Đề tài về lịch sử cổ đại Việt Nam, thời Văn Lang - Âu Lạc, với những vị
vua Hùng, vua An Dương lâu nay luôn là một chủ đề hấp dẫn giới nghiên
cứu, trí thức, học giả. Phàm những gì càng mờ ảo, huyền bí, không rõ
ràng, thì càng có hấp lực lớn, khơi gợi tính hiếu kỳ của con người, muốn
giải mã những ẩn số trong thời kỳ tranh tối tranh sáng này. Ngoài ra,
làm rõ được thời kỳ này cũng chính là làm minh bạch cội nguồn tiên tổ,
góp phần làm tăng lên tinh thần dân tộc, củng cố lòng tự tin dân tộc
trong thời kỳ lịch sử mới và giai đoạn cách mạng mới của nước ta, giai
đoạn xây dựng đất nước, quá độ lên CNXH.
Thời gian gần đây mình
trợ giúp người nhà viết sách nên cũng tham khảo, tìm hiểu nhiều tài
liệu, dữ liệu, thông tin về đề tài này. Rồi suy luận từ vô vàn nguồn đó,
xử lý các thông tin khác nhau và nhiều khi mâu thuẫn nhau đó, thật nhức
đầu.
Ngoài các tài liệu chính sử như Sử Ký của Tư Mã Thiên (hoàn
thành trong thế kỷ 1 bên Trung Hoa), Hoài Nam Tử của Hoài Nam vương Lưu
An (tác phẩm triết học, đạo học hoàn thành trong thế kỷ 2 bên Trung
Hoa), Việt Sử Lược (Khuyết danh, thế kỷ 13 ở Đại Việt), và Đại Việt sử
ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên, thế kỷ 15 ở Đại Việt), các thần tích, ngọc
phả, cổ tích, truyền thuyết địa phương mà các nhà nghiên cứu hiện đại đã
sưu tầm tổng hợp được, thì mình cũng tham khảo các tranh luận về đề tài
này trong các diễn đàn và blogs trên Internet, đặc biệt từ những người
nghiên cứu sử học không chuyên.
Trong các nguồn, thì nguồn đáng
tin và có giá trị khoa học nhất là Sử Ký của Tư Mã Thiên. Bởi vì qua xem
xét, rà soát, các nhà khoa học lịch sử đã công nhận đây là một sử ký
mang tính chuyên nghiệp, khách quan thật sự (dám nói sự thật dù "phạm
thượng" cả Hán Cao Tổ Lưu Bang, triều đại mà Tư Mã Thiên phục vụ), với
nội dung nhẹ nhàng, ôn hòa, trung hòa, chừng mực, không hề có chủ nghĩa
sô-vanh Đại Hán cực đoan trong đó. Với bộ sử giá trị đó, ông được tôn là
"sử thánh", một trong "Mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc". Một
trong những yếu tố đáng tin nữa của bộ Sử Ký là: Đó là tác phẩm sớm nhất
(thế kỷ 1) còn lưu truyền ngày nay mà có đề cập tới Âu Lạc, Thục Phán,
chiến tranh Việt - Tần v.v.
Gần đây, khi nhà sử học Phan Huy Lê
chủ trì các nhóm nghiên cứu khoa học lịch sử ở VN hoàn thành việc dùng
phương pháp khoa học, khảo cổ học để giám định niên đại các cổ vật được
đào lên ở Cổ Loa, vùng ngày xưa thuộc vùng ảnh hưởng của triều đình An
Dương Vương và nước Âu Lạc thì kết quả giám định cho thấy những số năm
phù hợp với các số năm trong Sử Ký, không phù hợp với các số năm trong
Việt Sử Lược và Đại Việt SKTT.
Năm 2008, khi các sử gia và nhà
khảo cổ Trung Quốc tổ chức khai quật mộ của Triệu Văn Vương (Triệu Hồ,
cháu nội của Triệu Đà), sau khi giám định bằng các biện pháp khoa học
khảo cổ, pháp y thì thấy thời gian mà Triệu Hồ băng hà không phù hợp với
các số năm đề cập trong VSL và ĐVSKTT.
Để tìm hiểu cho minh bạch
thời kỳ này, mình đã cố gắng dựa vào tất cả các nguồn thông tin, dữ
liệu khách quan có được, tất cả các suy luận, giả thuyết, cố gắng xâu
chuỗi lại sao cho phù hợp nhất, hợp logic nhất với các thông tin có
được, gạn lọc, kết hợp có chọn lọc. Sau đây là "trình tự" quá trình tìm
hiểu không lấy gì làm chuyên nghiệp của mình. Để có cái nhìn rộng và rõ
hơn, toàn cục khu vực hơn, mình xin được đối chiếu với các sự kiện chính
trị lớn bên Trung Quốc cùng mốc thời gian. Và chú trọng suy luận hơn từ
các số năm, các timeline, là 2 yếu tố mà mình thấy chưa được quan tâm
đúng mức trong các nghiên cứu hàn lâm cũng như các tranh luận, thảo luận
trên Internet.
Sưu tầm các số năm:
Tần vừa thống nhất - 221 TCN
Trần Thắng khởi nghĩa - 209 TCN tới 208 TCN
Nhà Tần kết thúc, Hán Sở tranh hùng - 206 TCN tới 202 TCN
Cuối Văn Lang, đầu Âu Lạc - Giả thuyết 1: 258, 257 TCN, Giả thuyết 2: 218, 208, 207 TCN
Chiến
tranh Bách Việt vs Tần - GT 1: Khoảng 218 TCN đến 215, 214 TCN hoặc GT
2: 209, 208 TCN (sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, phong trào chống Tần
lan rộng, Hồ Hợi ra lệnh bãi binh). Âu Việt đụng độ quân Tần trong
khoảng 6 năm (từ năm 214 TCN).
