Toàn cảnh cuộc đối đầu lịch sử Việt - Mỹ 1954-1975 (kỳ 2 - tiếp theo)

Chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam (1965-1968)

Chiến tranh cục bộ có nghĩa đây không còn là chiến tranh "đặc biệt" nữa, mà nó đã bùng nổ và chuyển hóa thành một cuộc chiến tranh rộng lớn và toàn diện, không khác một cuộc chiến tranh quy ước có tuyên bố.

Trước đây nó là chiến tranh đặc biệt vì Mỹ đánh mà như không đánh, thay vào đó là tiến hành chiến tranh bằng hình thức chỉ huy Mỹ - thực binh ngụy. Còn lúc này Mỹ đã kéo đại quân vào trực tiếp đánh Việt Nam, và cuộc chiến này đã không còn là "đặc biệt" nữa mà nó đã là một cuộc chiến "chính thức".

Còn "cục bộ" là ý nói cuộc chiến trong phạm vi bán đảo Đông Dương và khu vực Đông Nam Á này là một bộ phận thuộc chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ.


Trực thăng Mỹ trên bầu trời Việt Nam.



Theo quan điểm của Việt Nam, các hoạt động thực tế của chiến lược chiến tranh cục bộ là từ năm 1965 đến 1968, lấy dấu mốc năm 1965 khi đại quân Mỹ bắt đầu tràn ngập lãnh thổ Việt Nam và trực tiếp tiến hành chiến tranh, trực tiếp tấn công và trực tiếp thực hiện các chiến dịch và chiến thuật quân sự. Mốc thời gian kết thúc của nó là sau cuộc tổng tiến công và khởi nghĩa xuân Mậu Thân 1968, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn ra, và nhất là từ khi Mỹ bắt đầu chính thức thực hiện chiến lược Phi Mỹ hóa - Việt Nam hóa chiến tranh từ năm 1968. Các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam trong nước dựa trên các cơ sở đó để nhận định giai đoạn chiến tranh cục bộ là từ năm 1965 đến 1968.

Theo quan điểm của Hoa Kỳ, giai đoạn chiến tranh cục bộ (joint warfare) là từ năm 1963 đến 1969, lấy dấu mốc năm 1963 khi Mỹ giật dây lật Diệm, thay thế các nhân sự trong ngụy quyền. Mốc thời gian kết thúc của nó là sau khi tổng thống Richard Nixon chính thức nhậm chức từ đầu năm 1969. Tổng thống Nixon cũng là một trong các nhân vật chính đề ra Học thuyết Nixon và chiến lược Phi Mỹ hóa chiến tranh. Một số nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Hoa Kỳ cho rằng giai đoạn chiến tranh cục bộ là từ năm 1963 đến 1969 là xuất phát từ cơ sở đó.


Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson duyệt binh cùng đại tướng William Westmoreland, Tổng tư lệnh liên quân trên chiến trường Việt Nam (1966).


Tướng William Westmoreland, kiến trúc sư của chiến lược Tìm và Diệt, nói chuyện với binh lính gần Biên Hòa (1965).

Năm 1965, trước nguy cơ phá sản của chiến lược chiến tranh đặc biệt, Mỹ ồ ạt đem đại quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam nhằm đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Trong năm 1965, các sư đoàn 1 Bộ binh (được biết nhiều với tên "Anh cả đỏ" - The Big Red One), sư đoàn 1 Kỵ binh Không vận, Lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn 101 Kỵ binh Không vận, Lữ đoàn 3, sư đoàn 25 Bộ binh (được biết nhiều với tên "Tia chớp nhiệt đới" - Tropical Light), trung đoàn 11 Kỵ binh Thiết giáp v.v. kéo vào miền Nam Việt Nam. Trong đó sư đoàn Anh cả đỏ và Tia chớp nhiệt đới là hai trong những sư đoàn chủ lực thiện chiến nhất thế giới.

Hạm đội 7, hạm đội mạnh nhất của Hải quân Hoa Kỳ, được mệnh danh "chúa tể đại dương", tiến vào Biển Đông, xâm phạm vùng biển của Việt Nam, để trợ lực cho các lực lượng xâm lược trên bộ. Hàng vạn lính Mỹ đóng ở Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, đảo Guam thuộc Mỹ.... đều được sử dụng để hỗ trợ cho chiến trường Việt Nam.

Đại tướng William Westmoreland trong hồi ký A Soldier Reports (Tường trình của một quân nhân), do Doubleday xuất bản năm 1976, đã cho biết: "Tôi tin rằng nước Mỹ chưa bao giờ cho ra trận một lực lượng thiện chiến hơn lực lượng ở Việt Nam trong những năm 1966-1969".

Hoa Kỳ còn áp lực được các quốc gia chư hầu (vassal state) khi đó như Hàn Quốc, Philippines, hay đồng minh, đàn em như Australia, Thái Lan và New Zealand gởi quân đội đánh thuê cho Mỹ ở miền Nam Việt Nam, đổi chác các lợi ích chính trị, quân sự, kinh tế. Lực lượng viễn chinh Mỹ cũng phát triển nhanh, đến cuối năm 1965 nó đã lên gần 20 vạn quân.


Khoảng 12 ngàn lính Thủy quân Lục chiến Mỹ tụ tập xem văn nghệ Noel ở Đà Nẵng (19/12/1967)

Theo hồ sơ Lầu Năm Góc (Pentagon Papers) do Daniel Ellsberg tung ra và Thời báo New York công bố của Bộ Quốc phòng Mỹ về Chiến tranh Việt Nam, được Việt Nam Thông Tấn Xã ấn hành một phần bằng tiếng Việt vào năm 1971 (Mỹ chính thức giải mật vào tháng 6 năm 2011), và nhà báo Pháp Giuglaris Marcel, một nhà nghiên cứu chuyên sâu về Nhật Bản và vùng Viễn Đông, trong sách Việt Nam, le jour de l’escalade (Việt Nam, ngày đầu leo thang) do NRF xuất bản, thì Vecler, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân bảo đảm với Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara: "Không có lý do gì chúng ta lại không thể thắng nếu đó là quyết tâm của chúng ta". Và những nhân vật diều hâu trong giới cầm quyền Mỹ tin tưởng tuyệt đối rằng: "Cùng lắm trong vòng 18 tháng (cuối 1966), Mỹ sẽ chiến thắng, lúc đó Việt Cộng và Hà Nội sẽ phải chịu thua, chấm dứt kháng chiến. Và, trên bình diện thế giới, chúng ta sẽ chứng minh được cho các dân tộc thấy rằng chiến tranh cách mạng không đem lại kết quả gì, cuộc nổi dậy nào cũng có thể bị tiêu diệt".

Mỹ dù không muốn trực tiếp ra tay, nhưng trước tình thế bất lợi họ buộc phải xuất quân để ngăn chặn thế thua, từng bước phản công giành lại quyền chủ động và muốn chuyển bại thành thắng. Việc đưa quân viễn chinh Mỹ vào chiến đấu trên quy mô lớn là không chỉ giới hạn ở việc cứu nguy sự sụp đổ của chế độ thuộc địa kiểu mới mà chính là để giành thắng lợi quyết định, nhanh chóng đảo lộn thế cờ. Theo đó, Mỹ đề ra kế hoạch 3 giai đoạn và dự định giành thắng lợi trong vòng hai năm rưỡi:

  • Giai đoạn 1: Chặn lại đà thất bại, triển khai nhanh lực lượng.
  • Giai đoạn 2: Phản công chiến lược, tấn công mạnh vào chủ lực quân Giải phóng, và cướp lại vùng nông thôn.
  • Giai đoạn 3: Hoàn toàn tiêu diệt chủ lực quân Giải phóng, phá hoại căn cứ và hậu cần, tiếp tục bình định miền Nam.


Trước ý đồ chiến lược mới của Mỹ, Bộ chính trị, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích, đánh giá tình hình và thảo luận tìm đối sách, sau đó đưa ra nhận định, đại ý:

Hiện nay ngụy quân đã thất bại trên chiến trường, ngụy quyền rệu rã, chiến tranh đặc biệt đã thất bại, đế quốc Mỹ mất thế chủ động chiến lược, trong khi đó lực lượng ta đang nắm quyền chủ động chiến trường, xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, liên hoàn ở cả ba vùng chiến lược (nông thôn, đô thị, miền núi). Chiến tranh càng mở rộng và kéo dài, thì mâu thuẫn càng bộc lộ và bị khoét sâu mà Nhà Trắng và Lầu Năm Góc không thể nào khắc phục được. Tiêu biểu là:

  • Mâu thuẫn trầm trọng về tư tưởng chiến lược giữa mục đích muốn giấu mặt áp đặt chủ nghĩa thực dân mới (nghĩa là đứng ngoài làm chủ, bản thân không trực tiếp quản lý, chỉ huy và tham chiến), nhưng lại buộc phải tiến hành chiến tranh bằng đại quân viễn chinh Mỹ theo kiểu chủ nghĩa thực dân cũ (vì ngụy quân không biết đánh, nếu không đem quân vào đánh thì sẽ thua). Như vậy đây là một thất sách về chính trị và làm cho dư luận thế giới thấy rõ như ban ngày là Mỹ đã kéo đại binh vào tấn công Việt Nam, trực tiếp điều hành và tiến hành chiến tranh.
  • Mâu thuẫn giữa tiến hành chiến tranh xâm lược nhưng lại phải xây dựng cho được chính quyền và quân đội bản xứ để làm công cụ của Mỹ nhằm áp đặt chủ nghĩa thực dân mới. Trước đó, Mỹ chỉ lo mỗi việc là xây dựng, huấn luyện, trang bị, phát triển ngụy quân và ngụy quyền, và việc này đã rất khó khăn. Trong khi bây giờ chính phủ Washington phải thực hiện cả hai mục tiêu chiến lược này cùng một lúc, khó càng thêm khó.
  • Mâu thuẫn khi buộc phải tiến hành chiến tranh để giữ vững và củng cố chế độ ngụy quyền và hệ thống thuộc địa kiểu mới. Trong khi đó thực tế chiến cuộc cho thấy Mỹ càng tiến hành chiến tranh thì ngụy quyền và ngụy quân càng dựa dẫm vào Mỹ hơn, không còn bao nhiêu động lực chiến đấu, và càng lục đục, chia rẽ khi tranh nhau sự ưu ái của Mỹ. Còn hệ thống thuộc địa kiểu mới thì càng suy yếu và ngày càng hiện rõ những dấu hiệu của một thuộc địa kiểu cũ (người Mỹ và lính Mỹ tràn ngập miền Nam, Mỹ nắm thực quyền về quản lý, chỉ huy, trực tiếp tiến hành chiến tranh). Những thực trạng đó đồng thời cũng kéo theo sự suy yếu của chính Mỹ.

    Từ đó, phương châm đấu tranh của Việt Nam được đề ra là: Đẩy mạnh đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, triệt để vận dụng ba mũi giáp công chiến lược: Quân sự - chính trị - ngoại giao.

    Ngày 20/7/1965, chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi:

    "Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn".


    Nói chuyện với cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Trung ương lần thứ 12, chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định và tiên đoán:

    "Bây giờ Mỹ có 20 vạn quân ở miền Nam, nó có thể đưa thêm vào hơn nữa đến 30, 40, 50 vạn quân. Ta vẫn thắng, nhất định ta thắng. Ta nói như thế không phải để tuyên truyền, mà căn bản là như thế."



    Nam nữ du kích xã Vĩnh Hưng, Sóc Trăng luyện tập mã tấu dựa trên bài "Song Dao Pháp" của dòng võ Tân Khánh Bà Trà (1960).


    Nam nữ du kích Sóc Trăng tập bắn súng.

    Trong Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang Quân Giải phóng miền Nam lần thứ nhất ở Tây Ninh từ ngày 2 đến ngày 6/5/1965, quân dân Tây Ninh và miền Nam đều có vẻ lo lắng, nghĩ rằng hồi trước đánh ngụy có chỉ huy Mỹ thì còn đánh dễ, nhưng bây giờ Mỹ đã đem hơn 20 vạn quân vào trực tiếp đánh chiếm những vùng giải phóng, trong khi Mỹ là một đại cường quốc, là siêu cường mạnh nhất hành tinh. Mọi người lo lắng hỏi nhau cách đánh Mỹ.

    Khi đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh liền nhận định và trấn an, đại ý: Chưa đánh thì làm sao biết cách đánh thắng. Cứ bám thắt lưng địch mà đánh. Cứ đánh Mỹ đi rồi sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ.


    Một trung úy Mỹ bị sập bẫy chông của quân Giải phóng (1966)

    Tự tin vào ưu thế quân đông (hơn 20 vạn quân), thiện chiến, vũ khí tối tân, hỏa lực mạnh, cơ động nhanh, Mỹ vừa mới vào miền Nam đã cho quân viễn chinh tiến hành ngay chiến lược tác chiến Tìm và Diệt của Tổng tư lệnh Liên quân, đại tướng William Westmoreland, với cuộc hành quân "Ánh sao sáng" vào căn cứ cách mạng ở Vạn Tường - Quảng Ngãi. Tiếp đó Mỹ mở liền hai cuộc phản công chiến lược trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 bằng nhiều cuộc hành quân vào "đất thánh Việt Cộng" như chiến khu Đ, chiến khu C (chiến khu Dương Minh Châu), và các chiến khu, địa điểm khác.

    Nhưng nhờ chiến đấu dũng cảm, thông thạo địa hình (đó chính là quê nhà của họ), và tài mưu trí sáng tạo, cũng như được sự phối hợp chiến đấu và tiếp viện ngày càng lớn từ miền Bắc, quân dân miền Nam đã chiến đấu giành thắng lợi mở đầu ở Vạn Tường (ngày 18/8/1965). Sau một ngày chiến đấu, một trung đoàn chủ lực quân Giải phóng lúc đó đang đóng ở Vạn Tường, cùng với du kích xã và quân dân địa phương đã đẩy lùi cuộc hành quân của giặc Mỹ, diệt gần 1 ngàn lính, bắn cháy 22 xe tăng và xe bọc thép, hạ 13 máy bay.


    Ảnh minh họa: Quân đội Mỹ tấn công khu vực Tam Giác Sắt trong chiến dịch Attleboro (1966)

    Năm 1966, Bộ tư lệnh Lực lượng Dã chiến 2 của Mỹ huy động 19 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 1, lữ đoàn 173 nhảy dù, 2 lữ đoàn của sư đoàn 4 và sư đoàn 25, và 1 chiến đoàn đặc nhiệm trực thuộc quân đoàn 3 ngụy, mở chiến dịch Attleboro đánh vào khu vực Tam Giác Sắt mà họ thường gọi là một trong những "đất thánh Việt Cộng" hoặc "đất thánh cộng sản", với trọng điểm là chiến khu Dương Minh Châu (chiến khu C), một trong những đầu não của cách mạng miền Nam.

    Tam Giác Sắt là một khu vực rộng 155 km² nằm giữa sông Sài Gòn và đường 13, khoảng 40 km phía bắc trung tâm Sài Gòn, bao gồm địa đạo Củ Chi và hệ thống mật khu vòng đai kiên cố như Hố Bò, Bời Lời, Long Nguyên.... Về lực lượng Việt Nam tham chiến chống Mỹ trong chiến dịch này, theo các nguồn của Mỹ là bao gồm các trung đoàn 101, 271, 272 và 273.


    Binh lính Mỹ truy lùng nơi trú ẩn của quân Giải phóng trong một khu rừng chỉ cách 40 cây số phía đông bắc Sài Gòn (1965)

    Quân đội Mỹ-ngụy trong chiến dịch này đặt dưới quyền chỉ huy của hai tướng Guy S. Meloy, Jr. và William E. DePuy, là hai tướng dày dặn kinh nghiệm chiến trường trong Thế chiến II. Mục tiêu chính của cuộc hành quân là diệt bộ phận đầu não quân sự và chính trị của Trung ương cục miền Nam.

    Sau hơn hai tháng giằng co, giao chiến ác liệt, lực lượng Việt Nam bị tổn thất khá nặng và bị đẩy lùi ra khỏi trận địa. Sau trận này, lực lượng Việt Nam đã rút lui về bên kia biên giới Việt Nam - Campuchia.


    Quân Mỹ hành quân trên sông Mỹ Tho, một nhánh của đồng bằng sông Cửu Long, chỉ cách phía tây nam Sài Gòn 35 cây số (1968).


    Tàu tuần tra Mỹ càn quét vùng sông ngòi nông thôn

    Mặc dù bị tổn thất, bị đẩy lui và thua về chiến thuật, nhưng ban chỉ huy đầu não của Mặt Trận đã kịp thời rút về bên kia biên giới Campuchia, tránh được tổn thất. Như vậy Mỹ không đạt được mục tiêu đề ra, do đó trong chiến dịch này họ chỉ giành thắng lợi chiến thuật nhưng không giành được thắng lợi chiến lược và thắng lợi quyết định.

    Một trong những mục tiêu chính khác của Mỹ trong chiến dịch này là tìm cách kéo được quân Giải phóng ra đánh một trận lớn để gây tổn thương nguyên khí thật nặng, nhưng ý đồ đó của họ đã bị phía Việt Nam nhận ra nên đã tận dụng sự thông thạo địa hình mà tác chiến linh hoạt theo chiến tranh du kích, tránh đánh lớn, và khiến cho ý đồ đó bất thành.


    Ảnh minh họa: Quân đội Hoa Kỳ tấn công khu vực Tam Giác Sắt trong chiến dịch Cedar Falls (1967)

    Năm 1967, Mỹ-ngụy mở chiến dịch Cedar Falls, kéo gần 3 vạn quân tiếp tục đánh vào cái gai trong mắt lâu ngày khó nhổ của họ: Khu vực Tam Giác Sắt. Lần này quân Giải phóng đổi chiến lược, phân tán rút vào rừng và ẩn thân trong hệ thống địa đạo. Trong chiến dịch này, "lính chuột cống" (Tunnel Rat) được sử dụng lần đầu tiên để xâm nhập hầm trú ẩn và hệ thống công sự ngầm của quân Giải phóng.

    Sau gần 1 tháng giằng co, mặc dù đã phá hủy nhiều đoạn công sự của Việt Nam, nhưng mục tiêu Hoa Kỳ đặt ra về cơ bản đã không đạt được. Trong khi đó, việc bảo vệ an toàn phần lớn căn cứ có thể coi là một thắng lợi chiến lược của cách mạng Việt Nam. Nhờ vào hệ thống địa đạo có quy mô rộng lớn và tổ chức tinh vi, người Việt Nam không cần mất nhiều công sức để bày binh bố trận hay tổ chức những trận đánh lớn đầy rủi ro, mà phía Mỹ vẫn phải rút quân, vì không rút quân thì cũng chết dần mòn mà không làm gì được.

    Trước chiến dịch này còn có một cuộc hành quân khác của quân đội Mỹ nhằm vào vùng Củ Chi cũng với các mục tiêu quân sự tương tự và đã chịu thất bại theo cách tương tự, đó là chiến dịch Crimp năm 1966.

    Nói chung, qua nhiều chiến dịch và trận đánh, hai phía đối địch đều có thắng, có bại và trong nhiều trận cả hai bên đều tổn thất nặng. Nhưng về cơ bản Việt Nam đã giành chiến thắng quan trọng trước hai cuộc tấn công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ. Quân Việt đã chặn đứng và đánh lui hàng loạt cuộc hành quân bình định, Tìm và Diệt của Mỹ vào những khu vực họ gọi là "đất thánh Việt Cộng" (những vùng giải phóng ở Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Củ Chi).


