Quân đội Hoa Kỳ, cỗ máy chiến tranh vô địch trong thế kỷ 21 (phần 1)

--------------------------------------------------------------------------

MỤC LỤC:

Chiến tranh công nghệ cao

Căn cứ quân sự bí mật

Những "thần ưng" tung hoành ngang dọc và thống trị bầu trời

Máy bay không người lái

Những "cá mập" thống trị đại dương

"Binh chủng" người máy

Vũ khí laser

Vũ khí siêu thanh

Hệ thống chủ động vô hiệu hóa

Côn trùng trinh sát

Hệ thống bảo vệ

Dự án quân sự khác

Dự án đặc biệt

Những bí ẩn chưa có lời giải

Dùng công nghệ cao chống chiến tranh công nghệ cao

Chiến lược & chiến thuật của quân đội Mỹ

Chiến tranh tâm lý

Kết luận


--------------------------------------------------------------------------

Sau khi bị Việt Nam ban cho sự thất bại đầu tiên và hiện là duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, chính phủ và quân đội Mỹ đã tăng cường ngân sách quốc phòng, phát triển, nâng cao quân đội, khoa học chiến tranh và công nghệ quân sự, phát triển và nâng cao lực lượng không quân. Họ xem lại tất cả, thẩm định và đánh giá lại tất cả, viết lại các giáo trình quân sự.

Kể từ đó đến nay, quân đội Mỹ chưa bao giờ nếm mùi thất bại lần nữa, dù là những thất bại quân sự nhỏ nhất, dù là những trận đánh nhỏ nhất. Đến nỗi trong hai ba thập kỷ trở lại đây, mỗi lần Mỹ động binh là người ta không ai đặt câu hỏi là Mỹ sẽ thua hay thắng, mà họ đặt câu hỏi Mỹ cần bao lâu để thắng.

Quân đội Hoa Kỳ hay Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ (United States armed forces) là tổng hợp các lực lượng quân sự thống nhất của Hoa Kỳ, gồm có Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến, Không quân, và Tuần duyên. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ do Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ lãnh đạo. Bộ trưởng là một người thuộc giới dân sự và là một thành viên trong Nội các Hoa Kỳ. Bộ trưởng cũng phục vụ trong vai trò tư lệnh quân sự đứng thứ hai sau tổng thống. Để điều phối hành động quân sự với ngoại giao, tổng thống Mỹ có một Hội đồng An ninh Quốc gia với một vị cố vấn an ninh quốc gia lãnh đạo để hội ý. Cả tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng đều được cố vấn bởi một Bộ Tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ gồm 6 thành viên là lãnh đạo của các quân chủng. Bộ Tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ do Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và Tổng tham mưu phó Liên quân Hoa Kỳ lãnh đạo.

Tất cả quân chủng được đặt dưới quyền hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, ngoại trừ Tuần duyên Hoa Kỳ được đặt dưới quyền của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (United States Department of Homeland Security - DHS) vào năm 2003 sau khi có việc tái tổ chức chính phủ theo sau sự kiện "911" ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tuần duyên Hoa Kỳ có thể được thuyên chuyển sang Bộ Hải quân Hoa Kỳ theo lệnh của tổng thống hay Thượng viện trong tình trạng chiến tranh.

Từ lúc lập quốc, quân sự luôn đóng vai trò quyết định trong lịch sử Mỹ. Ý nghĩa mang tính định hình và thống nhất quốc gia đã được hình thành từ các chiến thắng như các cuộc chiến chống hải tặc Barbary cũng như cuộc chiến tranh năm 1812. Sau Thế chiến 2, Mỹ bắt đầu đặt nền móng, tập trung xây dựng và phát triển một đội quân bá chủ.

Quân đội Hoa Kỳ là một trong những quân đội lớn nhất thế giới tính theo quân số. Quân đội Mỹ ngày nay phần lớn được hình thành từ những người tự nguyện phục vụ để đổi lấy rất nhiều quyền lợi về giáo dục, tri thức, kinh tế, công việc, y tế v.v. Luật an sinh xã hội Mỹ rất ưu tiên cho tầng lớp quân đội, quân nhân/cựu quân nhân. Luật doanh nghiệp Mỹ bắt buộc các doanh nghiệp phải dành một số lượng vị trí nhất định cho tầng lớp quân đội, quân nhân/cựu quân nhân. Những người nhập ngũ ngay từ đầu đã được cấp những học bổng để học miễn phí trong các trường đại học lớn ở Mỹ, và có "phụ cấp" dồi dào, không phải lo nhiều về chuyện học hành, ăn ở, sinh sống. Sau chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ không còn áp dụng chế độ cưỡng bức quân dịch ở liên bang.

Đến nay, chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ ra hơn 700 tỷ USD để chi tiêu cho các lực lượng quân sự của mình, chiếm khoảng 42% chi tiêu quân sự cả thế giới. Dù trong lịch sử chưa từng bị ngoại thuộc, chưa từng bị quân đội bên ngoài xâm lược, không có nhiều cuộc chiến trong nội địa. Cuộc chiến lớn nhất là Nội chiến Hoa Kỳ (American Civil War) xảy ra 4 năm. Ngày nay họ cũng không đối diện thường trực với mối đe dọa xâm lược nào, hay thậm chí mối đe dọa quân sự nói chung nào, nhưng ngân sách quốc phòng mỗi năm của họ vẫn luôn luôn cao nhất thế giới và bỏ xa gấp nhiều lần các nước còn lại.

Nhờ luôn đặt trọng tâm vào quân sự, công nghiệp vũ khí, công nghệ chiến tranh, quân đội Mỹ đã sở hữu số lượng lớn các trang bị mạnh và tiên tiến mà giúp cho họ trở thành đội quân khó ai địch nổi trong thế kỷ 21. Bên cạnh đó, quân đội Hoa Kỳ cũng đã gây ra nhiều bất bình, tai tiếng trong dư luận và vướng nhiều chỉ trích, lên án về những tội ác do họ thực hiện trong các cuộc chiến tranh hay chiếm đóng, đi kèm theo đó là những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Lính Mỹ phải là công dân có quốc tịch Hoa Kỳ. Tên gọi khác của lính Mỹ là Yankee, bắt nguồn từ Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Trong quân đội Mỹ ngoài những người da trắng, còn có nhiều người da màu gốc Phi, gốc Mỹ Latinh, và gốc Á, kể cả gốc Việt. Một số người Việt hải ngoại rất lấy làm tự hào, hãnh diện, nở mặt nở mày, xem đó là sự vinh hạnh cho gia đình, họ hàng khi trong nhà có người được đi lính Mỹ.

Quân nhân Mỹ được huấn luyện bài bản, kỹ càng, kể cả những bài huấn luyện về trang bị kỹ năng sinh tồn, võ thuật cận chiến, gồm cả những kỹ thuật bấm huyệt, vô hiệu hóa con người trong nháy mắt. Chương trình huấn luyện võ thuật cá nhân trong quân đội Mỹ được giảng dạy bởi những huấn luyện viên chuyên nghiệp, có trình độ võ thuật cao, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu xáp lá cà. Chương trình võ thuật của họ là sự tổng hợp, thái dụng, tinh lọc và phát triển từ hầu hết các môn võ trên thế giới, nhưng chủ yếu vẫn là Karate, Aikido chiến đấu, Quyền anh, Quyền anh tự do, Nhu đạo... Họ thường có trình độ học vấn cao, sức khỏe tốt, có kỷ luật và tinh thần chuyên nghiệp của một đạo quân nhà nghề.

Lính Mỹ còn được gọi là "lính Vua", vì ngoài việc hiện nay theo nhiều nhà nghiên cứu quân sự quốc tế thì không có quân đội nào hiện nay khả dĩ đối đầu cân sức với họ, thì họ còn được trang bị rất đầy đủ: Vũ khí tối tân, áo giáp chống đạn, thiết bị nhìn đêm, mặt nạ phòng độc. Trước khi vào trận thì có máy bay ném bom và pháo binh dọn đường, ăn uống tốt, chỗ ở tốt, giải trí có rất nhiều hình thức, lương cao, những nơi họ đóng quân, kể cả ở nước ngoài, đều có những khu "vui chơi giải trí" phục vụ tình dục. Khi lính Mỹ chết trận thì người thân được chính phủ đền bù, trợ cấp, bồi thường hậu hĩnh.

Theo báo cáo của SIPRI, Mỹ là “tay lái súng” dẫn đầu thế giới ở thị trường xuất khẩu vũ khí. Trong khi ngược lại, các nước châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu trong danh sách các nước nhập khẩu vũ khí lớn trên cả thế giới. Trong giai đoạn 2007-2011, các nước này chiếm tới 44% giá trị các hợp đồng mua vũ khí.

Hoa Kỳ luôn giữ công nghệ và bán vũ khí. Họ xuất khẩu súng đạn nhiều nhưng rất hiếm khi xuất khẩu công nghệ. Và khi họ bán công nghệ thì thường bán rất đắt. Họ muốn kiếm lợi nhuận song cũng khôn khéo giữ lấy những "miếng võ bí truyền", "miếng võ gia truyền" để duy trì thế mạnh, duy trì vị trí đứng đầu về công nghệ chiến tranh và sức mạnh quân sự, duy trì vị thế bá chủ.


Cũng như trong 2 cuộc Thế chiến, từ xưa tới nay, tư bản tài phiệt lái súng của Mỹ luôn đi đầu trong việc "hưởng lợi" trong bối cảnh căng thẳng và xung đột quân sự gia tăng tại một số khu vực trên thế giới

Lịch sử hình thành, quá trình trưởng thành của quân đội Mỹ và những chiến dịch của quân đội này luôn gắn liền với chính sách bành trướng toàn cầu và chủ nghĩa đế quốc của Mỹ, từ đó sản sinh ra những khái niệm mới và thuật ngữ mới trong giới chính trị học thế giới như "đế quốc Mỹ", "tiểu bang thứ 51", "vận mệnh hiển nhiên"...

Trong nửa cuối thế kỷ qua, các chính quyền kế tiếp nhau của Mỹ đã lật đổ gần 50 chính quyền nước khác, nhiều nước trong số đó là những nước dân chủ, kể cả những quốc gia có y hệt mô hình chính trị kiểu Mỹ. Trong quá trình đó, gần 30 quốc gia đã bị quân đội Hoa Kỳ tấn công và ném bom, với vô số tổn thất về nhân mạng thường dân.

"Đế quốc Mỹ" hay "chủ nghĩa đế quốc của Mỹ" (American imperialism, American Empire) là một thuật ngữ nói về sự bành trướng quân sự và cả chính trị, kinh tế, văn hóa của Hoa Kỳ. Khái niệm về "đế quốc Mỹ" đầu tiên được phổ biến rộng rãi sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha - Hoa Kỳ vào năm 1898. Khái niệm này không chỉ đến từ những người theo trường phái cổ điển Marxist-Leninist, mà còn từ những lý thuyết gia hiện đại của trường phái Tự do và Bảo thủ khi họ nghiên cứu và phân tích chính sách ngoại giao Hoa Kỳ.

Thuật ngữ "chủ nghĩa đế quốc" đầu tiên được dùng để nói về các vấn đề liên quan tới Napoleon, và cũng được dùng khi nói về chính sách ngoại giao của Anh. Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi hơn trong thế kỷ 19 và đầu tiên được sử dụng một cách phổ biến để nói về Hoa Kỳ bởi Liên minh Hoa Kỳ chống Đế quốc, được thành lập năm 1898 để chống chiến tranh Tây Ban Nha - Hoa Kỳ và sự chiếm đóng quân sự cùng những tội ác chôn sống, diệt chủng gây ra bởi quân đội Mỹ ở Philippines sau đó.

Ngoài Liên bang Hoa Kỳ và 2 tiểu bang Alaska, Hawaii, Mỹ còn có những lãnh thổ phụ thuộc, bao gồm vùng quốc hải (Insular area) Puerto Rico, Samoa, Guam, và 2 quần đảo, 8 đảo, và 1 bãi đá khác.


Một công dân ở thành phố Seattle, bang Washington, Hoa Kỳ, đã treo biểu ngữ ví Iraq như là một tiểu bang của nước này. Sau đó bị cảnh sát Seattle dẹp bỏ.

Tư tưởng bành trướng toàn cầu của Hoa Kỳ được thể hiện rõ qua khái niệm "Vận mệnh hiển nhiên" (Manifest Destiny), "vận mệnh hiển nhiên" là một niềm tin của người Mỹ rằng Hoa Kỳ có "vận mệnh" mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Khái niệm này cũng được sử dụng để hô hào và biện hộ cho việc thu phục các lãnh thổ khác. Những người cổ vũ cho khái niệm "Vận mệnh hiển nhiên" tin rằng mở rộng lãnh thổ không chỉ tốt đẹp mà còn là "hiển nhiên" và là "vận mệnh". Ban đầu, "Manifest Destiny" là một từ có tính cách thời thế chính trị trong thế kỷ 19 nhưng dần dần nó trở thành thuật ngữ chuẩn lịch sử, thường được dùng như đồng nghĩa với việc mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ khắp lục địa Bắc Mỹ.


Các quốc gia trên thế giới dưới tầm ảnh hưởng của quân đội Mỹ, tính đến năm 2007. Màu càng đậm nghĩa là ảnh hưởng quân sự Mỹ càng nhiều, màu càng nhạt thì sự ảnh hưởng ít hơn. Hiện Mỹ đang có số lượng quân đội và căn cứ quân sự ở nước ngoài nhiều nhất thế giới.

Thuật ngữ Manifest Destiny này đầu tiên được các đảng viên Đảng Dân chủ sử dụng lần đầu vào thập niên 1840 để cổ vũ việc sát nhập nhiều vùng đất mới vào liên bang Mỹ như xứ Oregon, vương quốc Hawaii, thương vụ Alaska, Cộng hòa Texas, Nhượng địa Mexico, Vùng đất mua Louisiana, một phần Canada v.v. Niềm tin này được làm sống lại vào thập niên 1890, lần này là do những người ủng hộ Đảng Cộng hòa dùng như lời bào chữa cho việc mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ bên ngoài Bắc Mỹ.

Thuật ngữ này không được những nhà làm chính sách của Hoa Kỳ sử dụng trong đầu thế kỷ 20 nhưng một số nhà bình luận tin rằng một số khía cạnh của niềm tin "Vận mệnh hiển nhiên", đặc biệt là tư tưởng, niềm tin, chủ nghĩa đại bá quyền về một "nhiệm vụ" của người Mỹ là bành trướng thế lực, mở rộng tầm ảnh hưởng ra khắp thế giới dưới chiêu bài chính trị "khai hóa dân chủ", "khai hóa văn minh".


Bức tranh năm 1872 do họa sĩ John Gast vẽ có tên "American Progress" (Sự tiến tới của Hoa Kỳ) là một sự miêu tả mang tính biểu tượng về tư tưởng "Vận mệnh hiển nhiên". Trong hình là nàng Columbia, một hình tượng được nhân cách hóa như là nước Hoa Kỳ, đi phía Tây cùng với những người định cư Mỹ vì sự nghiệp "khai hóa". Người Mỹ bản xứ (Native American) cùng thú hoang bỏ chạy.