Chiến tranh Âu Lạc vs Triệu Đà - Sau 214 TCN đến 208, 207 TCN (GT 1) hoặc 180, 179 TCN (GT 2)
Cuối Âu Lạc - GT 1: 208, 207 TCN, GT 2: 180, 179 TCN
Chính thức lập quốc Nam Việt - 207 TCN, 204, 203 TCN
Nam Việt hoàn thành bình định Âu Lạc - 180, 179 TCN
Bắt đầu Bắc thuộc - GT 1: 208, 207 TCN hoặc GT2: 180, 179 TCN
Timeline & đối chiếu Việt - Hoa
Giả thuyết 1:
Âu Lạc lập quốc - 258, 257 TCN
Tần thống nhất Hoa Hạ - 221 TCN
Chiến tranh Bách Việt vs Tần: Khỏang 218 TCN đến 215, 214 TCN
CT
Âu Lạc vs Triệu Đà (Nhâm Ngao [hoặc Nhậm Hiêu theo phiên âm hiện đại]
và Triệu Đà thay thế Đồ Tuy [theo phiên âm hiện đại]) - Sau 214 TCN đến
208, 207 TCN
Triệu Đà dùng kế giảng hòa, kế thông gia, cho Trọng Thủy sang Âu Lạc ở rể - 210 TCN
Trần Thắng khởi nghĩa chống Tần - 209 TCN tới 208 TCN
Âu Lạc bị Triệu Đà đánh bại - 208, 207 TCN
Chính thức lập quốc Nam Việt - 207 TCN, 204, 203 TCN
Nhà Tần kết thúc, Hán Sở tranh hùng - 206 TCN tới 202 TCN
Giả thuyết 2:
Tần thống nhất Hoa Hạ - 221 TCN
Chiến tranh Bách Việt vs Tần - Khoảng 218 TCN đến 209, 208 TCN
Âu Lạc lập quốc - 218, 208, 207 TCN
CT Âu Lạc vs Triệu Đà (Nhâm Ngao và Triệu Đà thay thế Đồ Tuy) - Sau 214 TCN đến 180, 179 TCN
Trần Thắng khởi nghĩa chống Tần - 209 TCN tới 208 TCN
Chính thức lập quốc Nam Việt - 207 TCN, 204, 203 TCN
Nhà Tần kết thúc, Hán Sở tranh hùng - 206 TCN tới 202 TCN
Âu Lạc bị Triệu Đà đánh bại - 180, 179 TCN
Vài suy luận:
-
Sự xung đột quân sự đánh qua đánh lại dai dẳng giữa Hùng - Thục là có.
Và đó là sự xô xát mang tính chất nội bộ, nội chiến, chứ không phải là
cuộc chiến tranh tổng lực, quy mô giữa 2 quốc gia khác biệt về chủng
tộc, văn hóa. Tương tự các bộ lạc ở phía Nam và phía Bắc Trung Hoa luôn
đánh nhau, đánh rồi lại hòa, hòa rồi lại đánh, mang tính chất anh em
trong nhà thỉnh thỏang đánh nhau chứ không phải những cuộc chiến xâm
lược mang tính tiêu diệt. Cuộc chiến Hùng - Thục miêu tả trên các thần
tích, ngọc phả rất dữ dội nhưng cũng cho thấy tính chất "dễ dàng" và gần
gũi, ví dụ truyền thuyết rằng Hùng Vương say rượu chỉ trong một đêm bị
Thục Phán đánh bất ngờ và cướp ngôi. Nếu đây là cuộc chiến mang tính hủy
diệt, công thành chiếm đất giữa 2 quốc gia, khó có chuyện đánh tới thủ
đô đối phương nhanh như chớp và dễ như bỡn như vậy.
- Hùng Vương
18 nhường ngôi để hiệp lực chống Tần và vì không có con trai là có,
nhưng là bị sức ép, bị áp lực, chứ không phải hoàn toàn tự nguyện.
-
Sự tích rắc lông ngỗng lưu lại dấu vết của Mỵ Châu là trong lúc dừng
lại nghỉ ngơi hoặc phi nước kiệu. Để lại dấu vết cho quân Trọng Thủy đi
tìm.
- Cuộc chiến chống Tần là có, và dân ta từ xưa coi đó chính
là cuộc chiến với Triệu Đà. Lâu nay do bị bó buộc bởi quan niệm chính
thống của nhà Triệu bởi nhiều sử quan phong kiến nên nhiều sử gia hiện
đại khi viết cũng vô tình coi cuộc chiến chống Tần và chống Triệu là 2
cuộc chiến hoàn toàn khác nhau, và đều thắc mắc không hiểu tại sao cổ sử
lúc thì viết quân Tần thôn tính Âu Lạc, lúc thì viết là Triệu Đà thôn
tính Âu Lạc. Và tại sao cuộc chiến chống Tần nếu thắng vẻ vang oanh liệt
như vậy lại không thấy đề cập nhiều, không để lại sự tích, thần thoại
nào.
Đơn giản là xuất phát từ chủ đạo dân tộc Việt Nam, dân ta
coi Tần - Triệu chỉ là 1, đều là giặc Tần, đều là giặc Bắc, giặc Tàu.
Triệu Đà là tướng nhà Tần, là người Hoa Hạ (nước Triệu, 1 trong Thất
Hùng thời Chiến Quốc sau cùng bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt, mồ mả ông bà
tổ tông của Triệu gia là ở Chân Định, thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc
ngay nay), quân đội mà Triệu Đà dùng để xâm lược Âu Lạc cũng chính là
quân Tần, dù là Tần ly khai. Triều đình của Triệu Đà cũng chính là triều
đình Tần, bao gồm các văn quan võ tướng tạo phản. Tóm lại, họ là người
Tàu, là bề tôi của triều Tần, với một nền văn hóa Hoa Hạ rất khác với
văn hóa bản địa của Lạc Việt, Âu Việt lúc đó, đậm chất dị tộc.
