Kỳ 1:
Tên tuổi tướng Thành gắn liền với chiến tích đập tan 'tập đoàn tội ác' của Năm Cam. Báo, đài, truyền hình cả nước đã nói nhiều về ông với chiến công lừng lẫy này. Nhưng hào quang chiến thắng ấy chỉ là một phần trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Cuộc trò chuyện với bao tâm tư trĩu nặng giữa tôi và ông trên mảnh đất ông sinh ra, lớn lên đi theo cách mạng, cầm súng cho đến ngày trở về với cuộc sống bình thường, đã soi rọi nhiều ngõ ngách trên bước đường chông gai đồng hành của ông cùng đất nước, nhân dân cho đến tận hôm nay…
- Thưa anh, mấy năm nay về ở nhà, hình như anh không nghỉ ngơi, hưởng thú điền viên như bao cán bộ về hưu khác. Suy nghĩ của anh khi đương chức và lúc về hưu có gì khác nhau không?
(Trầm ngâm) Bà con mình còn nghèo, còn khó khăn lắm. Làm ra lúa gạo, heo gà, cây trái nhiều mà bán chẳng được bao nhiêu, giá rẻ như bèo. Quê hương (Tiền Giang) đã thay đổi nhiều mà bà con vẫn còn khó khăn.
Cảnh đời thường của tướng Nguyễn Việt Thành
Nghèo nhất lại là các gia đình chính sách thương binh liệt sĩ! Một, hai triệu đồng dưới này lớn lắm. Nghĩ thấy thương bà con mình quá.
Hồi trước làm lúa chỉ được 1,5 tấn/ha, nay đã lên 7 tấn/ha, nhưng tại sao dân chưa được giàu? Chương trình liên kết 4 nhà tôi thấy chưa “liên” chút nào. Trong nông thôn, từ cây lúa đến con gà, con vịt đều bấp bênh giá cả, tiêu thụ khó khăn, bà con nông dân không biết đường nào mà lần mò.
Hồi còn làm việc, điều tôi lo nhất là phải sống và làm việc gương mẫu sao cho mọi người hiểu thật đúng về mình. Còn bây giờ, lảng vảng trong đầu tôi là LÒNG DÂN.
Những năm tháng chiến tranh sống chết cận kề, cũng như bước vào hòa bình xây dựng lại đất nước, tôi thấm thía rằng lòng dân là tất cả. Dân xao xuyến là không còn gì nữa. Dù có cả ngàn xe tăng, máy bay; có cả triệu khẩu pháo cũng không thể bảo vệ được Tổ quốc khi lòng dân xao xuyến…
Nguyễn Trãi đã viết trong Bình ngô đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” là vậy.
- Trở lại sống với bà con trên quê hương mình cũng là thời gian anh có điều kiện gần gũi, sát cánh cùng địa phương và nhân dân, anh cảm nhận về lòng dân hiện nay như thế nào?
Đang rất cần phải quan tâm. Ở xã Thanh Bình này gần như gia đình nào cũng là gia đình chính sách. Ngày xưa chiến tranh ác liệt, ta địch giành nhau, người dân vẫn kiên cường một lòng một dạ với Cách mạng. Bất chấp nguy hiểm, thiếu thốn, vẫn tiếp tế, cưu mang cán bộ, chiến sĩ, thương bình.
Giờ đây, tôi và anh em ở xã đi vận động bà con ủng hộ tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, thấy nhiều bà con không tha thiết nữa.
Từ sau ngày giải phóng cho đến lúc về hưu, tôi luôn đeo bám việc xây nhà tình nghĩa. Đây là việc tri ân với những người đã hy sinh cho Tổ quốc.
Ông Tướng về hưu và thú điền viên
Những gia đình chính sách rất nghèo vì lao động chính đã hy sinh mất rồi, phải bù đắp thế nào đây? Đó là trách nhiệm của những người đang sống. Nhưng để người dân đồng thuận với điều này thì phải cần niềm tin của họ.