Tư tưởng nước lớn của Mỹ cũng được thể hiện qua khái niệm "Tiểu bang thứ 51" (51st state), đó là một thuật ngữ để chỉ những vùng được nghiêm túc hoặc mỉa mai cho rằng có thể trở thành một vùng đất mới của Hoa Kỳ, cộng thêm vào 50 tiểu bang sẵn có của họ. Trước năm 1959, khi Mỹ chưa xâm chiếm đảo quốc Hawaii, và Alaska chưa sát nhập vào liên bang Hoa Kỳ, thuật ngữ "49th state" (tiểu bang thứ 49) đã được dùng. Gần đây nhất, vùng quốc hải Puerto Rico có khả năng thành tiểu bang thứ 51.

Cụm từ "tiểu bang thứ 51" cũng được dùng để nói về các quốc gia đã và đang nằm dưới sự ảnh hưởng hoặc điều khiển từ chính phủ Hoa Kỳ. Trong nhiều nước trên thế giới, nhiều người tin rằng văn hóa bản địa hoặc/và văn hóa dân tộc của họ đã bị Mỹ hóa quá nhiều, những nhóm này cũng thường sử dụng thuật ngữ "tiểu bang thứ 51" như là một cái nhìn nghiêm khắc về nước họ.


Cờ 51 sao đã được thiết kế tại Mỹ

Chiến tranh công nghệ cao

Lịch sử phát triển của nền công nghiệp quốc phòng, khoa học công nghệ quân sự của Mỹ có 2 bước ngoặt lớn:

1. Từ năm 1939 đến 1945, hai cơ quan Office of Strategic Services (OSS, tiền thân của CIA) và Joint Intelligence Objectives Agency (JIOA) của Mỹ thực hiện chương trình Operation Paperclip, là một chương trình nhằm chiêu dụ, tuyển dụng, mua chuộc, thậm chí bắt cóc và ép buộc các nhà bác học, khoa học của Đức và Nhật bí mật làm việc, nghiên cứu cho Bộ quốc phòng Mỹ và sau đó vẫn sử dụng họ đến năm 1991, nhiều người đã mất tích. Từ khi chương trình đó được triển khai, nền khoa học kỹ thuật, công nghệ quốc phòng của Mỹ có sự tiến bộ vượt bực, bỏ xa các nước khác, vượt trội cả các nước châu Âu. Sau khi Liên Xô sụp đổ thì chỉ còn lại Hoa Kỳ độc quyền "bá chủ" công nghệ chiến tranh trên thế giới.

2. Trong chiến tranh xâm lăng Việt Nam, với ý chí quyết thắng bằng mọi giá, Mỹ đã sáng tạo, nghiên cứu nhiều công nghệ mới, đặc chế nhiều vũ khí mới để giành chiến thắng. Họ đã áp dụng 3 loại hình chiến tranh công nghệ cao; chiến tranh điện tử (electronical warfare), chiến tranh hóa học (chemical warfare) và chiến tranh khí tượng (weather warfare). Ngoài vũ khí hóa học họ đã dùng trong cuộc chiến Triều Tiên thì chiến tranh điện tử và chiến tranh khí tượng là lần đầu tiên họ áp dụng.

Một trong những chương trình tiêu biểu của sự tác chiến điện tử trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam chính là Hàng rào điện tử McNamara (McNamara Line, Project Practice Nine, Project Dye Marker, Project Muscle Shoals), là tên gọi cho hệ thống các phương tiện điện tử phát hiện thâm nhập được quân đội Mỹ sử dụng dọc theo khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17 và Đường Trường Sơn như một biện pháp trinh sát mặt đất tự động nhằm phát hiện các hoạt động vận chuyển của Quân đội Nhân dân Việt Nam lưu thông qua khu vực này.

Hàng rào điện tử McNamara được xây dựng từ tháng 6 năm 1966 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara, bao gồm hệ thống 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản (hàng rào dây thép gai, bãi mìn...), các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không (rađa, máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn...), được bố trí liên hoàn trong khu vực có chiều rộng 10–20 km, dài khoảng 100 km từ cảng Cửa Việt lên đường 9, tới biên giới Việt Nam – Lào, sang Mường Phìn (Lào). Công trình này đã tiêu tốn hơn 2 tỷ đô la Mỹ.

Các máy phát hiện thâm nhập thường theo nguyên lý phát hiện địa chấn, vì vậy chúng có tên gọi kết thúc bằng 3 chữ SID (Seismic Intrusion Detector). Các máy này dùng để phát hiện thâm nhập bằng đường bộ. Loại máy được biết đến nhiều nhất, thường được gọi là "cây nhiệt đới" (ADSID - Air Delivered Seismic Intrusion Detector), được thả từ trên máy bay để đầu nhọn có cảm biến địa chấn cắm vào trong mặt đất. Phần thấy được còn lại trên mặt đất là ăng-ten. Có loại máy phát hiện địa chấn có kèm thêm bộ phận thu truyền âm thanh để trạm trinh sát kiểm tra đối tượng gây địa chấn là người hay xe vận tải (ACOUSID). Ngoài các máy phát hiện địa chấn thả từ máy bay còn có các máy có tính năng tương tự do binh lính triển khai, thường dùng trong các hoạt động chiến thuật phục vụ canh phòng hay phục kích (GSID hay Ground Seismic Intrusion Detector, PSID hay Patrol Seismic Intrusion Detector và HANDSID).

Mỹ cũng đã dùng chất độc da cam (Dioxin) để diệt rừng, diệt cây cỏ, mầm sống, sinh vật để hủy hoại thiên nhiên và mùa màng Việt Nam, khủng bố tinh thần quân dân VN, và để cho du kích Việt Cộng không còn nơi ẩn thân, phục kích.

Theo hồ sơ biên bản buổi chất vấn trong Thượng viện Mỹ ngày 20/3/1974 trong kho lưu trữ tài liệu về Chiến tranh Việt Nam của trường đại học Texas Tech University thì Mỹ đã dùng chất độc để phá hoại khí hậu, thời tiết, địa chất ở miền Nam Việt Nam. Trong chiến dịch "Operation Popeye", Mỹ dùng công nghệ cao tạo ra mây để tăng lượng mưa khoảng 30% trong suốt hai năm 1967 và 1968 trên Đường Trường Sơn (Mỹ gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh), hy vọng gây khó khăn và làm giảm nhuệ khí, ý chí của quân dân Việt Nam di chuyển trên những con đường đó. Mỹ cũng đã rải hóa chất quanh Khe Sanh để xua tan những sương mù gây khó khăn cho không quân của họ trong chiến dịch Khe Sanh năm 1968.

Đây là một loại hình chiến tranh mà Mỹ đã sử dụng những công nghệ tiên tiến, tối tân nhất cùng những thiết bị hiện đại nhất với mục đích làm đảo lộn, phá hủy môi sinh, thiên nhiên, gây lụt lội, tắc ách ở trên những tuyến của 5 con đường mòn Hồ Chí Minh chi viện từ Bắc vào Nam, đặc biệt với con đường huyết mạch Trường Sơn. Loại chiến tranh khí tượng của Mỹ được che đậy dưới những danh từ thơ mộng, vô hại, thân thiện như “Người đồng bào trung gian” (Intermediary compatriot), Chương trình mở mắt (Popeye), Công trình sông Nile xanh (Blue Nile)...

Sau khi thua cuộc chiến ở Việt Nam, Mỹ càng nỗ lực quyết tâm hơn trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học chiến tranh, công nghệ quân sự. Họ phát triển và nâng cấp những công nghệ cao mà họ đã thất bại ở Việt Nam. Ví dụ bom định hướng bằng tia laser (laser-guided bomb - LGB). Theo nhà nghiên cứu quân sự người Mỹ gốc Tiệp Khắc Jirka Wagner trong một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí quân sự American Heritage của Mỹ thì vũ khí định hướng bởi laser đã được Hoa Kỳ phát triển từ đầu những năm 1960. Không quân Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng ở VN từ năm 1968, vũ khí LGB của Mỹ đã tác xạ chính xác hơn rất nhiều so với các vũ khí không được laser định hướng. Vũ khí LGB đặc biệt rất hữu dụng đối với những mục tiêu tĩnh nhưng khó nhắm, khó bắn trúng như những cầu nhỏ ở các thôn quê Việt Nam, mà trước đó mỗi khi Mỹ muốn phá hủy thì đều huy động nhiều máy bay dội bom, phóng tên lửa ồ ạt vào.

Khoảng 48% bom định hướng ném xuống Hà Nội và Hải Phòng trong thời gian 1972-1973 đã trúng đích, trong khi vài năm trước, chỉ có khoảng 5,5% bom không định hướng dội xuống cùng một khu vực là trúng đích.

Một trong những ví dụ rõ ràng nhất về sự lợi hại của những vũ khí và bom được laser định hướng là mục tiêu cầu Hàm Rồng, 70 cây số ở phía Nam Hà Nội, là một địa điểm vượt sông Hồng quan trọng. Bắt đầu từ năm 1965, đã có 871 chiến đấu cơ, oanh tạc cơ của Mỹ tìm cách đánh sập cầu, tiêu diệt trọng điểm vượt sông chi viện cho miền Nam này, họ bị lực lượng phòng không tinh nhuệ, thiện chiến của Việt Nam bắn chạy hết, mất 11 pháo đài bay chiến lược B52 mà không đạt được mục đích.

Năm 1972, chiếc cầu đã bị tấn công bởi bom LGB, và 14 chiếc máy bay rốt cuộc đã làm được điều mà 871 chiếc trước đây không làm được, họ đã thành công đánh sập cầu và diệt được một tuyến quan trọng chi viện cho miền Nam.

Sau khi thua cuộc chiến, Mỹ đã nghiên cứu lại và phát triển bom GBU-31 JDAM (Joint Direct Attack Munition), đây là loại bom thông minh có bộ điều khiển quỹ đạo gắn ở phần đuôi bom. Bộ điều khiển quỹ đạo của bom sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) làm tăng độ chính xác, sử­ dụng được trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu và có khả năng ném bom tự động.

Bom thông minh GBU-31 JDAM đ­­ược Mỹ sử­ dụng lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Bom GBU-31 JDAM có thể ném từ­ độ cao 6 đến 15 dặm (8km - 24 km). Do đó không đòi hỏi phi công phải hạ thấp máy bay để tìm mục tiêu nên phi công có thể ném bom từ­ độ cao an toàn.

Bom cũng cho phép ném từ­ bất kỳ góc độ nào trong khi máy bay đang lao xuống hoặc bay lên, đang bay thẳng trục hay lệch trục ném bom. Sự dẫn hướng của bom được thực hiện khép kín bởi sự kết hợp giữa hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS và hệ dẫn quán tính 3 trục INS. INS là bộ phận phụ dẫn, chỉ có ý nghĩa khi GPS không hoạt động, như khi GPS bị làm nhiễu. Khả năng này của JDAM cho phép bom chống lại nguy cơ làm nhiễu GPS bằng kỹ thuật cao của đối phương. Trong khi đó bom định vị bằng tia laser như trước đây rất dễ bị lạc nếu gần mặt đất có khói hay sương mù, như đã thấy trên chiến trường Việt Nam.

Gần đây, Hoa Kỳ đang thiết kế loại đạn tự đổi hướng như tên lửa. Các kỹ sư Mỹ tuyên bố rằng cách thức chiến đấu của lính Mỹ sẽ thay đổi trong tương lai sau khi loại đạn có khả năng tự điều chỉnh hướng được "ra lò". Cơ quan thông tấn Associate Press đưa tin các kỹ sư của Phòng Thí nghiệm Quốc gia Sandia (Mỹ) đang thiết kế loại đạn có khả năng tự đổi hướng tới 30 lần trong một giây để găm trúng mục tiêu với sự dẫn đường của tia laser.

Viên đạn này có chiều dài khoảng 10 cm, được gắn một cảm biến quang học ở phần chóp để có thể phát hiện tia laser trên mục tiêu. Cảm biến quang học gửi thông tin về vị trí của mục tiêu tới các vi mạch điện tử. Các vi mạch điện tử sử dụng một thuật toán để điều khiển những bộ dẫn động điện từ. Khi các bộ dẫn động được kích hoạt, chúng sẽ điều khiển những vảy cực nhỏ để đưa viên đạn tới mục tiêu.


Minh họa "đạn thông minh" của quân đội Mỹ

Phòng thí nghiệm đã nhận hơn 1 triệu USD để nghiên cứu và phát triển đạn mới. Quá trình thiết kế và chế tạo đã diễn ra từ năm 2008. Ông Red Jones, chuyên gia kỹ thuật của Phòng Thí nghiệm Quốc gia Sandia, cho biết ông và các đồng nghiệp đang thiết kế 50 viên đạn tự dẫn đường dành cho súng máy. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hoạt động của đạn trên mô hình máy tính. Họ cũng đã chế tạo phiên bản đạn đầu tiên và thử nó trên thực địa.

Căn cứ quân sự bí mật

Mỹ có nhiều cơ quan nghiên cứu, phát triển, chế tạo các vũ khí, công nghệ đặc biệt, trung tâm huấn luyện đặc biệt, kể cả những cơ quan, địa điểm, căn cứ quân sự bí mật. Nhiều địa điểm, cơ quan trong số đó được thành lập trong thời gian họ tiến hành chiến tranh với Việt Nam trong khoảng thời gian 1954-1975, với mục tiêu giành chiến thắng trước Việt Cộng.

Một số địa điểm, cơ quan quân sự ấn tượng có thể kể đến như núi Cheyenne, bang Colorado, nơi nghiên cứu, chế tạo, phát triển công nghệ hạt nhân quân sự và thử nghiệm những vũ khí đặc biệt. S-4 (Sector Four), Papoose Lake, Nevada.

Khu vực 51 (Area 51) ở Nevada, bao gồm nhiều cơ quan nghiên cứu các vũ khí đặc biệt, các loại hình chiến tranh đặc biệt thời đại mới, thử nghiệm máy bay không người lái và các loại máy bay đặc biệt, nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa học, sinh học, công nghệ nguyên tử.

Một số địa điểm kể trên trong quá khứ đã từng bị rò rỉ và đã có nhiều đồn đại về nó, như Khu vực 51 được người ta đồn rằng là một nơi đĩa bay của người ngoại tinh cầu (Alien) đáp xuống trái đất và bị cấm "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để điều tra. Một số người dân nhìn thấy những vật thể bay lạ quanh khu vực, trong thập niên 1990 người ta gọi những vật thể đó trong khu vực là những "vật thể bay chưa xác định" (Unidentify Flying Object - UFO) của người ngoài hành tinh, một trong nhiều tin đồn về người ngoài hành tinh, về UFO ở Hoa Kỳ trong thời gian đó. Gần đây, nhiều nhà khoa học đã cho biết những vật thể đó thực chất là những máy bay thử nghiệm, máy bay huấn luyện của không quân Hoa Kỳ chứ không phải là UFO.