Và
quan trọng nhất: Nhậm Hiêu và Triệu Đà vốn là tướng được triều Tần cử
đến phương Nam thay thế cho đại tướng Đồ Tuy đã tử trận. Như vậy, vai
trò của Triệu Đà từ đầu đã là thay thế Đồ Tuy bành trướng xuống Nam,
tiếp nối mục tiêu xâm lược của nhà Tần, tiếp nối nhiệm vụ dang dở của Đồ
Tuy, và cuộc chiến chống Triệu Đà chính là tiếp nối cuộc kháng chiến
chống Tần bảo vệ bờ cõi.
Theo góc nhìn đó thì cuộc chiến chống
Tần chỉ là tạm thắng giai đoạn đầu, chém được tướng Tần, nhưng sau đó đã
thua vào tay tướng Tần là Triệu Đà. Lưu ý Triệu Đà đã xâm lấn Âu Lạc
ngay trong lúc chưa chính thức lên ngôi và ly khai nhà Tần, chưa lập
quốc Nam Việt. Như vậy xét theo quan điểm dân tộc, thì chẳng có sự toàn
thắng vẻ vang nào cả, mà chỉ có thắng giai đoạn đầu, và thua toàn cục.
Khi nói đến khái niệm "thắng" trong một cuộc kháng chiến thì điều kiện
tiên quyết là phải giữ được đất nước, giữ được lãnh thổ, chẳng hạn như
cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979, cuộc chiến Nguyên Mông
thời nhà Trần, trong thời chống Mông Cổ ấy, dù có 3 cuộc chiến khác nhau
nhưng nếu quân ta thắng trong cuộc chiến thứ nhất, thứ hai, mà vẫn thua
cuộc chiến thứ ba thì không thể coi là toàn thắng.
Đó là 1 trong
những câu trả lời cho câu hỏi vì sao chiến công thắng Tần vẻ vang oanh
liệt như vậy mà ít thấy đề cập trong các thần tích, ngọc phả, gia phả,
truyền thuyết. Ngay cả Sử Ký và Hoài Nam Tử cũng chỉ đề cập tới việc Đồ
Tuy bị tử trận và tình trạng quân dân nhà Tần rất khổ sở, chứ không nói
cụ thể ai thắng.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là thần tích,
ngọc phả, sự tích của địa phương nào thì chủ yếu kể lại những câu chuyện
diễn ra trên địa phương đó. Hầu hết các mẫu chuyện, giai thoại địa
phương mà các sử quan ngày xưa và sử gia ngày nay thu thập, sưu tầm được
đều là các giai thoại ở miền Bắc VN, nghĩa là trong vùng cai trị, ảnh
hưởng của Hùng Vương và nhà nước Văn Lang. Chính vì vậy mới thấy nhiều
câu chuyện kể về thời Hùng Vương của Lạc Việt, mà không thấy các câu
chuyện kể của Âu Việt, chỉ khi An Dương Vương nối ngôi Hùng Vương, trị
vì trên những vùng đất này, thì mới thấy truyện Thần Kim Quy, Cổ Loa
thành, Nỏ thần, Trọng Thủy Mỵ Châu v.v.
Trong thập niên 1960,
giới sử học Việt Nam do thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì, mở "chiến dịch"
nghiên cứu quy mô lớn, tìm hiểu về các giai thoại địa phương trong cộng
đồng dân tộc miền núi ở vùng Cao Bằng, thì mới phát hiện ra cổ tích
"Chín Chúa Tranh Vua" trong cộng đồng người Tày có đề cập đến Thục Chế
và Thục Phán. Như vậy, Thục Phán, Dịch Hu Tống, Âu Việt, Bách Việt là
nằm ngoài địa phương có các giai thoại dã sử Việt Nam thời cổ đại, do đó
các giai thoại đó chỉ thấy chủ yếu nói về Hùng Vương và nước Văn Lang,
không thấy nói về những giai thoại, sự kiện, nhân vật ngoài vùng đó,
vùng cực bắc VN, hay vùng cực nam, nam Quảng Tây bên TQ.
- ĐVSKTT
cho rằng Thục Phán thôn tính nước Văn Lang và thành lập nước Âu Lạc vào
khoảng năm 258 TCN, 257 TCN. Như đã dẫn chứng ở trên, các công tác khảo
cổ học ngày nay đã ít nhất có 2 chứng minh cho thấy ĐVSKTT không đáng
tin lắm về mặt thông tin về thời gian, số năm cụ thể. Việc cho rằng Thục
Phán diệt Hùng Vương, cướp nước Văn Lang cũng không phù hợp với nhiều
truyền thuyết (ví dụ Sơn Tinh Thủy Tinh và các truyền thuyết đề cập tới
việc Hùng Vương nhường ngôi, An Dương Vương tuyên bố giữ nước non của
vua Hùng). Đa số các truyền thuyết khác cũng chỉ đề cập tới các trận
đánh lẻ tẻ giữa Hùng - Thục, chứ không có quan điểm rằng Thục Phán diệt,
cướp, thôn tính Văn Lang xong rồi lập nước Âu Lạc. Về suy luận tuổi
tác, nếu cho rằng Thục Phán đã đánh đông dẹp bắc rồi lên ngôi năm 258
TCN thì đến khi mất nước, dù cho theo thuyết nào, thì An Dương Vương
cũng đã quá già, khó thể tin rằng có thể cưỡi ngựa phá trùng vây chạy
thoát đến tận Nghệ An ngày nay mới tuẫn quốc, như đề cập trong hầu hết
các truyền thuyết dân gian, câu chuyện dã sử. Nhất là với trình độ y
học, y tế, dinh dưỡng, thuốc men, điều kiện sống, trình độ phát triển
trong thời kỳ đó thì lại càng khó tin. Trong khi thời nay với trình độ
phát triển y học, y tế, dinh dưỡng, vitamins phát triển sau mấy ngàn năm
mà U70 tuổi đã phải nghỉ hưu.
SK của Tư Mã Thiên và Hoài Nam Tử,
2 tài liệu xưa nhất, thì ghi chép rằng Triệu Đà dùng vàng bạc châu báu
đút lót, mua chuộc, dụ dỗ các lãnh tụ Âu Lạc, thôn tính nước Âu Lạc.