    Quân Giải phóng miền Nam tiến công (1967)

    Về chính trị, ở hầu khắp các vùng nông thôn, nông dân được sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang, đã vùng lên đấu tranh chống kìm kẹp, phá Ấp chiến lược. Trong hầu hết các thành phố ở miền Nam, công nhân, học sinh, sinh viên, Phật tử đều đấu tranh đòi Mỹ rút về nước, bất chấp bị đàn áp liên tục bằng dùi cui, roi điện, hơi độc, súng đạn.

    Vào ngày Phật Đản thứ 2511, 8 tháng 4 âm lịch năm Đinh Mùi (16 tháng 5 năm 1967 dương lịch), nữ sĩ Nhất Chi Mai, tên thật Phan Thị Mai, tự Nhất Chi, pháp danh Thích nữ Diệu Huỳnh, là một nữ Phật tử đã noi gương Bồ tát Thích Quảng Đức, tự thiêu ở Sài Gòn để phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam, bà đã tự thiêu trước sân chùa Tư Nghiêm (nay thuộc Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh). Trước khi tự thiêu, bà đã để lại 10 bức di thư với nội dung kêu gọi hòa bình và chấm dứt chiến tranh, trong đó có bài:

    Chấp tay tôi quỳ xuống
    Sao người Mỹ tự thiêu?
    Sao thế giới biểu tình?
    Sao Việt Nam im tiếng?
    Không dám nói Hòa Bình?
    Tôi thấy mình hèn yếu!
    Tôi nghe lòng đắng cay!
    Sống mình không thể nói
    Chết mới được ra lời!
    Hòa bình là có tội!
    Hòa Bình là Cộng sản!
    Tôi vì lòng nhân bản,
    Mà muốn nói Hòa Bình.
    Chấp tay tôi quỳ xuống
    Chịu đau đớn thân này
    Mong thoát lời thống thiết!
    Dừng tay lại người ơi!
    Dừng tay lại người ơi!
    Hai chục năm hơn rồi,
    Nhiều máu xương đã đổ,
    Đừng diệt chủng dân tôi!
    Đừng diệt chủng dân tôi!
    Chấp tay tôi quỳ xuống.


    Sau này bút danh Nhất Chi Mai của bà đã được đặt cho một con đường nằm ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

    Sau bao nhiêu tổn thất, đau thương trong các chiến dịch quân sự kết hợp với phong trào đấu tranh nông thôn và đấu tranh đô thị, kết quả là giặc xâm lược đã từng bước thất bại trong chiến lược chiến tranh cục bộ, thêm nhiều khu vực, địa điểm ở miền Nam được giải phóng.

    Uy tín của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Đến cuối năm 1967, cương lĩnh của Mặt Trận được 41 nước, 12 tổ chức quốc tế và 5 tổ chức có tính chất khu vực lên tiếng chính thức ủng hộ.

    Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara trước đây đã từng ủng hộ chính sách của tổng thống Lyndon B. Johnson đối với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thì nay cũng tỏ ra chán nản và nghi ngờ kết quả của chính sách leo thang của Mỹ ở Việt Nam. Tình hình miền Nam lúc đó như McNamara đánh giá là: "Một bức tranh ảm đạm, đau đớn đến tột cùng. Nhưng khi đó, tôi không thấy cách gì tốt hơn"."Các chính sách và chương trình của Mỹ ở Đông Dương đã phát triển theo một hướng mà chúng ta đã không lường trước được.... và sự thiệt hại về người, chính trị, xã hội và kinh tế là không thể tưởng tượng được. Chúng ta đã thất bại".


    Binh nhất Benjamin Reynolds và binh nhất Robert M. Baker thuộc sư đoàn 4 Bộ binh nâng cao quốc kỳ Hoa Kỳ trên đồi 927 tại Đắc Tô (1967).

 1. Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân

Cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân là một chiến dịch quân sự rộng lớn được phát triển từ Kế hoạch X, vốn đã được khởi động từ cuối giai đoạn chiến tranh đặc biệt. Kế hoạch X là một kế hoạch tuyệt mật. Sau này theo các thông tin tiết lộ ra từ một số tướng lĩnh trên phim tài liệu "Mậu Thân 1968" của hãng phim Bản Sắc Việt và Đài truyền hình Việt Nam, và một số phim tài liệu cũng như nguồn khác, thì Kế hoạch X nói chung là một kế hoạch đột kích bất ngờ, một cách đánh mới để làm thay đổi tình hình và cục diện chiến tranh, mà đích nhắm chủ yếu là ở ngay trung tâm đầu não của giặc.


Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 1966)

Sau khi Mỹ đã kéo đại quân vào trực tiếp tấn công Việt Nam, tinh binh Mỹ lên tới gần 60 vạn, tổng số quân (bao gồm ngụy và chư hầu) là hơn 1 triệu, Bộ chính trị, chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp và bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã xác định rằng không thể giành thắng lợi quyết định bằng những cách đánh thông thường, Bộ chính trị cho rằng phải tìm cách đánh khác để đập tan ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ, làm cho Mỹ hiểu rằng không thể thắng được Việt Nam bằng vũ khí và bom đạn.

Tuy nhiên so sánh tương quan quân đội Việt Nam và quân đội Hoa Kỳ về quân số và vũ khí đều thua kém gấp nhiều lần, nên việc đánh để tiêu diệt quân đội Mỹ là điều gần như không thể thực hiện. Do đó Bộ chính trị chủ trương: "Phải tìm cách đánh mới khác cách đánh truyền thống là đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ bằng phương pháp tổng tiến công đồng loạt đánh vào các trung tâm đầu não chính trị, quân sự ở các thành phố, thị xã. Tiến công vào các thành phố, thị xã sẽ tạo ra bất ngờ lớn đối với địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng, làm rung chuyển nước Mỹ.

Như vậy, có thể thấy mục tiêu chiến lược của Việt Nam là đánh vào ý chí xâm lược của Mỹ. Đại tá Vũ Ba, nguyên cán bộ tham mưu Miền, trong phim tài liệu "Mậu Thân 1968" của nữ đạo diễn Lê Phong Lan, phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam năm 2012-2013, đã cho biết thêm về vấn đề chọn đúng thời điểm để đánh: "Thời cơ lịch sử có thể xảy ra trước hoặc sau năm 1968. Nhưng chắc chắn nó phải rơi vào đúng thời điểm sức mạnh và quân số Mỹ có mặt ở miền Nam lên đến đỉnh điểm nhưng họ không thể giành được thắng lợi quyết định. Và thời điểm đó chính là Mậu Thân 1968. Lúc đó, tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật của Mỹ gấp 800 lần Việt Nam."

Trong khoảng thời gian này, sức khỏe của chủ tịch Hồ Chí Minh sa sút, nên phải gác lại công việc và đi Trung Quốc chữa bệnh. Tuy nhiên với bề dày kinh nghiệm, uy tín to lớn trong Đảng và nhân dân, mọi quyết sách lớn vẫn phải được phê duyệt bởi Hồ chủ tịch. Do đó, chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một chuyến về nước ngắn để nghe Quân ủy Trung ương trình bày kế hoạch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý những điểm sau:

  • Dự thảo báo cáo tốt, toàn diện, nhưng cần xem báo cáo của Quân ủy có chủ quan không.
  • Tranh thủ giành thắng lợi sớm, nhưng phải chú ý đánh lâu dài.
  • Thuận lợi có nhiều nhưng phải thấy những khó khăn như mặt hậu cần bảo đảm.
  • Nói giành thắng lợi quân sự, nhưng phải chú ý đến việc giữ sức dân.
  • Phải chú ý mở rộng chiến tranh du kích, tăng cường trang bị cho du kích.
  • Phải làm sao ta càng đánh càng mạnh, đánh liên tục, đánh được lâu dài (nghĩa là có khả năng thực hiện một cuộc chiến tranh lâu dài).


Chấp hành chủ trương tổng công kích, tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, ngày 25/10/1967, Trung ương Cục miền Nam đã ra Nghị quyết Quang Trung để hiện thực hóa chủ trương này, noi gương chiến công xuân Kỷ Dậu 1789 của thiên tài quân sự Quang Trung Nguyễn Huệ. Khu trọng điểm chiến lược lâm thời được thành lập gồm Sài Gòn - Gia Định, một phần đất của các tỉnh tiếp giáp với Sài Gòn và các vùng thuộc miền Đông Nam Bộ.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ ra vào đêm 30 rạng 31 tháng 1 năm 1968 (ngày mồng một Tết Mậu Thân). Suốt từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, quân dân miền Nam bất ngờ tiến công và phát động nổi dậy rộng khắp ở 6 thành phố lớn, 44 thị xã, hàng trăm quân lỵ, giải phóng một số nơi, đánh sập bộ máy ngụy quyền cơ sở ở nông thôn. Hiệu lệnh phát động chiến dịch chính là bài thơ chúc Tết của chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi trên sóng phát thanh:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.


Khi đó Hoa Kỳ về cơ bản đã trúng kế "nghi binh Khe Sanh", bị thu hút vào đòn nghi binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Khe Sanh, nơi được các giới chức quân sự Mỹ kỳ vọng là một thế trận "Điện Biên Phủ đảo ngược" với kết quả chiến thắng dành cho quân đội viễn chinh theo đúng kịch bản chiến tranh quy ước.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), trong các báo cáo do điệp viên Phạm Xuân Ẩn chuyển về, từ cấp chỉ huy cho đến viên đại sứ Mỹ, tất cả đều không tin Bắc Việt và Việt Cộng có đủ sức tấn công vào đô thị và các thành phố lớn. Theo Mỹ, chiến trường chính nhất định sẽ diễn ra ở Khe Sanh.

Ông Tư Cang còn cho biết thêm: "Trung ương cục miền Nam còn làm bộ để rơi những tài liệu vào tay Mỹ để họ tin rằng mình sẽ đánh mạnh trên vùng giới tuyến, nhất là Khe Sanh".

Đại tá Hồ Khang, một trong những người biên soạn sách "Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975" do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản, khi trả lời phỏng vấn trong phim tài liệu "Mậu Thân 1968" của hãng phim Bản Sắc Việt, đã cho biết: "Cái từ 'Điện Biên Phủ' xuất hiện trong tư duy của phía Mỹ mà Cục 2 (tình báo) báo cáo lại chính là một gợi ý để chúng ta tương kế tựu kế thực hiện một 'Điện Biên Phủ giả vờ' để lừa đối phương, ghìm chặt Mỹ ở chiến trường rừng núi, tạo điều kiện cho đòn tấn công vào các đô thị. Vì vậy sau này phía Mỹ và phương Tây cho rằng Việt Nam là bậc thầy trong việc nghi binh".

Đến mùa khô thứ ba, khi Mỹ chưa kịp ra tay và tập trung chú ý vào căn cứ Khe Sanh đang bị vây hãm thì cuộc tổng tấn công và nổi dậy đã nổ ra trên hầu hết các đô thị miền Nam.

Đây là đòn chiến lược bất ngờ làm rung chuyển toàn nước Mỹ. Đại tướng tổng tư lệnh liên quân William Westmoreland bị cách chức. Bộ trưởng Quốc phòng McNamara từ chức. Tổng thống Lyndon B. Johnson phải tạm ngừng ném bom miền Bắc, Washington chấp nhận vào bàn đàm phán với Hà Nội tại hội nghị Paris về Việt Nam.

Nhà sử học, chuyên gia Việt Nam học Merle L. Pribbenow II trong sách General Vo Nguyen Giap and the Mysterious Evolution of the Plan for the 1968 Tet Offensive (Tướng Võ Nguyên Giáp và tiến trình bí mật của kế hoạch Tết Mậu Thân 1968), do ngành Việt Nam học của Đại học California xuất bản năm 2008, đã nhận định: "Cuộc tấn công Tết Mậu Thân có lẽ là sự kiện có sức nảy nở lớn nhất trong lịch sử cuộc chiến dài dặc của Mỹ tại Việt Nam. Đây là một thời điểm bước ngoặt trong cuộc chiến, một thời điểm kể từ đó không có đường lùi nữa. Chiến lược gia quân sự Trung Quốc cổ đại Tôn Tử viết: Nước lũ cuốn trôi cả đá gạch, đó là nhờ thế nước lũ; Chim ưng vồ mồi xé nát con mồi, đó là nhờ thế tiết nhanh chớp nhoáng. Trong quyết định tung cuộc Tổng tiến công Tết, quân Giải phóng đã làm theo lời chỉ dạy của Tôn Tử. Họ đã sử dụng sự 'biến hóa', và 'thế tiết' của họ là hoàn hảo."

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài tham luận "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thắng lợi vĩ đại, bài học lịch sử" trong hội thảo sử học "Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam" do Bộ Quốc phòng, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương tổ chức trong hai ngày 14 và 15/4/2005 đã ghi nhận: "Cuộc tấn công Tết Mậu Thân là một sáng tạo quân sự độc đáo, tạo ra bước ngoặt cơ bản làm thay đổi cục diện chiến tranh, mở ra quá trình 'xuống thang chiến tranh' của đế quốc Mỹ. Chúng ta đã đánh bại một bước ý chí xâm lược của Mỹ trong lúc quân Mỹ đông nhất, mạnh nhất và những cố gắng chiến tranh cao nhất. Chiến lược 'chiến tranh cục bộ' bị phá sản, chính quyền Mỹ phải 'phi Mỹ hóa' - 'Việt Nam hóa chiến tranh'."

Nhưng ông cũng phê bình: "Lại do chủ quan duy ý chí, không nắm vững quy luật của khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng nên đã chủ trương tiến hành tổng khởi nghĩa, bộc lộ toàn bộ cơ sở cách mạng của quần chúng trong chiến tranh ngay khi trên chiến trường còn hơn một triệu quân Mỹ - ngụy và các nước chư hầu. Việc tiếp tục kéo dài tấn công vào các đô thị, chậm chuyển hướng hoạt động về nông thôn trong Mậu Thân 1968 đã gây ra nhiều tổn thất về thế và lực cho cách mạng.


Miền Nam tổng nổi dậy năm 1968

1A. Mặt trận Sài Gòn

Tuy cuộc tiến công và khởi nghĩa diễn ra trên toàn miền, nhưng trọng điểm chiến sự là ở Sài Gòn và Huế. Quân cách mạng đã giữ được một thành phố lớn như Huế gần 1 tháng, sự kiện chấn động này đã lên hầu hết các mặt báo quốc tế, như một cái tát thách thức uy thế Hoa Kỳ, làm tổn thương uy danh nước Mỹ.

Những hình ảnh chiến cuộc ở Sài Gòn thì đã được ghi vào những thước phim của các phóng viên chiến trường quốc tế, và những phóng viên gan dạ đó đã đưa hình ảnh khốc liệt của chiến tranh vào từng căn hộ Mỹ và thế giới. Nó vô tình làm cho cho cả thế giới thấy sự chiến đấu can trường của quân dân Việt Nam, sự tàn ác của Mỹ-ngụy khi xử bắn tù binh ngoài đường, sự bất lực của "đội quân vô địch" Hoa Kỳ, sự vô dụng, rệu rã của các lính kiểng ngụy quân ở đô thị Sài Gòn.

Chứng kiến sự bó tay của quân Mỹ và sự bất lực của quân ngụy, để cho lực lượng biệt động Sài Gòn đánh thẳng vào các mục tiêu khó tin nhất như Tòa đại sứ Mỹ, Dinh tổng thống ngụy, Đài phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, các đại biểu Quốc hội Mỹ, các thành viên Chính phủ Mỹ càng ngao ngán hơn, ý chí xâm lược và niềm tin chiến thắng càng lung lay hơn.

Nhưng để có được một Mậu Thân lịch sử, để có được kết quả đó ở Sài Gòn thì vai trò của quân và dân Củ Chi là rất lớn. Quân dân du kích Củ Chi đã dốc toàn lực trợ giúp các chiến sĩ biệt động đánh thẳng các cơ quan đầu não của Mỹ tại Sài Gòn.

Trước đó 1 ngày đã diễn ra đêm văn nghệ Tết Quang Trung trước giờ G ở Sài Gòn, thu hút hơn 20.000 khán giả đứng ngồi chật chội không còn chỗ nào, được các thành viên cách mạng trong phong trào đấu tranh đô thị ở Sài Gòn tổ chức để ngầm gởi lên thông điệp chống ngoại xâm giữa lúc gần 60 vạn quân Mỹ đang hoành hành khắp miền Nam. Lá cờ Quang Trung (cờ đỏ mặt trời vàng) nhìn xa làm cho khán giả liên tưởng đến lá quốc kỳ cờ đỏ sao vàng. Những cô gái Sài Gòn đi tải đạn, những cụ hòa thượng, những nhà sư già khuân vác vũ khí vào thành theo truyền thống nhà Phật góp phần giữ nước bảo vệ giang sơn xã tắc.

Có những bà má tặng cho kháng chiến, cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước những đứa con cuối cùng của mình. Rồi chính những bà má cũng không ngồi không, mà góp phần xách giỏ rau (súng ở dưới, rau ở trên) vào thành.

Nếu không có dân, không có sự ủng hộ gần như tuyệt đối của người dân Sài Gòn và cả Gia Định, Chợ Lớn, thì chắc chắn không có trận Mậu Thân ở Sài Gòn. Bởi vì nếu không có dân thì không thể nào vận chuyển vũ khí đạn dược vào thành. Đây là những trận đánh quyết tử nên cũng chẳng có chuẩn bị hậu cần, y tế gì cả. Chuyện ăn chuyện ở và thương binh đều do dân giải quyết và chăm sóc, quân trốn trong nhà dân.

Ngay đêm tiến công đầu tiên ở Sài Gòn các đội biệt động cảm tử đã đánh thẳng vào các mục tiêu khó tin nhất: Tòa Đại sứ quán Hoa Kỳ, dinh tổng thống ngụy quyền, đài phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất.... Sau đó quân tiếp ứng thẩm thấu vào thành phố tiếp quản các mục tiêu và tham chiến.

Cuộc tiến công đã gây bất ngờ lớn cho cả thế giới và gây chấn động dư luận quốc tế, và cho thấy sự bất lực của hệ thống tình báo CIA ở Việt Nam, họ đã không tiên liệu được khả năng, tính chất cũng như thời điểm, quy mô của chiến dịch.

Lịch sử đôi khi là những chuỗi sự kiện tái hiện đi tái hiện lại. Tháng 9 năm 1413, trong cuộc kháng chiến chống Minh lần thứ 2 (nhà Hậu Trần lãnh đạo), quân Việt do tướng Đặng Dung chỉ huy đã đột kích đánh úp thủy trại của quân Minh ở Hóa Châu với mục đích "cầm tướng", muốn bắt sống Trương Phụ, chủ tướng nhà Minh. Quân của Đặng Dung đã vào được thuyền của Trương Phụ định bắt sống nhưng ông ta đi thuyền nhỏ trốn thoát được.