Một trong những cơ sở quân sự mờ ám nhất và từng có điều tiếng, "lời ra tiếng vào" của Mỹ là Dugway Proving Ground (DPG), ở phía Tây Nam của Salt Lake City, tiểu bang Utah. Mục tiêu của DPG là thử nghiệm vũ khí hóa học và sinh học trong một không gian biệt lập và một môi trường an ninh, trong đó có những vũ khí gây hại cho thần kinh.

DPG được kiểm soát bởi Cơ quan thử nghiệm và nhận định của quân đội Hoa Kỳ (U.S. Army Test and Evaluation Command - ATEC). Khu vực này cũng được dùng để huấn luyện lực lượng đặc nhiệm Mỹ trước cuộc tấn công vào Afghanistan. Theo đài BBC thừa nhận, có khoảng từ 1200 đến 1400 nạn nhân bị ảnh hưởng sức khỏe từ những thử nghiệm này, trong đó có những thử nghiệm gây hại đến thần kinh, và nhiều thí nghiệm vô nhân đạo khác mà trước đây được bảo mật kỹ càng. Những người làm việc ở đây cũng không thể thưa kiện ai vì họ đã chấp nhận những điều khoản trong hợp đồng trước khi vào làm việc trong biệt khu.

Tháng 3 năm 1968, một sự kiện bất ngờ đã xảy ra, 6.249 con cừu từ các nông trại quanh vùng Skull Valley đã đồng loạt đột tử. Skull Valley là vùng cách gần 30 cây số với khu vực thí nghiệm DPG. Khi xác cừu được khám nghiệm thì các bác sĩ phát hiện ra chúng đã bị đầu độc bởi chất hóa học hợp chất cơ phospho. Sự kiện này trùng khớp với một số hoạt động thí nghiệm ngoài trời những vũ khí hóa học có hóa chất VX, tên IUPAC O -ethyl S - 2 - (diisopropylamino) của quân đội Mỹ, đó là một chất hóa học cực kỳ độc hại mà chỉ ứng dụng trong chiến tranh hóa học như là một tác nhân thần kinh. Là một vũ khí hóa học, nó được phân loại là một trong những vũ khí hủy diệt hàng loạt trong Nghị quyết 687 của Liên Hiệp Quốc. VX là hóa chất nguy hiểm nhất, mạnh nhất, độc nhất được biết đến của V-series của chất độc thần kinh lưu hành trong quân đội Hoa Kỳ.

Căn cứ quân sự này cũng là nơi Mỹ thực nghiệm, chuẩn bị nhiều thứ cho chiến tranh chống Việt Nam. Sự kiện cừu chết đồng loạt vì bị ảnh hưởng bởi các chất độc hóa học của quân đội Mỹ đã góp phần làm dâng cao phong trào phản chiến đang dâng trào mạnh mẽ trong nước Mỹ lúc đó, gây ra sự phẫn nộ to lớn ở bang Utah, liên bang Hoa Kỳ, và cộng đồng quốc tế. Đồng thời gây ra sự chú ý của giới khoa học khi đó.

Những "thần ưng" tung hoành ngang dọc và thống trị bầu trời

Mũi nhọn quân sự của Mỹ chính là quân chủng không quân. Mỹ đặt trọng tâm phát triển lực lượng không quân không phải vì chim ưng là biểu tượng quốc gia của nước Mỹ, cũng không phải vì Đảng Cộng hòa được mệnh danh là "đảng diều hâu", mà là vì tính thực dụng, trí tuệ, tầm nhìn xa, quốc sách đối ngoại, chiến lược toàn cầu, tham vọng bành trướng toàn cầu, mở rộng tầm ảnh hưởng khắp hành tinh, và khả năng kinh tế, ngân sách quốc phòng của họ.

Trong những cuộc chiến tranh hiện đại, không quân đã thể hiện ưu thế siêu việt của nó so với lục quân và hải quân. Không quân di động và tác chiến nhanh, chuẩn. Ít phải dùng nhiều người và đỡ hao binh tổn tướng. Về chính trị thì nó mang tính chất công kích, quấy rối, đỡ bộc lộ bản chất xâm lược so với bộ binh chiếm đóng. Không quân có thể tấn công vào các mục tiêu trên không, dưới đất và trên biển, có thể chiến đấu trong nhiều không gian và thời gian khác nhau và phá hoại mọi nơi. Nó cũng có nhiều tác dụng đa dạng như chuyển quân rất nhanh, đổ bộ, nhảy dù, bắn đạn, phóng tên lửa, dội bom vào các mục tiêu khác nhau. Ngoài vai trò chính, nó còn có thể chiến đấu với với vai trò phụ, tiếp ứng, trợ chiến cho lục quân và hải quân bạn cũng như tấn công, oanh kích vào các mục tiêu bộ binh và thủy binh địch.

Không quân, máy bay quân sự, trực thăng chiến đấu tốn rất nhiều tiền, do đó thường chỉ có những quốc gia có tiềm lực kinh tế giàu mạnh, có ngân sách quốc phòng cao, và có xu hướng tấn công, xâm lược, bành trướng mới đặt trọng tâm phát triển, vì nó vẫn chủ yếu là vũ khí tấn công.

Gần đây, công ty Oliver VTOL LLC của Mỹ đã công bố phiên bản trực thăng lai 6 cánh quạt có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng Oliver Hexplane, gọi là "quái vật sáu cánh". Hãng tuyên bố loại máy bay mới này bay nhanh hơn, xa hơn và an toàn hơn bất kỳ máy bay nào cùng loại hiện nay trên quả địa cầu.

Phiên bản Hexplane có thiết kế dựa thiết kế thân máy bay Boeing 737-100. Máy bay có 3 cánh cùng 6 cánh quạt giúp tăng tốc độ, tầm bay và trần bay. Theo kỹ sư hàng không Richard Oliver, chủ hãng Oliver VTOL LLC, Hexplane khác biệt với các loại máy bay cùng loại ở số lượng động cơ và cánh quạt. Theo đó, trong khi mẫu máy bay nổi tiếng V-22 Osprey của quân đội Mỹ chỉ có 2 động cơ và 2 cánh quạt thì Hexplane có 6 động cơ và 6 cánh quạt. Số lượng “áp đảo” này giúp máy bay tăng độ tin cậy kỹ thuật và an toàn cho phi công.

Ông Oliver cho biết thiết kế này sẽ giúp Hexplane khắc phục nhược điểm của V-22 Osprey là không thể bay khi hỏng một động cơ. Với 6 động cơ tạo thành một vòng tròn giả định, trọng tâm của Hexplane nằm ở chính tâm vòng tròn. Điều này giúp Hexplane có thể khắc phục toàn bộ nhược điểm của V-22 Osprey và tăng khả năng sống còn khi vẫn đủ khả năng bay bình thường dù hỏng một động cơ. Ngoài ra, Oliver khẳng định với việc sử dụng động cơ hiện đại, mức tiêu thụ nhiên liệu của Hexplane giảm 15-20% so với V-22 Osprey. Sáu khối động cơ và cánh quạt được bố trí thành từng cặp trên 3 cánh. Chuyển động của chúng sẽ được tiến hành đồng thời nên giúp Hexplane vừa có khả năng cất cánh như trực thăng, lại vừa có khả năng bay như máy bay phản lực.


Thiết kế tổng thể Oliver Hexplane


Máy bay cất hạ cánh thẳng đứng nổi tiếng V-22 Osprey của Mỹ

Các loại máy bay trực thăng trinh sát tấn công đa năng của Mỹ đều có trang bị điện tử tối tân và có thể khiến radar địch bị nhiễu. Mỹ đang sở hữu ít nhất là 100 máy bay đặc biệt để thực hiện các nhiệm vụ tấn công tối mật.


Trực thăng tấn công tàng hình RAH-66

Hiện Hoa Kỳ đang phát triển dự án "Chương trình Oanh tạc cơ Thế hệ mới" (Next-Generation Bomber program), trước đây từng được gọi là "Oanh tạc cơ 2018" (2018 Bomber), đây là dự án được phát triển bởi quân chủng không quân Hoa Kỳ, dự kiến đưa vào phục vụ trên chiến trường vào năm 2018 với những máy bay ném bom công nghệ cao, siêu tàng hình và siêu thanh.


Oanh tạc cơ Thế hệ mới (Máy bay ném bom 2018) của không quân Mỹ

Ngoài việc đang sở hữu nhiều vũ khí phóng xạ độc hại, Mỹ cũng lo phát triển vũ khí áp nhiệt (thermobaric weapon), là một loạt các vũ khí nổ, khi nổ nó có thể tạo ra hàng loạt sóng chấn động nhiều, lâu và lớn hơn các loại vũ khí nổ sử dụng các loại thuốc nổ đặc thông thường. Nó rất hữu dụng trong quân sự vì khả năng gây sát thương cao cũng như công phá các công sự chắc chắn, hay phương tiện cơ giới giáp nhẹ mà bình thường sẽ phải sử dụng các loại vũ khí chuyên dụng cho sát thương hoặc công phá. Nó được so sánh giống như vũ khí nguyên tử chiến thuật nhưng không phát ra phóng xạ.

Rút kinh nghiệm trong việc thúc thủ trước địa đạo Củ Chi, địa đạo Vịnh Mốc, địa đạo Tân Phú Trung và nhiều địa đạo khác ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là địa đạo Củ Chi sát ngay bên đầu não Mỹ-ngụy ở Sài Gòn mà họ không làm gì được. Sau khi thua Việt Nam, Mỹ đã tích cực sản xuất và phát triển loại bom phá hầm hào địa đạo và các cơ sở quân sự dưới lòng đất mà họ gọi là loại bom "Bunker Buster". Loại bom được thiết kế để gây chấn động mạnh, xuyên thấu lòng đất, gây tổn thương nặng nề cho mục tiêu được bao bọc cẩn thận bởi các công trình xây dựng cứng cáp hoặc ẩn sâu dưới đất.

Một trong những loại "Bunker Buster" chất lượng cao của Mỹ là Massive Ordnance Penetrator (MOP) GBU-57A/B, đây là loại bom địa chấn, có tác dụng phá địa đạo thông minh hạng nặng của không quân Hoa Kỳ, nặng 13.608 kg. Nó còn lớn hơn cả loại bom phá địa đạo xuyên thấu xuống mặt đất sâu nhất trước đó, là loại GBU-28 2.268 kg.

Bom GBU-43/B (MOAB) có tên thông dụng là "Mẹ của các loại bom" (Mother of all Bombs - MOAB) là một loại bom có cỡ rất lớn được thiết kế và trang bị cho không quân Hoa Kỳ bởi kỹ sư Albert L. Weimorts Jr.. Tại thời điểm đưa vào trang bị, nó là loại vũ khí phi hạt nhân có sức hủy diệt mạnh nhất thế giới. Bom được thiết kế để rải xuống từ máy bay vận tải C-130. Nhưng sau đó, Nga đã chế tạo và thử nghiệm quả bom có tên "Cha của các loại bom" (Авиационная вакуумная бомба повышенной мощности - АВБПМ) và công bố nó có sức hủy diệt mạnh hơn gấp 4 lần bom "Mẹ của các loại bom" của Mỹ, đưa nó trở thành loại vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất thế giới.

Năm 1994, cơ quan thí nghiệm Wright ở tiểu bang Ohio, tiền thân của cơ quan nghiên cứu và thí nghiệm của không quân Hoa Kỳ ngày nay, đã có dự án Sunshine, chế tạo một loại vũ khí hóa học công nghệ cao, được gọi là Bom đồng giới (gay bomb), Bom tình yêu (love bomb), hoặc Bom mồm thối (halitosis bomb). Loại bom này sẽ phun tỏa ra hơi độc được chế tạo từ chất pheromones lấy từ giống cái của các loại động vật, kết hợp với nhiều hóa chất khác, làm cho quân địch khi hít hơi độc này vào sẽ bị hấp dẫn giới tính, kích thích tình dục đối với các đồng đội của mình bất kể là khác phái hay cùng phái.

Mục đích là làm cho quân địch bị khó chịu, phân tâm, chi phối bởi nhu cầu tình dục và không còn tâm tình nào chiến đấu. Và tác dụng cao hơn là khiến cho quân địch quan hệ tình dục bừa bãi với nhau, đưa tới sự mệt mỏi, lười nhác, không có tâm tình nào chiến đấu, lơ đễnh mất tập trung, mất cảnh giác, giảm bớt sự đề phòng, cẩn thận, phòng thủ lơ là, ý chí kháng chiến mất dần, mệt mỏi dần cho cả tinh thần và cơ thể, giảm sút sức chịu đựng, dễ đầu hàng. Thậm chí những quan hệ bừa bãi, buông thả này có thể gây ra tình trạng mất đoàn kết, ganh ghét, ghen tuông, ẩu đả, bắn giết lẫn nhau để tranh giành đối tượng tình dục trong hàng ngũ địch.

Máy bay không người lái

Mỹ là nước đầu tiên sản xuất và phát triển các loại máy bay không người lái. Hiện nay trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất máy bay không người lái thì Mỹ vẫn đang dẫn đầu, bỏ xa các nước còn lại trên thế giới. Trong cuộc chiến ở Libya, trong khi những đợt oanh kích của NATO, những đợt tấn công biển người của các lực lượng nổi dậy, những đợt pháo kích từ các lực lượng đối lập, những đợt ôm bom cảm tử của tổ chức Hồi giáo cực đoan, khủng bố quốc tế Al-Qaeda không làm cho lực lượng trung thành với Đại tá Gaddafi nao núng, nhưng chính những oanh tạc cơ không người lái của Mỹ sau vài đợt ném bom đã khiến các công sự phòng thủ của lực lượng Gaddafi tan tành, lực lượng của Gaddafi bị thương vong to lớn.

Trong số các máy bay không người lái của Mỹ còn có loại máy bay “tự sát”. Quân đội Mỹ vừa tiến hành đặt hàng những chiếc máy bay tự sát không người lái có kích thước nhỏ, có thể cất cánh từ một đường ống. Chúng sẽ tiến hành thăm dò mặt đất để tìm mục tiêu sau khi được phóng lên, sau đó lao vào kẻ thù dưới sự điều khiển của binh lính.



Gần đây công ty quốc phòng Northrop Grumman (Mỹ) đã chính thức thử nghiệm mẫu máy bay ném bom không người lái X-47B. Máy bay ném bom không người lái X-47B, có thiết kế giống như những chiếc máy bay trong phim khoa học viễn tưởng, có thể tấn công các mục tiêu cách xa hàng nghìn dặm mà không bị các hệ thống radar của đối phương phát hiện.

X-47B có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công theo một chương trình được thiết kế sẵn bằng máy vi tính: Từ cất cánh, hạ cánh, tiếp nhiên liệu trên không cho tới cắt bom xuống mục tiêu đã được định sẵn. X-47B cũng có thể cất cánh và hạ cánh dễ dàng từ một tàu sân bay trên biển.


Máy bay ném bom không người lái X-47B

Có kích cỡ nhỏ hơn máy bay ném bom B2, nhưng X-47B vẫn có khả năng mang theo bom laser và có thể bay với tốc độ hơn 800 km/h ở độ cao hơn 12.000 m. Phiên bản máy bay không người lái X-47B được hải quân Mỹ thuê công ty Northrop Grumman sản xuất từ năm 2007. Nếu các thử nghiệm được tiến hành thành công, mẫu máy ném bom không người lái này sẽ được chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2013.