Đoạn chép này chỉ nói là cướp Âu Lạc chung chung, chứ không đề cập cụ
thể tới các danh từ Thục Phán hay An Dương Vương. Và 2 tài liệu này đều
cho rằng thời gian Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính là khoảng năm 180 TCN,
179 TCN, sau khi nhà Hán đã nhất thống Trung Nguyên. Các sách giáo khoa,
sách sử chính thống, các nhà sử học chuyên nghiệp, hiện đại hiện nay
ghi theo các tài liệu này vì cho rằng đây là nguồn đáng tin cậy. Nhưng
theo thuyết này thì lại không phù hợp với các truyền thuyết dã sử thời
An Dương Vương như Rùa Thần, Nỏ Thần, Trọng Thủy Mỵ Châu, mâu thuẫn với
thời điểm giảng hòa giữa An Dương Vương và Triệu Đà mà theo cổ sử Việt
Nam là khoảng năm 210 TCN. Thuyết này cũng không phù hợp với vấn đề tuổi
tác, sức khỏe, nếu đến năm 179 TCN mà còn An Dương Vương thì lúc đó đã
quá già, dù theo thuyết nào về thời điểm lập quốc của Âu Lạc thì cũng là
quá già, không hợp lý lắm.
Cách giải thích nghe ổn thỏa nhất chỉ
có thể là An Dương Vương đúng là bị thua về tay Triệu Đà vài năm sau
giảng hòa. Nhưng thắng An Dương Vương không có nghĩa là đã cướp hẳn trọn
vẹn được toàn bộ nước Âu Lạc. Lưu ý thời đó Văn Lang - Âu Lạc vẫn có
tính sơ khai cát cứ địa phương chứ chưa phải là một nhà nước phong kiến
trung ương tập quyền có tính tập trung cao độ. Lạc Việt bao gồm 15 bộ
tộc, Âu Việt bao gồm 10 xứ. Mãi đến khoảng thời gian 180 TCN, 179 TCN,
Triệu Đà mới hoàn thành việc thôn tính và bình định Âu Lạc. Điều này
cũng phù hợp với những gì ghi trong Sử Ký và HNT, trong giai đoạn đó
không hề ghi chép là Triệu Đà dùng chiến tranh quy mô diệt An Dương
Vương, chiếm đóng Âu Lạc, mà chỉ đề cập đến việc ông ta dùng vàng bạc
châu báu để mua chuộc các quan chức, các thế lực ở Âu Lạc.
-
Thiền sư Lê Mạnh Thát dựa vào việc Sử Ký Tư Mã Thiên không đề cập đến sự
kiện Trọng Thủy Mỵ Châu và đích danh An Dương Vương, liền cho rằng An
Dương Vương và câu chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu là không có thật, là bắt
chước từ một tích khác trong 1 kinh Phật. Lập luận này không thỏa đáng.
Thứ nhất, Sử Ký Tư Mã Thiên tuy rất đáng tin, là một nguồn có uy tín
cao, có giá trị cao, nhưng nó vẫn chỉ là một bộ sử của người Hán nghiên
cứu lịch sử Trung Hoa, chứ trọng tâm trọng điểm của nó không phải là
Việt Nam, mà lúc đó các sử quan phong kiến Trung Hoa vẫn xem tứ bề chung
quanh là các dị tộc, bộ lạc "man, nhung, di, địch", là các chư hầu,
"Phiên quốc", "Phiên bang". Do đó, với góc nhìn từ xa, từ bên ngoài, họ
chỉ đề cập qua loa như một yếu tố phụ, chứ không phải là trọng tâm
chính, không phải trọng điểm nghiên cứu của họ. Do đó việc Sử Ký của sử
quan Tư Mã Thiên không đề cập kỹ càng, rõ ràng, cụ thể, chi tiết, sâu
sát đến các sự kiện lịch sử nước ta là chuyện dễ hiểu.
Thứ hai,
những giai thoại đúc kết từ các sự kiện có thật về chuyện 2 nhà, 2 nước
thông hôn, sau đó trở mặt đem quân đánh nhau là chuyện rất bình thường,
xảy ra rất nhiều trong lịch sử phong kiến cả thế giới. Ngay trong lịch
sử Việt Nam thời kỳ khác cũng có giai thoại tương tự: Giai thoại Nhã
Lang - Cảo Nương, Triệu Quang Phục gả Cảo Nương cho hoàng tử Nhã Lang,
con trai của Lý Phật Tử, kết quả bị Lý Phật Tử phản phé bất ngờ đánh
bại. Đây là một thực tế thời phong kiến giữa các vương tôn quý tộc vua
chúa với nhau, chuyện 2 nhà Thục - Triệu thông gia rồi Triệu lật lọng
thất hứa đem quân đánh thì không phải là chuyện quá khó tin hay không
thể xảy ra.
Kết hợp có chọn lọc:
- Kết
hợp 3 thuyết: Có chiến tranh Hùng - Thục. Thục Phán có ép Hùng Vương
nhường ngôi. Có áp lực của giặc Tần và nhu cầu đoàn kết chống Tần.
-
Kết hợp 2 thuyết về thời kỳ thành lập Âu Lạc: Hùng - Thục vốn có đánh
lớn dằng dai liên tục từ khoảng 40 năm trước khi quân Tần xâm lăng.
Khoảng 40 năm sau, để chống Tần, Âu Việt - Lạc Việt liên hiệp lại thành 1
nước thống nhất do Thục Phán An Dương Vương lãnh đạo.
- Kết hợp 2
thuyết về thời kỳ mất nước Âu Lạc: Trúng kế ở rể, vua An Dương bị Triệu
Đà đánh bại trong những năm cuối nhà Tần và trước chiến tranh Hán - Sở.
Nhưng đến sau chiến tranh Hán - Sở đã lâu thì mới hoàn thành bình định
phương Nam.
