạn, nói đến cả sự thống nhất và độc lập của 3 nước Đông Dương, trong đó có một đoạn đáng để ý và cực kỳ quan trọng:

Đoạn (6) (Paragraph (6)) nguyên văn như sau:

"Hội Nghị nhận thức rằng mục đích chính yếu của Thỏa Hiệp về Việt Nam là dàn xếp những vấn đề quân sự trên quan điểm chấm dứt những đối nghịch quân sự và rằng ĐƯỜNG RANH GIỚI QUÂN SỰ LÀ TẠM THỜI VÀ KHÔNG THỂ DIỄN GIẢI BẤT CỨ BẰNG CÁCH NÀO ĐÓ LÀ MỘT BIÊN GIỚI PHÂN ĐỊNH VỀ CHÍNH TRỊ HAY ĐẤT ĐAI. Hội Nghị bày tỏ sự tin tưởng là thi hành những điều khoản trong bản Tuyên Ngôn này và trong Thỏa Hiệp ngưng chiến sẽ tạo nên căn bản cần thiết để trong tương lai gần đạt tới một sự dàn xếp chính trị ở Việt Nam".


Và phần đầu của đoạn (7) nguyên văn như sau:

"Hội Nghị tuyên cáo rằng, về Việt Nam, sự dàn xếp những vấn đề chính trị, thực hiện trên căn bản tôn trọng những nguyên tắc về nền độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ khiến cho người dân Việt Nam được hưởng những quyền tự do căn bản, bảo đảm bởi những định chế dân chủ được thành lập như là kết quả của một cuộc tổng tuyển cử bằng phiếu bầu kín." (sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 7, 1956).


Tổng kết nội dung cơ bản của Hiệp ước Genève về Đông Dương:

  • Các nước tham gia hội nghị tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào.


  • Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương.


  • Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (bao gồm cả người miền Nam) tập kết về miền Bắc; Chính quyền và quân đội Liên hiệp Pháp (bao gồm cả người miền Bắc) tập kết về miền Nam.


  • 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung. Dân chúng được tự do đi lại giữa hai miền.


  • 2 năm sau, tức ngày 20 tháng 7 năm 1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất lại Việt Nam.


Nhưng không có cuộc tổng tuyển cử nào diễn ra được, Mỹ đã từ hậu trường nhảy ra sân khấu, xuyên tạc nội dung hiệp định và phá hoại việc thi hành hiệp định. Ém nhẹm, xuyên tạc những nội dung chính của hiệp định với người dân, phá hoại các điều khoản chính trong hiệp định, và nghiêm trọng nhất là điều khoản: "Đường ranh giới quân sự là tạm thời và không thể diễn giải bất cứ bằng cách nào đó là một biên giới phân định về chính trị hay đất đai".

Người Mỹ vốn không ký vào hiệp định Genève 1954 để tránh bị ràng buộc pháp lý, bất lợi cho việc xâm lược và chia cắt Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của họ. Nhưng chính họ cũng đã "nói hớ" và vô tình cho thấy rằng hiệp định Genève 1954 không hề là hiệp định chia đôi Việt Nam.

Nhà sử học, chính trị học George McTurnan Kahin và John W. Lewis trong sách The United States in Vietnam: An analysis in depth of the history of America’s involvement in Vietnam (Hoa Kỳ ở Việt Nam: Một phân tích chuyên sâu về lịch sử can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam), do Delta Books xuất bản năm 1967, đã cho biết: "Trong bản Tuyên ngôn đơn phương (Unilateral Declaration) của Hoa Kỳ về Hội nghị Genève không có chữ nào nói đến "Bắc Việt Nam" hay "Nam Việt Nam". Tất cả những gì mà bên đại diện Mỹ nói đến là một Việt Nam".

Những bằng chứng ở trên đã cho thấy hiệp định Genève 1954 không chia đôi đất nước, mà ngược lại chính là quy định việc thống nhất đất nước. Chính sự can thiệp và xâm lược miền Nam Việt Nam của Mỹ đã đưa đến sự chia đôi đất nước. Việc không có tổng tuyển cử và chia cắt Việt Nam là một sản phẩm của Mỹ. Còn danh từ "Nam Việt Nam" chỉ là một danh từ mang tính chất tuyên truyền giả dối mà người Mỹ dùng để gọi những chính quyền con đẻ của họ ở miền Nam Việt Nam.

Trong thời kỳ này, 1 Ủy ban quốc tế và hơn 20 Ủy ban quốc gia điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã được thành lập. Họ đã cử nhiều đoàn sang Việt Nam điều tra tội ác chiến tranh xâm lược và mở nhiều tòa án quốc tế xét xử những tội ác chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, nhóm họp nhiều lần ở Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp....

Ngày 15/11/1966, theo đề xuất của nhà sử học, toán học, logic học, xã hội học nổi tiếng người Anh, triết gia, Huân tước Bertrand Russell (lúc này đã 94 tuổi), toà án quốc tế xét xử tội ác của Mỹ ở Đông Dương đã được thành lập tại London, Anh.

Bertrand Russell là một nhà hoạt động vì hòa bình thế giới, có uy tín cao trên trường quốc tế. Tháng 7 năm 1964, ông dẫn đầu một đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân Anh và quốc tế đến sứ quán của Mỹ tại London phản đối chính sách xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam. Uy tín của ông đã thu hút được nhiều nhân vật tên tuổi khác trên thế giới tham gia.

Ngay sau khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại, ném bom miền Bắc, Bertrand Russell đã gởi điện đến chủ tịch Hồ Chí Minh lên án hành động chiến tranh của Mỹ. Ngày 10/8/1964, Bác đã gởi điện cảm ơn, trong đó nêu rõ: "Chúng tôi luôn thiết tha với hòa bình và chủ trương giải quyết vấn đề Việt Nam bằng phương pháp hoà bình. Tôi cảm ơn cụ đã quan tâm đến tình hình nghiêm trọng do Mỹ gây ra trên đất nước chúng tôi và xin gởi cụ lời chào kính trọng".

Sau đó một Tòa án quốc tế mang tên ông được thành lập để xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ và đã tiến hành hai phiên xét xử, lần thứ nhất từ 2 đến 13/5/1967 tại Stockholm (thủ đô của Thụy Điển) và lần thứ hai từ 20/11 đến 1/12/1967 tại Copenhaguen (thủ đô của Đan Mạch) đã gây tiếng vang, thu hút đông đảo giới trí thức, luật sư.

Sau phiên xét xử đầu tiên, Bác Hồ gởi điện tới Huân tước Bertrand Russell khẳng định: "Sự nghiệp cao cả mà cụ đã đề xướng ra nay bước đầu được thực hiện... Đó là một sự kiện quốc tế rất quan trọng... Nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới đều mong đợi sự thành công của Toà án quốc tế".

Cũng nhân dịp này, Bác còn gởi điện tới triết gia nổi tiếng người Pháp Jean Paul Satre là đồng chủ tịch Tòa án Quốc tế này và bày tỏ niềm tin tưởng: "Chắc chắn các dân tộc và tất cả những người yêu chuộng hòa bình và công lý sẽ sát cánh với các vị, nhiệt tình ủng hộ các vị".

Tòa án Quốc tế Bertrand Russell đã cử 4 đoàn, với nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, từ các quốc gia khác nhau, đến Việt Nam điều tra trực tiếp, thu thập tài liệu, dữ liệu, hồ sơ, bằng chứng, hỏi chuyện các nhân chứng, sau đó đã họp 2 phiên để xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ.

Phiên họp thứ nhất tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển, từ ngày 2 đến 15/5/1967. Tòa kết luận: Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác xâm lược chống nước Việt Nam, các chính phủ Australia, New Zealand, Hàn Quốc là đồng lõa.

Phiên họp thứ hai tại thủ đô Copenhaguen, Đan Mạch, từ ngày 20/11 đến 1/12/1967. Tòa kết luận: Mỹ đã dùng các loại vũ khí tàn bạo nhất để tàn sát trẻ em, phụ nữ và dân thường Việt Nam. Đồng thời, Mỹ đã tiến hành xâm phạm Lào và có dã tâm xâm lược Campuchia. Đây là lần đầu tiên cuộc chiến tranh xâm lược cũng như tội ác mà người Mỹ gây ra ở Việt Nam đã bị tòa án quốc tế bao gồm một tập thể đông đảo các luật gia, sử gia, các nhà bác học, nhà báo danh tiếng đến từ nhiều quốc gia, kể cả nước Mỹ lên án một cách toàn diện và có hệ thống, gây ảnh hưởng lớn đối với dư luận toàn thế giới. Sau này Bác Hồ đã nhận xét: "Sự lên án đó có tầm quan trọng quốc tế về mặt bảo vệ công lý và quyền tự quyết của các dân tộc".

Triết gia Bertrand Russell thời trai trẻ (1916)



Nói chung, sự tiến hành cuộc chiến này của Mỹ không phù hợp với các thông lệ quốc tế, và đi ngược lại các quy định của hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền dân tộc tự quyết, về sự tôn trọng độc lập chủ quyền và thống nhất của các quốc gia, cũng như các quy định liên quan đến tội ác chiến tranh và quyền con người.

Các hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam không được sự ủng hộ, đồng ý của Liên Hiệp Quốc và thậm chí không được sự đồng tình của các đồng minh lâu năm, trong đó có các đồng minh cùng phe trong khối SEATO và NATO.

Tại phiên họp thứ 20 của Liên Hiệp Quốc (1965), đại diện của nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đã yêu cầu Mỹ chấm dứt cuộc chiến của họ tại Việt Nam. Trong phiên họp thứ 22 của Liên Hiệp Quốc (1967), trong số 110 quốc gia thì chỉ có các đại diện của 7 quốc gia ủng hộ chính sách của Washington tại Việt Nam. Đại diện của 44 quốc gia, trong đó có 5 đại biểu các đồng minh của Mỹ trong khối NATO, kêu gọi Hoa Kỳ tìm cách chấm dứt chiến tranh và dừng ngay chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.