Ngày 30/1/1968, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lịch sử đã tái hiện ở tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Đúc kết kinh nghiệm đánh giặc của cha ông, Đội biệt động số 11 do đội trưởng Ngô Thành Vân (Ba Đen) chỉ huy đã đột kích đánh úp Tòa đại sứ. Mục tiêu cao nhất đề ra trong trận đánh này là phải bắt sống Đại sứ Ellsworth Bunker, người được xem là một dạng thái thú, quan toàn quyền kiểu mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Sau khi diệt các quân cảnh Mỹ gác ở cổng, lực lượng biệt động dùng thuốc nổ phá hủy tường, tiến đánh vào trong và đã đột nhập lên được tầng 3 và phòng của Bunker định bắt sống nhưng ông ta đã đi xe bọc thép trốn thoát sang một hầm bí mật ở một địa điểm khác.

Gần nửa giờ sau khi Đại sứ quán bị đánh úp bất ngờ, một toán quân Mỹ đến cứu viện, nhưng bị lực lượng biệt động bắn chặn nên không vào được cổng chính. Bảy giờ sáng ngày 30/1/1968, một trung đội Mỹ lọt được vào cổng chính. Cuộc hỗn chiến trong sứ quán diễn ra quyết liệt.

Chín giờ sáng, quân Mỹ đổ được một bộ phận lực lượng sư đoàn Dù 101 xuống sân thượng Tòa đại sứ. Lực lượng biệt động Sài Gòn Đội 11 đã dũng cảm chiến đấu đến người cuối cùng. Trận đánh Tòa đại sứ Mỹ kết thúc, đội trưởng Ngô Thành Vân bị thương và sa vào tay giặc, tất cả chiến sĩ biệt động khác đều hy sinh. Quân Mỹ cũng bị thương vong nặng: 22 lính chết và 124 bị thương.

Việc quân Giải phóng đánh chiếm và làm chủ Tòa đại sứ Mỹ tới hơn 6 giờ đã gây một tiếng vang lớn, làm chấn động nước Mỹ và thế giới. Tất cả các cấp chỉ huy quân sự, ngoại giao ở Sài Gòn và cả nước Mỹ bàng hoàng, sửng sốt.

Đại tướng William Westmoreland trong hồi ký A Soldier Reports (Tường trình của một quân nhân), do Doubleday xuất bản năm 1976, đã thuật lại những gì ông chứng kiến: "Khu sứ quán thật là hỗn độn, xác người Mỹ và người Việt Nam vẫn nằm ngổn ngang. Nhưng không giống như hầu hết các chiến trường, các nhà báo, các nhà quay phim vô tuyến truyền hình Mỹ hình như có mặt khắp mọi nơi. Nét mặt họ ánh lên nỗi buồn bực và tâm trạng không tin nổi, như thể ngày tận thế đã đến rồi". Westmoreland sau đó vội báo cáo với tổng thống Lyndon B. Johnson rằng ông ta đã "làm chủ tình hình", nhưng Johnson đã nói chua chát: "Việt Cộng đã đi dạo mát trong sứ quán của ta rồi".

Cùng ngày tại Dinh tổng thống ngụy, đội Biệt động số 5 do đội trưởng Tô Hoài Thanh (Ba Thanh) chỉ huy gồm 15 người xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào. Năm chiến sĩ trèo qua tường rào, tấn công vào trong dinh và hy sinh tại chỗ. Bên ngoài, 3 xe viện binh Mỹ chạy đến đã bị đội Biệt động tiêu diệt. Gần sáng, không thấy viện binh, những chiến sĩ Biệt động còn sống sót rút vào một cao ốc đang xây dở cạnh đó tử thủ, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của quân đội Mỹ nhưng mất thêm một người. Gần sáng mùng 3 Tết, lợi dụng những lỗ hổng trên tường do đạn bắn, 7 người còn lại dìu nhau thoát ra đường Thủ Khoa Huân. Đến sáng thì nhóm bị bao vây, còn quả lựu đạn cuối cùng các chiến sĩ định rút chốt chết chung với giặc nhưng không nổ, 7 người sa vào tay giặc.

Tại Đài phát thanh Sài Gòn, Đội biệt động số 4 (cụm 1) do đội trưởng Nguyễn Văn Tăng chỉ huy, sau vài phút chiến đấu đã chiếm được đài, loại khỏi vòng chiến đấu một trung đội cảnh sát dã chiến bảo vệ. Nhưng nhân viên kỹ thuật và bộ phận chính trị phụ trách phát thanh đã bị ngăn chặn ở Phú Thọ Hoà không đến kịp nên ý muốn dùng Đài phát thanh để kêu gọi, trấn an, và gây tiếng vang dư luận không thực hiện được.

Nhận rõ vị trí quan trọng của Đài phát thanh, ngay sau khi đài bị mất, quân Mỹ đã dùng cả trực thăng vũ trang, xe tăng yểm trợ nhanh chóng tổ chức lực lượng phản kích. Sau đó quân Mỹ đã bao vây toàn khu vực. Sau ba ngày chiến đấu quyết liệt, những chiến sĩ biệt động còn sống sót quyết định cảm tử, dùng bộc phá phá hỏng một góc đài phát thanh. Lực lượng biệt động hầu hết đều hy sinh, chỉ còn 2 người sống sót.

Tại khu vực Bộ Tổng tham mưu quân ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất, cụm biệt động 2 (gồm các đội 6, 7, 9) do Đỗ Tấn Phong chỉ huy đánh vào cổng 5 Bộ Tổng tham mưu và cổng Phi Long (sân bay Tân Sơn Nhất). Sau ít phút tiến công, đội chiếm được cả hai cổng. Sau đó quân đội Mỹ-ngụy phản kích, sau gần một ngày chiến đấu quyết liệt, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều lính giặc, bắn cháy hai xe bọc thép. Đến 14 giờ ngày 30/1/1968, do bị tổn thất và hết đạn, những người còn lại của cụm biệt động phải rút quân.

Tại Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, 16 chiến sĩ Đội biệt động số 3 (Cụm 1) do đội trưởng Trần Văn Lém (Bảy Lốp) chỉ huy dùng hai xe du lịch đưa lực lượng đến trước mục tiêu. Sau khi diệt hai lính gác ở đầu cầu Cửu Long, biệt động đánh bộc phá mở cửa và đột nhập vào bên trong, nhưng bị hỏa lực ngăn chặn mạnh, không phát triển được. Các chiến sĩ Biệt động chiến đấu cho đến khi hy sinh gần hết, chỉ còn hai người về được căn cứ và Phân khu 4.

Đêm 17/2/1968, trung đoàn 96 và 208 ĐKB pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, Nha cảnh sát đô thành, căn cứ sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ ở Phú Lợi. Trong số 88 quân nhân Mỹ thuộc lực lượng tuần giang Cửu Long chờ máy bay về Mỹ, số đông bị chết, sáu máy bay bị phá hủy.

1B. Mặt trận Huế

Cũng vào ngày 30/1/1968, pháo binh quân Giải phóng đồng loạt pháo kích các mục tiêu quân sự của giặc, mở đầu cho cuộc tấn công vào nội đô Huế. Sau loạt pháo mở màn, lực lượng quân Giải phóng trên hai hướng cùng lúc đánh vào 40 mục tiêu trong và ngoài thành Huế.

Đại đội 1 (thuộc Tiểu đoàn 12 đặc công) và Đại đội 2 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6) đánh vào Mang Cá. Trong lúc đánh Mang Cá thì Đại đội 2 (Tiểu đoàn 12 đặc công) phối hợp với Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6) đánh chiếm sân bay Tây Lộc. Được cơ sở bên trong hỗ trợ, một bộ phận đánh sân bay bí mật đột nhập qua cổng Thủy Quan, nhanh chóng theo sông Ngự Hà vào chiếm góc tây nam sân bay, phá hủy 20 máy bay và một số xe quân sự.

Tại khu Đại Nội, Cột Cờ, Đại đội 4 đột phá cửa Hữu, dùng một mũi thọc sâu nhanh chóng chiếm khu Cột Cờ lúc 4 giờ 30 phút. Còn lại đại bộ phận của Đại đội 4 cùng Đại đội 3 theo đường Yết Kiêu, Lê Huân đánh vào khu Đại Nội. Đến 5 giờ sáng quân Giải phóng chiếm toàn bộ khu Đại Nội. Tám giờ sáng, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trên cột cờ báo hiệu đã làm chủ trung tâm thành phố Huế. Đến ngày 2, quân Giải phóng đã giành quyền kiểm soát phần lớn Huế.

Nhìn chung, trong những ngày đầu tổng tiến công và nổi dậy ở thành phố Huế, quân Giải phóng đánh chiếm được một số mục tiêu chủ yếu, đồng thời phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở nhiều nơi. Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình và Ủy ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên - Huế ra mắt đồng bào. Hãng tin Pháp AFP ngày 7/2/1968 đã bình luận: "Rõ ràng họ (MTDTGPMNVN) có một tổ chức mạnh mẽ trong thành phố này vì họ có thể huy động rất nhiều người ra làm việc cho họ".

Sau những thất bại ban đầu, từ ngày 8/2/1968, quân Mỹ bắt đầu phản kích dữ dội. Mỹ huy động cả viện binh từ lực lượng tổng trừ bị ngụy từ Sài Gòn ra đánh giúp. Từ ngày 9/2 đến 12/2, hai phía Mỹ - Việt giao tranh quyết liệt tại 4 cổng thành (Chánh Tây, cửa Hữu, Thượng Tứ, Đông Ba) và từ quốc lộ 1 vào An Hòa.

Ngày 17/2, quân Mỹ chiếm được Đông Ba. Ngày 18/2, quân Mỹ chiếm cổng Thủy Quan, uy hiếp cửa Hữu, cửa An Hòa và cửa Thượng Tứ. Lực lượng quân Giải phóng bị đẩy lùi dần vào trong thành nội.

Ngay sau đó, Mỹ ồ ạt tăng quân lên 23 tiểu đoàn nhằm giành lại thành Huế. Sức ép của quân Mỹ ngày càng tăng. Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, tránh bị vây kín, ngày 22/2/1968, Khu ủy Trị - Thiên và chỉ huy mặt trận Huế quyết định rút toàn bộ lực lượng ra ngoài thành phố.

Sau 25 ngày chiến đấu, quân Mỹ-ngụy có hơn 4.400 thương vong, quân Giải phóng cũng có hơn 4.000 thương vong. Với việc giữ được thành phố gần 1 tháng, quân Giải phóng tại Huế đã tạo thành công lớn và giữ được thành phố lâu nhất so với các thành phố khác, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung về chính trị của cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền.

Trong 25 ngày chiến đấu, quân Mỹ dùng pháo hạm và máy bay ném bom, pháo kích suốt ngày và đêm. Các loại vũ khí sát thương hàng loạt như bom napalm, pháo không giật 107mm bắn đạn tổ ong (mỗi viên khi nổ sẽ văng ra gần 5 vạn mảnh đinh sát thương), đạn pháo tăng, súng phun lửa v.v. được sử dụng tối đa, gây thương vong lớn cho dân thường. Theo thống kê của nhà báo, nhà sử học người Mỹ Gabriel Kolko, tác giả cuốn sách Anatomy of a War: Vietnam, the United States, and the Modern Historical Experience (Giải phẫu một cuộc Chiến tranh: Việt Nam, Hoa Kỳ, và trải nghiệm lịch sử hiện đại) do NXB Pantheon Books New York, ấn hành năm 1985, thì sau 25 ngày chiến sự, 80% khu vực dân sự ở Huế đã bị bom đạn Mỹ phá hủy, hàng ngàn thường dân cũng chết trong các cuộc giao tranh. Những hình ảnh tàn phá ghê gớm tại Huế được trình chiếu trên TV trong từng ngôi nhà Mỹ đã góp phần lớn nhất thúc đẩy tâm lý phản chiến của người Mỹ.

Sau trận chiến 25 ngày, Mỹ-ngụy trong sự kiện ở Huế mà nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân và nhiều người ở Huế gọi là sự kiện "Hậu Mậu Thân" đã lùng sục trả thù, giết hại, bất cứ người dân Huế nào có thiện cảm, có giúp đỡ Mặt Trận dù chỉ là vài lon gạo, vài đồng tiền dành dụm, hay cả nhà có 1 người nào đó theo cách mạng, cũng đều bị đem ra trả thù, hành quyết. Họ đã tẩy trắng Huế bằng bom đạn trong nỗ lực chiếm lại thành phố. Và sau khi đã chiếm lại thì họ ngăn chặn phóng viên quốc tế vào tác nghiệp, đồng thời mở cuộc tổng trả thù, trả đũa người dân quy mô lớn.

Sau đó, Mỹ-ngụy gom lại xác những nạn nhân chiến tranh lại, trong đó phần lớn là những người dân bị chết bởi bom đạn Mỹ, những người dân bị chính họ trả thù, tàn sát, những chiến binh Giải phóng, những lính ngụy, những cộng sự của Mỹ, gom lại hết, rồi tuyên truyền giả dối đó là "nạn nhân thảm sát của Việt Cộng", thậm chí sau đó một số kẻ viết thuê ở Sài Gòn còn nâng lên thành "hành quyết", "chôn sống", con số thì có những bài báo phóng đại lên đến "hàng triệu".

Sau khi chiếm Huế, Mỹ-ngụy ngăn cấm tất cả phóng viên quốc tế nào muốn vào Huế kiểm chứng các "hố chôn tập thể". Sau khi dàn dựng một thời gian, họ cho các phóng viên báo chí ngụy quyền, hoặc chống cộng, hữu khuynh vào "đưa tin", "làm phóng sự", rồi sau đó mới cho phép các phóng viên quốc tế, trung lập vào tác nghiệp.

Mỹ-ngụy làm vậy là để đánh đòn tâm lý chiến, làm át đi tiếng vang chiến công của Mặt Trận, át đi sự thất bại làm chấn động cả miền Nam, làm át đi âm vang, dư âm, dư luận của sự kiện Mậu Thân 1968 khi toàn miền Nam đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa.


Quân Mỹ chịu tổn thất nặng nề sau 5 ngày tuần tra trong một khu rừng ở Huế (1968).

1C. Tấn công và nổi dậy đợt 2

Sau khi William Westmoreland bị cách chức, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc giao cho đại tướng Creighton Abrams làm Tổng tư lệnh lực lượng liên quân ở Nam Việt Nam. Để thực hiện chiến lược Quét và Giữ có hiệu quả, giữa tháng 4/1968, Clark Clifford, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ thị cho Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Nam Việt Nam thực thi 3 biện pháp cấp bách:

  • Xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc ở trong và xung quanh các thành phố, các căn cứ, các tiểu khu, chi khu quân sự các điểm chốt trên các trục đường giao thông.
  • Lập những vành đai đủ sức ngăn chặn các cuộc tiến công mới của quân Giải phóng. Đẩy chiến tranh ra xa các thành phố, thị xã quan trọng có ý nghĩa chiến lược.
  • Mở các cuộc hành quân càn quét để giải tỏa các thành thị, căn cứ, đường giao thông, ngăn chặn bước tiến của quân Giải phóng.


Song song với đó, tổng thống Mỹ Johnson, Đại sứ Bunker ra sức tuyên truyền cứu vớt hình ảnh chính trị trong dư luận Mỹ và thế giới vốn đang lên án mạnh mẽ. Các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế ngày đêm phát đi những tuyên bố của những nhà lãnh đạo Mỹ rằng: "Việt Cộng và Bắc Việt Nam đã bị Mỹ và đồng minh truy kích; Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã nắm quyền chủ động chiến trường; Việt Cộng đã đuối sức, hết hơi." để xoa dịu làn sóng đấu tranh phản chiến của nhân dân Mỹ và những chất vấn của Quốc hội.

Cuối tháng 3/1968, sau khi sơ bộ kiểm điểm đợt 1 tiến công vào Sài Gòn - Gia Định, Trung ương Cục và Quân ủy Miền cử đại diện ra Hà Nội báo cáo và đề nghị cho quân dân miền Đông Nam Bộ tiếp tục mở đợt 2 đánh vào Sài Gòn với lý do: "Yếu tố bất ngờ vẫn còn, mặc dù địch đã co về phòng giữ nội thành và vùng ven, nhưng chúng còn nhiều sơ hở, đợt 1 ta mới sử dụng bộ phận đặc công, một số đội biệt động, du kích mật và quần chúng. Các tiểu đoàn mũi nhọn, các trung đoàn khu vực, các sư đoàn chủ lực cơ động vẫn còn sung sức, quyết tâm lập công cao... Nếu ta khắc phục được khuyết điểm trong đợt 1 thì sức đột kích trong đợt 2 sẽ mạnh hơn nhiều và sẽ là một bất ngờ mới đối với địch."

Ngày 5/5/1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đợt 2 trên toàn Miền đã nổ ra. Trong tuần lễ đầu, quân Giải phóng đánh trúng 89 thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ căn cứ Mỹ-ngụy từ Trị - Thiên đến Cà Mau, từ đồng bằng ven biển đến Tây Nguyên.

Trên chiến trường trọng điểm Sài Gòn - Gia Định, từ hướng tiến công chủ yếu phía tây thành phố, Trung đoàn 2 gồm các tiểu đoàn 267, 269, tiểu đoàn 6 Bình Tân do trung đoàn trưởng Võ Văn Hoàng chỉ huy tiến công cụm radar Phú Lâm, phát triển vào Cầu Tre, tập kích đánh tiêu hao một tiểu đoàn Biệt động quân ngụy, phát triển đánh chiếm khu vực đường Minh Phụng và Bình Thới.

Cuộc tổng tiến công giai đoạn hai đợt 2 kéo dài đến ngày 13/6 mới kết thúc. Các tiểu đoàn cảm tử của quân Giải phóng đã gây nhiều bất ngờ về chiến thuật và khả năng chiến đấu thọc sâu trong thành phố, tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho lực lượng Mỹ-ngụy. Mặc dù vậy, các đơn vị bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương phải chiến đấu trong khi yếu tố bí mật không còn, đối phương tăng cường triển khai đối phó, hầu hết các cuộc hành quân tiếp cận đều bị ngăn chặn, nhiều đơn vị không đến được mục tiêu trên giao.


Lính Mỹ bị thương tại Gia Định, gần Sài Gòn (6/5/1968)

1D. Tấn công và nổi dậy đợt 3

Sau 2 đợt của cuộc tổng tiến công, song song với việc tìm cách trấn an dư luận thế giới và nhân dân Mỹ, tại miền Nam Việt Nam, Mỹ tìm mọi cách tăng cường sức mạnh quân sự nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Một mặt, Mỹ ráo riết thực hiện kế hoạch "bình định cấp tốc" ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn, ra sức bắt lính, đôn quân, tiếp tục chiến tranh.

Cùng với việc gia tăng quân ngụy, Mỹ đã chuyên chở một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam Việt Nam để bù đắp số mất mát, hư hỏng qua hai đợt tổng tiến công và nổi dậy, đồng thời thay thế một số chủng loại vũ khí cũ bằng vũ khí hiện đại hơn.

Đến cuối năm 1968, tại miền Nam Việt Nam, theo số liệu Mỹ công bố, đã có 535.000 lính Mỹ và 65.791 lính thuộc quân đội các nước đàn em của Mỹ, được biên chế trong 9 sư đoàn, 5 lữ đoàn quân Mỹ, 2 sư đoàn và 3 trung đoàn quân các quốc gia đồng minh, chư hầu.

Về phía Quân Giải phóng miền Nam, qua hai đợt tổng tiến công liên tục Tết và tháng 5, lực lượng và vũ khí, đạn dược đã bị tổn thất lớn, chưa kịp bổ sung. Bên cạnh đó, lực lượng bí mật ém trong nội thành và phần lớn cơ sở - nơi cất giấu vũ khí, trang bị, chỗ đứng chân, nơi xuất phát tiến công cho các đợt tiến công tiếp sau đã bị lộ, bị đánh phá mất gần hết.

Tại Sài Gòn, mặc dù thời cơ đã mất, nhưng theo Bộ tư lệnh khu V thì: "Không khí tổng công kích - tổng khởi nghĩa vẫn còn, nhưng có kèm theo tâm lý cay cú ở một số đồng chí muốn tấn công vào Sài Gòn như hai đợt trước". Trên mặt trận Quảng - Đà (Khu V) và một số mặt trận khác, do còn giữ được thế và lực còn mạnh, nên Bộ tư lệnh Khu V đã đề nghị Trung ương cho mở tiếp đợt 3 tổng tiến công và nổi dậy. Ngược lại, cũng có nhiều nơi xin tạm dừng tiến công để xốc lại đội hình, bổ sung, củng cố lực lượng, vũ khí trang bị.

Sự kiện đáng chú ý trong giai đoạn này là việc quân Mỹ tại Khe Sanh đã bị buộc phải phá hủy căn cứ và rời khỏi đây do sức ép của quân Giải phóng. Cuộc rút quân được diễn ra bí mật, nhưng cuối cùng vẫn bị lộ ra bởi báo chí đưa tin. Vụ việc này góp phần khuyếch đại thành công chiến lược, đẩy mạnh phong trào phản chiến tại Mỹ và cũng làm tăng khí thế cho quân Giải phóng.


Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, lực lượng được xem là thiện chiến nhất thế giới, di tản khỏi căn cứ Khe Sanh ngày 1/7/1968

Nhằm thống nhất chủ trương hoạt động trên chiến trường, ngày 24 và 25/7/1968, Thường trực Quân ủy Trung ương, bao gồm bí thư thứ nhất Lê Duẩn, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Trần Quý Hai họp bàn kế hoạch hoạt động trong Đông - Xuân (1968 - 1969). Ngoài ra, Thường trực Quân ủy Trung ương còn mời thêm Hoàng Anh, Lê Trọng Tấn, Trần Sâm, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Đôn.... cùng tham dự cuộc họp.

Bộ Chính trị xác định: "Để tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam trong năm 1968, cần phải cố gắng diệt cho được 70 - 80% lực lượng dự bị chiến lược của Mỹ-ngụy. Đánh mạnh vào Sài Gòn, còn ở Đà Nẵng thì tùy theo khả năng mà đánh ở quy mô thích hợp. Song, dù thế nào cũng phải đẩy mạnh hoạt động ở nông thôn để tạo điều kiện cho đánh lâu dài. Đồng thời, đưa lực lượng dự bị chiến lược vào đứng chân ở Tây Nguyên chờ thời cơ."

Để tránh bị bất ngờ, đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị: "Phải có phương án dự kiến thời cơ đến trước trong kế hoạch hoạt động Đông - Xuân."

Mục tiêu của đợt 3 tổng tấn công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968 vẫn được Bộ chính trị xác định: Chiến trường Sài Gòn, Gia Định và miền Đông Nam Bộ, Khu V là hướng phối hợp, trọng điểm là Quảng - Đà. Thời gian nổ súng được ấn định vào ngày 17/8, kết thúc vào ngày 28/9/1968.

Thực hiện quyết định của Bộ chính trị và Trung ương Cục miền Nam, mặc dù yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, song lực lượng pháo binh, đặc công, biệt động đã phối hợp đồng loạt tiến công trên 27 thành phố và thị xã, hơn 100 thị trấn, quận lỵ, chi khu quân sự, 47 sân bay các loại, 3 tổng kho hàng hoá quân sự, 6 bộ tư lệnh cấp sư đoàn của Mỹ và Sài Gòn.

Sau nhiều tháng chiến đấu với giặc ở đợt 2 và 3, quân Việt đã khoét sâu vết thương đang nhức nhối của Mỹ về mặt chính trị, chiến lược, khuếch đại được những tiếng vang gây ra ở đợt 1, làm cho dư luận nội bộ Mỹ hầu như không còn chịu đựng nổi nữa, đồng thời gây tổn thất quân sự, chiến thuật không nhỏ cho giặc. Tuy nhiên, do đợt 2 và 3 quân Mỹ đã đề phòng nên về cơ bản là yếu tố bất ngờ không còn nữa, nên quân Việt bị tổn thất khá trầm trọng trong 2 đợt này, trên khắp chiến trường miền Nam, kể cả ở mặt trận nông thôn.

Chiến dịch xuân Mậu Thân khép lại bằng các trận chiến trên đèo Hải Vân và ở Đà Nẵng, 1 trong 3 thành phố lớn nhất từ vĩ tuyến 17 trở vào (Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế). Tại Khu 5, ngày 17/8, tiểu đoàn công binh quân Giải phóng đánh sập 3 cầu trên đèo Hải Vân, các tiểu đoàn bộ binh và đặc công cùng lực lượng Hòa Vang tấn công một loạt căn cứ, kiểm soát khu phố Cẩm Lệ, uy hiếp quận lỵ Hòa Vang. Một tiểu đoàn bộ binh tấn công căn cứ biệt kích ngụy người Nùng ở chân núi Non Nước.

Đêm 22/8, sư đoàn 2 chủ lực quân khu và các lực lượng đặc công đồng loạt tiến công vào thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An, Tam Kỳ và các thị trấn, quận lỵ Hoà Vang, Vĩnh Điện. Sân bay Đà Nẵng bị pháo kích dữ dội, nhiều máy bay bị phá hủy, nhiều lính Mỹ bị giết. Kho xăng ESSO bị pháo kích bốc cháy đến 10 giờ sáng, tiêu hủy 6 triệu lít xăng. Đêm 16/11, quân Giải phóng lại tấn công căn cứ hải quân, sân bay Đà Nẵng và nhiều vị trí khác trong thành phố.

oOo


Nhà sử học Mỹ Larry Berman, tác giả sách Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent (Điệp viên hoàn hảo: Hai cuộc đời kỳ diệu của Phạm Xuân Ẩn, phóng viên tuần báo Time và điệp viên cộng sản Việt Nam), trong cuộc phỏng vấn với nữ đạo diễn Lê Phong Lan cho phim tài liệu "Mậu Thân 1968" sản xuất năm 2012, đã nhận xét: "Tất cả người dân Mỹ đều nhìn thấy hình ảnh tòa đại sứ nằm dưới tầm lửa đạn trên TV tại phòng khách mọi gia đình. Họ tự hỏi tại sao điều này lại có thể xảy ra. Tổng thống của chúng ta đã tuyên bố chúng ta đang đi đến khúc ngoặt của cuộc chiến và đang chuẩn bị giành thắng lợi đến nơi rồi. Cuộc tấn công tết bộc lộ ra cho người dân Mỹ thấy rằng toàn bộ cuộc chiến này dựa trên cơ sở của một lời dối trá".

Sau này, trong hồi ký, tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson xác nhận: "Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là một sự choáng váng đối với tất cả người Mỹ, cố gắng của đối phương đã gây ra một hậu quả tác động xấu đến một số người trong và ngoài Chính phủ, nhân dân Mỹ và một số nhân vật trong chính quyền bắt đầu nghĩ rằng chúng ta đã thất bại". Văn phòng hệ thống phân tích tình hình thuộc Lầu Năm Góc thì đánh giá: "Cuộc tiến công (Mậu Thân) hình như đã vĩnh viễn giết chết chương trình (bình định)".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn trong phần 7 của loạt phim tài liệu 13 phần Vietnam: A Television History (Việt Nam: Thiên lịch sử truyền hình), do đài PBS (Mỹ), WGBH Boston (Mỹ), CIT (Anh), Antenne–2 (Pháp) và LRE Production (Pháp) sản xuất và phát hành, đã đúc kết: "Đường lối của chúng tôi không chỉ đơn thuần là quân sự, mà là một chính sách tổng thể, kết hợp toàn diện cả quân sự - chính trị - ngoại giao. Cuộc tiến công Mậu Thân có ý nghĩa cả về quân sự và chính trị".

Quy mô của cuộc tiến công làm dư luận Hoa Kỳ mất kiên nhẫn và tin tưởng vào giới quân sự, họ đòi chấm dứt chiến tranh, đem quân về nước. Một mặt họ thiếu niềm tin vào hiệu quả của quân đội, mặt khác các hành động bạo liệt phi nhân tính của binh lính Mỹ-ngụy được trình chiếu trên TV đã đánh vào lương tâm công chúng. Dân Mỹ đòi hỏi phải chấm dứt chiến tranh ngay lập tức bởi họ coi Chiến tranh Việt Nam là bẩn thỉu.

Trong hồi ký The White House Years (Những năm tháng ở Nhà Trắng), do công ty Little Brown xuất bản năm 1979 (Phoenix Press tái bản năm 2000, Simon & Schuster tái bản năm 2011, bản tiếng Việt do Thư viện Trung ương Quân đội dịch năm 1982), ngoại trưởng Henry Kissinger đã thừa nhận: "Các thế hệ tương lai có thể khó hình dung được cơn biến động trong nước mà Chiến tranh Việt Nam gây ra.... Chính cơ cấu của chính phủ đã bị tan rã. Ngành hành pháp bị choáng váng. Cuối cùng, con em của họ và con em bạn bè của họ đã tham gia các cuộc biểu tình.... Sự kiệt sức là dấu ấn của tất cả chúng tôi. Tôi phải đi từ nhà tôi, vây quanh là đám người phản đối, đến tầng dưới của Nhà Trắng để được ngủ đôi chút".

Trong Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 (1973), Trung ương Đảng đã đánh giá, thẩm định diễn biến và kết quả của đợt 2 và đợt 3, đại ý: Cách mạng đã mắc một số khuyết điểm, chủ quan trong việc đánh giá tình hình nên đã đề ra yêu cầu chưa thật sát với tình hình thực tế lúc đó, và còn không kịp thời kiểm điểm và rút kinh nghiệm ngay, nhằm đánh giá lại tình hình và có chủ trương chuyển hướng kịp thời. Những khuyết điểm, sai sót đó đã nên để mất đất và tổn thất nghiêm trọng. Song thắng lợi trong đợt 2 và 3 tổng tiến công và nổi dậy cũng không nhỏ, cách mạng không chỉ tiêu diệt được một lực lượng chiến lược của Mỹ-ngụy, mà điều quan trọng là đã đánh bồi liên tiếp, đánh tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc tổng thống Johnson phải tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận tham gia hòa đàm Paris về Việt Nam.

Sự kiện tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt của quân dân ba miền Việt Nam, nổ ra trên toàn miền Nam năm Mậu Thân 1968, dù đã bị Mỹ đánh lui và bị tổn thất rất nặng, làm nhiều cơ sở trong thành phố bị lộ và vỡ, nhưng nó đã làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, làm tiêu tan ý chí chiến đấu của binh lính Mỹ, làm nhức nhối tim óc và ý chí chiến tranh của Washington, gây chấn động dư luận và làm phong trào phản chiến càng lan rộng khắp Việt Nam, Hoa Kỳ, và thế giới, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh ở miền Nam, tạm ngưng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và phải vào bàn đàm phán trong Hội nghị Paris về Việt Nam.


Tổng thống Lyndon B. Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara thất thần, tuyệt vọng khi nghe các báo cáo về sự kiện Tết Mậu Thân

Sự kiện Mậu Thân 1968 về cơ bản đã đánh bại chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, trong giai đoạn này Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng hoàn thành một khối lượng lớn công việc. Trong vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam, những kế hoạch nông nghiệp rộng lớn đã được thực hiện và nhiều cuộc bầu cử đã được tổ chức để thành lập chính quyền địa phương, cuộc bầu cử tháng 11 năm 1968 đã được hoàn thành trong 17 tỉnh, 5 thành phố và 38 huyện ở miền Nam Việt Nam.

Theo ước tính và thống kê của nhà nghiên cứu sử học người Mỹ gốc Nga L.V. Kotov trong bài nghiên cứu American Aggression in Vietnam (Cuộc xâm lược của Mỹ ở Việt Nam) trên Bách khoa thư Farlex, thì cho đến thời điểm này, tổng số lực lượng vũ trang Hoa Kỳ chiến đấu chống Việt Nam là khoảng 60 vạn (đầu năm 1969). Mỹ đã sử dụng 37% trong tổng số Thủy quân Lục chiến của họ, 41% trong tổng số máy bay chiến đấu của lực lượng không quân chiến thuật, lên đến 20% trong tổng số lực lượng máy bay tấn công tàu sân bay, khoảng 30% trong tổng số trực thăng của lực lượng không quân, và hơn 20% trong tổng số máy bay ném bom chiến lược của họ để tiến hành các hành động quân sự tại Việt Nam.

Hơn 2 triệu tấn vật tư quân sự khác nhau đã được chuyển từ Mỹ đến Việt Nam mỗi tháng trong thời gian 1968-1969. Từ khởi điểm cuộc chiến cho đến cuối năm 1968, không quân Mỹ đã thực hiện trên 90.000 phi vụ không kích miền Bắc Việt Nam, vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, và cả Lào, và đến thời điểm đó họ đã sử dụng khoảng 2,3 triệu tấn bom. Đồng thời, quân xâm lược đã thực hiện hơn 500 hoạt động Tìm và Diệt, với các lực lượng khác nhau, từ một tiểu đoàn đến nhiều lữ đoàn.

Sự tổn thất của không quân Mỹ vào năm 1968 trung bình là hơn 70 máy bay một tháng, tổng cộng 3.243 máy bay đã bị bắn rơi trong khoảng thời gian từ ngày 5/8/1964 đến 31/10/1968. Cũng trong thời điểm này, 143 tàu chiến Mỹ bị đánh chìm hoặc hư hại. Đến giữa năm 1969, thương vong của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam, theo thống kê chính thức của Hoa Kỳ, đã đến hơn 3 vạn lính, tương đương số lính chết của Hoa Kỳ trong chiến tranh Triều Tiên và tương đương với thương vong của họ trong Thế chiến I.

Các chiến dịch chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam (1965-1972)

Chiến lược của người Mỹ trên chiến trường miền Nam chủ yếu là dùng bộ binh bình định vùng tạm chiếm và xâm chiếm vùng giải phóng. Còn ở miền Bắc thì họ áp dụng chiến lược chiến tranh phá hoại, sử dụng không quân và hải quân hủy hoại miền Bắc và thủ đô Hà Nội, phá hoại và gây tê liệt tiềm lực kinh tế và quân sự, phá hủy hệ thống giao thông, các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, hệ thống phòng không của Việt Nam, ngăn chặn miền Bắc tiếp viện cho miền Nam và cộng đồng xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam (bằng cách ném bom chiến lược dai dẳng vào cảng Hải Phòng), khủng bố tinh thần của quân dân Việt Nam đồng thời "lên dây cót" tinh thần đang sa sút của binh lính Mỹ-ngụy (bằng cách ném bom chiến lược dai dẳng vào thủ đô và các đô thị lớn ở miền Bắc VN, những khu dân cư đông người và các mục tiêu dân sự khác).

Nói chung, chiến tranh phá hoại không phải là cuộc chiến xâm lấn, chiếm đóng, mà là cuộc chiến phá hủy, hủy diệt, gây tê liệt, gây khó khăn cho đối tượng.

Chiến tranh phá hoại cũng được sử dụng ở vài nơi tại miền Nam nhưng không quy mô bằng chiến tranh đặc biệt và chiến tranh cục bộ. Và lực lượng được dùng để phá hoại, quấy rối, càn quét vẫn bộ binh là chủ yếu, máy bay quân sự của Mỹ ở miền Nam chủ yếu dùng cho không yểm, yểm trợ cho bộ binh dưới đất.

Chiến tranh phá hoại miền Bắc được Mỹ tiến hành từ giai đoạn cuối chiến tranh đặc biệt, được sử dụng nhiều cho việc phục vụ chiến lược chiến tranh cục bộ, hoạt động song hành, đan xen với chiến tranh cục bộ, và được áp dụng cả trong giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh, rồi đến năm 1972 mới chấm dứt.


"O du kích nhỏ", một tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Phan Thoan. Tác phẩm ra đời trong bối cảnh không quân Mỹ oanh tạc quyết liệt miền Bắc năm 1965. Trong hình là nữ du kích Nguyễn Thị Kim Lai và phi công Mỹ William Robinson. Khi xem hình này năm 1966, nhà thơ Tố Hữu lập tức "ứng khẩu thành thơ", liền vịnh ngay bức ảnh bằng 4 câu thơ: "O du kích nhỏ giương cao súng / Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu / Ra thế! To gan hơn béo bụng / Anh hùng đâu cứ phải mày râu!".

Trong số những vũ khí mới mà Hoa Kỳ đặc biệt chế tạo, phát triển cho Chiến tranh Việt Nam có cả các loại vũ khí dành cho chiến tranh phá hoại từ trên không, ví dụ bom định hướng bằng tia laser (LGB - laser-guided bomb).

Theo nhà nghiên cứu quân sự người Mỹ gốc Tiệp Khắc Jirka Wagner trong một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí quân sự American Heritage của Mỹ thì vũ khí định hướng bởi laser đã được Hoa Kỳ phát triển từ đầu những năm 1960. Không quân Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng ở Việt Nam từ năm 1968, vũ khí LGB của Mỹ đã tác xạ chính xác hơn rất nhiều so với các vũ khí không được laser định hướng. Vũ khí LGB đặc biệt rất hiệu quả đối với những mục tiêu tĩnh nhưng khó nhắm, khó bắn trúng như những chiếc cầu ở miền Bắc Việt Nam, mà trước đó mỗi khi Mỹ muốn phá hủy thì đều huy động nhiều máy bay dội bom, phóng tên lửa ồ ạt vào.

Khoảng 48% bom định hướng ném xuống Hà Nội và Hải Phòng trong thời gian 1972-1973 đã trúng đích, trong khi vài năm trước, chỉ có khoảng 5,5% bom không định hướng dội xuống cùng một khu vực là trúng đích.

Một trong những ví dụ rõ ràng nhất về sự lợi hại của những vũ khí và bom được laser định hướng là mục tiêu cầu Hàm Rồng, 70 cây số ở phía nam Hà Nội, là một địa điểm vượt sông Hồng quan trọng. Bắt đầu từ năm 1965, đã có 871 máy bay chiến đấu, máy bay oanh tạc của Mỹ tìm cách đánh sập cầu, tiêu diệt trọng điểm tiếp viện cho miền Nam này, họ bị lực lượng phòng không tinh nhuệ của Việt Nam đuổi đi hết, mất 11 pháo đài bay chiến lược B-52 mà không đạt được mục đích.

Năm 1972, cầu Hàm Rồng đã bị tấn công bởi bom LGB, và 14 chiếc máy bay rốt cuộc đã làm được điều mà 871 chiếc trước đây không làm được, họ đã thành công đánh sập cầu và diệt được một tuyến quan trọng chi viện cho miền Nam.


Cầu Hàm Rồng bị đánh sập bởi bom định hướng bằng tia laser (LGB - laser-guided bomb). Với loại bom mới này, 14 chiếc máy bay đã làm được điều mà 871 chiếc trước đây không làm được.