Tổng hợp, xâu chuỗi, và sử thi hóa giả thuyết: (thông tin nào còn tồn nghi, đáng ngờ, cần xem xét thêm thì mình đánh dấu hỏi ở kế bên)
Khoảng
năm 258, 257 TCN, liên minh bộ lạc Âu Việt, nước Nam Cương (?) với 10
xứ mường do vua Thục tên là Chế lãnh đạo đã giành được ưu thế lớn trước
nước Văn Lang của dân tộc Lạc Việt, gồm 15 bộ tộc do vua Hùng thời thứ
18 của bộ tộc ở Phong Châu lãnh đạo. Hai bên vốn đã đánh nhau lâu nay
nhưng mãi đến lúc này, với tài lãnh đạo của Thục Chế (?) thì Âu Việt mới
giành được ưu thế lớn. Tuy nhiên, vua Hùng và những Lạc Hầu, Lạc Tướng,
Quan Lang trung thành vẫn cầm cự, chưa bị thua hẳn.
Gần 40 năm
sau, năm 221 TCN, Doanh Chính gồm thâu 6 nước, nhất thống Hoa Hạ. 3 năm
sau, năm 218 TCN, Thủy Hoàng Đế bắt đầu công cuộc bành trướng khu vực,
phái Mông Điềm đánh Hung Nô ở phía Bắc và xây Vạn Lý Trường Thành để
phòng ngự vó ngựa Hung Nô. Phía Nam, Tần Thủy Hoàng cử 5 đạo quân Nam
chinh, mỗi đạo 10 vạn quân, tổng cộng 50 vạn quân tiến hành bành trướng
xuống Nam, diệt Bách Việt, mở rộng lãnh thổ.
Nhiều dân tộc, bộ
tộc, bộ lạc trong khối Bách Việt vì sự sinh tồn của mình, đã liên minh
lại chống quân viễn chinh Tần, trong đó có cả Lạc Việt và Âu Việt (Tây
Âu). Tuy nhiên sau đó lần lượt nhiều bộ tộc trong Bách Việt như Câu Ngô
Việt, Ư Việt (hậu duệ của nước Ngô và nước Việt thời Xuân Thu), Dương
Việt, Nam Việt (bộ tộc), Điền Việt, Mân Việt, Sơn Việt, Dạ Lang Việt
v.v. đều bị chinh phục chỉ còn lại bộ tộc Âu Việt và dân tộc Lạc Việt.
Trong
cuộc chiến này, vua Thục tên Phán (lúc này đã thay chế Thục Chế?) cùng
thủ lĩnh Dịch Hu Tống, là 1 trong những thủ lĩnh sáng giá trong 10 xứ
mường của Âu Việt lãnh đạo kháng chiến. Âu Việt chiến đấu tiên phong,
trực diện với sự hậu thuẫn của Văn Lang - Lạc Việt phía sau. Hùng Vương ở
Phong Châu cũng thừa biết nếu quân Tần vượt qua Thục Phán và Âu Việt
thì mình cũng sẽ lâm nguy. Vì sinh tồn, 2 tộc đã liên kết lại cùng chống
ngoại địch từ phương Bắc.
Cuộc chiến giằng co 4 năm, năm 214
TCN, nhờ chiến thuật du kích, tận dụng ưu thế địa lợi, rừng núi, thủy
thổ làm cho giặc đổ bệnh, mẹo "vườn không nhà trống", đánh lén ban đêm
v.v., và nhờ tài lãnh đạo của Thục Phán, tài thao lược của Cao Lỗ, vũ
dũng của ông Trọng (?) mà liên quân Bách Việt do Âu Việt lãnh đạo đã tạm
thắng trong giai đoạn này, giết được Đồ Tuy, chém hàng vạn quân địch,
tuy nhiên thủ lĩnh Dịch Hu Tống của người Việt cũng bị tử trận.
Ngay
sau đó, nhà Tần cử 2 tướng tài là Nhậm Hiêu (Nhâm Ngao) và Triệu Đà đem
quân tiếp viện và thay thế Đồ Tuy, chiến tranh tiếp diễn rồi tạm ngừng.
Nhậm Hiêu và Triệu Đà chia nhau bình định và cai quản những vùng mà
người Tần đã chiếm.
Sau 4 năm kháng chiến chống Tần, Đồ Tuy và
thủ lĩnh Dịch Hu Tống tử trận, thủ lĩnh anh hùng Thục Phán với uy tín từ
việc đồng lãnh đạo cuộc chiến với Dịch Hu Tống, là thủ lĩnh sáng giá
thứ hai sau Dịch Hu Tống, đã được 9 xứ mường của bộ tộc Âu Việt bầu lên
làm thủ lĩnh tối cao để lo việc thống nhất, đoàn kết các bộ tộc người
Việt còn sót lại cùng nhau đối phó với hiểm họa lớn này. Ngoài những
người Âu Việt và những người Bách Việt tỵ nạn thì việc Thục Phán làm thủ
lĩnh, lãnh đạo tối cao để bảo vệ phương Nam trước họa Bắc xâm cũng được
nhiều người Lạc Việt, nhiều bộ tộc và thế lực trong nước Văn Lang ủng
hộ. Theo đó, Thục Phán đã dùng uy thế và sức mạnh của phe mình áp lực
Hùng Vương phải nhường ngôi, nhưng Hùng Vương bác bỏ.
Trước khi
quân Tần xâm lược thì Thục Phán đã cầu hôn với mị nương Ngọc Nga nhưng
Hùng Vương gả nàng cho chàng Tuấn, 1 thủ lĩnh, thổ hào hùng cứ quanh dãy
núi Tản Viên. Vì vụ này mà quân đội của Thục Phán đã có những xung đột
lẻ tẻ với quân đội Văn Lang và quân Tản Viên, cho đến khi nhà Tần bắt
đầu cuộc Nam xâm thì xung đột vũ trang mới chấm dứt, các bên giảng hòa,
hơn nữa Tuấn còn khuyên bố vợ nhường ngôi cho Thục Phán, bởi vì Hùng
Vương lúc đó đã bắt đầu già yếu, không tài giỏi và có tư cách lãnh đạo
bằng Thục Phán, và không có đứa con nào khả dĩ nối ngôi (?).