Richard A. Falk, một giáo sư danh tiếng về môn Luật pháp Quốc tế của Đại học Princeton (Mỹ), người đã có hơn 40 tác phẩm hàn lâm về môn học này, đã phải thừa nhận: "Nếu chính phủ Hoa Kỳ tuân thủ luật pháp quốc tế, thì trải nghiệm khủng khiếp từ cuộc Chiến tranh Việt Nam đã không xảy ra."

Chính vì những lẽ nêu trên mà phong trào ủng hộ Việt Nam trên thế giới diễn ra sôi nổi và rộng lớn chưa từng thấy trong lịch sử phong trào quần chúng tự phát trên thế giới.

2. Bản chất một thuộc địa kiểu mới

Thuộc địa (colony), theo nghĩa rộng, là một vùng lãnh thổ nằm dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, bất kể mẫu quốc có công khai tuyên bố chủ quyền đối với các thuộc địa này hay không, dù chính thức hay phi chính thức.

Trong hệ thống thực dân cổ điển, mẫu quốc là nước tuyên bố chủ quyền đối với những thuộc địa này. Thuộc địa bị áp đặt chế độ nô lệ, nhân dân thuộc địa bị nô dịch, bóc lột nặng nề và công khai.

Trong hệ thống thực dân kiểu mới, nước thực dân không tuyên bố chủ quyền thuộc địa mà sử dụng, kiểm soát, điều khiển, hưởng lợi tại nơi đó như một thuộc địa. Cấu trúc xã hội, chính quyền và kinh tế của vùng lãnh thổ đó bị quốc gia thực dân áp đặt.

Sự khác nhau giữa chủ nghĩa thực dân cũ (colonialism) và mới (neocolonialism) chủ yếu nằm ở hình thức xâm lược, cai trị và mức độ can thiệp, ảnh hưởng. Thực dân cũ duy trì hình thức thuộc địa một cách chính thức, tuyên bố công khai rằng đây là thuộc địa của tôi.

Thực dân mới thì tuyên bố rằng các thuộc địa là một "quốc gia độc lập", và đó là cái "độc lập" hình thức bên ngoài, còn trên thực tế thì chính quyền sở tại không có bao nhiêu quyền hạn hay khả năng tự chủ, tự quyết. Nói chung, đó là một hình thái giả độc lập. Có nhãn hiệu, không có thực chất. Có quốc hiệu, không có thực quyền.

Thực dân mới không đem quân "công thành chiếm đất" sát nhập ngay đất đai lãnh thổ như thời phong kiến. Họ cũng không trực tiếp đô hộ thông qua việc thiết lập hệ thống thuộc địa, và rồi cướp bóc lộ liễu mọi nguồn tài nguyên và nhân lực của thuộc địa đem làm giàu cho mẫu quốc.

Thực dân mới tuyên bố "công nhận nền độc lập" và "tự do dân chủ" của một thuộc địa có tên trên bản đồ thế giới như là một quốc gia chính thức. Và nếu cần, họ sẽ vận động, thúc ép các đồng minh, chiến hữu, đàn em công nhận và thiết lập các hình thức ngoại giao với cái gọi là "quốc gia" đó.

Khái niệm về hệ thống thuộc địa kiểu mới trước đó đã được nhiều trí thức, học giả nghiên cứu. Còn thuật ngữ "chủ nghĩa thực dân mới" (neocolonialism) lần đầu tiên được sử dụng bởi Kofi Ankomah, tổng thống đầu tiên của nước Ghana độc lập, và sau đó đã được thẩm định, nghiên cứu, phân tích bởi các nhà chính trị học, ngôn ngữ học và triết học của thế kỷ 20, trong đó có những người có tên tuổi lớn trên thế giới như Jean-Paul Sartre và Noam Chomsky.

Kwame Nkrumah, chiến sĩ cách mạng chống chủ nghĩa thực dân, từng là nạn nhân và có kinh nghiệm xương máu với chủ nghĩa thực dân, ông là tổng thống đầu tiên của Ghana. Ảnh trên tem thư Liên Xô (1989).



Jean-Paul Sartre, triết gia và nhà hoạt động chính trị người Pháp, đặc biệt có uy tín cao về triết học hiện sinh.



Noam Chomsky, nhà khoa học, logic học, sử học và hoạt động xã hội người Mỹ, đặc biệt có uy tín cao về ngôn ngữ học. Ba ông là 3 nhân vật có tên tuổi lớn và uy tín cao trên thế giới, là 3 người tiêu biểu trong những người tiên phong đầu tiên nghiên cứu và góp phần đưa khái niệm chủ nghĩa thực dân mới lên thành một khái niệm chính thống trong chính trị học quốc tế.



Xét tổng quan ở tầm vĩ mô, thì hình thái xâm lược trong lịch sử thế giới diễn ra chủ yếu bằng 3 hình thức: Thời cổ đại và trung đại là xâm lược công thành chiếm đất, thôn tính, cướp nước rõ ràng, sát nhập nước bị thôn tính vào nước đi thôn tính. Thời cận đại là xâm lược kiểu thực dân nguyên thủy, không chính thức cướp nước bằng cách sát nhập nước này vào nước kia, sát nhập đất đai, nhưng chiếm đóng và dùng chế độ toàn quyền thuộc địa để đô hộ nơi đó, và công khai gọi nơi đó là một "thuộc địa" (colony).

Thời hiện đại chủ yếu là xâm lược kiểu thực dân mới, không chính thức sử dụng chế độ thuộc địa, không công khai gọi nơi đó là một "thuộc địa", thậm chí ngụy quyền bản xứ được dựng lên ở nơi đó có thể có một ít thực quyền nào đó do chủ nhân ban phát. Nói chung, thực dân cũ là trực tiếp vào làm, trực tiếp quản lý và tham chiến. Thực dân mới là đứng ngoài xem các "CEO" và "giám đốc" làm có tốt không, và trong trường hợp đặc biệt cần thiết nào đó thì ông chủ mới phải trực tiếp hành động.

Đó là nhìn sơ lược về lịch sử thế giới. Còn nếu nhìn lại cụ thể hơn vào lịch sử Việt Nam, thì chúng ta vẫn thấy sự tương đồng. Mỗi thời kỳ lịch sử giặc xâm lược đều có những hình thức xâm lược khác nhau, và càng về sau thì càng được ngụy trang tinh vi hơn.

Phong kiến Trung Hoa xâm lược Đại Việt, chiếm đất đai, sát nhập lãnh thổ Đại Việt vào Trung Hoa, biến đất Việt thành một phần của đất Tàu, biến Đại Việt thành một châu quận của họ. Và trong thời gian đô hộ thì không tồn tại triều đình người Việt, không có bộ máy hành chính người Việt, An Nam Đô Hộ Phủ do người Hán cai quản có tất cả quyền hành.

Thực dân Pháp chiếm hữu và trục lợi ở Đông Dương như một thuộc địa, nhưng trên danh nghĩa vẫn có vương quốc An Nam, vẫn có triều đình Huế với các “hoàng đế” có ngai vàng nhưng không có nhiều quyền hành. Họ trực tiếp quản lý Việt - Miên - Lào bằng Toàn quyền Đông Dương, và dưới trướng có rất nhiều cộng sự người Việt. Bộ máy hành chính người Việt được thành lập. Họ thiết lập một hệ thống ngụy quyền địa phương quy mô, rộng lớn, bao gồm những lực lượng ngụy binh (cụ thể: Lính Nam triều, lính khố xanh, khố đỏ, khố vàng, Quân đoàn Bộ binh Bắc Kỳ, lính Lê Dương gốc Việt, Quân đội Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa sau này).

Pháp không cần sát nhập Trung Kỳ và Bắc Kỳ, cướp đất đai trên danh nghĩa, thay vào đó, họ mị dân bằng những tuyên bố "bảo hộ" (bảo vệ) cho vương quốc An Nam. Họ cho người Pháp vào trực tiếp quản lý, trực tiếp nắm lấy. Và các cộng sự người Việt chỉ là loại thừa hành cấp thấp hoặc địa phương. Bộ máy trung ương do người Pháp quản lý.

Mỹ viện trợ và giúp đỡ Pháp tái chiếm Việt Nam thất bại, sau đó tiến thẳng vào và từng bước thay chân Pháp, thu nhận và nuôi dưỡng ngụy quyền và ngụy quân mà Pháp đã sử dụng và để lại. Thay tên đổi họ lại cho ngụy quân và ngụy quyền, thay đổi một vài tay sai. Mỹ cai trị miền Nam Việt Nam theo kiểu thực dân biến tướng: Người chủ đứng ngoài giám thị, kiểm soát. Còn phần quản lý trực tiếp là thuộc trách nhiệm của ngụy quyền bản xứ, từ địa phương đến trung ương. Giặc không trực tiếp bắt tay vào làm, quân đội chính quốc không cần trực tiếp ra tay như thực dân cũ.

Về cơ bản, nó là một sự thống trị thực dân mới. Nhưng trong giai đoạn 1965-1973, do hệ thống thuộc địa kiểu mới của Mỹ bị lung lay (chủ yếu từ sự bất lực của ngụy quyền bản xứ), nên Mỹ dù không muốn vẫn đành phải đem đại quân vào trực tiếp kiểm soát, quản lý, chỉ huy và chiến đấu, hoạch định các kế hoạch, chiến lược, chiến thuật, chiến dịch quân sự, trực tiếp tiến hành chiến tranh để cứu nguy hệ thống thuộc địa kiểu mới sắp sụp đổ. Do đó, những vùng tạm chiếm ở miền Nam giai đoạn 1965-1973 còn có những đặc điểm của một thuộc địa kiểu cũ.