Nên tôi mới nói lòng dân là vô cùng quan trọng. Tình hình của ta hiện nay đang rất bức xúc ở công tác phòng chống tham nhũng. Tham nhũng hủy hoại ghê gớm vào nhiều mặt, nguy hiểm nhất là khiến mất lòng dân. Nên có 2 điều tôi lo mất ăn mất ngủ là “lòng dân” và “chống tham nhũng”! Muốn lấy lại niềm tin của nhân dân thì dứt khoát phải chống tham nhũng!
Đầu óc không sạch thì không làm được!
- Là Trưởng ban chuyên án Năm Cam và đồng bọn, anh đã thấu hiểu sự nguy hiểm của tình trạng suy thoái đạo đức của một số cán bộ. Theo anh, để phòng chống tham nhũng phải bắt đầu từ đâu?
Gần đây, tôi thấy Trung ương xác định bắt đầu từ cán bộ là đúng. Cán bộ phải là tấm gương cho anh em học tập. Cán bộ phải giữ được phẩm chất và hoàn thành nhiệm vụ được giao; không tham quyền cố vị; gần gũi với anh em cấp dưới. Nếu không làm được điều này thì sẽ nát hết!
Phòng và chống tham nhũng phải bắt đầu từ lúc chọn bố trí cán bộ. Tôi nói thẳng, người tham thì chỗ nào cũng tham. Tham nhũng ở ta đang là nguy cơ với sự tồn vong của chế độ, nên cấp bách phải ngăn ngừa, chặn đứng và đẩy lùi.
Hội nghị Trung ương vừa qua đã cho thấy công tác cán bộ đang được chỉnh đốn, xem xét lại để làm trong sạch bộ máy là tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm tiếp theo. Đông đảo cán bộ và nhân dân ta đang mong mỏi những bước tiếp theo…
- Khách quan mà nói, không mấy người được may mắn như anh là hoàn toàn yên tâm, tập trung cho công việc vì anh đã có “hậu phương” là vợ anh thật tuyệt vời, lo lắng tất cả để yên tâm công tác. Phần lớn cán bộ Nhà nước cũng là người chồng, phải gánh vác trách nhiệm, bổn phận với vợ con nên phải “san sẻ” thời gian, công sức, suy nghĩ cho gia đình; thậm chí phải “lấy bên này bỏ bên kia…”.
Mỗi bước tiến bộ trên con đường phục vụ sự nghiệp cách mạng, tôi đều nói, trước hết là công lao sinh thành của cha mẹ, sự đùm bọc của nhân dân và đặc biệt vai trò của vợ tôi.
Vợ tôi không lam lũ ruộng vườn, chăn nuôi ròng rã mấy chục năm qua lo cho gia đình, lo cho các con học hành tới nơi tới chốn thì tôi cũng khó mà yên tâm công tác.
“Hậu phương” mà không yên thì sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc, uy tín, đạo đức; dễ mang tai tiếng.
Làm cán bộ mà bị như vậy cấp dưới không phục, không nghe đâu. Có thể họ không dám cãi lại nhưng họ sẽ dị nghị, họ cũng khó làm tốt công tác mình giao cho họ…
Hồi còn đương chức, mỗi lần gặp, tôi thường nói với vợ tôi: “Nước nhà hòa bình, độc lập rồi, em tập trung lo cho gia đình, tiền bạc, con cái để anh yên tâm công tác, đừng để anh phải lo lắng, không khéo ảnh hưởng đến công tác; có khi còn làm anh hư hỏng nữa!".
Vợ tôi rất hiểu và đã giúp tôi yên tâm hoàn toàn.
Tất nhiên, “hậu phương” vững chắc để người cán bộ yên tâm toàn tâm toàn ý cho công việc là điều kiện vô cùng quan trọng, nhưng không phải là tất cả.
Cán bộ không tu dưỡng đạo đức, suy thoái chính trị, tư tưởng lưng chừng, nửa vời thì khó mà tận tâm với trách nhiệm…
Duy Chiến
(còn nữa)
-----------------------------------------------------------------------------------------------
Kỳ 2:
Trăn trở của tướng Nguyễn Việt Thành
Trung tướng Nguyễn Việt Thành nói về quá trình đánh những vụ án lớn và trăn trở trước nạn tham nhũng hiện nay.