Vì
Hùng Vương không chịu nhường ngôi, Thục Phán hợp tác với Cao Lỗ, nội
công ngoại kích bất ngờ vào ban đêm khi Hùng Vương đang ngủ vùi sau tiệc
rượu, Cao Lỗ làm nội ứng, mở cửa thành phía sau cho quân của Thục Phán
tràn vào khống chế và làm chủ tình thế. Trước tình thế đó, Hùng Vương
đành phải nhường ngôi, Thục Phán tuyên bố sẽ bảo vệ nước của vua Hùng,
bảo vệ thần dân Lạc Việt và Âu Việt, sát nhập 2 tộc lại thành nước Âu
Lạc, lên ngôi vua, xưng là An Dương Vương. Việc nhất thống này cũng cần
thiết trước hiểm họa Nhậm Hiêu, Triệu Đà và quân Tần vẫn đang rình rập
từ phía Bắc.
Sau khi thống nhất Âu Lạc, vua An Dương đã sở hữu
nhiều kho với số lượng lớn cung nỏ, vũ khí tầm xa, nhất là nỏ, vốn là vũ
khí rất mạnh đặc trưng của các dân tộc ở Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa
lúc đó, thuận lợi cho chiến tranh du kích, phục kích bắn tỉa. Vua giao
cho mưu sĩ là Kim Quy và Lạc hầu Cao Lỗ lo việc phát triển công nghệ,
chế tạo, cải tiến nỏ, vũ khí chiến lược của Âu Lạc Việt, để chuẩn bị
chống Tần một khi Triệu Đà phát động tấn công (nhà Tần là bên tự ngừng
chiến và chưa có thỏa thuận nào về kết thúc chiến tranh). Kim Quy và Cao
Lỗ phát triển, nâng cấp một bộ phận nỏ thường lên nỏ thần (nỏ liễu, nỏ
liễn, nỏ liên châu), loại nỏ 1 phát có thể bắn được nhiều mũi tên, để
lấp đi khuyết điểm quân ít, thiếu thốn xạ thủ. Nỏ của Âu Lạc bắn xa hơn,
bắn mạnh hơn, tốt hơn, bền hơn và hiện đại hơn nỏ Tần. Các đội quân bắn
nỏ của Âu Lạc cũng tinh nhuệ, thiện chiến, bắn chính xác hơn quân Tần.
An
Dương Vương cũng cho xây đắp thành Loa, kiên cố hơn, to hơn nhiều, và
có tác dụng phòng giữ cao hơn nhiều so với các thành nhỏ của Hùng Vương
trước đây. Đây là công trình phòng thủ quân sự đầu tiên, một thành trì
đầu tiên của tộc Việt mang tầm vóc kinh đô. Do bị ảnh hưởng từ công cuộc
xây Vạn Lý Trường Thành ngăn Hung Nô của Tần Thủy Hoàng, một sự kiện
lớn và nổi tiếng thời đó, nên vua An Dương cũng muốn xây Loa thành để
chống thù trong giặc ngoài (các thế lực còn trung thành với cựu triều
bên trong và giặc Tần bên ngoài).
Tuy nhiên, do đây là một cuộc
hợp nhất không suông sẻ lắm, nhiều người còn chưa phục, nên các thế lực
chống đối cũng thường nổi lên quấy rối công cuộc xây Loa thành, tuy củng
cố phòng ngự quân sự để đề phòng giặc Tần nhưng cũng làm khổ sức dân,
lao động cưỡng ép, và vô tình làm rõ sự phân chia giai cấp, tự cô lập,
xa dân, tạo nên một bức tường tinh thần ngăn cách giữa đồng bào và chế
độ mới.
Trong vòng 4 năm sau đó, thỉnh thoảng Triệu Đà mở những
chiến dịch tấn công, nhưng nhờ có nỏ tốt, nỏ liên châu, các xạ thủ bắn
nỏ tinh nhuệ nên quân Âu Lạc đều đánh đuổi được giặc. Năm 210 TCN, Triệu
Đà dùng kế thông gia, mỹ nam kế (?), đề nghị giảng hòa. An Dương Vương
lúc này không còn trẻ nữa, sức khỏe bắt đầu bất ổn, thường xuyên đau
bệnh, không còn hùng tâm tráng chí như 4 năm trước. Ông đã mệt mỏi vì
chiến họa, nên đã chấp nhận hòa hiếu.
Sự kiện này bị đông đảo
thần dân phản đối, các đại thần khuyên can. Một là do tinh thần chống
Tần, bài Tần, lòng căm thù giặc khi đó của nhân dân ta. Hai là những
người sáng suốt ngờ ngợ nhận ra ý đồ gián điệp của Triệu Đà, hay ít nhất
là cảm nhận ra bằng trực giác, thấy có gì đó không đúng, không ổn, vì
sao địch đang trên thế mạnh, trên thế công, mà lại chấp nhận hòa lại còn
chấp nhận gởi con trai đến làm con tin, không bình thường, không hợp
tình lý. Ba một bộ phận bảo thủ, chủ chiến trong phe quân đội, thấy cái
gì liên quan đến Tần là không muốn dây vào, cái gì liên quan đến hòa là
phản đối, tiếc cho mị nương Mỵ Châu, không muốn một tài nữ xinh đẹp phải
gả cho một tên giặc cướp ác ôn, xấu xa, hoặc đơn giản là không muốn mất
thân phận, đường đường là một nhà vua lại đi thông gia với một viên
tướng, viên quan (Triệu Đà lúc này chưa lên ngôi hoàng đế, chưa thành
lập nước Nam Việt, trên danh nghĩa vẫn là thần tử của triều Tần).