Sự cai trị thực dân mới của Mỹ ở Việt Nam về cơ bản là khác hình thức cai trị thực dân kiểu cổ điển và dễ ngụy trang hơn, chủ yếu sử dụng ngụy quyền để kiểm soát miền Nam Việt Nam. Kiểm soát được khu vực địa chính trị, địa kinh tế quan trọng, kiểm soát vị trí chiến lược quan trọng này đưa đến tác dụng khống chế bán đảo Đông Dương và khu vực Đông Nam Á, một khu vực chiến lược trọng yếu, nằm trong chiến lược quốc tế và khu vực của chính phủ Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ hoạt động quân sự và tiến hành chiến tranh ở Việt Nam dựa trên danh nghĩa pháp lý Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ và dưới chiêu bài "tham chiến giúp đồng minh". Họ không công khai gọi miền Nam Việt Nam là một thuộc địa và không chính thức sát nhập miền Nam Việt Nam vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Như vậy lịch sử đã cho thấy khá rõ ràng cách thức xâm lược của giặc ngoại xâm theo tiến trình lịch sử Việt Nam và thế giới, theo sự phát triển của văn minh nhân loại, đã có sự thay đổi và "nâng cấp" theo thời gian, càng lúc càng mị dân và được ngụy trang kỹ hơn.

Trong những vùng tạm chiếm ở miền Nam Việt Nam là một xã hội thực dân mới với đầy người Mỹ trong nhà ngoài phố, hầu như đi đâu cũng thấy họ. Khoảng 6 triệu người Mỹ, trong đó có gần 60 vạn quân Mỹ hoành hành tại đây một cách vô pháp vô thiên, quân đội Mỹ hoạt động ở Việt Nam chỉ tuân thủ luật nhà binh Mỹ, họ đã gây ra tội ác khắp nơi, trong đó chỉ một phần rất nhỏ là bị đem ra tòa án binh Mỹ xử qua loa chiếu lệ.

Nhu cầu "làm hài lòng người Mỹ" dần trở nên một loại "văn hóa" xã hội, một lề thói xã hội, lối sống, phong cách sinh hoạt, vì mục đích sinh tồn và tiến thân. Văn hóa tiến thân trong xã hội bị Pháp - Mỹ làm thay đổi. Làm sở Tây, sở Mỹ, được qua Tây, qua Mỹ, trở thành giấc mơ, ước vọng của nhiều người. Được ông Tây, ông Mỹ xách theo qua nước họ trở thành hy vọng, ước mơ của bao cô gái.

Cả xã hội trong những vùng bị chiếm là sống bám vào Mỹ, "ăn nhờ ở đậu" người Mỹ ngay trên quê hương nhà. Những công trình xây dựng cũng do người Mỹ xây hoặc bỏ tiền ra xây. Một xã hội hoàn toàn phụ thuộc Mỹ. Một xã hội không thể tự nuôi thân. Thực trạng này cũng tương tự xã hội Đông Dương trước đó, cả xã hội phải sống dựa vào Tây, sống nhờ vào tiền Tây, không thể tự nuôi chính mình.

Về kinh tế thì không có một nền kinh tế đúng nghĩa, mà đó là một nền kinh tế thuộc địa, một "nền kinh tế" ăn bám và phụ thuộc toàn diện vào Pháp - Mỹ, từ viện trợ cho đến vấn đề cung cầu, tiêu dùng. Về dịch vụ mua bán, quân nhân Mỹ có đặc quyền sử dụng "đô la đỏ", giấy bạc màu đỏ do họ in ra và có thể dùng để giao dịch với người Việt trong vùng họ chiếm, và người Việt phải nhận loại tiền "không giống ai" này. Chỉ có quân nhân Mỹ mới có đặc quyền này. Đó là một nền kinh tế nam thì bán mạng, nữ thì bán thân.

Ts. James Carter, giáo sư sử học tại Đại học Drew (Mỹ), trong sách Inventing Vietnam: The United States and State Building, 1954-1968 (dịch ý: Quá trình phát minh Nam Việt Nam: Hoa Kỳ và quá trình xây dựng Nhà nước VNCH, 1954-1968), do NXB Đại học Cambridge (Anh) ấn hành năm 2008, đã ghi rõ: "Chính thể Sài Gòn không thể nuôi chính mình; thậm chí không thu đủ lợi tức cho hoạt động hàng ngày. Họ phải phụ thuộc vào viện trợ Mỹ."

2A. Bản chất và nguồn gốc của chính quyền Sài Gòn

Cái gọi là "Quốc gia Việt Nam", "Việt Nam Cộng hòa" dưới thời Pháp - Mỹ về chính trị thì nghị gật, không có bao nhiêu thực quyền và không có quyền quyết định sau cùng, đặc biệt về các vấn đề chiến lược chính trị.

Về quân sự cũng tương tự, các viên chỉ huy Mỹ có mặt ở tận cấp tiểu đoàn, ngụy quyền và ngụy quân không có vai trò hoạch định chiến lược quân sự, và chiến thuật quân sự vẫn phải hỏi ý Mỹ trước để được thông qua. Về tác chiến, ngụy quân không thể chiến đấu hiệu quả khi vắng sự chiến đấu trực tiếp của quân Mỹ. Họ gần như không thể chiến đấu giống như quân đội chuyên nghiệp đúng nghĩa khi thiếu hỏa lực Mỹ, không yểm Mỹ.

Đến ngày 14/3/1975 thì người Mỹ đã chạy gần hết, Nguyễn Văn Thiệu khi một mình quyết định thì bao nhiêu "trình độ" lộ hết ra ngay. Thiệu thay vì chọn một đường an toàn để rút khỏi Kontum và Pleiku, để bảo toàn lực lượng, đưa quân về cố thủ các địa bàn khác ở đồng bằng, thì ông ta lại chọn đường số 7 là con đường xấu nhất, khó đi nhất, vì cho rằng con đường đó "có yếu tố bất ngờ".

Ông ta ngây ngô nghĩ rằng chọn con đường khó đi nhất thì Việt Cộng sẽ không ngờ tới. Nhưng bất ngờ cho ai? Người "bị bất ngờ" thì đuổi đánh thừa thắng xông lên. Kẻ "gây bất ngờ" lại bỏ chạy vô nguyên tắc, chạy loạn không chút kỷ cương nào, sau đó tan rã toàn quân, binh lính ngụy phải ném bỏ quân phục và vũ khí chạy thoát thân.

Đến triệt thoái mà quân đội Sài Gòn còn không biết thực hiện đúng cách, không biết chọn đúng đường, thì họ có thể làm gì? Rút lui là một kỹ năng cơ bản của quân đội mà vẫn không biết cách lui quân có quy củ như các quân đội chuyên nghiệp. Tính chất "tài tử", hàng kiểng, nghiệp dư, ô hợp của họ đã phơi bày trước quốc tế khi các đợt "di tản chiến thuật" trở thành thảm họa.

Nhóm vũ trang vô dụng, đầy lính kiểng với thành phần tạp nham, đa phần bị bắt lính hoặc nhập ngũ vì sinh kế chứ không có lý tưởng, vì không có lý tưởng nên dễ khiếp nhược, sợ chết, không có tinh thần chiến đấu. Với những đặc điểm đó liệu bản chất nhóm vũ trang gọi là "Quân đội Quốc gia Việt Nam", "Quân lực Việt Nam Cộng hòa" này có phải là một quân đội đúng nghĩa hay không, hay thực chất chỉ là những băng nhóm quân phiệt vũ trang, hay thậm chí là băng cướp có tổ chức, hay theo định nghĩa ngày nay là băng nhóm khủng bố ly khai? Một quân đội đúng nghĩa không nhất thiết chỉ là một đám người khoác áo lính vào, được cung cấp súng đạn.

Năm 1955, Mỹ chọn "thủ tướng" Ngô Đình Diệm của chính phủ "Quốc gia Việt Nam" tay sai Pháp, đưa lên làm làm "tổng thống", với tên mới là "Việt Nam Cộng hòa". Như vậy, "Quốc gia Việt Nam" và "Việt Nam Cộng hòa" không có gì khác nhau ngoài tên gọi và vài người đứng đầu. Và người đứng đầu đó cũng chính là "thủ tướng" của chính quyền tay sai Pháp.

Ngoài cái tên ra thì chẳng có gì khác nhau đáng kể giữa "Việt Nam Cộng hòa" của Mỹ và "chính phủ Quốc gia" ("Quốc gia Việt Nam") của Pháp. Chủ yếu vẫn là nhân sự đó ngoài vài điều chỉnh nhỏ. Vẫn lá cờ ba sọc với bài "quốc ca" "vay mượn".

Như vậy, "VNCH" là tuy là tay sai bù nhìn của Mỹ, phục vụ cho Mỹ, nhưng đầu tiên do thực dân Pháp dựng lên năm 1949 trong lúc họ đang xâm lược Việt Nam nhằm chiếm lại thuộc địa.

Đến năm 1955, Mỹ sử dụng lấy chính quyền tay sai của Pháp rồi chỉ là đổi hai nhãn hiệu "Quốc gia Việt Nam" thành "Việt Nam Cộng hòa", "Quân đội Quốc gia Việt Nam" thành "Quân lực Việt Nam Cộng hòa", và thay người đứng đầu: Loại bỏ Bảo Đại, đưa thủ tướng của chính quyền tay sai Pháp là Ngô Đình Diệm lên thay Bảo Đại.

Như vậy chính quyền bù nhìn của Pháp và của Mỹ về cơ bản chính là 1. Không có gì khác nhau giữa "Quốc gia Việt Nam" và "Việt Nam Cộng hòa" ngoài cái tên và vài kẻ đứng đầu. Mỹ đổi tên và đổi người đứng đầu là để dẹp bớt tai tiếng tay sai Pháp của thành phần này, vì ký ức 100 năm bị giặc Tây nô dịch đã quá in sâu trong tim óc nhân dân và tai tiếng trong dư luận.