Ngày 13 tháng giêng năm 2006, ngay nửa đêm, trong một ngôi làng Pakistan gần biên giới Afghanistan, một loạt tiếng nổ ầm vang làm mọi người thức giấc. Hỗn loạn chỉ kéo dài trong vài giây đồng hồ nhưng dân làng đã nhìn thấy nhiều căn nhà bị phá hủy. Trong số những người chết, một số là thủ lĩnh của tổ chức Al-Qaeda. Chiến dịch thành công dễ dàng và gọn gàng. Predator, chiếc máy bay không người lái được điều khiển từ xa, đã âm thầm phát hiện mục tiêu. Và những người lính ở cách đó hàng trăm kilômet đã ấn nút khai hỏa, giống như trong trò chơi điện tử.


Lính Mỹ chơi game ảo, giết người thật

Đối với quân đội Mỹ, máy bay không người lái đang dần thay thế các phi đội truyền thống. Lợi ích của nó là rất lớn. Nếu một chiếc bị bắn hạ, người ta chỉ mất một đống sắt trị giá chừng 3 triệu USD, thay vì một chiếc máy bay đắt gấp 100 lần kèm theo viên phi công.

Mô hình máy bay không người lái đầu tiên là bằng gỗ. Ngay từ Thế chiến 1, một kỹ sư Mỹ đã chế tạo một máy bay bằng gỗ, hai cánh, không người lái, có thể tự biến thành một quả bom. Nhưng “cỗ máy” này chẳng bao giờ được sử dụng. Trong suốt các cuộc chiến của thế kỷ 20, từ Thế chiến 2 cho đến chiến tranh Mỹ - Việt, người Mỹ vẫn tiếp tục thử nghiệm dù thành công ít hay nhiều. Nhưng chính sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Israel trong những năm 1970 mới làm cho loại vũ khí này phát triển nhanh, sau chiếc Scout năm 1979.

Chiếc Scout này không to hơn chiếc máy bay đồ chơi trẻ con, nó được dùng đầu tiên chỉ để thám thính. Mô hình này chẳng bao lâu sau được nhân rộng trong quân sự Mỹ. Chẳng hạn năm 2002, khi tấn công Afghanistan, Mỹ mang theo ba loại máy bay không người lái trong balô với các nhiệm vụ khác nhau: Trinh sát, chiến tranh điện tử, và bắn tên lửa.

Với nỗ lực duy trì sự thống trị tuyệt đối trên biển, duy trì vị trí đứng đầu thế giới về khả năng hải chiến, hải quân Mỹ không những tích cực tăng cường sản xuất các loại máy bay, trực thăng chống tàu ngầm, mà còn dự kiến trang bị các mẫu máy bay săn ngầm cho lực lượng tuần duyên. Chiếc đầu tiên thuộc loạt máy bay săn ngầm P-8A Poseidon đã được đưa tới căn cứ không quân và hải quân ở Seattle, bang Washington.


Sát thủ săn ngầm P-8A Poseidon của hải quân Mỹ được trang bị nhiều hệ thống điện tử hiện đại giúp phát hiện tàu ngầm

Những "cá mập" thống trị đại dương

Hải quân Mỹ gần đây vẫn tiếp tục chế tạo “thủy quái” 3 thân. Đầu năm 2012, hải quân Mỹ đã hạ thủy chiến hạm mới theo thiết kế 3 thân tối tân LCS4 có tên gọi là Coronado. Tháng 3/2012, Chính phủ Mỹ lại tiếp tục ký hợp đồng với các công ty Lockheed Martin và Austal cung cấp chiến hạm tuần duyên ký hiệu LCS. Theo đó, đến năm 2015, hải quân Hoa Kỳ sẽ được biên chế bổ sung thêm 20 chiếc LCS nữa.


"Thủy quái" tuần duyên LCS mới của Mỹ

Thiết kế ba thân (trimaran) của tàu chiến này tạo ra khả năng di chuyển với tốc độ tối đa lên tới 90 km/h, nhanh vượt trội so với các chiến hạm một thân khác. Với sự xuất hiện của “thủy quái” LCS thì càng cho thấy hải quân Mỹ vẫn đang tiếp tục củng cố vị trí số 1 trên thế giới hiện nay.

Sắp tới, Mỹ sẽ đổ tiền đầu tư vào các dự án chế tạo chiến hạm tàng hình, một phần trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Obama. Các quan chức hàng đầu của hải quân Mỹ cho rằng khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt có những khả năng tiên tiến đại diện cho tương lai của quân, binh chủng này.


Khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt

Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường lớp Zumwalt đang được thiết kế và chế tạo tại nhà máy đóng tàu Bath Iron Works. Đây sẽ là khu trục hạm lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử quân sự thế giới. Chiến hạm lớp Zumwalt có thể di chuyển dưới nước với lớp vỏ chống thấm, các khoang bằng nhựa tổng hợp, và được trang bị lực đẩy dẫn động diện, hệ thống định vị dưới nước tiên tiến, các tên lửa mạnh có thể bắn đầu đạn xa tới 160 km. Khu trục hạm này dài và nặng hơn bất cứ tàu khu trục nào mà Mỹ hiện có, nhưng lại chỉ cần số thủy thủ bằng một nửa nhờ vào những hệ thống tự động hóa. Đô đốc Jonathan Greenert, người phụ trách các hoạt động hải quân Mỹ đã cho biết: "Với khả năng tàng hình, hệ thống định vị dưới nước đáng tin cậy, khả năng tấn công và đòi hỏi nhân lực ít hơn, đây là chiến hạm của tương lai".

Việc chế tạo tàu chiến tàng hình lớp Zumwalt rất tốn kém. Chỉ riêng việc xây dựng một tòa nhà đủ cao để làm xưởng đóng bộ vỏ khổng lồ của tàu cũng tiêu tốn hơn 40 triệu USD. Theo ông Winslow Wheeler, giám đốc Dự án Cải cách Quân sự Straus ở Trung tâm Thông tin Quốc phòng tại Washington, chi phí có thể lên tới 7 tỷ USD. Tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt đầu tiên được dự kiến hoàn thiện vào năm 2013 và sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2014. Một chiến hạm tàng hình khổng lồ phù hợp một cách hoàn hảo với việc Mỹ thay đổi trọng tâm chiến lược quân sự, bằng cách tăng dần sự hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông, tranh giành lợi ích với Trung Quốc và các nước tại đây.

"Binh chủng" người máy

Để tăng cường hiệu quả chiến đấu, quân đội Mỹ đã cho triển khai nhiều loại vũ khí khí tài tự động, trong đó có những robot tối tân nhằm hỗ trợ các binh sĩ trên chiến trường. Sau đây là một số robot tiêu biểu:


Robot "Dragon Runner"

Dragon Runner là một robot thám thính kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ và rất cơ động. Với kích thước dài khoảng 38cm, rộng hơn 27cm, cao 13cm, nó là một trinh sát cừ khôi với phạm vi hoạt động và quan sát ở tầm thấp. Robot này đã được hải quân Mỹ triển khai trên chiến trường Iraq. Được thiết kế với độ bền rất cao, Dragon Runner có thể chịu đựng được hầu hết những tác động vật lý khắc nghiệt nhất nếu bị phát hiện (như bị ném vào tường, rơi từ trên cao xuống…). Robot này được trang bị một camera nhỏ, một máy thu âm, một đèn hồng ngoại (để hoạt động ban đêm) và những bộ cảm biến hồng ngoại (để tránh chướng ngại vật).


Robot "PackBot"

Việc điều khiển con PackBot này khá quen thuộc với những "game thủ" trò chơi điện tử, bởi bộ điều khiển của nó được thiết kế giống như cần điều khiển của các trò chơi điện tử. Đây cũng là loại robot do thám được “sủng ái” trong quân đội Mỹ vì độ linh hoạt cao của nó. Robot này thường được dùng để dò tìm các loại bom mìn. Với 1 cánh tay robot dài hơn 2m, PackBot có thể quan sát ở hầu hết mọi ngõ ngách. Khi phát hiện nghi vấn, chúng có thể đặt một thiết bị dò mìn ngay cạnh một vật thể khả nghi. Thiết kế linh hoạt còn cho phép nó di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau, như leo cầu thang, lăn trên địa hình lồi lõm hay gồ ghề. Nhờ vào các “chân chèo” có thể liên tục quay 360 độ mà PackBot có thể dễ dàng ngang dọc trên đá sỏi, bùn, tuyết và các địa hình phức tạp khác với tốc độ khoảng 10km/h. Trong những năm phục vụ tại chiến trường Iraq, PackBot đã hoàn thành xuất sắc hàng ngàn nhiệm vụ dò phá bom, nhờ đó đã bảo toàn sinh mạng cho vô số lính Mỹ.


The MULE (Robot hậu cần đa năng)

The MULE là thiết bị vận tải không người lái đa chức năng được sử dụng để vận chuyển trang thiết bị quân sự và hàng tiếp tế. Các bánh xe của MULE được gắn vào một cánh tay robot với tầm xoay 360 độ. Mỗi bánh xe có thể hoạt động phụ thuộc vào 5 bánh còn lại hoặc có thể hoạt động hoàn toàn độc lập.

Trên các chiến trường ngày nay, công nghệ tàng hình được xem là yếu tố sống còn, vì vậy MULE được thiết kế để di chuyển nhẹ nhàng và ít gây tiếng động nhất. Đây là phương tiện vận chuyển đạn dược tiếp tế hiệu quả (khả năng tải đến 900kg). Ngoài ra, nó còn có khả năng vận chuyển người bị thương về nơi an toàn. Một cánh tay robot sẽ làm nhiệm vụ bốc dỡ những hàng hóa nặng. Nó cũng có khả năng chịu đựng các tác động vật lý ở mức trung bình.

Hơn nữa MULE còn có vai trò như một trạm lọc nước và trạm sạc pin cho các thiết bị cá nhân khác trên chiến trường. Thêm vào đó, nó được trang bị các hệ thống thu hình ảnh sử dụng tia hồng ngoại và cảm biến nhiệt cùng với các bộ cảm biến hóa – sinh học. Nó có thể giao tiếp với các thiết bị có hoặc không có người lái khác ở mặt đất hoặc trên không, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh (360 độ) về khu vực nó đi qua. Với các tính năng ưu việt, MULE đang được nghiên cứu để tiếp tục ứng dụng trong các thiết kế quân sự khác trong tương lai.


Robot "The Gladiator"

Gladiator là phương tiện không người lái trên mặt đất đầu tiên được thiết kế và chế tạo để phục vụ hải quân Mỹ. Là một phương tiện được điều khiển từ xa với khả năng bán tự chủ, mục đích chế tạo ra nó là nhằm hạn chế thương vong về người bằng cách phát hiện và vô hiệu hóa các mối nguy hiểm, giảm thiểu rủi ro cho lực lượng lính thủy đánh bộ. Đây là phương tiện trinh sát và giám sát không người lái được điều khiển từ xa. Khi một chiếc Gladiator được phái đi thám thính địa hình, cũng có nghĩa là có một binh sĩ đang điều khiển nó ở khoảng cách an toàn với một cần điều khiển gần tương tự như trong trò chơi điện tử.


Robot "SWORDS"

SWORDS là một hệ thống điều khiển từ xa tích hợp các tính năng do thám, dò mìn, có thể linh hoạt kết hợp với nhiều loại súng và có khả năng di chuyển trên mọi địa hình. Đây là một đơn vị điều khiển và chỉ huy bán tự động kết hợp sự điều khiển của con người thông qua công nghệ cảm biến hiện đại. Nhiệm vụ chính của nó là dò tìm các thiết bị nổ. Thêm vào đó, nó cũng được trang bị các vũ khí phòng thủ công nghệ cao.

Trong quân đội Hoa Kỳ ngày nay, công nghệ robot đang được hối hả ứng dụng, khiến bản chất các cuộc chiến do họ tiến hành cũng thay đổi theo. Đi cùng với các chiến lược quân sự mới là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thiết kế và chế tạo vũ khí. Một trong những công nghệ được ứng dụng ngày nay là thiết kế các thiết bị quân sự với các bộ phận cấu tạo đa năng có thể linh hoạt thay thế cho nhau. Ví dụ như khung sườn của một bộ máy này có thể được sử dụng cho một hệ thống khác. Điều này cho phép việc sửa chữa, thay thế được dễ dàng và hạn chế lãng phí.

Ngoài những robot tiêu biểu đó ra thì Bộ quốc phòng Mỹ, các cơ quan chính phủ, các công ty được Bộ quốc phòng tài trợ, và các công ty tư nhân Mỹ cũng đã và đang nghiên cứu, sản xuất nhiều robot khác. Như công ty TiaLinx đã chế tạo loại robot do thám có khả năng bay và phát hiện con người qua hơi thở, phát hiện xuyên qua tường bằng âm thanh mà hơi thở phát ra.


Người máy Phoenix40-A

Discovery News đưa tin, con robot Phoenix40-A, một phát minh của công ty TiaLinx tại bang California, Mỹ. Nó có khả năng phát hiện chuyển động và hơi thở của người trong các công trình xây dựng dưới đất khi bay. Nhờ khả năng phát ra những chùm sóng radio hẹp có tần số vài GHz, Phoenix40-A có thể xâm nhập vào các tòa nhà kiên cố. Nó được trang bị các camera có khả năng ghi hình cả ngày lẫn đêm. Robot này khá nhẹ và có khả năng di chuyển linh hoạt. Tất cả những yếu tố đó khiến nó trở thành công cụ dò xét, trinh sát lý tưởng trong nhiều tình huống. Ngoài ra, Phoenix40-A còn có thể dựng sơ đồ tòa nhà nhiều tầng, phát hiện các quả mìn được chôn dưới đất, tìm kiếm những người bị chôn vùi dưới đống đổ nát do thiên tai. Quân đội Mỹ đã tài trợ cho TiaLinx để hãng phát triển Phoenix40-A thành thiết bị bay tự động có khả năng tham gia các chiến dịch quân sự.

Hoa Kỳ còn chế tạo robot quân sự siêu tốc. Các nhà khoa học Mỹ cho biết robot mới “vua tốc độ trên cạn” của Mỹ có khả năng hoạt động hỗ trợ quân đội hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu hiệu quả hơn. Theo cơ quan nghiên cứu công nghệ cao (DARPA) của Bộ quốc phòng Mỹ, robot không đầu này được gọi là "Cheetah". Nó có thể "phi nước đại" với vận tốc 29km/h trên máy chạy bộ trong phòng thí nghiệm - vượt kỷ lục về tốc độ của một robot có bốn chân lập trước đó là 21km/h. DARPA đã tài trợ cho công ty Boston Dynamics, Massachusetts trong việc chế tạo Cheetah. Đây là dự án nằm trong nỗ lực phát triển các loại robot quân sự của Washington.