1. Chiến dịch Rolling Thunder (Sấm Rền)

Tháng 3 năm 1965, không quân Mỹ-ngụy và hải quân Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng chiến dịch Rolling Thunder (Sấm Rền). Suốt 3 năm từ 1965 đến 1968, theo tác giả Wayne Thompson trong sách To Hanoi and Back (Đến Hà Nội và Quay về) do Smithsonian Institute Press xuất bản năm 2002 và Carl Berger trong sách The United States Air Force in Southeast Asia (Không quân Hoa Kỳ ở Đông Nam Á) do Văn phòng Lịch sử Không quân, Washington DC xuất bản năm 1977, thì không lực Mỹ đã thực hiện 153.784 phi vụ tấn công miền Bắc Việt Nam, Thủy quân Lục chiến bồi thêm 152.399 phi vụ. Ngày 31/12/1967, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố trong chiến dịch Sấm Rền đã có 864.000 tấn bom Mỹ ném xuống Bắc Việt, so với khoảng 653.000 tấn bom trong suốt chiến tranh Triều Tiên và khoảng 503.000 tấn bom ném xuống mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II.

Theo hồ sơ Appraisal of the Bombing of North Vietnam (Thẩm định cuộc đánh bom Bắc Việt Nam) trong kho lưu trữ hồ sơ Chiến tranh Việt Nam "Vietnam Virtual Archive" của Đại học Texas Tech, thì ngày 1/1/1968, CIA ước tính rằng thiệt hại vật chất mà Bắc Việt phải chịu là lên đến 370 triệu USD, trong đó có 164 triệu USD thiệt hại về các tài sản quan trọng (nhà máy, cầu đường, và nhà máy điện). CIA còn ước lượng số thương vong đối với người Việt Nam ở miền Bắc mỗi tuần là khoảng 1 ngàn người, nghĩa là khoảng 90 ngàn thương vong trong thời gian 44 tháng, khoảng 72 ngàn trong số đó là dân thường.

Tuy gây nhiều thiệt hại cho miền Bắc Việt Nam, nhưng chiến dịch Rolling Thunder đã không chặn được dòng tiếp viện Bắc - Nam; ngược lại đẩy thêm phong trào chống chiến tranh ở Mỹ và trên thế giới. Mỹ thừa nhận mất gần 1 ngàn máy bay; gần 500 phi công bị bắt sống. Do bị tổn thất nặng nề và bị sức ép từ phong trào phản chiến, Hoa Kỳ đã chấm dứt hoạt động ném bom trên phía Bắc vĩ tuyến 19 từ tháng 4/1968 và trên toàn miền Bắc Việt Nam từ tháng 11/1968.

2. Chiến dịch Linebacker

Sau 3 năm tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, và 4 năm tạm ngưng, từ khoảng giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 năm 1972, Mỹ lại bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, kéo dài đến cuối tháng 10 cùng năm.

Không quân Mỹ-ngụy lần này do các tướng Melvin R. Laird, Thomas H. Moorer, John Dale Ryan, John C. Meyer, John W. Vogt, Jr chỉ huy. Bên phía Việt Nam về tổng thể do đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng Văn Tiến Dũng, Phùng Thế Tài, Lê Văn Tri, Hoàng Phương chỉ huy.

Để giải tỏa áp lực tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1972; Hoa Kỳ quyết định mở chiến dịch Linebacker, ném bom miền Bắc Việt Nam, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng, nhằm gây tê liệt và kiệt quệ miền Bắc, ngăn chặn các nước đồng minh viện trợ cho Việt Nam và miền Bắc chi viện cho miền Nam.

Lần này Hoa Kỳ đã tung ra những loại máy bay mới nhất và những đòn tiến công mạnh mẽ, ác liệt hơn so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (Rolling Thunder). Ngay ngày đầu tiên của cuộc chiến, thủ đô của Việt Nam đã bị đánh phá ác liệt. Tổng kho xăng dầu Đức Giang bốc cháy hơn 1 tuần. Lần đầu tiên Hải Phòng bị pháo đài bay chiến lược B-52 rải thảm. Các cuộc oanh tạc Hà Nội và Hải Phòng cùng những hoạt động phóng ngư lôi phong tỏa các hải cảng ở miền Bắc Việt Nam, do tổng thống Richard Nixon ra lệnh vào tháng 5 để trả đũa chiến dịch Xuân - Hè 1972, đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế ở miền Bắc Việt Nam. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa từ bên ngoài vào miền Bắc, cũng như các hoạt động tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam Việt Nam bị suy giảm rõ rệt.

Ngoài hai trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng, không quân Mỹ-ngụy còn tấn công ác liệt khắp miền Bắc. Cơ sở hạ tầng của miền Bắc từ đường bộ, đường sắt, cầu, cảng, nhà máy, cơ sở sản xuất cho đến đê điều đều bị tàn phá nặng nề. Phía Mỹ có hơn 1 ngàn máy bay các loại bị bắn hạ. Trong số các máy bay bị bắn rơi có 34 chiếc B-52, 4 chiếc F111. Sau khi bị thiệt hại nặng nề, Mỹ tạm ngưng chiến dịch Linebacker, chuyển trọng tâm vào hội nghị Paris về Việt Nam.


Các em nhỏ Hà Nội trước hầm chữ A tại nơi sơ tán

3. Chiến dịch Linebacker II - Điện Biên Phủ trên không

Ngày 18/12/1972, Hoa Kỳ mở chiến dịch Linebacker II, nhằm tàn phá miền Bắc Việt Nam với trọng tâm chiến lược ở thủ đô Hà Nội. Ý đồ chiến lược của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ là tấn công dồn dập bằng pháo đài bay B-52, máy bay ném bom tối tân nhất thế giới, dùng sức mạnh và biện pháp không hạn chế đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của Việt Nam, để gỡ thế thất bại ở miền Nam và ép Việt Nam phải chấp nhận những điều kiện của họ trong hội nghị Paris về Việt Nam.

Chiến dịch này còn được giới dân sự Mỹ gọi là The December Raids (Cuộc bắn phá tháng 12) hoặc là The Christmas Bombings (Rải bom lễ Giáng sinh), một số người còn ví von gọi là "The nightmare before Christmas" (Cơn ác mộng trước Giáng sinh).

Tại Việt Nam, sự kiện này ban đầu được gọi giản dị là "cuộc chiến 12 ngày đêm", ngay sau đó một số báo Pháp đưa tin về việc này, đã ví trận thắng này như trận thắng Điện Biên Phủ ở trên không trung. Từ đó khái niệm "Điện Biên Phủ trên không" được báo chí Việt Nam thấy hay nên sử dụng đến nay.

Phía Hoa Kỳ do hai tướng John Dale Ryan (Thành viên của Bộ tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ - JCS, cố vấn cao cấp của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ và Hội đồng An ninh Quốc gia, lập nhiều chiến công thành tích trong Thế chiến II) và John W. Vogt Jr (nguyên Tư lệnh lực lượng Đồng minh ở mặt trận Trung Âu trong Thế chiến II, Tổng tư lệnh Không quân Hoa Kỳ ở châu Âu) chỉ huy.

Phía Việt Nam về cơ bản do ba tướng Văn Tiến Dũng, Phùng Thế Tài, Lê Văn Tri chỉ huy. Hầu hết toàn bộ quân dân Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc đều tham chiến, trong đó một bộ phận không nhỏ nữ binh và bạch đầu quân (lính tóc bạc, những cụ già cầm súng chống giặc).

Không chỉ có miền Bắc chống lại chiến dịch Linebacker II của Mỹ, mà đồng bào miền Nam cũng góp sức chống lại chiến dịch này bằng những trận đánh để "rửa hận cho miền Bắc". Ngay từ những ngày đầu không quân Mỹ đánh bom miền Bắc, đông đảo cán bộ đảng viên và quân dân miền Nam đều cảm thấy khó chịu, trăn trở, phê bình nhau: "Tại sao giặc Mỹ hỗn láo đánh miền Bắc mà ta trừng trị kém như vậy?"

Nhưng do thực lực của quân kháng chiến miền Nam lúc đó vẫn đang trong quá trình phục hồi, xây dựng, hoàn thiện lại kể từ chiến dịch Mậu Thân, không còn mạnh như trước Mậu Thân 1968, và lục quân Mỹ vẫn còn đầy đủ ở đây, nên miền Nam lúc đó không dễ mở những chiến dịch quân sự lớn, mà chủ yếu đánh du kích. Tuy nhiên, các lực lượng biệt động, dân quân - tự vệ Sài Gòn đã có những trận đánh vào Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, một số nơi có Mỹ-ngụy ở Sài Gòn, để phục thù cho đồng bào miền Bắc.

Trong 12 ngày đêm xâm phạm không phận và tung hoành trên vùng trời Hà Nội, lực lượng không quân thiện chiến của Mỹ đã ném xuống hơn 36.000 tấn bom. Không quân Mỹ đã dội bom bừa bãi vào nhà cửa, nhà thương, nhà máy, trường học, di tích lịch sử, đền thờ, nhà thờ, chùa chiền v.v. Những đợt tấn công này đã gây thương vong cho hàng chục ngàn dân lành, hủy diệt hoàn toàn hàng ngàn nhà dân và hàng trăm trường học, bệnh viện, rạp hát, chùa miếu, di tích lịch sử.... Tại Hà Nội, khu phố Khâm Thiên hoang tàn nhất, bị hủy diệt hoàn toàn.

Tất cả số nhà máy điện đều bị đánh phá gây thiệt hại nặng, 1.500/1.600 công trình thủy lợi và gần 100 km đê xung yếu bị hư hại; Hầu hết cầu cống quan trọng và toàn bộ 6 tuyến đường sắt đều bị đánh hỏng; 3/6 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên) và 23/30 thị xã, 96/116 thị trấn, 3.987/5.788 xã, 350 bệnh viện, gần 1.500 bệnh xá, 1.300 trường học bị tàn phá nặng nề; trong đó có 12 thị xã, hơn 300 xã, 10 bệnh viện, 11 ga xe lửa đầu mối bị hủy diệt hoàn toàn.

B-52 được xem là một "bửu bối" không thể chiến bại của không lực Hoa Kỳ. Tên chính thức của nó là "Pháo đài chiến lược Boeing B-52", là một loại máy bay oanh tạc chiến lược phản lực. Do giá thành tốn kém (53,4 triệu USD mỗi chiếc, theo thời giá năm 1972) và số lượng khiêm tốn (từ xưa tới nay chỉ có 744 chiếc được sản xuất), nên nó chỉ được dùng để thả các vũ khí quy ước trong các cuộc chiến tranh thực tế. B-52 là loại máy bay ném bom có tầm bay xa không cần tiếp nhiên liệu dài nhất trong các loại máy bay trên thế giới, và mang được nhiều tấn vũ khí nhất, đến 27 tấn vũ khí.

Với tầm bay cao, được bảo vệ bởi nhiều máy bay tiêm kích và hệ thống gây nhiễu điện tử hiện đại, có thể nói B-52 là một pháo đài bay không thể bị bắn trúng. Đặc biệt, nhiễu điện tử của không quân Mỹ như một bức màn chắn đã gây khó khăn lớn cho bộ đội phòng không.

Chiến dịch ném bom vô nhân đạo này đã bị phản đối quyết liệt khắp thế giới, kể cả những nước đồng minh lâu năm, thân cận của Hoa Kỳ, dư luận nhiều nước gây áp lực để chính phủ của mình chính thức lên án cuộc ném bom. Báo Le Monde (Paris, Pháp) so sánh cuộc ném bom này với cuộc ném bom hủy diệt Guernica do Đức Quốc Xã thực hiện ở Tây Ban Nha. Tờ báo lớn nhất của Anh, the Daily Mirror, bình luận: "Việc Hoa Kỳ quay lại ném bom Bắc Việt Nam đã làm cho cả thế giới lùi lại vì ghê sợ".

Các chính phủ Anh, Ireland, Ý và Thụy Điển đều lên tiếng. Một trong những phản ứng dữ dội nhất là của thủ tướng Thụy Điển Olof Palme, ông đã lên án cuộc ném bom là một tội ác chống nhân loại trên quy mô ngang với các tội ác diệt chủng kiểu phát xít Đức. Ông còn đích thân đến một cửa hàng tổng hợp để thu thập chữ ký cho một kiến nghị toàn quốc đòi chấm dứt ném bom, để gởi tới tổng thống Mỹ Richard Nixon.


Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme dẫn đầu đoàn biểu tình đòi Mỹ chấm dứt ném bom Việt Nam.

Tại Hoa Kỳ, nhiều thành phần diều hâu từng ủng hộ cuộc ném bom trong chiến dịch Linebacker I, bây giờ chất vấn cả sự cần thiết và tính tàn bạo nghịch thường của Linebacker II. Mười sáu phi công đã gởi đơn khiếu nại lên Bộ chỉ huy xin không bay; 45 gia đình gởi thơ chất vấn về trạng thái tinh thần phi công. Nhiều nơi đã xảy ra binh biến, nội loạn trong quân đội Mỹ.


Bất chấp những cuộc trấn áp, thảm sát tại Đại học Tiểu bang Kent và các thành phố ở California trước đó, nhân dân và sinh viên Mỹ vẫn xuống đường biểu tình đòi chính phủ chấp nhận ký vào hiệp định Paris.

Sau 12 ngày đêm quyết chiến, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay ném bom chiến lược B-52, và số phận của chiến dịch Linebacker II đã được định đoạt, cường độ tập kích của B-52 giảm hẳn, B-52 dạt ra đánh Thái Nguyên và các mục tiêu hạng hai để tránh "tọa độ lửa" Hà Nội, Hải Phòng.... Tổng thống Nixon ra tín hiệu đề nghị nối lại đàm phán và ngày 30 tháng 12 đã ra lệnh chấm dứt chiến dịch ném bom, quay lại đàm phán tại Paris và chấp nhận phương án cũ của hiệp định Paris mà phía Mỹ trước đó đã từ chối ký kết.

Sau trận này, khí thế của quân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam-Bắc dâng lên rất cao. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới đánh bại được "thần tượng B-52". Và sau năm 1975 đến nay, với khoa học kỹ thuật công nghệ quân sự thế giới tiên tiến hơn, cũng vẫn chỉ có 1 máy bay B-52 bị bắn hạ trong chiến tranh Vùng Vịnh 1991.

Tham khảo thêm: Hùng ca Điện Biên Phủ trên không và những thế cờ chiến lược

Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam (1968-1973-1975)

Sau khi thất bại trong chiến lược chiến tranh cục bộ, đặc biệt sau chiến dịch Mậu Thân, gần như cả thế giới, trong đó có cả nhân dân Mỹ thúc ép chính phủ Mỹ sớm đưa lính Mỹ, đưa người thân của họ về nước.

Những thất bại quân sự và chính trị của Mỹ trong thời gian này đã tác động mạnh đến tình hình Liên bang Hoa Kỳ, tổng thống Richard Nixon trong ngày nhậm chức tổng thống Mỹ đã phải than rằng: "Nước Mỹ đang có khủng hoảng về tinh thần, mắc kẹt trong chiến tranh, cấu xé và chia rẽ nội bộ. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã gây ra căng thẳng gay gắt với nước Mỹ không riêng về mặt kinh tế, quân sự mà cả xã hội cũng như chính trị. Sự bất đồng cay đắng đã xé rách cơ cấu đời sống tinh thần nước Mỹ và bất kể kết quả chiến tranh như thế nào, vết xé rách vẫn còn lâu mới lành".

Để cứu vãn tình hình bi đát của Mỹ trong khi các lực lượng chiến đấu của họ ngày càng lún sâu vào trong "vũng lầy Việt Nam" và ngày càng có nhiều lính Mỹ chết trận, tổng thống Nixon sau nửa năm cầm quyền đã đề ra chiến lược De-Americanization (Phi Mỹ hóa) các hoạt động quân sự trên chiến trường Việt Nam.

Ban đầu Nixon và các nhà lãnh đạo Mỹ định dùng danh từ De-Americanization. Nhưng sau đó bộ trưởng quốc phòng Melvin Laird cho rằng danh từ này đã gián tiếp thừa nhận việc Hoa Kỳ đã xâm lược Việt Nam, thú nhận lộ liễu vai trò đầu não, trung tâm, và trách nhiệm chính của họ trong cuộc chiến. Do đó, ông đề nghị dùng một danh từ nào đó không nhắc gì đến Mỹ. Theo đó, cái tên mới "lờ Mỹ sang một bên" là Vietnamization (Việt Nam hóa) đã được sử dụng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin R. Laird khi đó đã miêu tả chính sách này trong tài liệu công khai của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ như sau: Expand, equip, and train South Vietnam's forces and assign to them an ever-increasing combat role, at the same time steadily reducing the number of U.S. combat troops. (Phát triển, trang bị, và huấn luyện quân đội Nam Việt Nam và phân công họ ngày càng nhiều vai trò chiến đấu hơn, đồng thời đều đặn giảm bớt số lượng của quân nhân chiến đấu Mỹ.)

Việt Nam hóa chiến tranh nói chung là sự tiến hành chiến tranh bằng người Việt Nam, nói cụ thể hơn là một chiến lược chiến tranh của Hoa Kỳ nhằm từng bước chuyển giao lại vai trò thực hành quân sự cho đại quân ngụy, từng bước biến các cuộc chiến giữa người Mỹ và người Việt thành giữa người Việt với nhau, dùng người Việt đánh người Việt, "thay màu da trên xác chết" (nghĩa là thay xác chết da trắng bằng xác chết da vàng, nguyên bản câu nói của đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker, làm việc ở Việt Nam từ năm 1967 đến 1973, về chương trình Việt Nam hóa chiến tranh là: "Thay đổi màu xác chết"). Đại quân Sài Gòn bị đẩy ra thực hành chiến tranh thay cho Mỹ. Tương tự chiến lược (Da) vàng hóa chiến tranh mà Pháp đã thực hiện từ năm 1949 trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Chiến lược chiến tranh Việt Nam hóa, về mặt chính trị, là một quá trình từng bước chuyển cuộc chiến tranh xâm lược có vài yếu tố của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ (chính quốc chỉ huy, huấn luyện, xây dựng, phát triển ngụy quân, như trong thời Pháp thuộc và kháng chiến chống Pháp) trong giai đoạn chiến tranh đặc biệt, và có nhiều yếu tố của chủ nghĩa thực dân cũ (chính quốc trực tiếp chiến đấu và quản lý, tự đánh, tự làm, như thời Pháp thuộc và kháng chiến chống Pháp) trong chiến tranh cục bộ, sang một cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới đúng nghĩa hơn (ngụy quân tự quản về thực hành quân sự, chính quốc chỉ đóng vai trò lãnh đạo chung, kiểm soát chính trị và ngoại giao, trang bị, cung cấp, nuôi dưỡng, đứng sau chống lưng và giám sát, kiểm soát từ bên ngoài).

Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh mà Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam thực tế có 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu là từ năm 1968 đến năm 1973. Giai đoạn này được gọi chính xác là quá trình Việt Nam hóa chiến tranh. Và trong quá trình này thì vẫn còn yếu tố quân sự Mỹ và vẫn còn các yếu tố quân sự của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ (chính quốc chỉ huy và tham chiến).

Giai đoạn sau năm 1973 đến 1975 là giai đoạn kết thúc chiến tranh, là giai đoạn chiến lược "đánh cho ngụy nhào" theo lời dặn của Bác Hồ. Đây là giai đoạn quân dân Việt Nam đấu tranh chống sản phẩm dở dang của Việt Nam hóa chiến tranh, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới đúng nghĩa hơn (Mỹ không còn trực tiếp tham gia quân sự, mà chỉ đóng vai trò trang bị, cung cấp, giám sát và lãnh đạo cuộc chiến về mặt chính trị), không còn các yếu tố của chủ nghĩa thực dân kiểu cổ điển (chính quốc chỉ huy, quản lý, trực tiếp đánh).