Do đó, muốn đánh giá xem "Việt Nam Cộng hòa" là gì, có bản chất như thế nào, thì cần xem "Quốc gia Việt Nam" là gì.

Bảo Đại là kẻ đứng đầu "Quốc gia Việt Nam", và chúng ta hãy đọc xem Bác Hồ nói gì về Bảo Đại và cộng sự trong lúc nhân vật này đang đứng đầu "Quốc gia Việt Nam" thuộc Liên hiệp Pháp. Lưu ý đây là Bác trả lời không phải với tư cách cá nhân, mà là với tư cách chính trị, với tư cách là một vị chủ tịch, một lãnh tụ, một nguyên thủ quốc gia, nghĩa là đã thận trọng nhất, đã cân nhắc nhất, và mang tính chính thức.

Khi trả lời điện phỏng vấn của Dân quốc Nhật báo (Trung Hoa Dân Quốc) ngày 3/4/1949, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời câu hỏi như sau:

Hỏi: Chính phủ Pháp nói Bảo Đại sẽ đưa lại hoà bình ở Việt Nam. Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về điều đó.

Trả lời: Vĩnh Thụy trở về với 10.000 viễn binh Pháp, để giết hại thêm đồng bào Việt Nam. Vĩnh Thuỵ cam tâm bán nước, đó là sự thực. Âm mưu của thực dân Pháp là đặt lại chế độ nô lệ ở Việt Nam. Vĩnh Thụy làm tay sai cho thực dân, là một tên phản quốc. Pháp luật Việt Nam tuy khoan hồng với những người biết cải tà quy chính nhưng sẽ thẳng tay trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ đã bán nước buôn dân. Quân và dân Việt Nam quyết tâm đánh tan tất cả âm mưu của thực dân, quyết kháng chiến để tranh cho kỳ được độc lập và thống nhất thật sự.


Hồ Chủ tịch trả lời phỏng vấn của A.Steele, phóng viên báo Mỹ New York Herald Tribune (13-10-1949):

Hỏi: Chủ tịch đối với ông Bảo Đại thế nào?

Đáp: Về phương diện tư nhân, tôi với ông Vĩnh Thụy không có thù hiềm gì hết. Nhưng về phương diện dân tộc, Vĩnh Thụy là một người có tội phản quốc.

Hỏi: Có thể có một cách giải quyết nào có Bảo Đại tham dự không?

Trả lời: Chúng tôi không cần gì đến bọn bù nhìn.

Hỏi: Những phần tử nào ủng hộ Bảo Đại?

Trả lời: Bọn bù nhìn và bọn phản quốc.


Hồ Chủ tịch trả lời phỏng vấn báo Pháp France Soir (28/2/1949):

- Hỏi: Theo ý Chủ tịch, giữa Chính phủ của Chủ tịch với Bảo Đại có thể có thoả ước hay không?

Trả lời: Trong một nước, làm gì có thoả ước giữa một tư nhân công dân với Chính phủ do toàn dân cử ra.


oOo


Trong chiến tranh Việt - Pháp (1945-1954) thì năm 1949 thực dân Pháp đã tạo ra "chính phủ Quốc gia" và đưa Bảo Đại lên đứng đầu, nằm trong giải pháp (Da) vàng hóa chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt, theo công thức viện trợ Mỹ - viễn chinh Pháp - quân bản xứ.

Binh lính Pháp-ngụy tại cứ điểm Điện Biên Phủ



Sĩ quan Pháp gắn huy chương cho lính ngụy trong chiến dịch Điện Biên Phủ



Pháp dựng lên "Quốc gia Việt Nam" qua "hiệp định Elysée", đưa Bảo Đại lên làm bù nhìn. Cao ủy Pháp thay Toàn quyền Đông Dương, một loại An Nam Đô Hộ Phủ mới. Thực dân Pháp nắm tất cả các quyền về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, tài chính.... "Quân đội Quốc gia" xây dựng dần từ năm 1948 từ những con cháu lính khố xanh, khố đỏ của Pháp và triều Nguyễn, Binh đoàn Bộ binh Bắc Kỳ và lính Lê Dương người Việt. Quân đội "Quốc gia" do các sĩ quan Pháp chỉ huy. Quân sự, tài chính, thuế quan, xuất nhập cảnh.... và các cơ quan chức năng đều do người Pháp quản lý. Kinh tế, nguồn cung tài chính và ngụy quân đều do Pháp trực tiếp quản lý.

Và trong cái "hiệp định" độc lập giả hiệu mà Pháp soạn rồi đưa cho Bảo Đại ký hoàn toàn không có quy định rõ ràng, cụ thể nào về nghĩa của chữ "độc lập" ghi trên giấy, dù thực dân Pháp tuyên bố đã "trao trả độc lập" cho Việt Nam, rằng quân đội Pháp chỉ "giúp bảo vệ" mà thôi. Quyền hạn cụ thể của "chính phủ Quốc gia" cũng không hề được đề cập trong "hiệp định". "Hiệp định" này cũng không nói rõ việc thành lập một "nước" mới này có thể ảnh hưởng gì đến cuộc chiến Pháp - Việt hiện đang diễn ra ác liệt.

Hồ chủ tịch nhiều lần nói chuyện, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế với tư cách một nguyên thủ quốc gia cũng đã bác bỏ thẳng thừng cái gọi là "hiệp định" này, và coi là tờ giấy lộn. Khi trả lời điện phỏng vấn của Dân quốc Nhật báo (Trung Hoa Dân Quốc) ngày 3/4/1949, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời nhiều câu hỏi, trong đó có câu như sau:

Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về bản ký kết 8/3 vừa ký giữa Pháp và Bảo Đại?

Trả lời: Đối với dân Việt Nam, đó chỉ là một tờ giấy lộn. Thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy chẳng lừa bịp được ai. Ngay nhân dân Pháp và dư luận thế giới cũng đã hiểu rõ và tố cáo điều đó. Lúc nào quân đội thực dân Pháp hoàn toàn rút khỏi đất nước Việt Nam, thì mới có thống nhất và độc lập.


"Quốc gia Việt Nam" là nơi hội tụ của những tên tay sai tàn ác nhất, và đã phục vụ cho giặc Pháp nhiều đời. Con cháu của lính khố xanh, khố đỏ của Pháp. Cha của Ngô Đình Diệm chính là quan thượng thư Ngô Đình Khả, kẻ làm việc dưới trướng Việt gian Nguyễn Thân, một tên tay sai đắc lực và tàn ác của thực dân Pháp. Khả đi theo Nguyễn Thân đàn áp nghĩa quân rất tàn ác, vô nhân đạo, nhất là trong cuộc đàn áp nghĩa quân Hương Khê do Phan Đình Phùng và Cao Thắng lãnh đạo, Nguyễn Thân và Ngô Đình Khả đã cho đào mộ cụ Phan lên rồi đốt thi thể, trộn tro với thuốc súng cho nổ để hả giận rồi thả trôi sông. Tội ác dã man đó còn là để đe dọa, khủng bố tinh thần nghĩa quân và nhân dân.

Hầu như tất cả thành viên trong đại gia đình họ Ngô đều phục vụ đắc lực dưới trướng người Pháp, Ngô Đình Khả, Ngô Đình Diệm làm quan cho Pháp đàn áp nghĩa quân và Việt Minh rất tàn bạo, dùng những hình thức tra tấn nhục hình, tra khảo, lấy khẩu cung rất dã man. Sau lần đàn áp khủng bố nghĩa quân Hương Khê thì Ngô Đình Khả còn theo phò tá Nguyễn Thân đi đàn áp nhiều lực lượng nghĩa quân chống Pháp khác. Sau này Ngô Đình Thục đã khoe khoang, báo công "công lao", "công trạng" này của cha trong lá thơ gởi cho quan toàn quyền Đông Dương Jean Decoux. Do đó dân gian miền Nam thời Mỹ-Diệm hay gọi đây là gia đình "Tam đại Việt gian". Ngô Đình Diệm sau này là thủ tướng của chính phủ "Quốc gia Việt Nam" tay sai Pháp.

Ngô Đình Diệm đã có quãng thời gian 12 năm làm quan cho Tây (1921-1933), dưới 2 đời ngụy triều Khải Định và Bảo Đại dưới thời Pháp thuộc. Đến năm 1933, do bất mãn với Pháp và Bảo Đại, bị lạnh nhạt, không tin dùng, gia tộc họ Ngô phục vụ nhiều đời cho Pháp và triều đình, bản thân phục vụ 12 năm, vậy mà chỉ được phong làm Thượng Thư Bộ Lại, trong khi quan thượng thư đứng đầu nội các không phải là Ngô Đình Diệm mà là Thượng Thư Bộ Quốc gia Giáo dục Phạm Quỳnh. Vì vậy, Ngô Đình Diệm bất mãn từ quan. Mâu thuẫn giữa ông Diệm với Pháp và Bảo Đại bắt nguồn từ đó. Ông ta thất chí, bất mãn từ chức và từ đó chuyển sang hướng chống đối người Pháp và triều đình. Nhưng rồi về sau lại làm "thủ tướng" cho Pháp-Bảo Đại trong chiến tranh Việt - Pháp.

Sau đó ông ta công khai theo người Mỹ. Sự đổi chủ liên tục này cho thấy rằng có lẽ gia đình họ Ngô không muốn đặt lợi ích gia tộc và tôn giáo (Công giáo) dưới lợi ích của các ông chủ. Họ là tay sai, nhưng không phải là những tay sai quá trung thành, ngoan ngoãn, dễ bảo như Bảo Đại hay Nguyễn Văn Thiệu. Đó là một phần nguyên cớ sau này người Mỹ giật dây đảo chính để thay đổi tay sai.