Robot Cheetah có thể phi nước đại với vận tốc 29km/h

"Cheetar" chính danh từ của loài báo săn. Vì vậy các chuyển động của Cheetah được mô phỏng theo động vật hoang dã và hung tợn này. Nó được thiết kế linh hoạt, có thể uốn cong hay duỗi thẳng các chi nhằm tăng chiều dài sải chân và nâng cao tốc độ di chuyển.

Phiên bản hiện tại đang hoạt động phụ thuộc vào máy bơm thủy lực và hệ thống ống bên ngoài. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ thiết kế mẫu robot chạy tự động mà không cần bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào vào cuối năm nay.


Robot có tên Cheetah của người Mỹ có thể tăng tốc nhanh chóng hoặc dừng gấp để săn đuổi hoặc tránh né địch thủ.

Dự án này kéo dài 4 năm kể từ 2011 nhằm chế tạo robot mới, có thể chạy zíc zắc để truy đuổi, lẩn trốn hay dừng đột ngột. Công ty Boston Dynamics đã xây dựng robot theo những mô hình khác nhau dựa trên các động vật, bao gồm BigDog (chó lớn), loại robot được sử dụng tại những địa hình đồi núi hiểm trở, được thiết kế có khả năng tái chế năng lượng từ các bước chạy. Và nó sử dụng móng vuốt nhỏ của 6 chân để leo lên tường, cây, hàng rào và dùng cái đuôi để giữ thăng bằng giống như con thằn lằn.

Noel Sharkey, giáo sư đại học Sheffield cho biết: "Thành tựu mới là một bước đột phá trong lĩnh vực robot. Nghiên cứu đã tạo ra kẻ hủy diệt với tốc độ nhanh hơn con người. Cheetah có thể nhanh chóng vượt qua chiến trường để săn lùng, truy sát, và tận diệt kẻ thù".

Hiện nay, điều khiến các chuyên gia lo ngại nhất là phiên bản này không có hệ thống trí tuệ nhân tạo để phân biệt giữa dân thường và quân địch. Do đó, robot mới có thể gây ra những tội ác chiến tranh nếu nó hoạt động.


2 robot quân sự BigDog

Hải quân Hoa Kỳ sắp tiến hành thử nghiệm robot cứu hỏa trên tàu chiến, là một loại robot có thể di chuyển nhanh trên các đường đi hẹp và leo thang ở các tàu chiến hiện đại có nhiệm vụ cứu hỏa bằng cách ném lựu đạn chữa cháy.

Robot chữa cháy tự động trên tàu (SAFFiR) này được Phòng thí nghiệm nghiên cứu Hải quân Mỹ cùng Trường Đại học Pennsylvania thiết kế, có hình dạng giống con người, với một camera hồng ngoại cho phép nó phát hiện ra các đám khói và bộ cảm biến khí giúp robot phát hiện ra vị trí đám cháy. Pin của robot được thiết kế để nó có thể hoạt động chữa cháy trong nửa giờ.


Robot cứu hỏa này có thể được điều khiển bằng cách chỉ tay và giọng nói

SAFFiR còn có tay được thiết kế để có thể ném chính xác lựu đạn chữa cháy và chân di chuyển một cách vững chãi. Đặc biệt, có thể chỉ đạo robot này bằng tín hiệu chỉ tay hoặc mệnh lệnh bằng giọng nói. Robot chữa cháy này dự kiến được thử nghiệm đầu tiên vào tháng 9/2013 trên tàu chiến đã nghỉ hưu Shadwell của Mỹ. Shadwell từng phục vụ trong thế chiến II và hiện đang được sử dụng để đào tạo lính cứu hỏa.

Quân đội Hoa Kỳ bước vào một đợt thử nghiệm robot di động 6 bánh xe kiểu mới ADP. Việc thử nghiệm robot đang được tiến hành trên bãi thử vũ khí Aberdin. Các nhà kỹ thuật quân sự đang kiểm tra hệ thống điều khiển của các chiếc xe tự hành và khả năng trèo lên các đồi núi cũng như hệ phanh hãm của chúng.


Robot di động này trông như 1 chiếc xe tăng đời mới.

Nơi nghiên cứu các robot có khả năng chiến đấu thay cho những quân lính là Trung tâm nghiên cứu tăng - thiết giáp (TARDEC). Trước mắt, các robot này dùng vào việc vận chuyển quân trang quân khí đến các vị trí chiến đấu. Robot có thể điều khiển các máy móc thu thập các thông tin về tình hình chiến sự nhờ các máy quay phim hướng về các phía, cũng như tự hành đến các mục tiêu đã quy định theo lộ trình. Robot tự hành (thực chất là một chiếc xe) có thể đi lại trong những địa hình phức tạp, leo lên các độ dốc rất cao, đến 60 độ và quay tròn tại chỗ theo mọi hướng.

Robot có thể chuyển động với tốc độ tới 80 km/giờ. Những thiết bị cảm biến (sensor) bố trí trên xe có thể phát hiện các chướng ngại vật dù nhỏ. Chiếc máy tính đa năng trên khoang lái chính thu thập các số liệu về những chướng ngại vật đó, rồi tính toán để điều chỉnh các thông số cho phép robot khắc phục hoặc thay đổi lộ trình tránh chướng ngại vật nếu không thể vượt qua.

ADP nặng 9,6 tấn, dài 4,6 mét. Mỗi bánh xe của robot được trang bị các động cơ điện, do ăcquy ion Liti cung cấp. Việc “sạc” lại ăcquy do máy phát điện Diesel đảm nhiệm. Ngoài các camera quan sát, robot còn được trang bị các ladar (thiết bị thám sát địa hình bằng laser) cho phép phát hiện các đối tượng đang chuyển động. Một số các cảm biến gắn trên những trụ cao 4 mét.

Vũ khí laser


Vũ khí laser của quân đội Israel do Mỹ sản xuất

Cuối năm 2012, Hoa Kỳ dự kiến sẽ đưa các loại vũ khí laser hủy diệt vào sử dụng trong cả 3 quân chủng hải, lục, không quân, và có thể cả lực lượng tuần duyên. Cơ quan phát triển quốc phòng DARPA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đang hoàn thiện hệ thống vũ khí laser trang bị cho máy bay mang tên HELLADS. Thiết bị laser này do công ty General Atomics chế tạo và được đánh giá có thể làm thay đổi diện mạo chiến tranh tương lai.

Hệ thống vũ khí laser mà Mỹ đang hoàn thiện sẽ được trang bị cho các máy bay tiêm kích. Ngoài ra, HELLADS cũng có thể được trang bị cho máy bay không người lái, xe thiết giáp. Với công suất 150 Kw, tia laser do vũ khí này bắn ra đủ sức tiêu tiệt các khí cụ bay có điều khiển và máy bay không người lái. Trong tương lai, HELLADS còn có thể tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, gồm cả bộ binh từ khoảng cách hàng chục km.


Vũ khí laze HELLADS mà Mỹ đang hoàn thiện có thể lắp đặt trên máy bay tiêm kích, xe bọc thép và các phương tiện khác


Vũ khí laser HELLADS của Mỹ được đánh giá sẽ mở ra kỷ nguyên mới, làm thay đổi diện mạo chiến tranh trong tương lai

Nếu được đưa vào trang bị đúng theo kế hoạch, vũ khí laser của Mỹ được đánh giá sẽ góp phần thay đổi hình thức tác chiến trong chiến tranh tương lai, bởi hiện vẫn chưa có phương pháp hữu hiệu nào chống lại loại vũ khí này. Với những phát kiến và phát minh này, quân đội Mỹ đã vẽ lên viễn cảnh chiến tranh laze trong tương lai, sử dụng các loại vũ khí cực chính xác dựa trên sức mạnh sắc bén của các tia sáng năng lượng cao với tốc độ ánh sáng. Hiện nay quân đội nước này đã có trong kho vũ khí đồ sộ của mình loại súng vốn trước kia chỉ có trong những tiểu thuyết, bộ phim, hoặc trò chơi khoa học giả tưởng, viễn tưởng: Súng bắn tia năng lượng.

Người Mỹ muốn biến công nghệ laze thành các loại vũ khí siêu việt, nguy hiểm, mang tính hủy diệt cao. Theo người phát ngôn của công ty Boeing, một nhà thầu lớn của Lầu Năm Góc, quân lực Mỹ đã có trong tay một loại vũ khí laser có thể nâng cao khả năng phản công lại pháo, súng cối, máy bay không người lái và thậm chí cả tên lửa của đối phương. Chương trình của Boeing là một trong những dự án hàng đầu dành riêng cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Tuần trước hãng này chấp nhận cho phép xe tải quân dụng của nhà sản xuất quốc phòng Oshkosh đưa hệ thống kiểm soát tia laze vào chiến trường. Thiết bị này là một phần trong kế hoạch của quân đội Mỹ, được gọi là Thao diễn Công nghệ Laser Năng lượng cao (HEL-TD), hướng tới những cuộc chiến tranh trong tương lai, cho phép quân đội chiến đấu với tốc độ ánh sáng.


Hệ thống laser lắp đặt trên xe quân sự

Dự án vũ khí laze của quân đội Mỹ đã qua giai đoạn thiết kế và đang đi vào sản xuất. Chiếc xe 8 bánh, 500 mã lực HEMTT A4, một phương tiện chiến lược quân sự được sử dụng rộng rãi, đang được kết hợp với hệ thống kiểm soát tia laser của Boeing. Các nhà cung cấp đã vận chuyển những thành phần liên quan tới cơ sở của Boeing để tiến hành lắp ráp. Loại vũ khí này bao gồm bộ xử lý tốc độ cao, cảm biến quang và một hàng gương. Việc thử nghiệm công lực “chết người” của thiết bị này sẽ được thực hiện vào đầu năm tài khóa tiếp theo tại bãi thử White Sands, New Mexico, Mỹ.

Boeing cũng đang phát triển các công nghệ laser cho lực lượng không quân và hải quân Mỹ. Một số lượng lớn các vật liệu mới để chế tạo vũ khí, bao gồm chất nền sapphire, chất bán dẫn và quang học đã được đặt hàng. Laser được cho là các thiết bị nhạy cảm, tuy nhiên, trong chiến đấu, chúng sẽ được tận dụng ở những chiến trường ác liệt như bão cát hoặc bão gió. Sapphire là vật liệu cứng thứ hai trên trái đất, chỉ sau kim cương. Loại vật liệu này sẽ giữ cho vũ khí laser ổn định, tạo tính hiệu quả tuyệt đối khi sử dụng.

Ngoài ra quân đội Mỹ còn dùng laser cho các ứng dụng khác. Tháng 3/2009, phát ngôn viên của Boeing là Northrop Grumman tuyên bố các kỹ sư của công ty ở Redondo Beach, California, đã chế tạo và thử nghiệm thành công tia laser điện có thể tạo ra tia sáng 100 KW, đủ để phá hủy các tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp. Laser cũng được quân đội Mỹ sử dụng trong các thiết bị radar và radio. Jon Alhart, phát ngôn viên của tập đoàn Harris, một nhà thầu cho Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: "Nó đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển liên lạc băng thông rộng tới chiến trường". Sử dụng laser và các công nghệ khác, quân đội Mỹ có thể thiết lập một hệ thống băng thông rộng radio vượt khỏi phạm vi hạn chế. Nó có thể tiếp cận với Internet không dây mà không cần hỗ trợ của các cổng vào hay các công nghệ mạng lưới đặc biệt nào khác.

Tuy nhiên, trong tương lai sẽ không chỉ riêng Hoa Kỳ mới biết cách tận dụng công nghệ laser, mà Nga và Trung Quốc có thể cũng sẽ "bắt chước" nghiên cứu và phát triển. Vì vậy, Lầu Năm Góc cũng phát triển các biện pháp đối phó với vũ khí laser. Đầu năm 2012, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy đã tuyên bố hỗ trợ 2,4 triệu USD cho chương trình chế tạo các thấu kính giúp bảo vệ binh lính trước tia laser trên chiến trường.

Hải quân Mỹ đã biến 4 máy bay không người lái trên Thái Bình Dương thành "tro bụi" bằng thiết bị phóng laser trong một thử nghiệm gần đây. Tạp chí điện tử Livescience cho biết, hệ thống vũ khí tia laze (Laser Weapon System) đã được thử nghiệm tại căn cứ của hải quân Mỹ trên đảo San Nicolas, cách thành phố Los Angeles, bang California khoảng 120 km về phía Tây, vào tháng 5 và 6 năm 2011. Trong những thử nghiệm trước đây đối với hệ thống vũ khí laser, quân đội Mỹ chỉ bắn các mục tiêu bất động hoặc di chuyển chậm trên mặt đất. Nhưng với thử nghiệm mới nhất, hải quân Mỹ chứng minh vũ khí laser có thể tiêu diệt mục tiêu di động từ một khoảng cách lớn. Tuy nhiên, tầm bắn của vũ khí laser Mỹ vẫn còn là một bí mật quốc phòng.

Mỹ đã sản xuất ra được một cảm biến tinh vi chuyên phát hiện và theo dõi các loại máy bay. Dữ liệu từ cảm biến sẽ được đưa vào bộ xử lý của hệ thống bắn laser. Sau đó hệ thống sẽ phóng đồng loạt 6 tia laser tới các mục tiêu. Khác với tên lửa và đạn, tia laser không gây ra tiếng nổ khi chạm vào phi cơ. Thay vào đó tia laser truyền năng lượng cực lớn vào mục tiêu và biến nó thành khối lửa.

Vũ khí siêu thanh

Hoa Kỳ là nước dẫn đầu và đi trước các nước khác nhiều năm về các công nghệ quân sự mới. Công nghệ tàng hình để tránh radar, sonar, tia hồng ngoại mà nhiều nước phát triển ngày nay chính là do Mỹ phát minh đầu tiên vào năm 1958. Ngoài việc sản xuất và sở hữu số lượng và chất lượng vũ khí quy ước lớn nhất thế giới, hơn xa các nước khác, Mỹ còn đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí đặc biệt, vũ khí công nghệ cao, vũ khí tương lai.

Một trong các vũ khí công nghệ cao của Hoa Kỳ là vũ khí siêu thanh. Các chuyên gia quân sự người Nga khẳng định rằng vũ khí siêu thanh sẽ thống trị thế giới trong tương lai. Và vấn đề chính yếu, then chốt trong chiến tranh hiện đại là phải vô hiệu hóa cho được loại vũ khí này. Giới quân sự Nga đã ra quyết tâm phải vô hiệu hóa, hay chí ít là đối trọng cho bằng được loại vũ khí lợi hại này.

Hoa Kỳ thì luôn viện cớ rằng họ chế tạo vũ khí siêu thanh trước hết là "chống khủng bố". Nhưng trên thực tế, việc chế tạo vũ khí siêu thanh nhằm những mục đích sau: Tiêu diệt các mục tiêu kiên cố hoặc công trình ngầm, các mục tiêu phòng không và phòng thủ tên lửa của đối phương; chiếm lĩnh ưu thế trên không; đánh chặn tên lửa đạn đạo và tiêu diệt các vũ khí tốc độ cao của đối phương.