Việt Nam hóa chiến tranh còn là một chương trình từ Học thuyết Nixon, do tổng thống Mỹ Richard Nixon đề ra để thay cho chiến lược chiến tranh cục bộ của người tiền nhiệm Lyndon B. Johnson vốn đã phá sản. Loại hình chiến tranh này trong thời kỳ đầu vẫn có sự phối hợp của một bộ phận đáng kể lực lượng chiến đấu Mỹ và vẫn do Mỹ chỉ huy bằng hệ thống "cố vấn". Rồi về sau quân viễn chinh Mỹ và đồng minh mới rút dần khỏi chiến trường, đồng thời tăng cường ngụy quân bản xứ để giảm thương vong cho người Mỹ trên chiến trường. Thực hiện chiến lược "dùng người Việt đánh người Việt".

Ngày 18 tháng 2 năm 1970, tổng thống Richard Nixon công bố 3 giai đoạn của chính sách Việt Nam hóa chiến tranh:

  • Hoàn thành ba bước chuyển giao nhiệm vụ chiến đấu trên bộ cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa, rút dần Lục quân Hoa Kỳ ra khỏi chiến trường Việt Nam.
  • Chuyển giao nhiệm vụ trên không cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa, xây dựng, trang bị, hoàn thiện quân đội này để nó đủ khả năng chiến đấu ngang sức với Việt Cộng và Bắc Việt, giữ vững được Nam Việt Nam trong tầm kiểm soát của Hoa Kỳ, bán đảo Đông Dương trong quỹ đạo của Hoa Kỳ, và khu vực Đông Nam Á trong tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
  • Hoàn tất những mục tiêu còn lại. Củng cố kết quả đã đạt được.


Trong ba giai đoạn đó, theo Nixon và giới quân sự Mỹ, giai đoạn 1 (dự kiến thực hiện từ năm 1969 đến giữa năm 1972) là giai đoạn quan trọng nhất được chia làm 3 bước thực hiện:

  • Từ năm 1969 đến giữa năm 1970: Bình định một số vùng đông dân quan trọng. Xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở Việt Cộng. Rút một số đơn vị chiến đấu Hoa Kỳ ra khỏi chiến trường Việt Nam. Khống chế và đẩy lùi quân Việt Cộng, làm cho Việt Cộng không hoạt động được ở quy mô từ đại đội trở lên.
  • Từ giữa năm 1970 đến giữa năm 1971: Bình định được tất cả các vùng đông dân quan trọng. Phân tán nhỏ lực lượng Việt Cộng, khiến họ không hoạt động được từ cấp đại đội trở lên ở những vùng căn cứ. Hoàn thành kế hoạch hiện đại hóa quân đội Việt Nam Cộng hòa, rút phần lớn quân đội Hoa Kỳ về nước.
  • Từ giữa năm 1971 đến giữa năm 1972: Cơ bản bình định xong cả miền Nam. Lực lượng vũ trang cộng sản Nam Việt Nam không còn hoạt động được ở các vùng căn cứ trên biên giới Lào, Campuchia, quân đội Việt Nam Cộng hòa đủ sức đương đầu với quân đội cộng sản Bắc Việt Nam. Rút lực lượng chiến đấu trên bộ của Mỹ về nước, chỉ duy trì các sĩ quan "cố vấn" quân sự với vai trò chỉ huy tác chiến.


Thực hiện kế hoạch chiến lược trên, Hoa Kỳ đề ra 5 biện pháp:

  • Xây dựng quân đội Việt Nam Cộng hòa thành một lực lượng mạnh, hiện đại, đủ năng lực giao tranh ngang sức với lực lượng vũ trang Bắc Việt và Việt Cộng.
  • Củng cố chính quyền các cấp của Việt Nam Cộng hòa, tăng cường viện trợ kinh tế.
  • Tập trung toàn lực hoàn thành chương trình bình định, hành quân sang Lào và Campuchia để tấn công các căn cứ Việt Cộng tại đây.
  • Tập hợp liên minh chống cộng khu vực, biến miền Nam Việt Nam thành một tiền đồn chống cộng cho Hoa Kỳ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
  • Chặn đứng các nguồn tiếp tế cho cộng sản miền Nam, xúc tiến hoạt động ngoại giao để kiềm chế, cô lập Việt Cộng.


Thời kỳ đầu của giai đoạn Phi Mỹ hóa - Việt Nam hóa chiến tranh, bộ binh Mỹ còn giữ vai trò chiến đấu chính. Quân Mỹ và đồng minh trong năm đầu (1969) đạt đến con số cao nhất trong giai đoạn chiến lược mới này, với hơn 50 vạn quân Mỹ và 7 vạn quân đồng minh, là chỗ dựa của quân ngụy và chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Quân ngụy Sài Gòn lúc này thường bị Mỹ đưa ra phía trước và sử dụng như một lực lượng xung kích đi đầu đánh tiên phong.

Đây cũng là giai đoạn Việt Nam và Hoa Kỳ "vừa đánh vừa đàm". Đánh nhau trên chiến trường Đông Dương, chiến sự lan rộng ra cả Lào và Campuchia, và đàm phán với nhau trong hội nghị Paris về Việt Nam. Trong những năm đầu chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, lực lượng cách mạng có những tổn thất và khó khăn, một mặt do giặc gây ra, mặt khác do phía Việt Nam chủ quan trong việc đánh giá địch, chậm trễ trong việc đề ra các biện pháp đối phó hữu hiệu.

Nhưng các khó khăn của Việt Nam đã từng bước được khắc phục. Thắng lợi chính trị mở đầu giai đoạn chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh là sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, với vai trò của một chính phủ tạm thời đại diện hợp pháp của người dân miền Nam Việt Nam. Vừa ra mắt đồng bào và quốc tế thì Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được 23 quốc gia công nhận, trong đó có 21 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao.

Thực hiện lời chúc Tết năm 1969 của Bác Hồ: "Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", và di chúc của Người để lại trước khi qua đời, quân dân ba miền Việt Nam đã cố gắng biến đau thương thành sức mạnh, ra sức chiến đấu chống Mỹ cứu nước.

Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập

Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thời đó còn được một số người gọi là chính phủ Tây Ninh, là một chính thể cách mạng lâm thời do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập vào năm 1969, sau khi Mỹ thực hiện kế hoạch "Phi Mỹ hóa - Việt Nam hóa chiến tranh", đây là chủ bài của Việt Nam để đối phó với quân bài "Việt Nam Cộng hòa" của Mỹ trên bình diện pháp lý quốc tế, đặc biệt trong trường hợp Mỹ muốn "lấy thịt đè người", dùng ngụy quyền của mình để ngụy tạo "số đông" 2 chọi 1 trên bàn đàm phán trong hội nghị Paris về Việt Nam.


Quân Giải phóng đi qua cầu khỉ

Miền Nam có vùng giải phóng thuộc quyền kiểm soát, quản lý của Việt Nam, và vùng tạm chiếm thuộc quyền kiểm soát của Mỹ và quản lý danh nghĩa của các ngụy quyền địa phương. Thực trạng này ở miền Nam Việt Nam được người Mỹ gọi là "mảnh da báo".

Xuất phát từ thực trạng đó, một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh chống xâm lược Mỹ ở Việt Nam đã bắt đầu với việc ra mắt Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào năm 1969.

Nhà nghiên cứu sử học người Mỹ gốc Nga L.V. Kotov trong bài nghiên cứu American Aggression in Vietnam (Cuộc xâm lược của Mỹ ở Việt Nam) trên Bách khoa thư Farlex, đã viết về sự thành lập này như sau: "Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế cần một chính phủ thống nhất tạm thời ở miền Nam để thay thế cho các chính quyền dân cử địa phương, các cơ quan tự quản từ các cấp xã, thôn, tỉnh, vốn trước đó đã được dân địa phương thành lập để thay thế các bộ phận hành chính con rối của Mỹ, để giải quyết việc hành chính trong những vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam.

Như vậy Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập từ nhu cầu thực tế của quân dân miền Nam, chứ không hẳn chỉ là một giải pháp, nghệ thuật, đòn phép chính trị như kiểu Pháp - Mỹ thành lập các chính quyền tay sai của họ.

Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 6 năm 1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã bầu ra Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch, Hội đồng Cố vấn Chính phủ do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch. Tháng 6/1969 đến tháng 11/1975 đã có 23 nước công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong đó có 21 nước đã đặt quan hệ ngoại giao.

Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam có cả quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam. Chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam được tổ chức ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và thành phố, cấp huyện và cấp xã. Các cấp địa phương đều có Hội đồng nhân dân cách mạng và Ủy ban nhân dân cách mạng.


Giấy bạc Việt Nam in ấn trong vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam.

1. Cuộc nổi dậy xuân Kỷ Dậu 1969

Đúng 180 năm sau chiến thắng lịch sử xuân Kỷ Dậu 1789 của vua Quang Trung trước giặc Thanh xâm lược, quân Giải phóng đã noi gương quân Tây Sơn, tiến hành một cuộc tấn công đồng loạt vào hơn 400 mục tiêu của giặc Mỹ ở miền Nam Việt Nam.


Thơ Chúc Mừng Năm Mới của Bác Hồ năm 1969 do Ban Tuyên huấn Sóc Trăng in và phát hành rộng rãi trong nhân dân thời bấy giờ

Xuân Kỷ Dậu 1969, quân dân miền Nam Việt Nam đã mở đợt tổng tấn công đồng loạt vào trên 400 mục tiêu của Mỹ ở 36 thành phố, thị xã, hơn 100 quận lỵ, thị trấn, 35 sở chỉ huy, 38 sân bay, 17 khu hậu cần lớn.

Sau hơn 1 tháng chiến đấu, quân dân miền Nam đã gây thương vong cho hơn 5 vạn lính Mỹ và hơn 4 ngàn lính đồng minh của Mỹ, trong đó đa phần là lính Hàn Quốc; tiêu diệt và làm tiêu hao nặng 35 tiểu đoàn và đơn vị hỗn hợp ngang tiểu đoàn, 160 đại đội Mỹ-ngụy và đồng minh; bắn rơi và phá hủy khoảng 1.600 máy bay các loại, phá hủy khoảng 2.900 xe quân sự; bắn chìm và bắn cháy 275 tàu, xuồng chiến đấu; phá hủy khoảng 530 khẩu pháo và súng cối; thiêu hủy và phá nổ khoảng 270 kho bom đạn, xăng dầu và phương tiện chiến tranh v.v. Ngoài hoạt động quân sự, Đảng bộ và người dân còn nổi dậy phá ách kìm kẹp, giành chính quyền ở nhiều ấp, xã trong tỉnh.

Thắng lợi to lớn và toàn diện của quân dân miền Nam trong những ngày đầu xuân Kỷ Dậu 1969 đã giáng những đòn khá đau vào chiến lược tác chiến Quét và Giữ của tổng tư lệnh liên quân mới Creighton Abrams, vào kế hoạch "bình định cấp tốc" của Mỹ-ngụy, và làm cho ngụy quân, ngụy quyền càng xuống tinh thần và ý chí xâm lược của người Mỹ vốn đã rất lung lay sau chiến dịch Mậu Thân, nay lại càng lung lay hơn.

2. Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và những đội quân "chuột bạch"

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào là một chiến dịch của quân Giải phóng nhằm chống lại cuộc hành quân năm 1971 của Mỹ-ngụy mà báo chí Sài Gòn gọi là "chiến dịch Lam Sơn 719" hay "chiến dịch Hạ Lào". Nó là một chiến dịch quân sự của Mỹ-ngụy theo công thức bộ binh ngụy - vũ khí Mỹ - không yểm và hỏa lực Mỹ. Chiến dịch này do quân ngụy trực tiếp đi đầu tham chiến dưới sự yểm trợ hỏa lực từ không quân và pháo binh Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã đưa lính ngụy xuống vùng rừng thiêng nước độc Hạ Lào với hai mục tiêu:

  • Phá vỡ hệ thống hậu cần của quân đội Việt Nam tại Lào, công phá và cắt đứt đường vận tải chiến lược tại khu vực đường 9 và thị trấn Tchepone nằm cách biên giới Việt - Lào 42 km về phía Tây.
  • Thử nghiệm khả năng tự chiến đấu của quân ngụy trong một trận đánh không có bộ binh Mỹ, và trong tình huống Mỹ tiếp tục rút quân dần ra khỏi chiến trường Việt Nam. Đây là một thử nghiệm về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và năng lực tự thân tác chiến của ngụy quân, thử xem họ có biết đánh, có đánh được hay không.


Nói chung, người Mỹ đưa quân ngụy vào khu vực "đất thánh cộng sản" này và cho lính ngụy đánh thử là để đem lính ngụy ra làm "thí nghiệm", sau đó quan sát, đánh giá xem lính ngụy có biết đánh, có đánh được hay không.

Kết quả khi không có bộ binh Mỹ thì bao nhiêu "trình độ" và sự vô dụng, yếu ớt của quân đội ngụy bộc lộ ra hết, cộng với sự chiến đấu khéo léo biết tận dụng địa hình địa lợi của quân Giải phóng, cũng như phong thổ thất thường, địa lý hiểm trở của vùng rừng thiêng nước độc Hạ Lào, nơi được nhiều người gọi là "vùng đất chết", nên chiến dịch này dù cho có tướng Mỹ James W. Sutherland, Jr. chỉ huy không yểm và pháo binh yểm trợ, vẫn trở thành một thảm họa đối với quân ngụy. Quân ngụy đã bị tổn thất nặng, hơn 2 vạn quân bị loại khỏi vòng chiến, làm suy sụp tinh thần Mỹ-ngụy. Việt Nam hóa chiến tranh, chiến lược mà nhiều quan chức Mỹ coi là phương cách tốt nhất để Mỹ hoàn thành rút quân, đã có những thất bại ban đầu.


Quân ngụy tháo chạy sau khi bị quân Giải phóng đánh bại trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Công thức tác chiến "bộ binh ngụy - vũ khí Mỹ - không lực và hỏa lực Mỹ" đã phá sản trong sự kiện Hạ Lào 1971.

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào còn đánh dấu bước phát triển mới của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong chiến dịch này, quân Giải phóng đã bỏ chiến thuật du kích và tiến hành phản công theo kiểu chiến tranh quy ước, nâng chiến tranh du kích lên chiến tranh cách mạng, quân Giải phóng đã mở các đợt tấn công lớn bằng bộ binh với yểm trợ của thiết giáp và pháo binh hạng nặng để đè bẹp các vị trí của quân ngụy. Sự hiệp đồng tác chiến ăn ý của hỏa lực phòng không đã khiến cho sự yểm trợ không quân chiến thuật và tăng viện bằng không quân của Mỹ bị vô hiệu hóa.

Quân Giải phóng đã dự đoán sẵn một nỗ lực quân sự tiếp theo tất yếu của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, và bày binh bố trận chờ giặc. Trong thời gian đầu của chiến dịch, quân Giải phóng còn cố gắng tìm cách giấu lực lượng để dụ địch tiến sâu vào trận địa phía Tây, chỉ đến khi không còn giữ được bí mật, mới tiến hành trận đánh đại phá bản Đông, cho thấy quân ngụy thất bại "từ trong trứng". Hoặc theo một cách lập luận khác, ngụy quân đã biết chắc thất bại nhưng vẫn phải đi vào vùng "đất chết" vì những lý do chính trị, vì đó là ý của Mỹ, như lời của ông Nguyễn Văn Thiệu: "Chỉ cần đến Tchepone rồi về".

Đó cũng là nguyên nhân trong chiến dịch này các đơn vị lính ngụy thiện chiến nhất trong quân trường Mỹ-ngụy đều hầu như không có tinh thần chiến đấu, như là một bầy chuột bạch bị ông chủ xua, lùa, đẩy xuống vực sâu mà vẫn phải đi vì không có sự chọn lựa nào khác. Châm ngôn Trung Hoa có câu: "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung" (Vua muốn bầy tôi đi chết, nếu không chết sẽ là không trung thành).


Tại Việt Nam, quân xâm lược thường gọi ngụy binh là "đồng minh" và chiến đấu nhân danh "bảo vệ đồng minh". Nhưng kẻ "được bảo vệ" sẽ phải ra trận ở vị trí nguy hiểm nhất, làm "bia thịt" đỡ đạn chết trước, còn "người bảo vệ" sẽ ở vị trí an toàn hơn.

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào cũng đã vĩnh viễn làm thay đổi kỹ thuật quân sự Hoa Kỳ và thế giới. Trước đây, chiến thuật Trực thăng vận thật ra đã bộc lộ phần nào nhược điểm, bị quân Việt Nam "bắt bài", song chưa có gì rõ ràng lắm, nhưng đến chiến dịch này nhược điểm của Trực thăng vận đã thể hiện rõ trong một chiến dịch đại bại ấn tượng.

Lúc này thực tế chiến trường Việt Nam đã đưa đến những mâu thuẫn trong Bộ quốc phòng Mỹ và giới quân sự quốc tế về xu hướng hiện đại hóa kỹ thuật quân sự. Người thì cho rằng xe tăng mới là vua chiến trường, người khác lại cho rằng trực thăng vũ trang vẫn là bà chúa chiến trường. Chiến dịch Đường 9 Nam Lào sau này đã được giới khoa học quân sự Mỹ nghiên cứu kỹ càng, và đã nhìn nhận lại vị trí, vai trò của trực thăng vũ trang. Tờ Người Quan Sát Mới (Pháp) ngày 29/3/1971 bình luận: "Ý nghĩa sâu sắc của cuộc hành quân Lam Sơn 719 là chỉ ra thất bại lớn đầu tiên của loại máy móc từ trước đến nay vẫn được giới quân sự Mỹ dương dương tự đắc trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam - đó là máy bay trực thăng".

Kể từ sau cuộc hành quân Hạ Lào và sau Chiến tranh Việt Nam, từ đó về sau trực thăng quân sự được sử dụng ở tiền tuyến là loại máy bay chở ít người, bọc giáp tốt, chống tăng tốt, gọi là "trực thăng tấn công". Những loại có vỏ giáp mỏng và vũ trang yếu được lùi về tuyến sau để tham gia vận tải là chính. Ngày nay trực thăng không còn được sử dụng như xe bọc thép chở quân nơi tiền tuyến, chiến thuật Trực thăng vận lừng danh một thời của Mỹ đã bị quân dân Việt Nam làm cho "thất truyền".

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào cũng làm nổi nên vấn đề tồn tại từ lâu trong nghệ thuật pháo binh về pháo 175 mm tự hành nòng dài tầm xa (M107). Pháo được sơn dòng chữ "vua chiến trường" trên nòng do tầm bắn xa và uy lực cực mạnh, nhưng không được bọc thép trong chiến đấu, cồng kềnh không tiện cho cơ động - trú ẩn, tốc độ bắn chậm, kém chính xác do tính toán và định vị yếu. Do vậy khi đấu pháo, M107 không chống lại được kiểu pháo xe kéo M-46 130mm dù có tầm bắn xa và sức công phá của đạn mạnh hơn. Ngày nay pháo này không còn được Hoa Kỳ sử dụng, được coi như một loại vũ khí phát triển chưa hoàn chỉnh.

3. Chiến dịch Xuân - Hè

Năm 1972, Quân đội Nhân dân Việt Nam mở chiến dịch Xuân - Hè (người Mỹ gọi là Easter Offensive), kéo dài đến đầu năm 1973. Đây là cuộc hiệp đồng tấn công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng tác chiến, tấn công sâu vào các hướng quan trọng của giặc. Nhóm chiến dịch Xuân - Hè 1972 bao gồm 3 chiến dịch nhỏ hơn:

  • Chiến dịch Trị - Thiên ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
  • Chiến dịch Bắc Tây Nguyên tại Đắc Tô, Tân Cảnh, Kon Tum.
  • Chiến dịch Nguyễn Huệ - chiến dịch giải phóng Lộc Ninh, Bình Long và dọc đường 13, miền Đông Nam Bộ.



Sơ đồ tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Xuân - Hè 1972

Ngày 30/3/1972, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở chiến dịch giải phóng Quảng Trị (chiến dịch Trị - Thiên) với hai sư đoàn 304 và 308. Quân đội Nhân dân Việt Nam từ miền Bắc có khoảng 3 vạn quân, cùng với khoảng 15 vạn quân Giải phóng ở miền Nam, theo đường 9 từ Lào vượt qua Khe Sanh, tiến vào thung lũng sông Thạch Hãn.

Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giải phóng nhanh thị xã Quảng Trị và Thành cổ, tiến đến bờ bắc sông Mỹ Chánh, uy hiếp Mỹ-ngụy ở Thừa Thiên-Huế. Mỹ-ngụy huy động gần như toàn bộ lực lượng dốc sức cướp lại Quảng Trị với công thức "bộ binh ngụy - vũ khí Mỹ - "cố vấn" Mỹ - không quân Mỹ - hải quân Mỹ - hỏa lực Mỹ""ngụy lên trước - Mỹ đứng sau". Hỏa lực và không yểm Mỹ bao gồm pháo hạm từ Hạm đội 7 và hơn 100 máy bay ném bom chiến lược B-52 và hơn 1 ngàn máy bay khác, liên tục dội bom, bắn phá QĐNDVN.

Do lâm vào thất thế và muốn chiếm lại Quảng Trị bằng mọi giá, Mỹ-ngụy đã rút quân bỏ ngỏ nông thôn, huy động hầu hết các lực lượng chủ lực chiếm lại những vùng đã mất, và huy động hầu hết các lực lượng trừ bị để giữ các thị xã khác. Nhân cơ hội đó, các lực lượng võ trang địa phương của Quân Giải phóng miền Nam đã mở các cuộc tấn công tại đồng bằng sông Cửu Long và quanh Sài Gòn, gây tổn thất lớn cho giặc.

Trận đánh 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị đã diễn ra vô cùng ác liệt và bi tráng, quân ngụy dưới sự đôn đốc và yểm trợ hỏa lực của Mỹ đã xông lên như những con thiêu thân không khác "chiến thuật biển người", Mỹ kết hợp pháo hạm trên biển, pháo trên bộ, và pháo đài bay từ trên không, dùng B-52 ném bom rải thảm, huy động bộ binh, lính Dù, Thủy quân Lục chiến ngụy tấn công dữ dội nhằm đánh bại trung đoàn 27 QĐNDVN, tái chiếm Thành cổ.

Từ 28/6/1972 đến 16/9/1972, trải qua 81 ngày đêm để chiếm Thành cổ Quảng Trị rộng 16 ha và cả thị xã Quảng Trị hơn 3 km2, Mỹ đã trút xuống đây hơn 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử. Hơn 80% thương vong của Quân đội Nhân dân Việt Nam là bởi các đợt oanh tạc và pháo kích của Mỹ, chỉ có một phần nhỏ là trong các cuộc đọ súng bộ binh với binh lính ngụy. Trung đoàn 27 QĐNDVN đã quyết bám đất chiến đấu đến những viên đạn cuối cùng và đến những người cuối cùng. Khi thoát ra ngoài cả một trung đội chỉ còn là một tiểu đội, chỉ còn khoảng 10 người sống sót. Thành cổ hầu như không còn nguyên vẹn, khắp nơi đầy máu người và vết bom đạn.

Sau đó, cuộc chiến tiếp diễn ở bờ bắc sông Thạch Hãn, tướng Creighton Abrams mở cuộc hành quân Tangocyti nhưng bị tổn thất nặng và không thu được kết quả nào. Quân đội Nhân dân Việt Nam không giữ được Thành cổ Quảng Trị, nhưng Mỹ-ngụy sau khi chiếm lại Thành cổ cũng đã kiệt quệ, không còn đủ sức chiếm lại Đông Hà và cảng Cửa Việt. Về quân sự, chiến thuật, QĐNDVN đã giành thêm được đất. Về chính trị, chiến lược, thì chiến dịch này góp phần dồn ép Hoa Kỳ vào thế yếu trong hội nghị Paris về Việt Nam.

Cũng vào ngày 30/3/1972, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến công vào khu vực phía bắc Tây Nguyên, các trận chiến diễn ra đẫm máu ở ven sông Poko, Đắc Tô - Tân Cảnh, thị xã Kon Tum. Ngày 9/6/1972, quân Giải phóng giết được trung tá John Paul Vann ở khu B1-Gia Lai. Chiến dịch Bắc Tây Nguyên kết thúc, QĐNDVN giải phóng được Đắc Tô - Tân Cảnh.

Ngày 31/3/1972, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến hành chiến dịch Nguyễn Huệ ở miền Đông Nam Bộ nhằm giải phóng một phần các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh làm nơi đóng trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và làm bàn đạp uy hiếp cơ sở đầu não của giặc ở Sài Gòn từ hướng Bắc và Tây Bắc.

Các trận đánh đã nổ ra quyết liệt ở Lộc Ninh, Xa Mát, Phước Bình, An Lộc, Đường 13. Cuối cùng, sư đoàn 7 Quân Giải phóng miền Nam tiến sâu xuống vùng trung tuyến, hiệp đồng tác chiến với lực lượng nổi dậy địa phương tiến công quân ngụy ở Bắc Bình Dương và Phú Hòa Đông, Củ Chi, đánh bại giặc, tiêu diệt chiến đoàn 8 của ngụy quân. Ngày 19/1/1973, sau 10 tháng ròng rã chiến đấu, chiến dịch Nguyễn Huệ đã kết thúc, quân Giải phóng thành công lập nên thế trận "da báo" ở miền Đông Nam Bộ, tạo ra sức mạnh và uy thế lớn trong hội nghị Paris về Việt Nam.


Một ví dụ sinh động về công thức "bộ binh ngụy - vũ khí Mỹ - không lực và hỏa lực Mỹ" được người Mỹ thực hiện trong quá trình Việt Nam hóa chiến tranh. Lưu ý bộ binh dễ chết hơn gấp nhiều lần không quân trên trực thăng. 

Mỹ rút đại quân và phá hoại hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, tổ chức bầu cử thành lập chính phủ mới ở miền Nam Việt Nam

Cuộc hội nghị ở Paris giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là để có được một giải pháp hòa bình, kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Ban đầu chỉ có đàm phán 2 bên là Việt Nam và Hoa Kỳ, về sau phát triển thành hội nghị 2 phía (Việt Nam, Hoa Kỳ) và 4 bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ, chính quyền Sài Gòn).


Ông Lê Đức Thọ và Henry Kissinger sau khi ký hiệp định Paris 1973


Bản chất của hội nghị Paris ban đầu là để đôi bên đạt được mục đích tối cao của mình. Việt Nam muốn "Mỹ cút ngụy nhào". Mỹ thì muốn có toàn quyền sinh sát ở miền Nam Việt Nam, quân đội Việt Nam phải rút về Bắc, lực lượng kháng chiến miền Nam bị giải tán.

Đến năm 1972, trước sự thắng thế của Việt Nam và sự thất thế, sa lầy của Hoa Kỳ, mục tiêu của họ lúc này là rút quân yên lành, giữ cho được và củng cố ngụy quyền. Như vậy, thực tế lúc này Việt Nam và Hoa Kỳ đã có một điểm chung quan trọng, đó là cả hai đều muốn quân đội viễn chinh rút khỏi. Và Việt Nam đã tạo điều kiện cho Mỹ làm việc đó.

Cả hai phía đều nhượng bộ vấn đề chấp nhận sự tồn tại của 2 chính quyền ở Tây Ninh và Sài Gòn như một thực thể chính trị ở miền Nam Việt Nam. Điều này không có nghĩa là Việt Nam công nhận sự chính danh của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu với tư cách là một quốc gia, nhà nước. Lập trường ban đầu là hai phía Việt - Mỹ đều không chấp nhận sự tồn tại "đồng minh" của nhau và yêu cầu "đồng minh" đó phải giải tán vô điều kiện.

Mỹ chấp nhận rút quân và đề nghị Quân đội Nhân dân Việt Nam ở miền Nam Việt Nam cũng làm điều đó. Song Việt Nam luôn có nguyên tắc bất biến: Người Việt Nam có quyền đi đến bất kỳ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, bác bỏ lời đề nghị rút quân của Mỹ. Đây là vấn đề mà Việt Nam coi là một vấn đề mang tính nguyên tắc và không nhượng bộ, thậm chí không chấp nhận bàn về vấn đề đó. Và chiến dịch Linebacker II nổ ra là tất yếu, Mỹ muốn ép Việt Nam phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, để Mỹ rảnh tay hơn, dễ dàng hơn trong việc củng cố ngụy quyền, huấn luyện ngụy quân, củng cố chế độ thuộc địa kiểu mới ở miền Nam Việt Nam, và cũng để Mỹ bảo vệ được phần nào danh dự cường quốc của họ.

Từ mục tiêu đó, Mỹ đã mở chiến dịch Linebacker II nhằm ép bức Việt Nam phải chấp nhận rút các đơn vị quân đội từ miền Bắc phải trở về. Chấp nhận luật chơi quân đội Mỹ rút thì Quân đội Nhân dân Việt Nam từ miền Bắc cũng phải rút. Và miền Nam chỉ còn lại chính phủ cách mạng Cộng hòa miền Nam Việt Nam, quân Giải phóng, và chính quyền, quân đội Sài Gòn.

Nói cụ thể hơn là họ đánh ván bài chót, cố vớt vát muốn chuyển bại thành thắng hay ít nhất gỡ gạc thế bại. Họ mở chiến dịch oanh tạc miền Bắc và Hà Nội là muốn ép Việt Nam phải thay đổi bản dự thảo tháng 10, chủ yếu là nhượng bộ và chấp nhận điều khoản trước đó do họ đề xướng là QĐNDVN phải rút về Bắc. Nhưng Việt Nam chỉ chấp nhận nguyên tắc 1 nước Việt Nam: Các lực lượng nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam. "Ông là người nước ngoài thì ông đi khỏi nước tôi. Còn đây là nhà tôi, tôi ở lại nước tôi, nhà tôi thì tôi muốn đi đâu thì đi. Tôi không bàn với ông chuyện tôi ở đâu trên đất nước tôi. Cũng như ông không bàn với tôi chuyện ông ở đâu trên đất Mỹ".

Tuy nhiên, dù đã thua trên bầu trời Hà Nội và không đạt được mục tiêu cao nhất kể trên, thì hiệp định Paris về Việt Nam vẫn có giá trị với người Mỹ, và họ đã ký vào, vì hiệp định này trên thực tế đã bảo đảm cho việc Hoa Kỳ rút quân bình yên ra khỏi Việt Nam, và lúc đó sẽ không có chiến dịch quân sự từ Việt Nam.

Nếu ai đã từng đánh nhau với người khác đều minh bạch rằng trong lúc đánh nhau không dễ nói chạy là chạy, đặc biệt trong trường hợp đang yếu thế hơn thì càng không thể nói chạy là chạy được. Chỉ cần quay đầu, quay lưng là bị đo ván ngay. Muốn chạy thì phải có khoảng cách an toàn nào đó hoặc đạt được thỏa thuận với đối phương.

Các danh tướng thời xưa, trong buổi đầu sơ khai nhất của nghệ thuật chiến tranh, cũng biết đạo lý này. Vị tướng nào đào tẩu thì đều cẩn thận dò trước ngó sau, gài lại phục binh chặn truy kích. Những tướng tài giỏi hơn thì biết dùng kế nghi binh, ngụy tạo số lò bếp v.v. để làm cho địch nghi ngờ không dám đuổi theo hoặc chậm trễ truy kích. Thời Tam quốc bên Trung Quốc, danh tướng Lục Tốn của Đông Ngô đã dùng nghi binh kế khiến cho sau 3 ngày lui quân thì quân Bắc Ngụy mới phát hiện ra doanh trại địch trống rỗng không còn một bóng người.

Trường hợp của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam cũng vậy, nếu trong lúc hàng chục vạn quân Mỹ đang tụ tập dồn cục lo rút đi mà Việt Nam mở chiến dịch quân sự ngay lúc đó thì sẽ có đổ máu lớn. Trước đó Việt Nam cũng đã chứng tỏ được là họ có khả năng đánh ở bất kỳ nơi nào ở miền Nam Việt Nam, kể cả đầu não Sài Gòn, kể cả tòa đại sứ Mỹ, và đánh rất bất ngờ, khó lường.

Nhiều cựu quân nhân Mỹ ngày nay cho rằng bản chất của hiệp định là một sự nhượng bộ và nhịn nhục của người Mỹ, như một cú đấm vào "American pride" (niềm tự hào Hoa Kỳ) của họ. Họ cho rằng họ phải rút đi mà không đổi lại được gì, lực lượng quân đội có tổ chức lớn từ miền Bắc vẫn ở miền Nam, và quân dân miền Nam cũng không giải tán. Trong khi những "nhượng bộ" của Việt Nam theo hiệp định Paris 1973 thì Hoa Kỳ đều không có khả năng và điều kiện để giám sát, kiểm tra, áp chế, thi hành.

Hai nhượng bộ đáng kể của Việt Nam là việc trao trả tù binh Mỹ-ngụy. Và việc chấp nhận sự tồn tại trong hòa bình của ngụy quyền Sài Gòn như là một trong các thành phần chính trị ở miền Nam Việt Nam, được quyền đứng gần ngang hàng với Chính phủ cách mạng Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Từ lập trường coi ngụy Sài Gòn như là một đám ô hợp cần giải tán ngay, không chấp nhận sự tồn tại của họ như là một trong những thành phần chính trị, thì đã chuyển thành chấp nhận sự tồn tại của họ như một thành phần chính trị, coi họ gần ngang hàng với chính quyền Tây Ninh và lực lượng thứ ba. Việt Nam cũng đồng ý cho Thiệu tham gia bầu cử trong chính phủ liên hiệp 3 thành phần trong cuộc tổng tuyển cử quy định trong hiệp định Paris, cùng với người của chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và thành phần thứ ba.

Đây là một nhượng bộ lớn, bởi vì theo luật pháp Việt Nam thì ngụy Sài Gòn là một tổ chức phản quốc theo giặc. Nếu chiếu theo các nguyên tắc và tiêu chí ngày nay thì có thể xem là một tổ chức khủng bố, mạo xưng bất hợp pháp các "quốc hội", "nhà nước" lên trên một Nhà nước Việt Nam và Quốc hội khóa 1 đã tồn tại và hoạt động xuyên suốt từ năm 1946, càn quét, khủng bố nhân dân, thảm sát dân thường, toa rập, đồng lõa, tiếp tay cho quân xâm lược Mỹ dùng bom đạn giết dân và tàn phá đất nước, rải bom và chất độc hóa học xuống những khu vực dân sự, hàng trăm vụ thảm sát đã xảy ra trong vùng tạm chiếm ở miền Nam....

Như vậy, vì mục tiêu đại cuộc mà Việt Nam trong thời điểm đó đã đành phải tỏ ra xem những người miền Nam đánh giặc với những kẻ theo giặc là "bằng nhau", "ngang nhau", đó là những nhượng bộ rất lớn, cả về nguyên tắc lẫn pháp lý và đạo lý.

Thành phần thứ ba kể trên là một liên minh mà Việt Nam dùng để chống Mỹ và cô lập Thiệu, có tên gọi chính thức là Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam. Liên minh này do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập, chịu sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, do luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch, Tôn Thất Dương Kỵ làm tổng bí thư, hòa thượng Thích Đôn Hậu và kỹ sư Lâm Văn Tết đồng phó chủ tịch.

Hiệp định Paris 1973 đã đem lại sự danh chính ngôn thuận cho các đội quân viễn chinh mệt mỏi của Hoa Kỳ rút khỏi chiến trường. Phần nào giữ được danh dự nước lớn của Hoa Kỳ. Còn đối với Việt Nam thì hiệp định này đã góp phần đạt được mục tiêu đẩy đại quân Mỹ về nước. Sau đó, theo hiệp định, sẽ có một cuộc tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam để thành lập một chính phủ mới, một chính phủ tạm thời, một chính phủ 3 thành phần ở miền Nam Việt Nam (chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn và Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, nói tóm gọn là chính phủ lâm thời 3 thành phần gồm Mặt Trận - Thiệu - Liên Minh).


Bà Nguyễn Thị Bình, nữ bộ trưởng ngoại giao đầu tiên trong lịch sử chính trị Việt Nam, đại diện cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký hiệp định Paris 1973


Người dân Sóc Trăng mừng hiệp định Paris 1973 được ký kết


Mỹ-Thiệu trước khi ký vào hiệp định Paris 1973, đã chấp nhận yêu cầu của Việt Nam về một cuộc tổng tuyển cử ở miền Nam để thành lập chính phủ liên hiệp 3 thành phần theo hiệp định, từng bước tiến tới thống nhất Việt Nam trong hòa bình (như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sau này đã thực hiện nghiêm chỉnh năm 1976). Rốt cuộc, không có cuộc tổng tuyển cử nào diễn ra được.

Cũng như việc phá hoại cuộc tổng tuyển cử toàn quốc theo hiệp định Genève 1954, Mỹ lại phá hoại cuộc tổng tuyển cử ở miền Nam theo hiệp định Paris 1973. Sau khi Mỹ đã thành công rút đại quân ra một cách an toàn, họ lập tức phá hoại việc thi hành hiệp định Paris 1973, tiếp tục cuộc chiến và phủ nhận tổ chức bầu cử thành lập chính phủ 3 thành phần.

Trong các thỏa thuận giữa hai phía và các điều khoản trong hiệp định, Mỹ chỉ thực hiện gần nghiêm chỉnh điều khoản rút quân, nhưng vẫn không thật sự nghiêm chỉnh hoàn toàn, vì họ chỉ rút quân chính quy, rút những người mặc áo lính, còn những người không mặc áo lính bao gồm CIA, sĩ quan, "cố vấn", các nhân viên quân sự khoác áo dân thường hoặc "tùy viên" quân sự, thì vẫn ở lại. Ngoài ra tất cả các điều khác họ đều phớt lờ, phá hoại, hoặc thi hành không nghiêm chỉnh.