- Thưa anh, trước khi về hưu anh là Phó văn phòng Ban phòng chống tham nhũng Trung ương. Lúc ấy có dư luận cho rằng, sau khi đánh tan tập đoàn Năm Cam, 'lôi cổ' nhiều cán bộ, có cả cấp trên của anh, ra trước pháp luật, anh đã “đụng chạm” quá nhiều...
Trong suốt thời gian làm Trưởng ban chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, tôi nhận được sự chỉ đạo, động viên của nhiều cán bộ cấp cao.
Anh Sáu Dân (tức Thủ tướng Võ Văn Kiệt) vài ngày gọi điện một lần bảo: “Phải làm mạnh lên. Đánh rắn phải đánh dập đầu. Đánh không trúng, nó quay lại cắn chết!”.
Vị tướng về hưu trăn trở rất nhiều về nạn tham nhũng hiện nay.
Đồng chí Tư Sang cũng động viên tôi dữ lắm: “Hãy làm tới nơi tới chốn, xóa cái ung nhọt này cho xã hội” v.v….
Các đồng chí ấy rất quan tâm và ủng hộ tôi và anh em trong ban chuyên án hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi dẹp được vụ Năm Cam, tôi không muốn ra vì chỉ còn hơn 3 năm nữa là về hưu rồi.
Nhưng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp, động viên. Anh Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng; anh Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng gọi điện kêu riết. Tôi phải đi ra cùng 5 anh em nữa…
- Thực tế, Ban phòng chống tham nhũng Trung ương khi anh về cũng chưa làm được gì lớn cả?
Cũng làm được vài vụ nhưng trầy trật lắm… Còn đánh giá mức độ tham nhũng hiện nay thì ai cũng thấy cả, chính Tổng Bí thư đã nhận định “nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ” đấy!
- Vậy hơn 3 năm với cương vị Phó văn phòng Ban phòng chống tham nhũng Trung ương anh đã làm gì?
Mất hơn một năm làm tổ chức: Chạy xin nhà, xin phương tiện, xin quân và triển khai xuống địa phương. Thời gian còn lại là ra một số văn bản tham mưu cho Đảng và Nhà nước.
- Suốt thời gian đó anh sống, sinh hoạt ra sao? Kỷ niệm gì anh vẫn còn nhớ?
(Cười) Tự lo thôi. Tiêu chuẩn của tôi có người phục vụ nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp phòng v.v.. được quy ra tiền là 600.000 đồng/tháng.
Mức tiền ấy ở Hà Nội thì thuê ai được nên tôi tự làm hết. Đi làm về là tự nấu ăn, giặt giũ quần áo. Đi chợ thì nhờ ai được thì nhờ, không thì phải tự đi. Mà phần lớn là phải tự đi. Nhờ vậy mà tôi nấu cơm ngon lắm!
Phòng tôi ở gần với anh Trọng (tức Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lúc bấy giờ, nay đã về hưu - PV). Anh Trọng cũng từ miền Nam ra, một thân một mình.
Anh Trọng có tài nấu cơm cháy ngon lắm. Ăn với mắm kho Nam Bộ thì hết ý. Nhiều hôm anh ấy điện thoại gọi tôi qua ăn cho vui. Hai anh em cùng ăn món cơm cháy do ảnh nấu với mắm kho. Ăn ngon giờ vẫn còn nhớ tài nấu cơm cháy của ảnh!
- Ở thành phồ nghe có dư luận ác ý rằng 'anh có vợ bé trẻ đẹp, có con, ở biệt thự cao sang mấy cái', anh có bực không?
Tôi sống thế nào ai cũng biết. Có điều những đồn đại ác ý đó không đơn giản là đồn bậy cho vui đâu.
Tướng Thành: “Chống tham nhũng, nguy hiểm cũng phải làm”
- Đúng, dường như có ai đó 'đạo diễn'?
Họ cố tình lập lờ, từ những lời đồn vô căn cứ tôi có nhà biệt thự ở ngoài Bắc và trong Nam, có vợ bé v.v… rồi sau đó gắn vào sự việc vi phạm của mấy anh em sĩ quan ở Công an Tiền Giang.
Đành rằng, mấy anh em không tư lợi nhưng việc làm đó là vi phạm quy định của ngành, vi phạm pháp luật, nên bị xử lý. Tuy nhiên, thời gian đó tôi đã chuyển công tác về Tổng cục cảnh sát rồi.
Có một dấu hỏi trong vụ việc này, đó là 3 sĩ quan bị xử lý, trong đó có người rất có công trong chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” như anh Nên chẳng hạn…Pháp luật bình đẳng với tất cả. Ai vi phạm cũng bị xử lý.
Mấy anh em này rất tốt, nhưng đã sơ hở, hành động không đúng quy định nên phải bị xử lý, dù không vụ lợi, tư túi. Đó là điều đáng tiếc cho họ và bài học cho tất cả các chiến sĩ, cán bộ công an!
Còn thành tích của anh Nên và một số anh em công an trong vụ án “Năm Cam và đồng bọn”, chúng ta ghi nhận. Tuy nhiên, như tôi đã nhiều lần khẳng định, muốn chống tội phạm, tham nhũng, tâm anh phải sáng, anh phải trong sạch, anh phải tuyệt đối làm đúng quy định và pháp luật! Anh sơ hở là chết ngay!
- Là người suốt đời gương mẫu, hết lòng với nhiệm vụ được giao, dù có nhiệm vụ chưa được như mong muốn, anh có thể rút ra bài học và kinh nghiệm để công tác phòng chống tham nhũng tới đây có hiệu quả?
Gần đây, Trung ương quan tâm đặc biệt tới công tác cán bộ và phòng chống tham nhũng như thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, theo tôi là rất đúng và rất cần thiết. Đây là quyết sách lớn, vô cùng quan trọng. Cán bộ và nhân dân đang mong mỏi, trông chờ.
Qua thời gian công tác với các nhiệm vụ khác nhau, tôi khẳng định, trước hết vẫn là chọn lựa, đề bạt cán bộ cho đúng. Và phải có cơ chế độc lập, nhất là cơ quan điều tra.
Phải độc lập, lấy pháp luật làm căn cứ thì họ mới làm việc được. Ví như việc đơn giản là thấy con chuột cắn lúa, không được bắt mà phải chạy đi tìm người khác tới thì thua thật! Chống tham nhũng cũng vậy, phát hiện ra tham nhũng nhưng không được xử lý mà phải báo cáo, xin ý kiến rồi chờ đợi.
Nếu được cho phép thì tham nhũng đã xóa dấu vết, mất dạng đi hết còn đâu mà bắt để xử lý!
Vì vậy, lãnh đạo cấp cao phải có quyết tâm. Và phải có bộ máy thực thi được chọn lựa nhân sự phù hợp là những người trong sạch, gương mẫu.
Tham nhũng rất tinh vi, xảo quyệt, chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào để che giấu hành vi và chống phá, phản kích lại. Do đó lãnh đạo phải sáng suốt, thấy rõ để có biện pháp đúng, có hiệu quả.
Ở cấp tỉnh cũng phải có bộ máy phòng chống tham nhũng. Vai trò địa phương rất quan trọng, nhất là việc phòng ngừa. Địa phương biết rất rõ, nắm tường tận mọi vấn đề. Địa phương giao cho đồng chí Bí thư tỉnh ủy đứng đầu.
Trong công tác phòng chống tham nhũng, phải sâu sát, sắc bén; chứ cứ xem báo cáo tổng hợp từ dưới gởi lên là thua!
Chẳng có ông lãnh đạo nào dám nói cái xấu của mình đâu! Chúng ta phải xác định một cách sâu sắc rằng, chống tham nhũng giờ đây quan trọng vô cùng, gắn liền với sự tồn vong của Đảng, Nhà nước; với thành quả to lớn của toàn dân tộc từ thế kỷ trước tới nay!
Duy Chiến
(Còn nữa)
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Kỳ 3:
Những chuyện 'lạ' về tướng Nguyễn Việt Thành
Rất lạ là sau mấy năm gặp lại, chị không già đi. Tôi nói đùa: “Chắc là anh Tư nghỉ về ở nhà, có ảnh, nhà cửa ấm áp vui vẻ nên chị trẻ lại?”. Chị cười, khuôn mặt phúc hậu của chị tỏa sáng: “Ôi chú ơi, ổng về nghỉ hưu mà cũng đi tối ngày. Tôi đỡ cực hơn mấy năm nay là ruộng ở Cai Lậy đã giao cho mấy đứa cháu mần. Tôi làm ruộng từ nhỏ tới nay đã 65 tuổi rồi”.
Chị Phan Thị Chín, vợ của vị tướng nổi danh Nguyễn Việt Thành suốt bao năm hy sinh cho chồng từ lúc còn chiến tranh cho đến khi con cái trưởng thành. Chị đã được Nhà nước phong tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì. Tôi đã có cuộc trò truyện chân thành với chị.
- Thưa chị, gần 3 năm từ giã chốn quan trường về ở nhà, anh chị đoàn viên hòa hiệp, chắc mơ ước lớn nhất của chị đã thành sự thật?
(Cười) Ảnh nghỉ rồi mà vẫn đi hoài chú ơi! Tôi đã quen cảnh xa chồng từ…40 năm nay rồi nên thấy cũng bình thường.
Chú biết không, từ hồi lấy nhau đến lúc ảnh sắp nghỉ, chúng tôi chưa lúc nào bên nhau được trọn một tháng chú ạ!
Cuộc sống đời thường của tướng Thành bên người vợ hết mực tần tảo, thủy chung.
- Từ ngày anh Tư về nghỉ ở nhà, chị có đỡ vất vả lo toan nhiều không? Ảnh có tiếp giúp công việc cho chị không?
(Lại cười) Tôi còn nhớ ngày đầu tiên ảnh chính thức về hưu, trở về căn nhà này, ảnh nói với tôi: “Nay anh về rồi, em bớt làm đi. Lương của anh vợ chồng mình sống đạm bạc đủ rồi, anh không muốn em cực khổ nữa!”.
Là phụ nữ, nghe vậy tôi vui lắm. Vui vì chồng quan tâm lo lắng.
Nhưng chú ơi, ảnh về vài bữa, đi thăm bà con, đồng đội, đi đó đây hoài. Lương tôi có thấy đồng nào đâu. Mới đây nhất nè, 3 trường học ở xã nghỉ hè, gặp khó khăn, ảnh cho mỗi trường 3 triệu đồng.
Bà con cô bác mời đám cưới, ảnh về hỏi tiền tôi.
Tôi bảo: “Lương anh đâu hết rồi!”, ảnh cười trừ. Nói thật với chú, từ hồi lấy ảnh tới giờ đã được 41 năm nhưng tôi chưa khi nào thấy đồng lương của ảnh!”.
Vụ lúa năm rồi bán được bao nhiêu ảnh lấy hết, làm nhà nuôi chim yến. Mới rồi bán cũng được một đợt, tôi cũng chẳng biết bao nhiêu.
- Chị có lúc nào buồn vì “có tiếng mà không có miếng”…?
Chúng tôi lấy nhau thời chiến tranh. Sinh con chưa được 1 tháng ảnh đã đi rồi. Tôi làm ruộng, nuôi con, mua thuốc men, gởi lương thực tiếp tế cho cán bộ trong cứ. Sống với chết cận kề nhau, tụi lính mà phát hiện tiếp tế cho Việt cộng thì chết chắc.
Sống trong vùng địch chiếm, có chồng Việt cộng, lộ ra cũng chết. May được bà con che chở, chị em đùm bọc.
Tụi lính hay chọc ghẹo “về với anh anh nuôi cho”, tui phải nói dóc “chồng làm trên ty cảnh sát” mới yên. Sự thực là tôi có người anh họ là Việt cộng nằm vùng, làm trên ty cảnh sát, nhờ ảnh “che mắt” giùm.