Các chuyên gia người Nga cho rằng sự xuất hiện các tên lửa siêu thanh của Mỹ đã giảm thiểu ưu thế lá chắn tên lửa hạt nhân của Nga. Họ cho rằng nếu Mỹ dùng tên lửa siêu thanh đánh thẳng vào các tổ hợp tên lửa di động của Nga, vốn là nòng cốt của lực lượng kiềm chế vũ khí hạt nhân, thì Nga sẽ hầu như không kịp trở tay.


Mỹ đang đẩy mạnh phát triển vũ khí tấn công siêu thanh

Trên thực tế Mỹ đã tiến hành thử nghiệm nhiều mẫu vũ khí siêu thanh. Đặc biệt phải kể đến chương trình Affordable Rapid Response Missile Demonstrator (ARRMD) do Cơ quan Nghiên cứu quốc phòng DARPA phụ trách. Chương trình này đặc biệt chú trọng chế tạo tên lửa siêu thanh có điều khiển lớp không đối đất và hạm đối bờ tầm xa. Tháng 5/2010, Mỹ đã tiến hành bắn thử nghiệm 2 mẫu tên lửa siêu thanh có cánh. Một trong số đó là Minotaur IV. Theo giới khoa học quân sự, tên lửa này có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu trên trái đất trong vòng chưa đến một giờ đồng hồ.


Mỹ bắn tên lửa siêu thanh Minotaur IV

Mỹ hiện cũng đang cho thử nghiệm tên lửa siêu thanh có điều khiển X-51A Waverider. Loại tên lửa này có khối lượng 1,1 tấn và mang theo đầu đạn 110 kg. Tầm bắn của X-51A Waverider là 1.200 km với tốc độ lên tới 2.400 m/s. Họ dự kiến sẽ đưa loại tên lửa này trang bị sau năm 2015.


Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ mang theo tên lửa siêu thanh X-51A Waverider trên cánh

Hoa Kỳ cũng đã thử nghiệm thành công siêu vũ khí có thể tấn công mọi nơi trên trái đất. Theo tạp chí National của Mỹ, tháng 11/2011, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo họ đã thử thành công một loại vũ khí siêu thanh có thể tấn công mọi mục tiêu trên trái đất chỉ trong vòng 30 phút. Loại tên lửa bay siêu âm này được gọi là Vũ khí Siêu thanh tiên tiến (AHW).


Vũ khí siêu thanh tiên tiến bay với tốc độ gấp 5 lần âm thanh và có thể tấn công mọi mục tiêu trên trái đất.

Melinda Morgan, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, cho biết, mục tiêu của cuộc thử nghiệm là thu thập dữ liệu về các công nghệ khí động lực học, định vị, dẫn đường, kiểm soát và bảo vệ nhiệt. Dự án chế tạo AHW là một phần trong chương trình "Tấn công chớp nhoáng toàn cầu" của quân đội Mỹ. Sứ mệnh của nó là cung cấp cho quân đội Mỹ các loại vũ khí thông thường song có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên thế giới chỉ trong vòng một giờ. Giới chuyên gia nhận định AHW có thể bay nhanh gấp 5 lần âm thanh, tức là khoảng 6.000 km/giờ.

Hệ thống chủ động vô hiệu hóa

Một cảm giác đau đớn không thể nào chịu đựng nổi, một sức nóng đột ngột bao phủ toàn thân, đó chính là tác dụng của tia điện từ cực mạnh phát ra từ một loại vũ khí phi sát thương khét tiếng của quân đội Mỹ. Đại tá lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ Tracy Tafola, Giám đốc Cơ quan phát triển vũ khí không gây sát thương Mỹ, cho biết: "Bạn không nhìn, không nghe, không ngửi được gì hết nhưng bạn sẽ cảm thấy sự đau đớn của nó". và "Hiệu ứng đáng sợ đến nỗi phản ứng duy nhất là bỏ chạy ngay tức khắc".

Đại tá Tafola cũng cẩn thận nhấn mạnh rằng tia Active Denial System (tạm dịch: Hệ thống chủ động vô hiệu hóa - ADS) dù rất mạnh và có tầm bắn khoảng 1km nhưng lại là vũ khí không giết người, đã được quân đội Mỹ phát triển trong hơn 15 năm qua, và chưa bao giờ ứng dụng trên thực tế.


Vũ khí gây đau đớn nhưng không sát thương ADS

Đầu năm 2012, các lãnh đạo quân sự và giới nghiên cứu Mỹ đã biểu diễn hệ thống ADS trước sự chứng kiến của giới truyền thông tại căn cứ thủy quân lục chiến Quantico ở bang Virgina. Tại đó, một số phóng viên đã thử qua độ nóng của các tia điện từ vốn được mô tả như là một lò nướng nóng. Theo AFP, tóc tai phóng viên Mathieu Rabechult của hãng này đã "dựng đứng" khi phơi mình trước hệ thống ADS.

Trong cuộc tập dượt trấn áp biểu tình, các tình nguyện viên của Quân đoàn Thủy quân Lục chiến mặc thường phục đã ném những quả bóng tennis giả làm đá trong đợt biểu diễn và khi tia điện từ được kích hoạt thì “những người biểu tình” đã phải bỏ chạy vô trật tự.

Theo trang Daily Mail, hiện Lầu Năm Góc đang muốn xây dựng phiên bản sử dụng trên không của loạt vũ khí này. Nguy cơ gây thương tích của hệ thống vũ khí này thấp hơn nhiều so với các vũ khí phi sát thương khác như đạn cao su hoặc hơi cay. Để giảm thiểu những tai nạn, nút kích hoạt đã được cài đặt để tự động ngắt sau 3 giây vì lý do an toàn. Theo các quan chức phụ trách chương trình, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi khoảng 120 triệu USD cho hệ thống ADS, trong đó phần lớn được sử dụng để nghiên cứu các tác động sinh học.

Côn trùng trinh sát

Những "điệp viên" siêu nhỏ có thể ngay lập tức nghe lén được cuộc đối thoại bằng cách sử dụng những côn trùng "thứ thiệt" trong những nghiên cứu và phát triển do Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đầu tư.

Đầu năm 2011, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo họ đang tài trợ hàng triệu USD vào một dự án phát triển những phi cơ do thám có hình dạng giống chim hay côn trùng. Với sải cánh khoảng 16,5 cm, những phi cơ cực nhỏ được điều khiển từ xa có khối lượng chưa bằng một cục pin tiểu AA. Chúng có thể bay được ở tốc độ cao nhờ lực đẩy từ thao tác đập cánh. Một chiếc máy quay tối tân cực nhỏ được gắn vào phần bụng của máy bay.



Một phi cơ do thám có hình dạng giống chim ruồi của hãng AeroVironment.

Với thiết kế như một chú chim ruồi với kích thước nhỏ bé, nó được sử dụng để phục vụ cho các nhiệm vụ do thám và thu thập tin tức cho quân đội. Kích thước nhỏ bé giúp nó có thể làm việc trong nhiều môi trường từ trong nhà cho đến môi trường tự nhiên.

Những phi cơ tí hon này có thể được sử dụng vào mục đích do thám hay xác định vị trí của con người hoặc phát hiện những hóa chất độc rò rỉ. Trong những nhiệm vụ kiểu này, máy bay càng nhỏ thì lợi thế càng lớn. Vì thế, ngoài loại máy bay giống hệt những con chim ruồi, các kỹ sư trong ngành công nghiệp sản xuất máy bay không người lái trên toàn thế giới đang nỗ lực phát triển những loại máy bay giống hệt côn trùng hoặc giống với hạt giống của lá cây thích.

Tuy nhiên, khả năng ứng dụng những phi cơ có hình dạng giống chim và côn trùng bên ngoài chiến trường khiến nhiều người lo ngại rằng chúng có thể xâm phạm đời tư của con người và gây nên hiểm họa đối với những loại máy bay bình thường.

Quân đội Mỹ còn phát triển cả bọ nghe lén. Trung tâm các dự án nghiên cứu phòng thủ tiên tiến của Mỹ đã trải qua hàng năm trời để phát triển một sinh vật nửa robot với hi vọng có thể tạo ra một kẻ nghe lén hoàn hảo. Hiện tại nhóm các nhà nghiên cứu do kỹ sư Mỹ gốc Nhật Hirotaka Sato dẫn đầu vừa tạo ra những con bọ cánh cứng nửa robot được điều khiển vô tuyến thông qua một máy tính xách tay.


Thiết bị điều khiển bay được cấy trên con bọ hung.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Berkeley đã cấy một thiết bị giám sát lên những con bọ cánh cứng, nhờ vậy có thể điều khiển nơi chúng bay. Sử dụng thiết bị cấy, các nhà khoa học thực hiện điều khiển sự cất cánh, bay lượn và hạ cánh của con bọ nhờ vào những kích thích não tác động lên đôi cánh. Họ đã điều khiển thông qua việc kích thích những cơ then chốt của bên này hoặc bên kia cánh để khiến cánh còn lại khó vỗ hơn.

Hệ thống được cấy vào những con bọ cánh cứng khi chúng còn ở giai đoạn con nhộng; hệ thống này gồm những chất kích thích thần kinh và cơ bắp, một pin siêu nhỏ và một thiết bị điều khiển siêu nhỏ với máy thu phát vô tuyến. Ba loại bọ cánh cứng lớn ở Cameroon được dùng trong thí nghiệm tại Đại học California ở Berkeley. Con bọ nhỏ nhất dài 2cm, trong khi con lớn nhất dài 20cm.

Theo GS Noel Sharkey, chuyên gia quốc tế về trí tuệ nhân tạo và robot của Đại học Sheffield, đã có những sự cố gắng để điều khiển côn trùng như gián, nhưng đây là lần đầu tiên sự bay của những côn trùng được điều khiển từ xa.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những con bọ điều khiển từ xa có thể đóng vai trò một người đưa tin từ những nơi không thể tiếp cận hay là một mẫu máy bay siêu nhỏ. Thí nghiệm này cũng được nhóm nghiên cứu Berkeley áp dụng trên chuồn chuồn, ruồi và sâu bướm vì khả năng bay siêu hạn của chúng. Mục đích cuối cùng của DARPA là tạo ra côn trùng bán robot có thể bay hơn 300ft (~9m) đến mục tiêu của chúng và sau đó ở lại cho đến khi được ra lệnh rút lui.

Hiện công ty SilMach và TĐH Franche - Comté đang hợp tác phát triển dự án "Chuồn chuồn trinh sát", dự kiến hoàn thành năm 2020. Với kích thước côn trùng (4cm), những "trinh sát tí hon" này có thể chui vào một căn phòng chứa đầy đối phương, nấp ở một góc, rồi quay phim tất cả sự việc đang diễn ra và gởi thông tin về cho chủ nhân, cho đến khi... hết pin.

Nó có thể đựng trong balô của người lính và được anh ta ném đi bằng tay. Đây là cải biên của loại “trái sáng tay” được sử dụng trong chiến tranh Mỹ - Việt. Được điều khiển từ xa bằng một cái hộp điện từ, nó đi trước bộ binh.

Nhờ camera quan sát, nó có thể nhìn thấy cả ban ngày lẫn ban đêm đối phương đang ẩn nấp sau các cửa sổ hay công sự trên đường phố và gửi thông tin về cho người điều khiển. Quân đội có thể tiến lên mà không sợ lọt ổ phục kích như binh sĩ Mỹ đã bị thường xuyên trên chiến trường đất Việt.

Hệ thống bảo vệ

Ngoài việc tấn công hủy diệt quân địch và do thám địch tình, Mỹ còn muốn bảo vệ và hạn chế thương vong cho quân mình. Họ còn có công nghệ “Bức màn sắt” rất kiên cố, vững chắc do công ty Artis (Mỹ) thiết kế và sản xuất. Đây là công nghệ chế tạo hệ thống phòng vệ xe chiến đấu mới Iron Curtain (IC-APS) để không cho đạn, tên lửa hoặc vũ khí khác tiếp cận xe. Các nhà thiết kế Hoa Kỳ cho biết, các ưu điểm của Iron Curtain là khả năng phòng thủ vòng tròn, trọng lượng nhẹ, bố trí đơn giản, có nhiều đạn, xác suất kích hoạt nhầm rất nhỏ và rẻ.


Hệ thống Iron-Curtain hay còn được biết đến với tên gọi "Bức màn sắt" sẽ giúp cho xe cơ giới có thể yên tâm lớn trước tên lửa chống tăng

Hoa Kỳ cũng đang nghiên cứu chế tạo ra một loại áo giáp siêu nhẹ, được làm từ vật liệu siêu bảo vệ và mặc lót bên dưới áo giáp chống đạn truyền thống. Theo trang LiveScience, loại “áo giáp composite lai” này sẽ có công dụng bảo vệ ngực, vai, đùi, cánh tay và sườn, bổ trợ thêm cho loại gile chống đạn đang được quân đội Mỹ sử dụng. Các cuộc thử nghiệm cho thấy, khi sử dụng kết hợp hai loại áo giáp chống đạn sẽ hấp thụ được tới 25% lực đạn do những vũ khí như súng AK-47 bắn ra.

Giáp lai còn có thể làm giảm xung chấn của những viên đạn bắn ra từ vũ khí cấp độ III (nòng súng 7,62mm vốn sử dụng phổ biến ở Afghanistan và Iraq). Thế nhưng trọng lượng của áo lại nhẹ hơn khoảng 10% so với các áo chống đạn hiện hành. Loại áo giáp chống đạn siêu nhẹ này trước hết sẽ được trang bị cho đội đặc nhiệm và các lực lượng đặc biệt khác, sau đó sẽ được phổ biến ra các quân chủng.


Loại áo giáp bổ trợ của MetCel

Mỹ còn phát minh găng tay đa năng đặc chế cho các lực lượng vũ trang và lực lượng quân cảnh (cảnh sát quân đội). Chiếc găng tay BodyGuard được tạo ra với mục đích hỗ trợ các lực lượng vũ trang, quân cảnh trong các cuộc chiến đấu xáp lá cà và trấn áp những quân nhân vô kỷ luật không tuân lệnh thượng cấp. Thiết kế này đã đoạt giải phát minh tại Hoa Kỳ năm 2011.

Được trang bị với súng điện cường độ cao, camera có chức năng quay video, ống ngắm laser với đèn pin và lớp giáp cổ tay giúp bảo vệ người sử dụng trong những cuộc giáp chiến. Cách sử dụng của găng tay bọc giáp: Chiếc găng thông thoáng này chỉ có trọng lượng chưa đến 1,3kg và được bọc kiên cố bởi lớp vỏ cứng kéo dài tới cùi trỏ. Một chiếc cò tụ năng lượng cho súng điện (được tạo ra bởi bốn điện cực ở cổ tay), và một nút ở lòng bàn tay để bắn. Tương tự như vậy cũng có các nút điều khiển ống ngắm laser, camera có chức năng quay video và đèn pin. Các vật liệu tạo thành với mục đích tối đa hóa mục đích sử dụng, tạo ra sự thoải mái và ngăn ngừa việc người sử dụng tự sốc điện bản thân. Ống ngắm với tia laser xanh hỗ trợ việc ngắm với một camera kỹ thuật số độ phân giải cao.



BodyGuard đã được cho ra mắt thử nghiệm vào tháng 5, 2011 tại Hoa Kỳ. Các chức năng trong tương lai có thể bao gồm bộ phận cảm biến hóa chất, một bộ máy dịch điện tử để các binh lính có thể liên lạc với nhau mà không gặp rào cản ngôn ngữ hay máy đo sinh trắc học cho nhân viên an ninh ở các sân bay. Kỹ sư Brown, người phát minh BodyGuard cho biết: “BodyGuard sẽ làm tăng sức mạnh của các sĩ quan trên khắp thế giới, và nó sẽ có thể cứu được rất nhiều người”.

Dự án quân sự khác

Ngoài ra, Bộ quốc phòng Mỹ còn đầu tư, bảo trợ cho nhiều phát minh quân sự khác, như xe ô tô bay, theo lộ trình Transformer của Cơ quan Dự án quốc phòng hiện đại (DARPA), đến năm 2015 quân nhân Mỹ sẽ xung trận trên xe 4 chỗ, có thể vừa bay như máy bay vừa phóng trên mặt đất như xe hơi.

Xe quân sự này chỉ sử dụng một thùng nhiên liệu, xe có thể chạy hoặc bay hơn 400 km mà không cần đường băng để cất cánh. Với dòng ô tô bay này, binh lính sẽ tránh được nhiều nguy cơ truyền thống và phi truyền thống như: Phục kích, thiết bị phát nổ, chướng ngại vật đường bộ…

Ô tô bay có thể được sử dụng để tấn công, bắn phá đường giao thông, chống bạo loạn lật đổ, chống đảo chính, do thám, cứu thương, cung cấp hậu cần. Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi 54 triệu USD cho việc phát triển ý tưởng ô tô bay.

Gần đây, các nhà khoa học Mỹ cũng tạo ra loại máu nhân tạo có thể dùng cho quân nhân bị thương trên chiến trường hoặc những bệnh viện thiếu máu dự trữ. Họ lấy tế bào cuống rốn và sử dụng máy có nguyên lý hoạt động giống tủy xương để sản xuất một lượng lớn tế bào hồng cầu. Một cuống rốn có thể cho ra 20 đơn vị máu khả dụng. Một binh sĩ bị thương thường cần 6 đơn vị máu. Người bị thương trên chiến trường rất cần máu để điều trị nhưng công tác vận chuyển máu tự nhiên gặp nhiều khó khăn mà máu không để lâu được.

Arteriocyte nhận gần 2 triệu USD từ Bộ quốc phòng Hoa Kỳ để thực hiện chương trình tạo ra máu từ năm 2008. Đầu năm 2012, công ty này đã gởi lô máu nhân tạo đầu tiên tới Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) để kiểm nghiệm. Việc thử nghiệm máu nhân tạo trên người có thể được tiến hành vào năm 2013. Nếu Bộ Quốc phòng đồng ý, máu nhân tạo sẽ được sử dụng rộng rãi cho quân nhân bị thương trong vòng vài năm tới. Hiện nay, chi phí sản xuất mỗi đơn vị máu là 5.000 USD. Khi sản xuất hàng loạt, chi phí giảm xuống còn khoảng 1.000 USD.

Bộ quốc phòng Mỹ đã chi 4 triệu USD để tìm cách khiến cho kẻ địch nhìn và nghe thấy những gì không có thật với những vũ khí gây ảo giác. Hiện nay Cơ quan Kế hoạch nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) đang thực hiện dự án "Ảo giác chiến trường". Vũ khí này có tác dụng đánh lạc hướng đối thủ, tạo ra những cảm giác giả tạo về thính giác và thị giác để giành ưu thế chiến thuật cho quân đội Mỹ.

Dự án này nhằm sử dụng các công nghệ mới tương tự với các công nghệ đánh lạc hướng của các nhà ảo thuật siêu hạng. Một số chuyên gia quân sự từ trang Dangerous Room cho rằng Mỹ từ lâu đã sử dụng một số nhà ảo thuật để thám thính thông tin, tạo ra các vũ khí giả để đánh lạc hướng đối thủ. Trong Chiến tranh lạnh, CIA đã chi cho nhà ảo thuật John Mulholland 3000 USD để tham khảo về các nghệ thuật đánh lạc hướng, ẩn náu, và dàn dựng ngụy tạo.

Theo tác giả Rob Waugh trên trang Daily Mail, loại vũ khí này gần như sử dụng "công nghệ hình ảnh" được trang bị lên các thiết bị để tạo ra các ảo ảnh trên chiến trường. Công nghệ này tương tự các phương tiện gây nhiễu hệ thống radar, các hệ thống nhiễu động điện từ.

Điểm khác biệt là hệ thống này sẽ áp dụng lên cơ thể con người. Trước kia, Mỹ và Anh đều muốn sử dụng các chất hóa học gây ảo giác thần kinh trong chiến đấu. Shachtman cho biết trong những thời gian đầu của cuộc chiến "chống khủng bố", các chuyên gia công nghệ quốc phòng Mỹ đã có ý tưởng về loại vũ khí có tên "Tiếng nói của Chúa Trời". Loại vũ khí này có thể phát ra các làn sóng âm thanh để thuyết phục những tay súng Hồi giáo rằng Allah đang nói vào tai họ và kêu gọi họ đầu hàng. Ông cũng cho biết các nhà thầu quân sự khác ở Mỹ cũng đang phát triển những loại "áo choàng vô hình" để che giấu các thiết bị quân sự.

Bộ quốc phòng Hoa Kỳ cũng quan tâm và nỗ lực đầu tư vào các công nghệ mới cho lực lượng đặc nhiệm. Các nhà khoa học quân sự Mỹ đã khẳng định việc leo trên tường dễ dàng như Spiderman (Người nhện) sẽ sớm trở thành hiện thực nhờ những găng tay và giày có độ bám dính cực cao.

Kỹ thuật giúp người bò được trên tường được mô phỏng từ hoạt động của con tắc kè. Ngón chân tắc kè có nhiều hàng vảy song song. Dưới kính hiển vi chúng ta có thể nhìn thấy mặt trên của mỗi vảy có rất nhiều sợi lông nhỏ li ti (khoảng 5.000 sợi trên mỗi mm2). Tính ra mỗi bàn chân của tắc kè có khoảng 500.000 sợi lông, mỗi sợi có độ dài bằng hai lần chiều rộng tóc người. Khi tắc kè duỗi dài các ngón chân xuống, các sợi lông cũng duỗi ra rồi ngả về phía sau. Nhờ thao tác khéo léo đó mà rất nhiều sợi lông tiếp xúc với mặt phẳng.

Năm 2006, các nhà khoa học của Đại học Stanford ở Mỹ đã tạo ra một loại vải có khả năng bám dính như chân tắc kè. Loại vải của họ có kết cấu giống như cao su và bề mặt của nó được bao phủ bởi vài nghìn sợi polymer nhỏ bằng lông chân tắc kè. Những sợi polymer đó mỏng hơn hàng chục lần so với tóc người. Vải mới chịu lực rất tốt và có thể tái chế. Nó đã được thử nghiệm trên một robot có hình dạng giống tắc kè. Thử nghiệm cho thấy tắc kè máy có thể di chuyển trên các vách dựng đứng bằng kính và kim loại. Từ năm 2006 đến nay nhóm chuyên gia của Đại học Stanford tiếp tục nâng cấp vải siêu dính để nó có thể chịu được trọng lượng của người.

Giáo sư Mark Cutkosky, trưởng nhóm nghiên cứu, nói rằng điểm thú vị của ngón chân tắc kè là khả năng bám dính một chiều. Khi tắc kè di chuyển chân theo hướng khác, hiện tượng dính biến mất. Ngón chân tắc kè hoàn toàn khác với băng dính. Nếu vuốt băng dính theo một chiều thì chúng ta sẽ phải bóc nó theo chiều ngược lại. Nhưng nếu tắc kè đẩy chân về phía trước để bám thì chúng chỉ cần đẩy theo một hướng khác để nhấc lên. Ông còn cho biết thêm: “Chúng ta cũng có thể lấy việc bước trên nền xi măng với bã kẹo cao su dưới đế giày để minh họa. Sau khi ấn chân xuống nền, bạn phải nhấc chân lên để kéo đế giày lên. Nhưng với vật liệu bám dính theo hướng, bạn chỉ cần dịch chân sang một hướng khác để đưa đế giày lên”.

Dự án đặc biệt

Ngoài việc phát minh, sáng chế, sản xuất những vũ khí tối tân, hiện đại, quân đội Mỹ còn có dự án "Chiến binh 2025" (Soldier 2025) hoặc "Siêu chiến binh" (Supersoldier), đây là một chương trình nghiên cứu và phát triển nhằm mục tiêu xây dựng những siêu quân nhân, siêu bộ binh công nghệ cao cấp có thể đưa ra chiến trường vào năm 2025. Dự án nghiên cứu và phát triển này bao gồm những bộ giáp cao cấp với công nghệ nanô (nanotechnology), bộ cảm biến (sensors) gắn liền, và sự giãn rộng vật lý.

Với công nghệ nanô, bộ quân phục mới của bộ binh Mỹ năm 2025 sẽ có thêm 2 tác dụng cao siêu. Một là sự ngụy trang bất định (chameleonic camouflage), đây là một loại vải dày đặc biệt có những hóa chất biết tiếp thu và cảm ứng, thích nghi với môi trường xung quanh, quân phục sẽ tự động thay màu để hòa hợp với môi trường chung quanh. Quân phục sẽ là màu đen khi không kích hoạt. Hai là vải quân phục sẽ được pha vào những hóa chất đậm đặc có khả năng cho nó mềm dẻo, linh hoạt với những động tác tốc độ thấp, như đi, chạy, nhảy, đánh đấm, bắn v.v. nhưng trở nên dày cộm và cứng rắn khi va chạm với tốc độ cao như khi chạm đạn, tránh được những thương tích trầm trọng hoặc tử vong tại trận, hạn chế được thương vong đáng kể. Công nghệ này đã được chứng thực là có hiệu quả khi được kết hợp với áo giáp chống đạn với những sợi quang Kevlar hoặc Kevlar K2 (thế hệ 2) của công ty DuPont (Hoa Kỳ).

Với trang thiết bị có độ cảm biến cao, các bộ giáp và quân phục của bộ binh Mỹ sẽ có thêm 3 tác dụng tiện nghi. Một là độ cảm biến bên trong, cảm biến chống nhiệt sẽ kiểm soát cả môi trường và cơ thể của chiến binh, giữ cho người mặc nó thoải mái nhất có thể. Những cảm biến khác có thể phát hiện chấn thương, cơ thể thu vào những hóa chất độc hại, và những tổn thương vật lý khác, và những thiết bị y tế gắn liền với nó sẽ thực hiện điều trị trong khả năng của nó.

Hai là sự nhận biết trong mọi hoàn cảnh và trạng thái, một camera sẽ được thiết lập phía trước, có chức năng hỗ trợ tầm nhìn (như sensor nhìn ban đêm), và hệ thống ghi âm không gian 3 chiều (3D), được lắp đặt trên mũ sắt. Vành kính che nắng trước mặt sẽ được kích hoạt âm thanh và hình ảnh nhỏ để trình bày bản đồ, địa điểm của đồng đội và những thông tin cần thiết khác.

Ba là sự liên lạc, hệ thống truyền tin thời gian thực sẽ tạo điều kiện cho tổng đài thấy và nghe tất cả những gì người chiến binh nghe và thấy. Điều này tạo điền kiện thuận lợi, dễ dàng cho việc liên hệ, tiếp xúc, nói chuyện với những người bản xứ có ngôn ngữ khác, dễ và nhanh hơn trong việc chuyển ngữ, thông dịch, và có thể thay đổi các lệnh đột xuất và nhanh nhất có thể, khiến cho địch không ngờ, bảo đảm thông tin luôn nhanh nhạy hơn địch gấp nhiều lần.

Ngoài ra, nó còn có hệ thống hô hấp nhân tạo, một thiết bị hỗ trợ hô hấp, cung cấp dưỡng khí sẽ được gắn với mũ sắt, không còn cần mặt nạ phòng hơi độc trong tác chiến chống chiến tranh hóa học. Và hệ thống siêu cơ bắp XO, một hệ thống xương cốt nhân tạo bên ngoài được gắn liền với đôi chân, giúp người chiến binh có thể khuân vác gấp hai, ba lần tổng trọng lượng của anh ta, giúp tăng tốc và tăng cường sức bền.

Quân đội Hoa Kỳ cũng đang nghiên cứu dự án cho phép binh sĩ dùng trí não điều khiển robot thế thân để đảm nhiệm vị trí của họ trên chiến trường như trong bộ phim Avatar. Theo Wired News, Cơ quan Các dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (Darpa) của Mỹ đã dành riêng 7 triệu USD trong ngân sách năm 2013 cho "dự án Avatar".

Trong bộ phim bom tấn cùng tên của đạo diễn nổi tiếng James Cameron, binh sĩ sử dụng trí não để điều khiển thân thể lai giữa người địa cầu và người hành tinh khác khi tiến hành cuộc chiến chống lại cư dân của một hành tinh xa xôi trong vũ trụ. Mục tiêu cuối cùng mà Lầu Năm Góc đặt ra cho dự án Avatar là tìm ra phương pháp hiệu quả nhất hướng đến viễn cảnh như trong bộ phim khoa học viễn tưởng nói trên.

Ngân sách cho năm tới của Darpa đã ghi rõ: “Chương trình Avatar sẽ phát triển các giao diện và thuật toán cho phép một người lính ghép đôi hiệu quả với một cỗ máy bán tự động di chuyển trên hai chân, và biến robot này thành thế thân của binh sĩ đó". Báo cáo trên cũng yêu cầu các robot trên có thể làm mọi thứ thuộc khả năng của binh sĩ điều khiển, từ dọn dẹp phòng đến đánh trận.

Vẫn chưa rõ Darpa sẽ sử dụng công nghệ nào để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, nhưng báo cáo có đề cập đến những tiến bộ vượt bậc trong kỹ thuật điều khiển từ xa sử dụng một hệ thống trên mặt đất.

Những bí ẩn chưa có lời giải

Ngày nay Mỹ vẫn còn nhiều căn cứ quân sự bí mật, được bảo mật thông tin tối đa, nhiều vùng cấm mà không ai hiểu họ nghiên cứu, thí nghiệm, thực nghiệm, huấn luyện gì trong đó. Không ai được bén mảng đến gần những khu vực cấm kỵ đó.

Mỹ không phải là quốc gia đối mặt trước những hiểm họa xâm lược, họ có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới, bỏ xa các nước còn lại, nên họ không có nhu cầu tăng cường tính răn đe, trái lại họ càng muốn dư luận thế giới đánh giá thấp quân lực của họ, không muốn bộc lộ ra sức mạnh quá nhiều, để đối phương không hoảng sợ mà tích cực đề phòng, cảnh giác, và khi đánh là đắc thủ. Vì vậy nhiều vũ khí bí mật của họ đã không được công bố, được bảo mật tối đa để bảo đảm yếu tố bất ngờ.

Tuy nhiên, với thời đại thông tin tốc độ ánh sáng ngày nay, có nhiều phát minh, công nghệ, vũ khí mới của họ cũng bị rò rỉ phần nào, đa số trường hợp họ tìm cách bịt kín thông tin trở lại ngay. Chính vì vậy càng làm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của họ càng "mờ mờ ảo ảo", mờ ám, và gây ra nghi ngại, sợ hãi cho các nước khác.

Gần đây người ta phát hiện ra một máy bay không người lái tối mật của không quân Mỹ đã lặng lẽ “trú” trên không gian suốt một năm, ba ngày qua - nhưng không một ai hay biết mục đích và sứ mạng của nó là gì. Mọi chuyện càng bí ẩn hơn khi đáng lẽ ra máy bay này chỉ có kế hoạch bay trên không gian trong 9 tháng mà thôi. Thế nhưng nó đã miệt mài bay vòng quanh trái đất với vận tốc lên tới 17.000 dặm/giờ và đáng lý đã phải hạ cánh xuống California vào tháng 12 năm ngoái.

Theo trang Daily Mail, sứ mệnh của máy bay thử nghiệm X-37B đã được gia hạn mà không ai biết lý do. X-37B có hình dáng giống với một tàu con thoi không gian mini và là máy bay thử nghiệm thứ hai được phóng lên không gian. Trước nó, một máy bay không người lái khác đã hạ cánh xuống Căn cứ không quân Vandenberg (Canada) vào tháng 12/2010 sau 7 tháng ở trên quỹ đạo.


Mô hình máy bay bí ẩn X-37B trên quỹ đạo Trái đất

Không quân Mỹ cho biết sứ mệnh thứ hai có nhiệm vụ “thử nghiệm thêm công nghệ”, nhưng mục tiêu tối thượng của nó là gì thì vẫn là một điều bí hiểm, mờ ảo. Một số người tin rằng, sứ mệnh thực sự của X-37B là nhằm phục vụ quốc phòng hoặc do thám, nhất là khi một số nhà thiên văn nghiệp dư quan sát được quỹ đạo bay của X-37B đầu tiên có bay ngang CHDCND Triều Tiên, Iraq, Iran, Pakistan và Afghanistan. Cũng có tin đồn phán đoán, X-37B được giữ lại quá hạn trong không gian là để dè chừng trạm không gian Thiên Cung mới của Trung Quốc. Thế nhưng, các chuyên gia chỉ ra rằng, việc theo dõi - giám sát hoàn toàn không dễ, do máy bay này di chuyển với vận tốc quá nhanh, lên tới hàng ngàn mét/giây.

Chuyên gia Brian Weeden của Quỹ Secure World thì cho rằng nếu Mỹ thật sự muốn quan sát Thiên Cung, họ cũng có đủ phương tiện để làm việc đó chứ không cần phải sử dụng tới X-37B. Weeden nghiêng về giả thuyết rằng không quân Mỹ chỉ muốn kiểm tra tính hiệu quả trong sử dụng nhiên liệu của X-37B và duy trì nó trên không gian càng lâu càng tốt để phô diễn công năng của nó, bảo vệ nó khỏi bị cắt giảm ngân sách.

Dùng công nghệ cao chống chiến tranh công nghệ cao

Ngoài việc phát minh ra những vũ khí mới để chủ động tấn công nước khác. Mỹ còn nghiên cứu những vũ khí mới để đối phó, tiêu diệt những công trình phát minh, công nghệ của những quốc gia mà họ xem là kẻ thù, cũng như những quốc gia có khả năng bắt kịp trình độ công nghệ quốc phòng của họ.

Theo một bài báo vừa đăng trên tờ Economist, Iran có công nghệ tạo loại xi măng "thông minh", được cho là loại xi măng cứng nhất thế giới ngày nay, có khả năng chịu được sức công phá của bom phá boongke. Iran nằm ở khu vực dễ xảy ra động đất, và trận động đất gần đây nhất xảy ra ở thành phố Bam ở miền Nam Iran, cướp đi sinh mạng của trên dưới 30.000 người. Đó là lý do các công trình sư Iran phát triển một trong những loại vật liệu cứng nhất thế giới.


Bom phá boongke cũng bó tay với công trình được xây bằng "xi măng thông minh" của Iran

Khác với xi măng thông thường, xi măng UHPC của Iran được trộn với bột thạch anh và các loại sợi đặc biệt, tạo nên loại xi măng chịu được áp lực cực lớn. Xi măng này còn phù hợp để xây cầu, đập, đường hầm, làm tăng sức chịu đựng của đường ống thoát nước, thậm chí thẩm thấu cả chất ô nhiễm.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta lo lắng rằng, khi căng thẳng leo thang, thì các loại bom "Bunker Buster" chuyên phá hầm của Mỹ, kể cả "Mẹ của các loại bom" có sức công phá mạnh nhất trong kho vũ khí phi nguyên tử của họ cũng có thể sẽ không vào được những boongke sâu nhất của Iran nếu loại xi măng siêu cứng này được dùng vào mục đích quân sự.

Tuy nhiên, theo Cơ quan Giảm nhẹ Đe dọa Quốc phòng của Lầu Năm Góc, vốn đã tổ chức tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng chi tiết về xi măng UHPC từ năm 2008, cho biết rất nhiều vũ khí, công cụ khác mà Mỹ đang sở hữu có thể khai thác để tấn công vào những địa điểm kiên cố như thế, như rắn robot mang đầu đạn nguyên tử.

Nói chung, Hoa Kỳ đang đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu và sản xuất những vũ khí công nghệ cao cho tương lai. Họ luôn đi trước các nước khác nhiều bước về lĩnh vực quân sự. Những vũ khí do Mỹ chế tạo ngày càng tân tiến. Họ đang nghiên cứu những loại vũ khí tiếp theo trong nấc thang tiến hóa của nhân loại. Một số công nghệ vũ khí đang được Bộ quốc phòng Mỹ nghiên cứu cho tương lai bao gồm...

Vũ khí tự động: Đây là những người máy đang được phát triển, có khả năng tìm kiếm và hủy diệt binh lính cũng như trang thiết bị của địch trên mặt đất hoặc trong không khí. Các máy tính cài đặt bên trong sẽ diễn giải dữ liệu cảm biến để xác định và nhắm tấn công các lực lượng thù địch bằng những vũ khí gắn liền chúng. Các robot có thể truy vấn những người điều khiển từ những vị trí ở xa về việc tiến tới nã hỏa lực. Khuyết điểm của loại vũ khí này là gặp khó khăn trong việc phân biệt nhanh chóng và chính xác giữa lính và dân, giữa các khí tài quân sự và các dụng cụ dân sự. Các hệ thống kết nối với những người điều khiển từ xa dễ bị trục trặc trong lúc liên lạc. Các robot bị hỏng có thể nã hỏa lực điên loạn vào bất cứ đối tượng nào, kể cả những người dân vô can.


Các tia laser năng lượng cao có thể di chuyển với tốc độ của ánh sáng và tấn công từ khoảng cách xa hàng ngàn km.

Vũ khí laser năng lượng cao: Đây là những chùm tia năng lượng mạnh mẽ, bay xuyên không khí hoặc không gian theo đường thẳng. Chúng di chuyển với tốc độ ánh sáng và có thể tấn công từ khoảng cách xa hàng ngàn km. Các tấm gương lớn tập trung những chùm laser mạnh mẽ vào một điểm nhỏ trên mục tiêu. Sức nóng tạo ra các vết bỏng xuyên qua bề mặt của mục tiêu, phá vỡ chuyến bay, vô hiệu hoá các đầu đạn hoặc đốt cháy nhiên liệu hay vật liệu nổ.



Vũ khí không gian: Không gian là vùng cao nhất, vì vậy các vũ khí trên quỹ đạo sẽ có khả năng nhìn thấy và hạ gục bất cứ vật gì trên mặt đất, trong không khí hoặc ở liền kề trong không gian. Nhiệm vụ chính của các loại vũ khí cài cắm trong không gian sẽ là chống lại những tiên lửa đạn đạo nhắm bắn các mục tiêu trên trái đất. Các đội bắn chặn hoặc trạm chiến đấu sẽ được xây dựng trên quỹ đạo, sẵn sàng nã hỏa lực vào bất kỳ tên lửa tấn công nào. Phương pháp hàng đầu hiện nay là đạn rắn, có thể tác động đến tên lửa. Tuy nhiên, các nhà quân sự Hoa Kỳ cũng đang cân nhắc xây dựng các trạm chiến đấu bằng tia laser.

Máy bay siêu thanh: Cất cánh từ một đường băng tiêu chuẩn, một máy bay siêu thanh có thể bay nhanh hơn mức tốc độ khoảng 5.793km/h để tiếp cận bất cứ nơi nào trên thế giới trong vòng 2 giờ đồng hồ. Nó cũng sẽ có đủ lực đẩy để đưa một vệ tinh vào quỹ đạo thấp của trái đất. Để có thể cất cánh từ một đường băng, một chiếc máy bay siêu thanh hoặc sẽ "quá giang" trên một máy bay thông thường, hoặc có riêng động cơ phản lực thông thường. Động cơ đó sẽ mang máy bay siêu thanh tới độ cao có mật độ không khí và sức cản thấp hơn. Tại đây máy bay sẽ đạt tốc độ siêu âm và sau đó chuyển sang sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm. Máy bay phản lực tĩnh siêu âm thu nhận không khí và trộn nó với nhiên liệu, vì vậy hỗn hợp sẽ bốc cháy khi chảy qua động cơ ở tốc độ siêu âm. Điều này đồng nghĩa với việc máy bay phản lực tĩnh siêu âm có thể đạt được phần nào tốc độ của một tên lửa mà không cần phải mang theo chất oxy hóa nặng như tên lửa.

Hệ thống chủ động vô hiệu hóa (ADS) : Các chùm tia vi ba hoặc sóng millimét cực ngắn có thể gây ra đau đớn khủng khiếp và làm cho mọi người bỏ chạy. Chúng thường có thể được kích hoạt qua một máy phát gắn trong xe quân sự Humvee, trong các tình huống kiểm soát đám đông. Một ăng ten 2 mét và máy phát di động sản sinh và bắn ra một chùm phóng xạ 95-gigahertz (3 millimét). Lớp ngoài dày 0,3 millimetre của da người sẽ hấp thụ các sóng milimét, gây đau dữ dội. Vì vậy, mọi người sẽ phải bỏ chạy càng nhanh càng tốt. Loại vũ khí này có thể gây thương tích nghiêm trọng nếu các mục tiêu không thể tẩu thoát khỏi chùm tia bắn ra. Chùm tia này cũng siêu đốt nóng các vật bằng kim loại như tiền xu, hoa tai hay gọng kính, vốn sau đó có gây bỏng cháy da người.

Ngoài các cuộc chiến tranh công nghệ cao, phi quy ước, hủy diệt hàng loạt như hạt nhân, hóa học, điện tử, khí tượng, vũ khí laser v.v. Hoa Kỳ trong thập niên 1950 còn thực hiện cả chiến tranh sinh học với vũ khí vi trùng. Năm 1950-1953, trong chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã sử dụng vũ khí sinh học bằng cách thả côn trùng, vi khuẩn gây ra bệnh dịch cho người và lúa ở những vùng quân đội Trung Quốc và Bắc Triều Tiên kiểm soát, và đã gây ra nhiều cơn đại dịch lây lan cho nhiều nơi, nhiều người.

Những thành quả về công nghiệp quốc phòng, khoa học quân sự, công nghệ chiến tranh đã biến nền quân sự Hoa Kỳ trở thành một cỗ máy chiến tranh khổng lồ bách chiến bách thắng và bất khả chiến bại trong thế kỷ này. Trong cuộc chiến Afghanistan, Mỹ chỉ dùng một lực lượng đặc nhiệm có số lẻ 1000 quân, được yểm trợ chủ yếu bằng không lực, đã lật đổ dễ dàng Taliban chỉ 61 ngày, với 16 thương vong phía Hoa Kỳ.

Trong chiến tranh Iraq, Hoa Kỳ chỉ với khoảng 10 vạn quân đã cắm cờ Mỹ trên thủ đô Baghdad, giành toàn thắng một cách áp đảo trước một quốc gia bậc trung với một lực lượng quân đội đông đảo và những vũ khí hiện đại chỉ trong khoảng 2 tuần. Quân Iraq chống đỡ yếu ớt và ít có trận đánh nào đáng kể, nhiều người thấy chiến tranh Iraq giống như một vở kịch hay trò chơi hơn là một cuộc chiến.

Khoa học kỹ thuật và công nghệ của Mỹ đã phát triển với tốc độ vũ bão và kỹ thuật dẫn đường chính xác bằng tia laser, vũ khí thông minh, robot thông minh, tên lửa thông minh, đạn thông minh, bom thông minh v.v. đã đưa quân sự Mỹ tới đẳng cấp “chiến tranh chính xác”. Họ đã có thể triển khai những vũ khí có sức hủy diệt nhất tới những nơi họ nghĩ là cần nhất trong thời gian ngắn nhất.

Trong vòng 1 ngày trong cuộc chiến Kosovo, Hoa Kỳ đã rải thảm nhiều bom hơn tất cả số tên lửa mà Trung Quốc triển khai dọc bờ biển. Trong chiến tranh Afghanistan, Hoa Kỳ nhanh chóng phát triển một kiểu bom “nhiệt” dùng trong vùng núi hoang hiểm trở vốn đầy các loại hang hóc kín đáo ở quốc gia đó. Nếu như trong chiến tranh Afghanistan - Liên Xô năm 1978, Hồng quân gần như bó tay với chiến tranh du kích ẩn nấp trong những vùng hoang sơn hiểm yếu thì năm 2001, quân đội Mỹ lại đánh bom tan nát những khu vực này khá dễ dàng.

Bom nhiệt có thể tiêu diệt hầm, boongke ngầm và mọi thứ trong một tòa nhà. Nó cũng tương tự bom neutron. Mỹ lâu nay luôn nhanh chóng phát triển và chế tạo những kiểu vũ khí mới theo từng hoàn cảnh chiến trường, từng loại địch thủ khác nhau. Họ chuẩn bị cho chiến tranh và tiến hành chiến tranh một cách thực dụng nhất có thể.

Quân sự Mỹ lâu nay luôn đi trước thiên hạ, bỏ xa người khác lại phía sau, họ luôn nhanh hơn thiên hạ nhiều bậc, không bao giờ chấp nhận tới sau, không bao giờ chấp nhận chậm hơn. Họ có thể phát triển và cung cấp khí tài mới ngay tức thời, tùy theo nhu cầu của mỗi chiến trường khác nhau, mỗi địch thủ khác nhau, với những thực tế đặc thù riêng biệt nhau.

Mặt bằng kỹ thuật quân sự luôn quyết định chiến thuật quân sự. Hiện đang có một “khoảng cách thế hệ” cực lớn giữa quân sự Mỹ và quân sự các nước còn lại. Các tướng lĩnh, sĩ quan Mỹ lại là những "cáo già" rất biết cách khai thác, tận dụng những ưu thế kỹ thuật công nghệ vượt trội ấy. Do đó, các lực lượng "đáng thương" kia luôn phải chiến đấu trong một trận chiến không cân sức với Mỹ.

(xem tiếp phần 2)