Ngụy quyền Sài Gòn còn là bọn tay sai tàn ác, gây rất nhiều tội ác với nhân dân, chứ không phải là ngụy quyền bù nhìn kiểu ngây ngô chính trị, bị lợi dụng nhưng không gây tội ác, như "Đế quốc Việt Nam" (chính quyền Trần Trọng Kim).

Như vậy chính quyền Sài Gòn là một ngụy quyền, quân đội Sài Gòn là ngụy quân, là những kẻ do Pháp dựng lên và sau đó được Mỹ nuôi tiếp. Còn cơ cấu nhân sự, hệ thống của nó thì không có nhiều thay đổi. Nó là tay sai của Pháp, do bọn thực dân đô hộ Việt Nam trăm năm dựng lên. Như vậy, tay sai của Mỹ cũng chính là tay sai cũ của Pháp.

Nói chung, ngụy quyền Sài Gòn do quân xâm lược chế tạo ra để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của họ. Và ngụy quyền cờ ba sọc chính là như vậy. Bọn họ do Pháp dựng lên trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trong cuộc chiến giữa Việt Nam và Pháp.

Hiến pháp 1959, chương I điều VII còn ghi rõ: "Nhà nước nghiêm cấm và trừng trị mọi hành động phản quốc, chống lại chế độ dân chủ nhân dân, chống lại sự nghiệp thống nhất Tổ quốc."

Như vậy, ngụy quyền và ngụy quân Sài Gòn về bản chất còn là một nhóm phản quốc có tổ chức, vi phạm hiến pháp 1959 về tội phản bội Tổ quốc. Theo luật này thì những thành phần này đã phạm tội chống Nhà nước, một Nhà nước Việt Nam do bầu cử toàn quốc mà có. Họ theo giặc xâm lược, chống lại sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Họ phạm tội phản quốc còn là vì họ đã phục vụ cho quân xâm lược Pháp - Mỹ, chống lại quê hương đất nước, giết hại tàn sát đồng bào hoạt động chống xâm lược, chống sự nghiệp độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Nếu 2 ông chủ của các ngụy quyền trong vùng tạm chiếm của miền Nam Việt Nam là ai đó tầm thường mà không phải là siêu cường giàu mạnh Pháp - Mỹ, vận động, thúc ép, áp lực, thỏa hiệp cho các đồng minh và đàn em công nhận và thiết lập ngoại giao với "quốc gia" này thì cái "quốc gia" này sẽ không được báo chí truyền thông cánh hữu gọi ưu ái là "Nam Việt Nam", mà sẽ gọi họ theo đúng định nghĩa thông dụng trong thế kỷ 21: Một tổ chức khủng bố.

Còn theo đạo lý và pháp lý Việt Nam, theo đạo lý dân tộc và luật pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì đây là những tổ chức phản động "tư nhân", tổ chức phản quốc, bán nước, tay sai bù nhìn của giặc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức trả lời nhiều lần với nhiều báo chí trong và ngoài nước.

Quân xâm lược dù chiến đấu dưới chiêu bài "bảo vệ đồng minh", nhưng thực tế chiến cuộc cho thấy họ luôn đẩy "đồng minh" đó ra những nơi nguy hiểm nhất, sử dụng "đồng minh" như một loại bia đỡ đạn.



Và khi cần di tản thì người Mỹ ưu tiên chạy trước.



Trong cả hai cuộc chiến, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn trao đổi, bày tỏ phản đối, muốn giải quyết vấn đề gì, muốn đề xuất việc gì thì tìm Pháp - Mỹ nói chuyện, những người có thực quyền. Trong hội nghị Paris về Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ đàm phán với Mỹ và chưa bao giờ đàm phán, nói chuyện với bên bù nhìn của Mỹ.

Trong hội nghị Paris về Việt Nam, việc chấp nhận cho Nguyễn Văn Thiệu tham gia tranh cử để thành lập chính phủ liên hiệp 3 thành phần ở miền Nam cùng với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (lực lượng thứ ba) là một sự nhượng bộ lớn về pháp lý và đạo lý chỉ vì đại cuộc.

Như vậy ngay cả hiệp định Paris 1973 cũng chỉ coi chính quyền Sài Gòn như là một thành phần chính trị gần ngang bằng với Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN và Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, như một phe phái được phép tham gia tranh cử với chính phủ cách mạng lâm thời và lực lượng thứ ba.

Tuy nhiên, sau đó Mỹ-Thiệu đã đơn phương xua quân tấn công những vùng giải phóng và vi phạm gần như tất cả điều khoản trong hiệp định Paris 1973, vậy thì quyền tranh cử của Nguyễn Văn Thiệu cũng không còn nữa. Một ít tư cách pháp nhân, danh nghĩa chính trị của ngụy quyền Sài Gòn theo hiệp định Paris 1973 cũng đã không còn hiệu lực.

Mỹ sau khi đã thành công đưa đại quân khỏi Việt Nam một cách an toàn thì đã cùng Thiệu đơn phương bác bỏ việc tổ chức bầu cử theo hiệp định Paris 1973, và kể từ lúc đó ngụy quyền Sài Gòn càng phơi bày rõ hơn bản chất là một cánh tay nối dài của giặc xâm lược và không còn được coi là gần ngang hàng với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Chính vì vậy, trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, khi ngụy quyền Sài Gòn loay hoay có đến 3 "tổng thống" để xin được thương lượng với Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhưng đã bị bác bỏ, vì trước đó ngụy quyền Sài Gòn đã từ chối thương lượng, tranh cử công bằng với Cộng hòa miền Nam Việt Nam theo hiệp định Paris 1973 mà Mỹ và họ đã ký vào. Họ đã vi phạm hiệp định nên bây giờ họ không còn tư cách đối thoại, không còn tư cách pháp nhân, vì hiệp định này đã không còn hiệu lực, không còn giá trị nữa.

Ngụy quyền này do thực dân Pháp dựng lên ngay giữa một cuộc chiến tranh xâm lược, trong lúc đã tồn tại Nhà nước do dân bầu ra, nó không thể tự nuôi thân, quân xâm lược buông ra là chết, do đó nó là bất hợp pháp, không chính danh. Do đó, nó bị gọi là "ngụy" (giả) để phân biệt với các quốc gia, nhà nước, chính thể chân chính, chính danh, hợp pháp.

"Ngụy" là một từ gốc chữ Hán, có nguồn gốc từ 2 chữ "Ngụy" trong Hán-Việt: Một là tính từ "ngụy" (偽), có nghĩa là giả, không thật. Ví dụ: Ngụy quân tử (một kẻ giả làm người quân tử), ngụy trang (giả trang), ngụy biện (lý lẽ giả trá), ngụy tạo (giả tạo).... Hai là danh từ "Ngụy" (魏), dùng để chỉ nước Ngụy thời Chiến Quốc bên Trung Quốc, nhà Ngụy thời Tam Quốc bên Trung Quốc, hay họ Ngụy tại Đông Á, trong đó có Việt Nam.

"Quốc gia Việt Nam" và "VNCH" là ngụy là vì ở miền Nam thực tế không có quốc gia nào cả chỉ là một vùng địa lý bao gồm vùng giải phóng của Việt Nam và các căn cứ quân sự lớn, các khu vực thuộc địa kiểu mới của Mỹ trong vùng tạm chiếm, là nơi sinh hoạt của khoảng 6 triệu người Mỹ và gần 60 vạn quân Mỹ. Nhưng họ mạo xưng là một "quốc gia".

Vùng biển đặc quyền của người Mỹ. Đa số người dân bị cấm bén mảng đến đây, trừ gái mại dâm và một số người bán hàng rong.



Mặc dù Mỹ vận động, kêu gọi, mua chuộc, áp lực các đồng minh, đàn em công nhận và thiết lập ngoại giao với ngụy quyền này, nhưng dư luận quốc tế, các trí thức quốc tế đã nhận thức rõ đây chỉ là một "nhà nước hư cấu" (fictive state).

Tiến sĩ James Carter, giáo sư sử học tại Đại học Drew (Mỹ), trong sách Inventing Vietnam: The United States and State Building, 1954-1968 (dịch ý: Quá trình phát minh Nam Việt Nam: Hoa Kỳ và quá trình xây dựng Nhà nước VNCH, 1954-1968), do NXB Đại học Cambridge (Anh) xuất bản năm 2008, đã ghi rõ như thế này: "Chính thể Sài Gòn không thể tự nuôi nổi chính mình; thậm chí không thu đủ lợi tức cho hoạt động hàng ngày. Họ phải phụ thuộc vào viện trợ Mỹ.""Từ trước đó, giới chức đã thôi nói về xây dựng quốc gia, cải cách điền địa, dân chủ, minh bạch. Thay vào đó, họ bàn về một cuộc chiến phải thắng trước những kẻ thù của nhà nước hư cấu 'Nam Việt Nam' (fictive state). Quỹ đạo này của chính sách Mỹ khiến người ta gần như không thể nói thật về những thành công, thất bại, đặc biệt là với các nhà hoạch định chính sách. Chưa bao giờ Hoa Kỳ đạt tới điểm khi chính thể Sài Gòn có thể tự mình tồn tại mà không nhờ viện trợ Mỹ."

Như vậy cái gọi là "quốc gia" này không phải là một quốc gia đúng nghĩa, chưa bao giờ hội đủ các đặc điểm, thực lực, giá trị, căn cước của một quốc gia thật sự, của một nước có đầy đủ chủ quyền, có đủ thực quyền độc lập về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa.

Vậy thì "quốc gia" đó là đồ giả, mà "giả" thì gọi văn vẻ là "ngụy". Vì vậy gọi bọn họ là "ngụy" chính là một cách gọi trung thực, trung lập, khách quan, và chính xác nhất, không còn từ nào khác mô tả chuẩn hơn, đúng hơn. Không còn từ nào khác trong tiếng Việt mà mô tả cô đọng đầy đủ hơn, đúng nghĩa hơn bản chất của đối tượng đó.

Dù trung lập thì vẫn nên gọi chính xác bản chất đối tượng. Không thể "trung lập" theo kiểu một người nói "trái đất hình tròn", người kia bảo "trái đất hình chữ nhật", hai người cãi nhau, ta vào can rồi bảo "trái đất hình vuông", thì đó không phải trung lập mà là nói sai sự thật.

Cả dân gian và giới nghiên cứu học thuật gọi ngụy quyền là "ngụy" là xuất phát từ tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng thực tế lịch sử khách quan, chứ không hẳn là vì ghét họ nên gọi họ là "ngụy" cho hả giận. Đã là một nhà nước hư cấu (fictive state), thì làm sao có thể gọi là một "quốc gia"? Thế nhưng họ mạo xưng như vậy thì đích thị là đồ giả (ngụy) theo pháp lý Việt Nam, cũng như trong lòng dân và đạo lý dân tộc Việt Nam.

3. Các nhân vật phía bên kia hé lộ bản chất cuộc chiến

Rất nhiều chóp bu ngụy, trong đó có cả "tổng thống", "phó tổng thống", "thủ tướng", tướng tá sĩ quan ngụy đã chủ động thừa nhận hoặc lỡ lời hé lộ bản chất bù nhìn của chế độ mình. Trong đó có những người sau này đã không còn chống đối nữa (Nguyễn Cao Kỳ, Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Hạnh, Đỗ Mậu, Trần Chung Ngọc....) và cả những người chống cả đời hoặc vẫn đang chống đối (Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Đôn, Đặng Văn Nhâm, Cao Văn Viên, Trần Viết Đại Hưng....). Sau đây là những ví dụ tiêu biểu:

Trong giai đoạn đấu tranh giằng co với Việt Nam trong hội nghị Paris, khi "tổng thống" Nguyễn Văn Thiệu xin cho mình khỏi phải ký tên vào Hiệp định Paris 1973 vì ông ta nói rằng đây là hiệp định "bán đứng miền Nam cho cộng sản", thì có một lần tổng thống Mỹ Richard Nixon đã nói với Kissinger: "Không thể để có cái đuôi chó phản lại cái đầu con chó được".

Và sau đó Thiệu vẫn phải nhịn nhục ký vào hiệp định và ông ta thừa biết dù không ký thì ông ta vẫn sẽ bị gạt ra và hiệp định vẫn sẽ được thông qua, thậm chí ông ta có thể bị gì đó, gương Ngô Đình Diệm sờ sờ trước mắt.

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển của chế độ Sài Gòn, giáo sư đại học Harvard tại Mỹ trong cuốn “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” (The Palace File) xuất bản năm 1986 thì trong thời điểm đó Mỹ đã nhiều lần gởi thơ yêu cầu, bắt buộc, và đe dọa (thậm chí đe dọa tính mạng) Thiệu phải ký vào hiệp định.

Theo sách "Vietnam, a History" (Việt Nam, một Lịch sử) của nhà sử học Stanley Karnow, do NXB Edition King Press xuất bản năm 1983, khi phóng viên hỏi tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tại sao lại chọn Diệm mà không phải là một nhân tuyển khác, thì Johnson đã trả lời: "Diệm là thằng con trai duy nhất mà chúng ta có ở đó". Lưu ý thời điểm đó ông Diệm đã là một người trung niên.

Theo hồ sơ được giải mật năm 2010 của Lầu Năm Góc, hồ sơ The Defense Department History of United States Decision making on Vietnam (Lịch sử Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ về những quyết định đến Việt Nam), tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã nói thời còn là Thượng nghị sĩ: "Việt Nam Cộng hòa là hòn đá tảng của thế giới tự do ở Đông Nam Á. Nó là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó". Hồ sơ còn ghi nhận: "Việt Nam Cộng hòa về bản chất là một vật được Hoa Kỳ sáng tạo ra".

Trung tướng Mỹ Bernard Trainor, từng chinh chiến ở Việt Nam 2 lần, bình luận:"Nhiều người nói rằng chúng ta phải ném bom để đưa miền Bắc về lại thời kỳ đồ đá. Ở mức độ nhất định, chúng ta đã đạt được hiệu quả này, nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu. Có ném bom nữa cũng không ăn thua gì. Tôi thấy cuộc kháng chiến của Việt Nam có nét tương đồng với cuộc cách mạng của Mỹ. Cũng như các nhà cách mạng Mỹ thời đó, người Việt quyết chiến đến cùng. Những người dân Mỹ hồi đó đã đi tới một quyết định rằng độc lập là thiết yếu. Họ đặt cược tính mạng và của cải của mình vào sự nghiệp giành độc lập."

Cựu chuyên viên Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Ts. Daniel Ellsberg trong cuốn sách "Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers" (Một tưởng nhớ về Việt Nam và Hồ sơ Lầu Năm Góc), do nhà xuất bản Viking ấn hành năm 2002, đã cho biết:

"Không làm gì có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, mà chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ. Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: Mới đầu là Pháp - Mỹ (1945-1954), sau đến toàn là Mỹ (1954-1975). Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam – không phải là tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh – chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực, và cuối cùng, quân đội và phi công, của Mỹ.

Cuộc chiến đó không có gì là “nội chiến”, sau 1956 hay 1960, như nó đã không từng là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến".


Sử liệu "Vietnam, the ten thousand day war", NXB Thames Methuan, London, xuất bản năm 1982 đã ghi nhận một số câu nói của "tổng thống" Nguyễn Văn Thiệu: "Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng ta nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng ta sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!", "Mỹ còn viện trợ, thì chúng ta còn chống cộng".

Trong bộ phim tài liệu "Việt Nam - Cuộc chiến 10.000 ngày" (Tập đoàn Truyền thông Canada - CBC sản xuất, đạo diễn danh tiếng Micheal MacLear thực hiện vào năm 1980), phát lại một số video phỏng vấn cũ trong thời chiến, khi trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh, "phó tổng thống" Nguyễn Cao Kỳ đã nói: "Việt Cộng luôn đối xử với chúng tôi như là những con rối, những con bù nhìn của người Mỹ, nhưng rồi chính người Mỹ cũng coi chúng tôi là những con bù nhìn của Mỹ, chứ không phải các nhà lãnh đạo thật sự của người dân Việt Nam".

Ngoài ra, ông Nguyễn Cao Kỳ khi trả lời trong cuộc phỏng vấn Báo Thanh Niên, số Xuân Ất Dậu, năm 2005 cũng đã thẳng thắn thừa nhận: "Ông Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu, làm 'kép nhất'. Vì vậy ai cũng cho rằng đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê."

Phim tài liệu "Heart & Mind" của đạo diễn Peter Davis, do đài BBC Anh quốc sản xuất năm 1974 và đoạt giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất năm 1975, cho thấy cảnh tướng Nguyễn Khánh cho biết Nhà ngoại giao, Đại tướng Maxwell D. Taylor của Mỹ đã đích thân ra lệnh cho ông ta phải rời khỏi Việt Nam. Thậm chí, Nguyễn Khánh còn lén ghi âm lại lệnh lưu đày của Taylor.

Theo các tướng tá cũ của quân đội Sài Gòn như Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Chánh Thi, và cựu "dân biểu" Lý Quý Chung thì sáng ngày 30/4/1975, tướng tình báo Pháp Francois Vanussème đã tới gặp "tổng thống" Dương Văn Minh và đề nghị kêu gọi Trung Quốc can thiệp để cứu ngụy quyền Sài Gòn đang trong cơn nguy kịch. Tướng Minh vốn đã được Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam thông qua em trai Dương Thanh Nhựt (bí danh Mười Ty, đại tá QĐNDVN) và gia đình đã thuyết phục từ trước đã từ khước và nói: "Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Quốc".

Ông Nguyễn Văn Ngân, phụ tá đặc biệt của Nguyễn Văn Thiệu, trong cuộc nói chuyện với nhà báo Trần Phong Vũ trên báo VietWeekly (Mỹ), đã cho biết: "Miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến chống cộng sản hoàn toàn bị phụ thuộc Hoa Kỳ, chúng ta không ở vào vị thế có thể đặt điều kiện với họ. Quân đội Mỹ muốn đến là đến, muốn đi là đi....” "Người Mỹ đã thay thế Pháp với chính sách thực dân mới. Vào thế kỷ 19, người Pháp nhân danh khai hóa để khai thác tài nguyên thuộc địa, nay người Mỹ nhân danh dân chủ để khai thác xương máu người Việt trong việc thiết lập một "tiền đồn chống Cộng" tại Đông Nam Á. Người Mỹ đến Việt Nam không vì quyền lợi người Việt Nam mà vì quyền lợi người Mỹ. Nền dân chủ mà người Mỹ tán dương khi can thiệp vào Việt Nam là nền dân chủ được định nghĩa trong quyền lợi của Mỹ, một thứ phó sản được dùng làm bình phong để thực hiện chính sách chia để trị, thiết lập đạo quân thứ năm, khuyến khích tình trạng vô chính phủ, nội loạn…. để dễ bề khuynh loát và khi cần thiết để thực hiện các cuộc đảo chính và ám sát lãnh tụ quốc gia bằng bàn tay của các tay sai bản xứ. Chính sách viện trợ hoàn toàn có tính cách tiêu thụ đã được sử dụng như lưỡi gươm Damoclès.... chỉ nhằm mục đích làm tê liệt ý chí đề kháng và nô lệ hóa.

Tướng Đỗ Mậu (từng là "phó thủ tướng" ngụy) đã viết về Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu trong phần "Lời Mở Đầu" của hồi ký "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi", do nhà xuất bản Hương Quê xuất bản năm 1986 ở Mỹ và sau này nhà xuất bản Văn Nghệ tái bản lại cũng ở Mỹ như sau: "Người thì muốn nối dài biên giới Hoa Kỳ từ Alaska đến sông Bến Hải, người thì đào nhiệm bỏ ngũ khi Hoa Kỳ ngưng viện trợ 'chống Cộng'".

Tướng Cao Văn Viên là 1 trong 5 đại tướng trong quân đội Sài Gòn. Ông ta giữ chức Tổng tham mưu trưởng quân đội ngụy lâu nhất, từ năm 1965 đến 1975. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Cao Văn Viên chạy theo người Mỹ sống luôn bên Mỹ, qua đời ở tiểu bang Virginia vào năm 2008. Trong hồi ký để lại, ông viết: "Chúng ta không có trách nhiệm về chiến tranh. Trách nhiệm về cuộc chiến ở đây là của người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra, chúng ta chỉ theo họ mà thôi!".

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, cựu phụ tá Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, là một trong số 16 nhân vật lãnh đạo chức lớn nhất trong chính quyền Sài Gòn còn ở lại khi Sài Gòn được giải phóng tháng 4 năm 1975, đã trả lời phóng viên của đài BBC Việt ngữ vào năm 2010:

"Pháp đã ở Việt Nam 100 năm. Pháp đi sau Hiệp định Genève thì Mỹ lại nhảy vô.

Tôi nói thật, trong tất cả các đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ai mà Mỹ không ưa thì người ấy bị hất đổ ngay. Ở miền Nam này, đã xảy ra không biết bao nhiêu cuộc đảo chánh - mười mấy lần chứ có ít đâu.

Tụi tôi trong quân đội, học ở Mỹ, học tiếng Mỹ, đi thăm Mỹ... đủ hết. Rồi tụi tôi cũng có nhiều bạn Mỹ rất tốt bụng, nhưng với Mỹ thì tôi vẫn không có bằng lòng. Thậm chí lần đi thăm đại bản doanh Cục Tình báo Trung ương (CIA) bên đó, thấy sợ hơn là thấy thích.

Người Mỹ họ có đường lối của họ: đó là họ phải nắm chỉ huy ở miền Nam này. Họ chỉ huy trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế tới ngoại giao... Mỹ nắm hết. Rồi chính Mỹ đã bỏ miền Nam Việt Nam".


Trong một số bài viết về lịch sử hiện đại Việt Nam, như bài "30 tháng tư, nhìn lại cuộc chiến ở Việt Nam", "Tôi đọc bài của Phạm Cao Dương về Đại tướng Võ Nguyên Giáp", "Vài nét về Cụ Hồ".... Gs. Trần Chung Ngọc, cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn, cựu giảng viên Trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định, hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, đã viết:

"Nhìn cuộc chiến ở Việt Nam đơn giản chỉ là cuộc chiến giữa lý tưởng 'tự do dân chủ' của 'người Việt Quốc gia' đối với lý tưởng 'độc tài sắt máu' của người Việt Cộng sản là không hiểu gì về cuộc chiến cả. Do đó kéo dài hận thù đối với Cộng sản là một hành động vô trí, bắt nguồn từ cái nhìn rất thiển cận của mình về cuộc chiến. Hiện nay chúng ta có rất nhiều tài liệu về cuộc Chiến tranh Việt Nam vừa qua, gồm cuộc chiến chống Pháp và cuộc chiến chống Mỹ, nhiều đến độ có lẽ không bao giờ chúng ta có thể biết hết và đọc hết. 'Người Việt Quốc gia' thường cho 'Nam Việt Nam' là 'đồng minh' trước hết là của Pháp, rồi sau là của Mỹ, để chống Cộng cho họ. Nhưng sự thật khá đau lòng, trong cả hai cuộc chiến, 'Nam Việt Nam' chỉ là tay sai, con cờ của Pháp và Mỹ. Pháp chưa bao giờ coi 'thành phần quốc gia' là 'đồng minh' của họ. Mỹ còn tệ hơn nữa vì là ông chủ chi tiền".

"Đối với một thiểu số người Việt lưu vong, thì ngày 30/4/75 là ngày mà họ gọi là ngày 'mất nước' làm như miền Nam là nước của riêng họ. Tuy rằng nước vẫn còn đó, và càng ngày càng phát triển, ngày nay đã vượt trội hẳn cái 'nước' của họ khi xưa mà thực ra chỉ là cái 'nước' nằm trong sự chi phối của những đồng đô la viện trợ và sự chỉ đạo của các quan Toàn Quyền như Nolting, Lodge, Martin".

"Không phải là sau Hiệp định Genève Mỹ mới can thiệp vào Việt Nam mà Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam từ trước đã lâu. Mỹ đã đồng lõa với thực dân Pháp trong mưu toan tái lập nền đô hộ của Pháp trên dân Việt Nam. Những người thực sự tin rằng Mỹ là 'đồng minh' của 'Nam Việt Nam', muốn giúp dân Việt Nam để chống lại Cộng sản, để cho dân Việt Nam, hay ít ra là dân miền Nam, được tự do dân chủ, nên nhớ kỹ rằng chính Mỹ đã đài thọ hơn 80% chiến phí cho Pháp trong cuộc chiến tiền-Genève, từ 1945 đến 1954, để Pháp tái lập nền đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam, đưa Việt Nam trở lại vòng nô lệ Pháp, trong khi Mỹ đã biết rõ chế độ thực dân Pháp đối với dân Việt Nam là như thế nào. Lịch sử Việt Nam sẽ lên án hành động đế quốc thực dân này. Nếu chúng ta coi Pháp là quân xâm lăng thì Mỹ cũng là kẻ xâm lăng không kém. Chỉ sau khi Pháp thất trận Mỹ mới đưa ra chiêu bài giúp Việt Nam, bảo vệ nền tự do (sic) của Nam Việt Nam trong khi, như chúng ta đã biết, theo Hiệp định Genève về Đông Dương, Nam Việt Nam không phải là một quốc gia độc lập mà chỉ là một vùng rút quân của Pháp và những lực lượng quân sự dưới quyền Pháp, trong đó có lực lượng "Quốc gia", chờ ngày Tổng Tuyển Cử trên toàn thể đất nước vào năm 1956".

"Ngày 30/4/1975 không chỉ có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể là họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào. Tôi ở phe thua trận, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như ngày 30/4/1975, đã mang đến cho tôi một niềm hãnh diện được làm một người Việt Nam, một người Việt Nam không "Quốc gia" không Cộng sản, không Nam không Bắc, một người Việt Nam không từ bỏ gốc gác tổ tiên, không từ bỏ lịch sử khi vinh khi nhục của quốc gia, và lẽ dĩ nhiên rất hãnh diện với lịch sử chống xâm lăng của dân tộc. Khía cạnh tích cực nhất của ngày 30/4/75 là trên đất nước không còn cảnh bom đạn, cảnh đồng bào bắn giết nhau, và nhất là đất nước đã vắng bóng quân xâm lược".


Trong bài tham luận "Một Bí Ẩn Cần Tiết Lộ Trong Chuyện Bức Tử Miền Nam Năm 1975" của tác giả Trần Viết Đại Hưng, một cựu sĩ quan ngụy, bạn thân của tướng ngụy Nguyễn Chánh Thi, và hiện đang hoạt động chống cộng sản ở Lawndale, Mỹ, đã viết:

Thiệu và Kỳ sẽ còn bám víu quyền lực nếu ngày nào còn viện trợ của Mỹ mà thôi. Công tâm mà nói, đúng ra vào những ngày cuối tháng 4/1975, Nguyễn Cao Kỳ tính làm một cuộc đảo chánh chính phủ Dương văn Minh mới thành lập để đối đầu với Bắc quân. Dĩ nhiên là người Mỹ biết chuyện đó và trùm CIA ở Saigòn lúc đó là ông Polgar đã cảnh cáo Kỳ là không được lộn xộn, Kỳ nghe như thế thì riu ríu vâng lời vì đã nhiều năm làm việc với người Mỹ, Kỳ hiểu rằng nếu cứng đầu, bướng bỉnh cãi lại Mỹ thì chỉ mang họa vào thân.

Trước đây khi ép buộc Tổng thống Thiệu ký Hiệp định Paris về Việt Nam vào tháng 1 năm 1973, Tổng thống Nixon cũng gửi nhiều bức thư cho Thiệu, cảnh cáo Thiệu là nên nghe lời Mỹ mà ký, chứ nếu không thì sẽ chịu số phận thê thảm của Tổng thống Diệm. Những lời hù dọa này đã có kết quả: Nguyễn văn Thiệu đồng ý ký vào Hiệp định Paris về Việt Nam dù bản thân Thiệu cũng biết đây là hiệp định bán đứng miền Nam cho Cộng sản. (Xin đọc kỹ cuốn sách Hồ sơ mật Dinh Độc Lập của tiến sĩ Nguyễn tiến Hưng để coi lại những bức thư mà Nixon viết cho Thiệu nhằm thuyết phục và hăm dọa Thiệu ký)”.

"Việt Nam Cộng hòa chiến đấu chống Cộng sản trong suốt 21 năm (1954-1975). Miền Nam được sự bảo trợ kinh tế và quân sự của Mỹ, tiếc rằng Mỹ không đóng vai trò một đồng minh tin cẩn, nhiệt thành mà Mỹ là hiện thân của một ông chủ thô bạo, tiền hậu bất nhất để rồi mới đưa đến thảm kịch 30/4.

Mỹ thất bại với Việt Cộng là vì đánh giá quá thấp khả năng chiến đấu của Việt Cộng, đã không làm tròn vai trò đồng minh với Việt Nam Cộng hòa mà chỉ độc đoán điều hành sắp đặt mọi việc. Người lính Mỹ mắt xanh mũi lõ có mặt trên đất nước Việt Nam cũng không khác gì hình ảnh của lính Pháp viễn chinh ngày xưa. Thêm vào đó, Mỹ không muốn tìm một người lãnh đạo quốc gia có tư cách để cùng chống Cộng vì những người này đôi khi xung khắc với đường lối của Mỹ, cho nên Mỹ chỉ muốn tìm tay sai để sai bảo cho dễ và những tên tay sai thì thường mất tư cách, tham nhũng, làm suy yếu tiềm năng chống Cộng. Viện trợ của Mỹ trước đây đổ vô miền Nam như đổ vô cái thùng không đáy vì tệ nạn tham nhũng mà đứng đầu là vua tham nhũng Nguyễn Văn Thiệu".


oOo


Và đó là những quan điểm khác nhau của nhiều tầng lớp, chức vụ khác nhau trong chính phủ, quân đội Hoa Kỳ và chính quyền, quân đội Sài Gòn, dù gián tiếp hay trực tiếp, dù lỡ miệng nói hớ hay thật thà thừa nhận, dù là quan điểm tiêu cực, phá hoại hay quan điểm tích cực, xây dựng v.v. cũng đều nói lên bản chất của ngụy quyền và ngụy quân Sài Gòn.

Không gì rõ ràng hơn là chính họ nói về họ, chính họ nói về nhau, quân nhân Mỹ nói về bản thân họ và "đồng minh" của họ, quân nhân ngụy nói về bản thân họ và "đồng minh" của họ. Và họ nói những điều đó cả trong cuộc chiến và sau cuộc chiến.

Các hoạt động khiêu dâm với nhiều hình thức đa dạng nhằm giúp giải tỏa căng thẳng cho binh lính Mỹ trong những vùng tạm chiếm ở miền Nam Việt Nam.



4. Những trí thức bên ngoài chính phủ Mỹ nói về cuộc chiến

Không chỉ những nhân chứng bên trong chính phủ và quân đội Mỹ nói lên bản chất cuộc chiến, mà những học giả, trí thức bên ngoài cũng nói những luận điểm tương tự như họ. Sau đây là những ví dụ tiêu biểu:

Trong sách Understanding Power: The Indispensable Chomsky (Nhận diện quyền lực: Chomsky và những điều không thể bỏ qua), do NXB Vintage phát hành năm 2003, nhóm tác giả Mitchell Schoeffel, Peter Schoeffel và John Schoeffel đã phỏng vấn nhà tư tưởng, nhà sử học, khoa học, triết học nổi tiếng người Mỹ Ts. Noam Chomsky, người được hàng trăm học vị danh dự từ các trường đại học trên thế giới, trong đó có những trường danh giá như Harvard (Mỹ), Cambridge (Anh), Columbia (Mỹ) v.v.. Trong cuộc nói chuyện, Chomsky đã bàn về sự "ăn ngang nói ngược" của truyền thông chính thống Mỹ (mainstream media), chính phủ Mỹ kéo quân tấn công những vùng giải phóng ở miền Nam mà lại đưa tin rằng họ đang "bảo vệ miền Nam", như sau:

"Giống như chúng ta nói "bảo vệ" miền Nam Việt Nam. Trong suốt ba mươi năm tôi đã nghiên cứu rất sát sao nhưng chưa bao giờ thấy trên các phương tiện truyền thông một cụm từ nào có ý nói rằng không phải chúng ta đang bảo vệ miền Nam Việt Nam, và rằng chúng ta đang tấn công miền Nam Việt Nam. Chúng ta tấn công miền Nam Việt Nam rõ ràng như bất cứ cuộc xâm lược nào trong lịch sử."

Trong buổi nói chuyện trước Ủy ban đối ngoại Thượng nghị viện Mỹ với chủ đề "Nguồn gốc, nguyên nhân và bài học trong chiến tranh Việt Nam", được ghi lại trong biên bản của Thượng viện Hoa Kỳ, Ts. Noam Chomsky đã nói rõ:

"Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã trở thành nơi ẩn nấp của những người Việt Nam từng đi theo Pháp trong cuộc chiến đấu chống lại nền độc lập của đất nước họ. Chính phủ này không có cơ sở thành trì trong nhân dân. Nó đi theo hướng bóc lột dân chúng nông thôn và tầng lớp dưới ở thành thị, trên thực tế nó là sự tiếp tục chế độ thuộc địa của Pháp".

Trong cuốn The Vietnam War and American Culture (Chiến tranh Việt Nam và văn hóa Mỹ), Đại học Columbia xuất bản năm 1991, hai đồng tác giả John Carlos Rowe và Rick Berg đã ghi lại lời của Ts. Noam Chomsky như sau:

"Cho tới năm 1982 – sau nhiều năm tuyên truyền liên tục mà hầu như không có tiếng nói chống đối nào được phép đến với đại chúng – trên 70% dân chúng vẫn coi cuộc chiến căn bản là sai lầm thất đức ngay từ căn bản, chứ không chỉ là "một lỗi lầm".

Tưởng cũng nên nhớ lại vài sự kiện. Mỹ đã dính sâu vào nỗ lực của Pháp để tái chiếm thuộc địa cũ của họ, biết rằng kẻ thù là phong trào quốc gia của Việt Nam. Số tử vong vào khoảng nửa triệu. Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức hiến thân vào việc phá hoại Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố, cho đến năm 1961, giết có lẽ khoảng 70000 nạn nhân được cho là “Việt Cộng”, gây nên phong trào kháng chiến mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc tạm thời chia cắt bởi Hiệp định Genève về Đông Dương mà Mỹ phá ngầm.

Trong những năm 1961-62, Tổng thống Kennedy phát động cuộc tấn công thẳng vào vùng quê Nam Việt Nam với những cuộc thả bom trải rộng, thuốc khai quang trong một chương trình được thiết kế để lùa hàng triệu người dân vào những trại tập trung, nơi đây họ được bảo vệ bởi những lính gác, dây thép gai, khỏi quân du kích mà Mỹ thừa nhận rằng được dân ủng hộ.

Mỹ tuyên bố là đã được "mời đến", nhưng như tờ London Economist đã nhận định chính xác: “Một kẻ xâm lăng là một kẻ xâm lăng trừ phi được mời bởi một chính phủ hợp pháp.” Mỹ chưa bao giờ coi những tay sai mình dựng lên là có quyền hợp pháp như vậy, và thật ra Mỹ thường thay đổi những chính phủ này khi họ không có đủ thích thú trước sự tấn công của Mỹ hay tìm kiếm một sự dàn xếp trung lập được mọi phía ủng hộ nhưng bị coi là khó khăn cho những kẻ xâm lăng, vì như vậy là phá ngầm căn bản cuộc chiến của Mỹ chống miền Nam Việt Nam. Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương."


Giáo sư sử học Đại học Tiểu bang Sam Houston James Stuart Olson là một tác giả có tên tuổi, trong sách Historical Dictionary of the 1970s (Tự điển lịch sử của thập niên 1970), NXB Greenwood phát hành năm 1999, ông đã viết như sau: "Tuy nhiên, lực lượng hoạt động đằng sau Chiến tranh Việt Nam lại là một phong trào dân tộc mãnh liệt do Hồ Chí Minh lãnh đạo, phong trào đã đánh bại Pháp trong trận Điện Biên Phủ năm 1954 và phá tan đế quốc Pháp ở Đông Dương. Người Việt đã chiến đấu 2000 năm chống ngoại xâm - trong đó có Trung Quốc, Nhật, và Pháp - và đa số người Việt coi người Mỹ đơn giản là sự hiện diện mới nhất của giặc ngoại xâm trên quốc gia của họ."

Nữ nhà báo Frances FitzGerald trong sách Fire in the Lake - The Vietnamese and the Americans in Vietnam (Ngọn lửa trên sông - Người Việt và người Mỹ ở Việt Nam), Back Bay Books xuất bản năm 2002, đã cho biết: "Chiến thắng của họ là chiến thắng của dân tộc Việt Nam - người Bắc cũng như người Nam. Khác xa với một cuộc nội chiến, cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là một sự khẳng định nguyên tắc thống nhất quốc gia mà chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố ủng hộ và phản bội."

Cựu quân nhân Chiến tranh Việt Nam, Bruce O. Solheim, giáo sư sử học tại Đại học Citrus, trong sách Vietnam War Era: A Personal Journey (Thời kỳ Chiến tranh Việt Nam: Một hành trình riêng), do Đại học Nebraska xuất bản năm 2008, đã cho biết: "Việt Minh có được sự ủng hộ rộng rãi của nông dân, là tầng lớp mà người Pháp chưa bao giờ thật sự lấy lòng được. Người Pháp đã chọn Bảo Đại, một hoàng đế cũ của Việt Nam, để đứng đầu một cái mà họ (người Pháp) gọi là 'Quốc gia Việt Nam', để đối trọng với nhà nước cộng sản. Nhưng chính thể con rối này đã không thuyết phục được người Việt Nam về tính chính danh của nó.""Với tầm nhìn ngắn, chính phủ John F. Kennedy đã phê duyệt cuộc đảo chính và giết Diệm và Nhu, sự kiện này đưa đến một khoảng trống lãnh đạo ở Nam Việt Nam mà hầu như chưa bao giờ được bù đắp. Người Mỹ đã bước vào và tạo ra một chính quyền con rối lệ thuộc (Nguyễn Văn Thiệu)."

Nhà báo Erwin Knoll và William McGaffin trong sách Anything But the Truth: the Credibility Gap-How the News is Managed in Washington (Tất cả ngoài sự thật: Khoảng cách uy tín về cách quản lý thông tin ở Washington) do G. P. Putnam's Sons xuất bản năm 1968, đã nhận định: "Ngay từ phút đầu, khi Mỹ mới can thiệp vào Đông Dương, chính sách của Mỹ trước sau như một: Kiên quyết theo đuổi mục tiêu là thiết lập tại Đông Dương một 'pháo đài của thế giới tự do', nghĩa là một tiền đồn của chủ nghĩa đế quốc."

Tham khảo thêm: Nhìn lại sự thật lịch sử để đoàn kết dân tộc Việt Nam

Thiếu Long