Tụi tôi đến với nhau cực khổ, nguy hiểm, khó khăn trong thời chiến tranh như vậy đấy, nên những vất vả sau này trong hòa bình sá gì chú ơi…
- Làm vợ của ông tướng nổi tiếng mà chị vẫn mải miết với đồng ruộng, biết bao cực khổ, gia đình chị, bà con, bè bạn của chị có nói ra nói vô gì không?
Họ nói nhiều lắm. Mấy chị bạn nói: “Mày ngu lắm, mày nhìn đi, có vợ ông cán bộ nào như mày không…”.
Mấy năm trước tôi còn trực tiếp làm mười mấy công ruộng ở Cai Lậy, trời mờ sáng tôi dậy nấu cơm đem theo, chạy chiếc xe dame từ nhà xuống dưới hơn 30 cây số. Làm cả ngày, tôi về tới nhà 9, 10 giờ đêm.
Đâu dám bỏ nhà. Cực lắm chú ơi. Ai thương tôi cũng đều nói ra nói vô như vậy. Có lúc tôi nhìn thấy người ta, cũng buồn cũng tủi.
Tui biết ảnh là lúc ảnh bị thương lần thứ 4. Lúc đó là năm 1972. Tôi chăm sóc cho ảnh. Ảnh thương tui tui đâu có hay. Ảnh đánh giặc gan dạ có tiếng nhưng lại “nhát gái” lắm, hổng dám nói, cậy mấy chú bên tỉnh ủy nói dùm (Cười).
Ba tôi nói: “Thằng này xấu trai nhưng tính tình hiền lành, gan dạ. Được. Con phải làm người vợ tốt của nó!”.
Những ngày tháng chăm sóc ảnh, tôi cảm mến sự thật thà, ngay thẳng, đàng hoàng, ngay thẳng của ảnh nên cũng thương hồi nào không hay...
Vì vậy, những buồn, tủi giờ đây cũng qua nhanh. Thấy ảnh công tác tốt, tiến bộ lên tôi cũng mừng, quên đi mệt mỏi. Vợ chồng gặp nhau, tôi nói với ảnh: “Em lo làm nuôi con cái học hành, anh phải lo công tác cho tốt, đừng để mang tai mang tiếng gì nghen”.
Tôi biết tính ảnh, nhưng cũng dặn dò như vậy…
Hai lần gặp “con” của chồng từ trên trời rơi xuống
- Hồi 'đánh' Năm Cam, chị có sợ bị chúng xuống trả thù không? Nghe nói chị cũng bị phá mà?
Tôi hổng sợ! Đi ra chợ, bà con gặp nói: “Ủa, sao bà gan vậy, dám đi một mình à?”. Tôi cười: “Hồi đó đến giờ tui đi đâu cũng đi một mình không hà!”.
Hóa ra, có tin đồn là Nhà nước cử một đội công an đến bảo vệ tôi, tôi đi đâu cũng xe đưa đón, công an cầm súng ngồi bên!. Người ta đồn dữ lắm mà có đâu!
Tướng Nguyễn Việt Thành và vợ
Còn tụi nó phá tôi là như thế này. Năm đó, tự dưng có một thanh niên xách giỏ đến nhà tôi lúc chập tối. Nó nói là con của anh Tư.
Tôi nói không biết, nó cứ kể lể anh Tư ở với mẹ nó, đẻ ra nó, bao năm nay ảnh không quan tâm. Nay nó quyết đi tìm cha. Nó phải có cha!
Tôi nói nếu tìm anh Tư thì tới cơ quan ổng ở thành phố chứ ổng làm gì có ở đây. Nó nói: “Ba con sắp về thăm nhà, con ở đây chờ gặp ba!”.
Trời tối, nhà có mình tôi. Tôi cũng lo. Lén ra sau nhà, tôi điện thoại cho mấy chú công an xã. Công an đến mời hắn về xã nghỉ, hắn không chịu, còn nói nhà của ba tôi tôi ở!
Công an cương quyết, hắn mới chịu đi. Lên tới trụ sở công an xã, mấy chú kiểm tra giấy tờ, xác minh, lộ ra là có kẻ thuê nó tới. Lục túi xách của nó có dao bấm, dao găm và búa! Hú hồn cho tôi!
Sau đó, tự dưng dư luận rộ lên là anh Tư có mấy biệt thự ở trong Nam và ngoài Bắc, anh Tư sống với một phụ nữ trẻ đẹp, có con…
Tôi nghe đầy cả tai!
Một hôm, tôi đi chợ về, có người phụ nữ nói giọng Bắc, ôm đứa con nhỏ vào nhà. Cô ta khóc bù lu bù loa, kể rằng mấy năm trước anh Tư ra ngoài ấy công tác, gặp cô ta. Anh Tư nói đã ly dị vợ, đang độc thân.
Thấy anh ấy người miền Nam thật thà, hiền lành, cô ta chấp nhận làm vợ, ở với anh ấy. Ngờ đâu đẻ ra đứa nhỏ, anh Tư “quất ngựa truy phong”, bỏ cô ta bơ vơ một mình nuôi con.
Dễ gì tôi tin ba cái trò này? Tôi hỏi cho có vài câu rồi tìm cách điện cho công an xã. Công an lên mời về xã làm việc, kết quả là có kẻ thuê cô ta đến phá tôi…
- Xem ra, làm vợ ông tướng nổi tiếng phải chấp nhận hy sinh cho chồng nhiều quá. Chị có tin số phận không?
Có lúc một mình cáng đáng lo tất cả, ruộng đồng, heo gà, con cái, lủi thủi một mình cũng tủi phận chú ạ. Có lần chị bạn rủ đi xem bói, thầy xem cho tôi và nói: “Số chị mắc nợ chồng!”, chắc là mắc nợ thiệt (Cười lớn).
Nhưng nói thiệt, hồi đó lấy nhau đâu có nghĩ sau này sẽ được zầy đâu chú. Tính ra cũng mừng nhiều rồi. 3 đứa con tôi đều học hành nên người, 2 đứa con trai theo nghề của ảnh, con gái có chồng, công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh thì thương tích đầy mình, là thương binh hạng 2/4, giờ trở về là mừng lắm rồi.
- Nghe người ta đồn anh Tư về hưu trở thành nông dân chính hiệu, ngày đêm vất vả với đồng ruộng. Có đúng không chị?
(Cười) - Ổng mà làm ruộng cái gì, một tay tôi lo hết! Giờ thì tôi cũng đỡ rồi, ruộng ở xa giao bớt, chỉ còn làm ở gần nhà, chăm sóc bầy heo, vườn cây trái…
Ảnh sáng dậy phụ tôi cầm cây chổi, mo cau quét nhà dưới, quét đường đi vào nhà để…khách vào được sạch sẽ thôi.
Nói cho ngay zầy, anh Tư là thương binh hàng 2/4; đã trải qua 200 trận đánh, bị thương 7 lần. Nặng nhất là lần bị đạn bắn banh bao tử, phải mổ khâu lại…
Ảnh mặc đồ chú không thấy chứ cởi đồ ra thẹo, vết đầy người, dáng đi cũng đâu bình thường được như người ta. Giải phóng xong làm tới giờ, có được nghỉ đâu, đủ chuyện mệt mỏi, ảnh bình an trở về nhà là mừng rồi. Tội vậy đó, nên tôi cực sao cũng được, nhưng không để ảnh cực nữa!
- Hỏi nhỏ chị câu này, chị nói thiệt nghen, hồi đó tới giờ có khi nào chị ghen không? Sợ ảnh có cô nào không?
(Cười lớn). Ôi trời ơi ghen gì mà ghen chú ơi! Anh Tư là nghĩa trọng tình nghĩa lắm. Ba tôi nhìn người nói đúng phóc à. Lấy ảnh, thời chiến cũng như thời bình, ở bên nhau vài ngày là đi biền biệt.
Tôi ở nhà làm nuôi con cho chồng yên tâm công tác, lẽ nào ảnh phụ mình? Tôi luôn biết vậy. Nói thật, không tin tưởng nhau thì sao mà bền chặt được tới giờ.
Công việc của ảnh lắm người thương nhưng cũng nhiều kẻ ghét, tôi biết vậy nên thỉnh thoảng bị phá bằng trò này là họ thua ngay...
Duy Chiến