Có
nhiều lý do để phản đối như vậy nên đa số đều phản đối, khuyên can gay
gắt, quyết liệt. Nhưng vua lúc này không còn sáng suốt, minh mẫn như
xưa, chỉ nghĩ đơn giản rằng vừa được thanh bình, vừa được thêm một con
tin ở rể, không mất gì, giả dụ địch trở mặt thì cứ đánh lại thôi, không
sao đâu v.v. nên bỏ mặc mọi lời khuyên, mọi can gián, một mình quyết
định. Các trung thần can vua mãi không được nên đã bất bình, bi phẫn,
dần chán nản bỏ đi hết.
Triệu Đà gởi Trọng Thủy sang ở rể theo
phong tục mẫu hệ của Âu Việt và Lạc Việt. Trong thời gian trong thành
Loa, Trọng Thủy đã hoạt động tình báo, thu thập thông tin về nỏ liên
châu hiện đại của Âu Lạc, địa điểm các kho nỏ, tên, khuyết điểm của các
đơn vị quân đội bắn nỏ, địa hình, nhân tâm, tình hình triều đình Âu Lạc
v.v. Triệu Đà đồng thời bỏ ra vàng bạc châu báu để mua chuộc các thế
lực, thị tộc, bộ tộc, đồng minh chung quanh Âu Lạc, các lạc hầu, lạc
tướng của Âu Lạc, ly gián vua tôi. Triệu Đà và Trọng Thủy đã dèm pha và
ly gián thành công An Dương Vương với Cao Lỗ, khiến Cao Lỗ và những
người tận trung cuối cùng của vua cũng phải chán nản bỏ đi, nhà nước Âu
Lạc không còn lại bao nhiêu người tài.
Cùng thời gian này, bên
Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đã từ lâu đã thường xuyên uống vào những "linh
đan" làm bằng các viên ngọc, kim cương, đá quý nghiền thành bột của bọn
đạo sĩ xôi thịt nên bệnh ngày càng nặng. Trong khi đi tuần du phía
Đông, đến đất Sa Khâu thì bệnh chết. Trung xa phủ lệnh, hoạn quan Triệu
Cao muốn chuyên quyền, nên không muốn vương tử Phù Tô (là người trung
nghĩa, hiếu thuận, yêu dân, có tài quân sự, có năng lực chính trị) lên
ngôi, nên đã dụ vương tử Hồ Hợi, em trai của Phù Tô cùng đồng lõa giả
truyền lệnh bức tử Phù Tô và danh tướng Mông Điềm, và giả di chiếu cho
Hồ Hợi (là kẻ tiểu nhân, tàn bạo, ngu dốt, háo sắc, ăn chơi rượu chè)
lên ngôi. Triệu Cao chọn Hồ Hợi trong nhiều con trai của Tần Thủy Hoàng
là để dễ bề lung lạc, điều khiển, sử dụng hắn như một hoàng đế bù nhìn,
để thỏa khát vọng quyền lực. Triệu Cao là thầy đã dạy dỗ Hồ Hợi từ nhỏ.
Hồ Hợi lên ngôi hoàng đế.
1 năm sau, năm 209 TCN, bên Trung Hoa,
Trần Thắng với sự phò trợ của Ngô Quảng nổi lên khởi nghĩa phản Tần.
Trần Thắng dùng những thủ đoạn tuyên truyền mê tín dị đoan để quảng bá
cho "chân mệnh đế vương" của mình. Binh sĩ ban đầu chỉ có vài trăm nông
dân, dùng tầm vông vạt nhọn, gậy gộc, các loại vũ khí bằng gỗ để chiến
đấu, sau đó mới cướp vũ khí của quan binh, lực lượng, phong trào và địa
bàn ngày càng mở rộng và lan tỏa. Tới năm 208 TCN, nghĩa quân nông dân
của Trần Thắng mới bị dẹp hoàn toàn.
Một hai năm sau, sau khi Cao
Lỗ đã bỏ đi, dò biết Âu Lạc không có chế độ kiểm tra chất lượng vũ khí,
và dò biết kho nỏ nào không được dùng để luyện bắn, Trọng Thủy cho
người bí mật tráo hàng giả, hầu hết các lẫy nỏ đều hỏng không dùng được,
dự trữ trong các kho đó. Đến khi quân Tần - Triệu tràn sang đánh, Âu
Lạc không còn người tài, An Dương Vương già yếu không còn hùng phong như
xưa, dân khí, sĩ khí ì ạch, biếng nhác không còn nhiệt huyết với việc
binh đao chinh chiến như trước, và quan trọng nhất là vũ khí chiến lược
nỏ liên châu đã bị vô hiệu hóa bất ngờ, đa số nỏ thần định sử dụng trong
lúc khẩn cấp nhất lại bị hỏng, không sử dụng được, đã khiến lòng quân
sa sút tinh thần nghiêm trọng, dẫn tới tình trạng loạn trại, vỡ trận
hàng loạt, binh bại như núi đổ. Vua An Dương phải cưỡi ngựa chở mị nương
Mỵ Châu mở đường máu đào vong, không còn bao nhiêu tàn quân.
Cao
Lỗ và nhiều cựu thần mộ quân đến cứu, nhiều thổ hào, sứ quân, nghĩa
quân đem quân đến cứu nhưng không kịp. Trước đó nhiều bộ tộc, bộ lạc
phần vì bất mãn với An Dương Vương, phần vì được Triệu Đà hối lộ lễ vật,
mua chuộc, nên đã tự thủ bàng quan mặc cho quân Tần - Triệu truy kích.
Mỵ Châu ngây thơ nghe lời Trọng Thủy dặn rút lông ngỗng trên áo rải trên
đường khi chạy chậm hoặc dừng chân nghỉ ngơi để Trọng Thủy dễ tìm tới,
vợ chồng đoàn tụ, do đó quân địch cứ tìm theo dấu vết mà dễ dàng truy
đuổi. Khi chạy đến vùng Nghệ An ngày nay mà quân giặc vẫn ồ ạt đuổi
theo, không tài nào thoát khỏi, vua phát hiện ra, tra hỏi hiểu ra thì bi
phẫn, uất hận, chém con gái cho khỏi bị quân giặc làm nhục, rồi trầm
mình xuống biển tự sát. An Dương Vương bị Triệu Đà đánh bại, để lại một
mối di hận không phai.