Nhà báo, nhà sử học người Mỹ Gabriel Kolko, tác giả cuốn sách Anatomy of a War: Vietnam, the United States, and the Modern Historical Experience (Giải phẫu một cuộc Chiến tranh: Việt Nam, Hoa Kỳ, và trải nghiệm lịch sử hiện đại) do NXB Pantheon Books New York, ấn hành năm 1985, cho biết trước khi hiệp định Paris được ký kết thì Nixon đã liên tiếp gởi thơ cho Thiệu mà ở đó Mỹ đã bắt Thiệu ký vào hiệp định. Và sau khi hiệp định đã được ký kết thì thì họ cho Thiệu mọi phương tiện để vi phạm hiệp định, bằng việc cam kết tiếp tục trợ cấp đầy đủ về kinh tế và quân sự cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; Mỹ công nhận và gọi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là "chính quyền hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam"; không thừa nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam theo hiệp định Paris 1973.

Sau khi Hoa Kỳ đã thành công rút quân an toàn về nước, tổng thống Richard Nixon liền ra tuyên bố cho biết Mỹ sẽ không ủng hộ cuộc tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam và sẽ làm những gì có thể để giữ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không sụp đổ. Nguyễn Văn Thiệu công khai tuyên bố lập trường 4 không: Không liên hiệp; Không thương lượng với đối phương; Không có hoạt động của cộng sản hoặc đối phương trong nước; Không để lọt vào tay đối phương bất cứ lãnh thổ nào, tiền đồn nào và khẳng định "không có hòa bình với cộng sản", "phải xóa thế da beo", "bắn bỏ những ai chứa chấp cộng sản".

Sau chuyến đi Mỹ gặp Nixon thì Thiệu lại càng quá khích hơn, phá hoại hiệp định Paris một cách bài bản và có hệ thống, đặc biệt là bóp nghẹt mọi quyền tự do được quy định trong điều 11: Quyền đi lại làm ăn sinh sống giữa vùng giải phóng và vùng tạm chiếm. Người dân bị hạn chế nhiều hoạt động, bị kiểm soát, các quyền con người bị xâm hại, quyền tự do tôn giáo bị xâm phạm, kỳ thị, nhất là với giới tăng ni Phật tử. Danh từ "sư Việt Cộng" được báo chí Sài Gòn tận dụng để "chụp nón cối" các tăng ni. Họ "noi gương" thời Mỹ-Diệm, thấy đất chùa nào muốn cướp thì vu cho là "Việt Cộng nằm vùng", "chứa chấp Cộng Sản", "ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng Sản", gán ghép chụp mũ vu khống. Những người bị tình nghi thân cộng đều bị đặt máy nghe lén, theo dõi, cấm đoán, bắt cóc, bắt bỏ tù, tra khảo, đập chết trong nhà tù, đày ra Côn Đảo - Phú Quốc, tăng cường đàn áp ác liệt.

Riêng ở miền Tây Nam Bộ và một số vùng lân cận, thời kỳ này Mỹ-Thiệu vi phạm lộ liễu hiệp định, lệnh ngừng bắn không được thực hiện, trái lại Thiệu cho xuôi quân bắn giết, đốt phá và lấn chiếm vùng giải phóng, bành trướng mở rộng vùng tạm chiếm. 75 tiểu đoàn ngụy, máy bay, xe tăng, vũ khí hiện đại tập trung tấn công ồ ạt vào Cần Thơ, Vị Thanh, Long Mỹ, tiến tới tấn công U Minh, lấn chiếm toàn bộ miền Tây.

Họ ra sức kìm kẹp cấm đoán nhiều quyền của dân, không cho quần chúng trở về ruộng vườn cũ, không cho đi lại làm ăn ở nhiều nơi - thực hiện chính sách "tát nước bắt cá", để diệt cộng, dồn dân vào các trại tập trung. Đồng thời tuyên truyền xuyên tạc hiệp định, gây hoài nghi trong quần chúng, bảo rằng Việt Cộng đã thua Mỹ nên phải ký hiệp định Paris 1973, cấm đoán quần chúng không cho tổ chức mừng hòa bình, bắt học thuộc lòng 10 điều phải làm, 10 điều bị cấm.

Nếu như năm 1956 Mỹ-Diệm phá hoại cuộc tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam là vì CIA thăm dò dư luận và biết rằng lãnh tụ Hồ Chí Minh sẽ thắng chắc, thì năm 1973 Mỹ-Thiệu phá hoại tổng tuyển cử hợp nhất miền Nam (hợp nhất vùng giải phóng và vùng tạm chiếm), thành lập chính phủ liên hiệp 3 thành phần để tiến tới thống nhất toàn Việt Nam, là vì chính phủ Mỹ, Thiệu, CIA biết lòng dân ủng hộ Mặt Trận, Thiệu bị chống khắp nơi, kể cả từ những đảng phái chống cộng, thân Mỹ, ghen ghét vì Thiệu được Mỹ ưu ái, theo kiểu những người con rơi, con hoang luôn ghen ghét với người mà họ cho là "con cưng" của bố mẹ.

Thiệu cũng bị chống rất gay gắt từ các thành phần thứ ba, những thành phần trung lập giữa cộng sản và tư bản, không phải là cộng sản, chỉ có ủng hộ thống nhất - độc lập - hòa bình, yêu cầu quân đội nước ngoài rời khỏi Việt Nam, và Thiệu còn bị chống bởi nhiều đồng bào Phật tử, giáo phái, thậm chí các tín đồ Thiên Chúa giáo cũng không ưa Thiệu vì họ trung thành với nhà họ Ngô. Thiệu là một trong những tay đầu sỏ trong "Hội đồng Quân nhân Cách mạng" do Mỹ giật dây năm xưa, đảo chính và hạ sát anh em nhà Ngô.

Mỹ-Thiệu cũng biết rằng Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam tuy không công khai nhưng thực chất do Việt Cộng lãnh đạo, cho nên nếu để cho bầu cử diễn ra và thành lập chính phủ 3 thành phần thì chẳng khác nào "2 đánh 1".

Với tình hình Thiệu bị mọi phe phái, đối thủ chính trị ở miền Nam, với đủ mọi màu sắc, xu hướng chính trị, chống đối quyết liệt, thì việc tham gia bầu cử để hy vọng có một chân trong chính phủ 3 thành phần, mà hai thành phần một bên là Mặt Trận, một bên là Liên Minh, thì chẳng khác nào là một "giấc mơ giữa ban ngày". Với tình hình đó, nếu Mỹ-Thiệu chấp nhận bầu cử thì họ sẽ không còn gì cả. Chính quyền và quân đội dưới tay Thiệu vẫn còn thực lực khá mạnh, thì họ không dại gì đi "tự sát" như vậy.

Người Mỹ và Thiệu đều hiểu rằng nếu bầu cử một cách đàng hoàng, không dàn dựng như những cuộc "bầu cử phiếu xanh phiếu đỏ", "tranh cử đối lập 21 năm 2 tổng thống" trước đây, có sự giám sát của các tổ chức, đoàn thể trung lập trong và ngoài nước, thì Thiệu sẽ chẳng "xơ múi" được gì. Số phận của Thiệu có lẽ cũng sẽ không khác gì với Bảo Đại, Việt Quốc, Việt Cách trong chính phủ liên hiệp nhiều thành phần của Việt Minh trước đây. Sớm muộn gì rồi tất cả cũng sẽ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Do đó, việc Mỹ-Thiệu phá hoại tổng tuyển cử cũng là điều không quá gây ngạc nhiên, là điều nằm trong dự liệu của Việt Nam.

Chữ ký của Hoa Kỳ và chữ ký bất đắc dĩ của ngụy quyền Sài Gòn còn chưa khô mực vào hiệp định có những nội dung sau thì họ đã mau chóng "lật kèo":

Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như đã quy định trong hiệp định Genève 1954.


Những hành động phá hoại hiệp định nói trên đã không cho thấy điều đó.

Hoa Kỳ phải hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu, "cố vấn" và chuyên viên quân sự, vũ khí và dụng cụ chiến tranh, hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.


Mỹ tiếp tục can thiệp mạnh mẽ và nắm chính trị, quân sự, kinh tế ở miền Nam. Tiếp tục cung cấp vũ khí và tiền bạc cho Nguyễn Văn Thiệu. Duy trì chế độ thực dân mới. Rút đại quân nhưng để lại hàng vạn sĩ quan "cố vấn" và nhân viên quân sự mặc thường phục, khắp miền Nam vẫn đầy người Mỹ.

Sau năm 1973, lính Mỹ có quay lại Việt Nam trong các đợt rời rạc, đặc biệt là lính Thủy quân Lục chiến. Việc quân chính quy Mỹ rút đi và chấm dứt các chiến dịch quân sự trực tiếp do thực binh Mỹ tiến hành không có nghĩa sau năm 1973 không còn người Mỹ, sĩ quan Mỹ, quân nhân Mỹ nào ở Việt Nam. Mỹ cam kết trong hiệp định rằng sẽ phá đổ các căn cứ quân sự Mỹ, nhưng họ đã bội ước và chuyển giao lại cho quân đội Sài Gòn.

Các bên để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do. Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền (chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn), hai quân đội (Quân Giải phóng miền Nam và quân đội Sài Gòn), hai vùng kiểm soát (vùng giải phóng và vùng tạm chiếm) và ba lực lượng chính trị (Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn, lực lượng thứ ba).

Mỹ-Thiệu phá hoại tổng tuyển cử, và cuộc bầu cử đã không bao giờ diễn ra được. Họ không từ bỏ ý định duy trì chủ nghĩa thực dân mới đối với miền Nam Việt Nam, cố gắng bám víu, sử dụng nơi đây như một căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ và là một thuộc địa kiểu mới. Họ đã tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh thực dân trên quy mô lớn. Mỹ đã tăng cường cung cấp quân sự và chu cấp kinh tế cho tay sai, vẫn duy trì bộ máy chỉ huy cuộc chiến, với hàng vạn "cố vấn" và nhân viên quân sự người Mỹ đội lốt dân sự. Họ hy vọng chỉ ba năm sau đó, đến năm 1976, sẽ có thể xây dựng và củng cố được một chế độ thuộc địa kiểu mới đúng nghĩa ở miền Nam và thực hiện chia cắt lâu dài Việt Nam.

Hoa Kỳ trong quá khứ (1956) đã phá hoại tổng tuyển cử theo hiệp định Genève về Đông Dương. Nếu như khi đó Hoa Kỳ ngụy biện rằng họ không ký vào đó nên không chịu ràng buộc pháp lý và không phải tuân thủ thi hành hiệp định đó, thì lần này Mỹ-Thiệu đã có ký vào hiệp định, và ngay sau khi rút quân thành công đã bội ước ngay. Nên có thể nói đây là một sự thất hứa, "lật kèo" nhanh chóng, ngang ngược và lộ liễu hiếm thấy trong lịch sử ngoại giao thế giới.

Các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau tù binh và dân thường bị bắt.


Hàng vạn tù binh và dân thường Việt Nam đến ngày 30/4/1975 mới được tự do khi Côn Đảo và Phú Quốc được giải phóng. Trước ngày 30/4 các tù nhân, tù binh phía Việt Nam vẫn đầy ở Côn Đảo, Phú Quốc và nhiều nơi khác, không hề được trao trả theo hiệp định.

oOo

Việc Mỹ-ngụy viện đủ lý do để không chấp hành tổng tuyển cử ở miền Nam để thành lập chính phủ 3 thành phần, cũng như không thi hành các điều khoản khác, và sau đó phá hoại, không tôn trọng hiệp định này, đã làm cho giải pháp hòa bình ở miền Nam Việt Nam và giải pháp thống nhất Việt Nam trong hòa bình vào năm 1973 đã bị vô hiệu hóa và không còn tác dụng gì.

Hiện thực mới này đã buộc những vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam phải chiến đấu tự vệ trước nhiều trận càn mới của ngụy quân, và quân dân miền Nam đã tiến hành phản công, tiến tới mục tiêu dứt điểm chiến tranh bằng vũ lực.

Những cố gắng cuối cùng của Mỹ ở miền Nam Việt Nam

Hoa Kỳ về cơ bản đã thất bại trong chiến lược chiến tranh Việt Nam hóa, ngụy quân vẫn chưa thể đứng vững trong tác chiến một mình mà không cần sự chỉ huy của "cố vấn" Mỹ và sự yểm trợ của hỏa lực Mỹ, nhất là từ trên không.

Họ thua đau trên vùng trời Hà Nội. Thương vong và thiệt hại của họ đã quá nhiều. Sĩ khí, tinh thần chiến đấu của binh sĩ đã quá thấp, làn sóng phản chiến của nhân dân Mỹ dâng cao chưa từng thấy và có nhiều nguy cơ gây rối ren chính trị xã hội, thậm chí có khả năng trở thành một cuộc nội chiến trong lòng nước Mỹ. Vì những lẽ đó họ đành phải miễn cưỡng rút đại quân ra khỏi Việt Nam.

Người Mỹ sau một thời gian cố gắng "Việt Nam hóa" những tác chiến quân sự, rốt cuộc chỉ cho ra lò một "sản phẩm" dở dang chưa thành, èo uột, dở sống dở chết. Lính kiểng tràn ngập quân ngũ. Họ nhập ngũ vì bị bắt lính hoặc vì muốn lĩnh lương Mỹ cho sinh kế, do đó tinh thần rệu rã không có ý chí chiến đấu.

Theo đó, giai đoạn sau hiệp định Paris 1973 đến năm 1975 chủ yếu là sự bám víu trong tuyệt vọng của Mỹ. Có lẽ miền Nam Việt Nam đối với họ trước đây đúng là "béo bở", nhưng lúc này thì như miếng gân gà, nhai thì khó, nuốt thì nghẹn, bỏ thì tiếc.

Dù vậy, chính phủ Mỹ vẫn nuôi dưỡng ngụy quyền của họ, tuy nhiên ngân khoản chi phí về sau ít dần do đa số thành viên trong Lưỡng viện Mỹ đã quá chán ngán cuộc chiến. Họ muốn Mỹ rút hẳn, rút hết, rút ra thật sự, nên nhiều người bỏ phiếu chống, không phê chuẩn chi thêm tiền cho chiến trường Việt Nam. Tình hình bi đát đến nỗi nhiều người trong giới cầm quyền Mỹ muốn hoàn toàn chịu thua và rút chân ra hẳn, bỏ rơi tay sai, "bỏ con giữa chợ".

Do đại quân của Mỹ đã rút về nước nên phong trào phản chiến cũng tạm lắng xuống, tuy nhiên người dân Mỹ và thế giới vẫn còn biểu tình ở nhiều nơi, chống lại những nỗ lực cuối cùng giữ miền Nam Việt Nam của Mỹ, họ muốn những bàn tay cuối cùng đang bám víu hãy buông hẳn "con mồi" này ra. Họ muốn tiền đóng thuế của họ được sử dụng cho nhân dân và xã hội Mỹ, họ không muốn tiền đóng thuế của họ bị chính phủ lãng phí ở một nơi xa xôi cách nước họ nửa vòng địa cầu, và tệ hại hơn, được sử dụng để nuôi quân đội Sài Gòn, một quân đội mà giáo sư F. Murray, giáo sư ngành báo chí tại trường Đại học Nam California (Southern California - USC) gọi là một đội quân nổi tiếng lành nghề "hiếp dâm và ăn cướp" hơn là chiến đấu, trong một bài viết về Chiến tranh Việt Nam của ông trên Thời báo Los Angeles (LA Times) năm 2002.


Bà má Sóc Trăng với những đứa con bộ đội

Giai đoạn 1973-1975 là giai đoạn kết thúc chiến tranh bằng vũ lực, trong đó có 2 sự kiện lớn: Một là trận đánh Thượng Đức ở tỉnh Quảng Nam bắt đầu khoảng tháng 7 năm 1974, và chiến dịch Đường 14 - Phước Long kéo dài từ ngày 13/12/1974 đến 6/1/1975 trong địa bàn tỉnh Phước Long để diệt bớt quân giặc, tạo thêm bàn đạp tiến công xung quanh Sài Gòn, giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ tính mạng, tài sản của đồng bào. Hai sự kiện này cùng có một mục tiêu chung: Thăm dò khả năng, mức độ phản ứng của Mỹ, thử xem họ có sử dụng tới thực binh người Mỹ để chống đỡ hay không.

Kết quả là quân đội Việt Nam đã giải phóng tỉnh Phước Long và đường số 14 dài trên 100 km, hơn 1 ngàn lính Sài Gòn đầu hàng, quân Giải phóng phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, tịch thu nhiều quân trang, phương tiện, thuốc men. Chiến thắng Phước Long đã trở thành một tiền đề, cơ sở để tạo ra những chiến công khác trên con đường đi đến ngày toàn thắng.

Chiến dịch này còn cho Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam và các lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam biết là Hoa Kỳ sẽ ít có khả năng đem đại quân ứng chiến.

Sau năm 1973, sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam đã giảm đột biến, tổng số tấn vũ khí và thiết bị quân sự được viện trợ giảm từ 171.166 tấn/năm trong thời kỳ 1969-1972 giảm xuống còn 16.415 tấn/năm trong thời kỳ 1973-1975.

Đó là một trong những điểm bất lợi của Việt Nam sau năm 1973, nhưng Việt Nam còn có những thuận lợi khác: Quân từ miền Bắc giờ đây đã dễ dàng hành quân vào Nam bằng cơ giới trên Đường Trường Sơn cả ngày lẫn đêm, đèn pha sáng trưng mà không sợ bị Mỹ oanh kích.

Trong thời gian này, Đường Trường Sơn cũng đã được mở rộng hơn để bảo đảm cho việc cung cấp quy mô lớn cho chiến trường. Các trang thiết bị đạn dược và lương thực cũng đã đủ số trong các kho, từ kho của đơn vị chiến đấu đến kho hậu cứ và kho tại hậu phương miền Bắc. Xăng dầu đã được bơm thẳng theo tuyến đường ống cung cấp từ miền Bắc vào tận Bù Gia Mập tại miền Đông Nam Bộ và rất gần đến các kho đứng chân chiến đấu. Từ đây là giai đoạn phối hợp ăn ý, hiệp đồng tác chiến của quân dân ba miền cùng đánh giặc, chuyển quân dễ dàng và không còn ngại không quân Hoa Kỳ, lực lượng được xem là thiện chiến nhất thế giới, phá hoại và cản trở.

Một ưu thế đặc biệt nữa chính là tinh thần chiến đấu. Các binh sĩ quân Giải phóng nhận thức được đây chính là giai đoạn chấm dứt chiến tranh giành toàn thắng, nên khí thế lên rất cao và sẵn sàng xung trận. Trong khi đó tinh thần chiến đấu của lính ngụy cực kỳ suy nhược. Sau khi không còn đại quân Mỹ, các sĩ quan và binh lính ngụy đã thấy tương lai mờ mịt trước mắt, tâm trạng bi quan chán nản và tinh thần chiến đấu sa sút nghiêm trọng dẫn đến tình trạng đào ngũ, trốn lính rất nhiều, không kịp bắt lính bổ sung.

Ngày 8/12/1974 đến 8/1/1975, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam họp hội nghị mở rộng và ra nghị quyết về "Kế hoạch chiến lược 2 năm 1975-1976", dự tính hoàn thành giải phóng miền Nam trong 2 năm.

Bộ chính trị đã hạ quyết tâm chiến lược: "Động viên nỗ lực lớn nhất của quân và dân cả hai miền thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị về mọi mặt, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam Việt Nam."

Tuy nhiên kế hoạch này đã đánh giá quân ngụy cao hơn năng lực thật sự của họ, nên sau này do sự yếu kém của ngụy quân, kế hoạch 2 năm đã trở thành cuộc tấn công và nổi dậy 55 ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thiếu Long