Cùng khoảng thời gian, thừa tướng Lý Tư bị
Triệu Cao dèm pha, hãm hại và bị Tần Nhị Thế xử tử. Khoảng 1 năm sau,
năm 207 TCN, Tần Nhị Thế Hồ Hợi bị Triệu Cao ép chết trong Vọng Di Cung,
rồi đưa em trai của Tần Thủy Hoàng là Tử Anh lên ngôi, ngay sau đó Tử
Anh bày kế giết Triệu Cao. 1 năm sau, năm 206 TCN, Tử Anh đầu hàng Lưu
Bang, bị Lưu Bang đem giao cho Hạng Vũ và bị Hạng Vũ xử chết. Nhà Tần
chính thức sụp đổ. Chiến tranh Hán - Sở giữa hai lãnh tụ Lưu Bang và
Hạng Vũ sau đó diễn ra ác liệt.
2 năm sau, năm 204 TCN, Triệu Đà
lên ngôi và thành lập nước Nam Việt, chính thức ly khai khỏi Trung
Nguyên. 2 năm sau, năm 202 TCN, Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ và thống nhất
Trung Quốc. 23 năm sau, năm 179 TCN, các thế lực phản kháng phần bị
Triệu Đà thuyết phục, hối lộ, dụ dỗ, mua chuộc, chiêu an, chiêu hàng,
giảng hòa, phần bị tiêu diệt, nước Âu Lạc hoàn toàn bị Triệu Đà bình
định và thôn tính. Triệu Đà và triều đình Nam Việt hoàn thành việc đánh
dẹp. Mở đầu đêm dài Bắc thuộc cho đến khi Ngô Vương Quyền giành lại hoàn
toàn độc lập tự chủ.
Vài góp ý về phương pháp nghiên cứu:
Đương
nhiên dù giả thuyết có hợp tình hợp lý, có thấy logic đến thế nào thì
cũng không thể được coi là giả thuyết cuối cùng, giả thuyết duy nhất
đúng. Bởi vì có rất nhiều vấn đề cần tiếp tục được xem xét, tìm hiểu,
nghiên cứu thêm.
Mình có 3 đề xuất: Một là nên mở rộng việc tìm
tòi các truyền thuyết cổ từ các dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc
Việt Nam. Những thông tin quý báu về bộ Nam Cương, về 9 xứ mường, về
chúa Thục (Thục Chế), Thục Phán, 9 chúa tranh vua v.v. sẽ không được
phát hiện nếu lúc đó ta không tận lực tìm hiểu truyền thuyết dân gian
của người Tày, và truyền thuyết địa phương ở Cao Bằng.
Hai là nên
mở rộng địa bàn tìm kiếm các truyền thuyết địa phương, các sự tích dân
gian địa phương, các ngọc phả trong các đền thờ địa phương ở tất cả các
khu vực nào đã từng chịu sự ảnh hưởng của Lạc Việt, Âu Việt, và cả Bách
Việt, gồm ở Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa, nhất là ở Quảng Tây, Trung
Quốc. Việc tìm kiếm ở phía nam Trung Hoa có thể hợp tác với các nhà sử
học Trung Quốc, nhất là giới nghiên cứu địa phương, và các nhà sử học
đặc biệt nghiên cứu chuyên sâu về các địa phương cực nam này.
Ba
là nên hợp tác, phối hợp chặt chẽ với đông đảo giới khoa học lịch sử
quốc tế, với các sử gia, các nhà nghiên cứu người Việt hải ngoại, Trung
Quốc, Đài Loan, Nga, Pháp, Mỹ, Nhật, phương Tây. Đặc biệt là với Trung
Quốc và Đài Loan, giới sử học Trung Quốc muốn tìm hiểu đầy đủ về lịch sử
Trung Hoa thì đương nhiên phải tìm hiểu phía nam Trung Quốc, bao gồm
địa bàn cũ của người Bách Việt, Âu Việt. Giới sử học Đài Loan muốn
nghiên cứu đầy đủ và chính xác về nguồn gốc Bách Việt của các dân tộc
bản địa ở đảo Đài Loan thì cũng phải tìm hiểu về Bách Việt. Các nhà
nghiên cứu sử của phương Tây thì đáng tin vì trong những nghiên cứu cổ
sử, họ không bị bó buộc bởi tư tưởng sô-vanh và lợi ích chủ quyền dân
tộc, nên thường khách quan, trung lập hơn. Nói chung, giới nghiên cứu ở
nước ngoài có điều kiện để tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến
phục vụ cho công tác khảo cổ, nghiên cứu sử tốt hơn, nhất là giới sử
học, khảo cổ học, khoa học ở Trung Quốc, Nhật, Mỹ, phương Tây.
Thiếu Long
Tài liệu tham khảo
- Sử Ký, Tư Mã Thiên, Phan Ngọc dịch, NXB Văn học, 1988
- Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ: Kỷ Hồng Bàng thị, Hùng Vương
- Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Quốc sử quán, Kỷ nhà Triệu
- Đại cương lịch sử Việt Nam tập 1 (Từ thời nguyên thủy đến năm 1858), Nhiều tác giả, NXB Giáo dục, 2001
- Văn Hóa Đông Sơn, Phạm Minh Huyền, NXB Khoa học Xã hội, 1996
- Lịch sử Việt Nam, tập 1, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, 1991
- Lịch sử cổ đại Việt Nam, Đào Duy Anh, NXB Văn hóa Thông tin, 2005
- Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Viện Sử học, NXB Khoa học Xã hội, 1988
- Từ điển Bách khoa thư Việt Nam, PGS. TS. Phạm Hùng Việt, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2005
- Tài liệu Internet
- Wikipedia tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung