Toàn cảnh cuộc đối đầu lịch sử Việt - Mỹ 1954-1975 (kỳ 3)

Kỳ 3: 30/4/1975, ngày toàn thắng của dân tộc Việt Nam
(tiếp theo kỳ 2)

Tháng 4 vốn là một tháng đầy ý nghĩa với nhiều ngày lễ lớn như lễ Phật Đản và lễ Phục Sinh, gắn liền với hai tín ngưỡng lớn trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; ngày giỗ tổ Hùng Vương, gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam; ngày sinh của nhà cách mạng Vladimir Lenin, gắn bó với lịch sử cách mạng Việt Nam; ngày thế giới phòng chống bom, mìn (4/4); ngày tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh hóa học (29/4), ngày lễ quốc tế được công nhận bởi Liên Hiệp Quốc.


Lịch sử đôi khi thật kỳ diệu. Ngày 30/4 của đúng 30 năm trước ngày 30/4/1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, năm 1945, phát xít Đức sụp đổ, mở đường cho việc kết thúc Thế chiến II, mối đe dọa của chủ nghĩa phát xít được xóa bỏ. Ngày 30/4 năm 1492, Tây Ban Nha ủy nhiệm nhiệm vụ thám hiểm cho Christopher Columbus, mở đầu cuộc bành trướng không giới hạn khắp châu Mỹ và thế giới, tạo tiền đề thành lập liên bang Hoa Kỳ và mở rộng hệ thống thuộc địa toàn cầu.

Ngày 30/4 năm 1975 kết thúc cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam càng ý nghĩa hơn khi chúng ta nhìn lại những ngày 30/4 trước đó trong lịch sử Hoa Kỳ:

  • Ngày 30/4/1789 - Tại hội trường Liên bang ở Phố Wall, New York, tướng George Washington tuyên thệ chức vụ tổng thống và trở thành tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
  • Ngày 30/4/1803 - Thực dân Pháp thất thế, đành phải bán rẻ lãnh thổ Louisiana cho đế quốc Mỹ với giá 15 triệu USD, tăng gấp đôi diện tích Hoa Kỳ.
  • Ngày 30/4/1812 - Lãnh thổ Orleans trở thành tiểu bang thứ 18 của Hoa Kỳ với tên Louisiana.
  • Ngày 30/4/1900 - Đúng 75 năm trước ngày 30/4/1975, đảo quốc Hawaii chính thức trở thành tiểu bang thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ, với thống đốc là Sanford B. Dole.



Chiến dịch Mùa Xuân - Chiến dịch Hồ Chí Minh

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm bắt đầu từ ngày 5/3/1975 cho đến ngày 30/4/1975 khi những quân nhân Mỹ cuối cùng rời khỏi lãnh thổ Việt Nam và "tổng thống" Dương Văn Minh lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng và hạ lệnh buông súng, giải giáp.

Nhóm chiến dịch này bao gồm ba chiến dịch nối tiếp nhau: Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngoài ra, còn có những chiến dịch nhỏ hơn nhưng diễn ra trên những địa bàn chiến lược như Long Khánh - Xuân Lộc, Trường Sa và các đảo trên Biển Đông, các trận đánh trên các tuyến phòng thủ từ xa của giặc như Tây Ninh - An Lộc - Dầu Tiếng, Phan Rang - Ninh Thuận.

Chiến dịch Mùa Xuân chủ yếu do quân dân miền Trung và miền Nam tiến hành, các lực lượng từ miền Bắc chỉ có Binh đoàn Quyết Thắng vào Nam tham gia trong những ngày cuối (chiến dịch Hồ Chí Minh), bao gồm: Các sư đoàn bộ binh 312, 320B, sư đoàn phòng không 367, lữ đoàn xe tăng 202, trung đoàn pháo binh 45, Lữ đoàn công binh 299, trung đoàn thông tin.

Chỉ trong khoảng 32 giờ, quân dân Việt Nam đã tiêu diệt thành công hệ thống phòng ngự chiến lược mới của giặc ở miền Trung. Quân khu I của ngụy bị xóa sổ. Sau trận thua to ở Đà Nẵng, quân ngụy hoàn toàn tuyệt vọng. Mỹ-Thiệu bàng hoàng. Tướng Fredrick C. Weyand được tổng thống Gerald Ford cử sang miền Nam chỉ huy, đốc thúc xây dựng hệ thống phòng thủ mới từ Phan Rang đến Cần Thơ nhằm bảo vệ đầu não Sài Gòn - thành trì cuối cùng của họ.

Ngày 3/4/1975, sau những cơn giận mất bình tĩnh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James R. Schlesinger và ngoại trưởng Henry Kissinger ở Washington vì sự chần chờ quá lâu của Đại sứ Graham Martin ở Sài Gòn (vì chính phủ Mỹ muốn tạo ra vẻ "người Mỹ đàng hoàng ra đi"), Tổng thống Gerald Ford ra lệnh dứt khoát tìm cách hoàn thành, kết thúc cuộc di tản nội trong tháng 4/1975. Sau đó, Nhà Trắng lại ra lệnh cho cầu hàng không ngưng mọi hoạt động sau khi Martin đã rời đi.


Tổng thống Mỹ Gerald Ford (phải) nghe cố vấn Henry Kissinger (trái) và phó tổng thống Nelson A. Rockefeller (giữa) báo cáo tình hình chiến sự và kế hoạch di tản người Mỹ cùng các nhân viên người Việt khỏi Sài Gòn (28/4/1975).

Từ ngày 10/4/1975 Bộ chỉ huy quân Giải phóng đã tuyên bố với người Mỹ: "Quân giải phóng lúc nào cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho 'cố vấn' Hoa Kỳ rút về nước bình an vô sự", nhưng hàng ngàn người Mỹ vẫn tranh nhau bỏ chạy, lính ngụy nhiều trường hợp phải bám càng trực thăng Mỹ để chạy theo trong cơn hoảng loạn.

Trên tuyến phòng thủ Phan Rang - Xuân Lộc, tướng Fredrick Weyand cho lấy Phan Rang làm tuyến phòng thủ từ xa và muốn dùng nơi này làm bàn đạp để phản kích, chiếm lại những vùng đã mất. Lúc đó bản phúc trình từ Chính phủ đưa lên Quốc hội Hoa Kỳ về một khoản viện trợ quân sự khẩn cấp 722 triệu USD đang được bàn thảo. Theo Weyand, quân đội ngụy ít nhất cũng phải 1 lần chiến đấu, nếu thắng được 1 trận thì càng tốt; nếu tiếp tục rút lui nữa, sẽ làm mất phiếu ủng hộ của Quốc hội Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, đến ngày 16/4/1975, tuyến phòng thủ Phan Rang bị quân đội Việt Nam phá vỡ chỉ trong vòng 24 giờ. Thế tiến của quân Giải phóng như chẻ tre, từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4, các tiền đồn của Mỹ-ngụy tại Tây Ninh, An Lộc, Dầu Tiếng, Chơn Thành, Định Quán lần lượt thất thủ nhanh chóng, quân Giải phóng tiến quân đến đâu là quân ngụy đầu hàng hoặc bỏ chạy đến đó. Quân ngụy tại mặt trận Xuân Lộc rơi vào thế hở cả ba sườn phía Bắc, phía Tây và Tây Nam, rồi sau đó cũng thất thủ.

Ngày 18/4/1975, tổng thống Gerald Ford ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Việt Nam. Ngày 20/4/1975, chính phủ Mỹ buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức, hy vọng có thể thuyết phục được Quốc hội thông qua gói viện trợ khẩn cấp để cứu nguy chính quyền Sài Gòn, vì Thiệu lâu nay tuy được lòng chính phủ Mỹ, nhưng không được lòng nhiều người trong Quốc hội Mỹ.

Ngày 23/4/1975, dù Thiệu đã từ chức nhưng vẫn không có sự đổi ý từ Quốc hội, Chính phủ Mỹ đành tuyên bố chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, đến ngày 24/4/1975 Mỹ vẫn cố vớt vát, đề nghị xin ngưng bắn.... Các diễn biến dồn dập đó đều diễn ra cùng lúc với 5 cánh quân bao gồm khoảng 27 vạn bộ đội chủ lực và 18 vạn dân quân - tự vệ - du kích đang chiếm lĩnh các vị trí xuất phát tiến công thẳng vào thành trì cuối cùng của giặc xâm lược.

Ngày 26/4/1975, cuộc tổng công kích bắt đầu, các mục tiêu tấn công chìm trong bão lửa. Người Mỹ vội vàng di tản. Các sư đoàn ngụy quân bị đánh tan tành, người bị bắt sống, người đầu hàng, người cởi quân phục lẩn trốn vào các nhóm tàn quân đang bỏ chạy. Mỹ tìm kế hoãn binh, ngụy xin được thương lượng.... Nhưng tất cả đã không thể ngăn cản được sức tiến công của các lực lượng vũ trang nhân dân trong trận đánh cuối cùng để kết thúc cuộc chiến tranh ròng rã 30 năm (1945-1975).


Các binh lính Thủy quân lục chiến Mỹ cố thủ để người Mỹ và các nhân viên người Việt trong Cơ quan Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) ở Sài Gòn di tản

Chính phủ Mỹ trước đó đã đưa một ông lão có tiếng trong sạch không tham nhũng là Trần Văn Hương lên thay Nguyễn Văn Thiệu để cố gắng thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ vốn đã quá chán nản với tình trạng tham nhũng của ngụy quyền Sài Gòn, nhưng rốt cuộc vẫn không thuyết phục được họ thông qua gói viện trợ quân sự khẩn cấp để giữ lại ngụy quyền.

Sau đó, theo các dàn xếp của các lực lượng thứ ba thực chất do cách mạng lãnh đạo, với danh nghĩa "lật đổ chính quyền của Thiệu mà không có Thiệu" (ý nói đây vẫn là chính quyền Nguyễn Văn Thiệu với đầy đủ bản chất và nhân sự của nó, chỉ khác mỗi người đứng đầu), và theo sự vận động của đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Dương Thanh Nhựt, em trai ruột của ông Dương Văn Minh, ông Dương Văn Minh đã lên làm "tổng thống" trên danh nghĩa từ ngày 28 tháng 4 để lo việc đầu hàng.


Quân nhân Mỹ đang chờ đợi trực thăng đến cứu thoát (29/4/1975)


Trực thăng Mỹ trên Tòa Đại Sứ

Những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam từ sáng ngày 30/4/1975. Theo hồ sơ SSN/0802 USMC, bản báo cáo After Action Report (Báo cáo Hậu hành động) của thiếu tá lục quân James H. Kean, báo cáo các hành động của Lục quân Hoa Kỳ trong thời gian 17/4/1975 - 7/5/1975 và tác giả George R. Dunham trong tác phẩm US Marines in Vietnam: The Bitter End, 1973-1975 (Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ ở Việt Nam: Sự kết thúc cay đắng, 1973-1975), nằm trong loạt sách về lịch sử Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ ở Việt Nam, do Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ xuất bản năm 1990, tường thuật các hành động của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trong giai đoạn 1973-1975, thì diễn biến như sau:

Ngày 30/4, Graham Martin rời Việt Nam từ 4:58 sáng. 7 giờ sáng những người lính cuối cùng của Mỹ bắt đầu rời khỏi Việt Nam. 7:53 sáng chiếc trực thăng chiến đấu cuối cùng của Mỹ chở 10 người lính Thủy quân Lục chiến Mỹ bay khỏi Việt Nam và đáp xuống căn cứ quân sự USS Okinawa ở Nhật.

Sau khi 10 người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, thì đến 11:30 trưa, ngụy quyền sụp đổ và ngụy quân tan rã, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nhưng đã đến tình thế này thì dù ông Minh có tuyên bố đầu hàng hay không thì cũng không thay đổi kết quả cuộc chiến. Hai tướng Mỹ cuối cùng bỏ chạy khỏi Việt Nam là Fredrick C. Weyand và John Murray, ngay từ trước chiến dịch Hồ Chí Minh.

Giám đốc CIA Tom Polgar, cùng ngồi với Đại sứ Graham Martin trên chiếc CH-53 trong cuộc tháo chạy, đã ghi lại nhận xét của mình ngày hôm đó: "Đó là một cuộc chiến tranh lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chắc không báo trước sức mạnh cường quốc toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt. Nhưng ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải gặp lại lịch sử".

Tổng thống Gerald Ford, ngày 15/6/2000, khi trả lời thư của Colin Broussard, cựu binh Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Việt Nam, đã tâm sự về một thực tế thất bại của Chiến tranh Việt Nam: "Tháng 4/1975 chắc chắn là một thời điểm khắc nghiệt, mãi mãi không làm phôi pha nỗi đau buồn nhất trong cuộc đời hoạt động chính trị của tôi. Tôi cầu xin để những tổng thống Mỹ sau này không bao giờ phải đứng trước những quyết định tàn nhẫn như tôi đã từng. 25 năm qua, tôi vẫn còn ray rứt và mãi mãi khóc thương cho 2.500 lính Mỹ tới bây giờ vẫn còn mất tích. Mỗi nước đều có hồn dân tộc được tôi luyện qua gian khổ. Họ có thể bị quân đội nước ngoài đô hộ, nhưng linh hồn của một dân tộc vĩ đại như Việt Nam thì mãi mãi sáng ngời."


Trong dinh tổng thống ngụy, một số chiến sĩ cách mạng được chuẩn tướng Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh dẫn đường tiến thẳng vào phòng khánh tiết gặp Dương Văn Minh và nội các Vũ Văn Mẫu. Sau đó, họ được đưa tới đài phát thanh đọc bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời chấp nhận đầu hàng của ông Minh.


Vệ binh ngụy có nhiệm vụ bảo vệ dinh tổng thống


Từ sáng ngày 30/4 cho đến lúc này tại trung tâm Sài Gòn đã có 34 điểm nổi dậy của dân chúng và lực lượng tại chỗ. Sau 11 giờ 30 phút ở 41 điểm lực lượng chủ lực chưa tới, song lực lượng tại chỗ tiếp tục nổi dậy.

Tại quận 3, tại phường cư xá Đô Thành, lúc 12 giờ ngày 30/4 khi lực lượng võ trang miền Nam tiến vào quận 3, ông Tư và ông Công, người địa phương, cùng một cán bộ biệt động của Z15 (lữ đoàn 316) dùng loa kêu gọi nhân dân nổi dậy, kêu gọi lính ngụy đầu hàng.

Ngay chiều 30 tháng 4 hàng trăm đồng bào tình nguyện xin nhận công tác theo yêu cầu của cách mạng, hàng trăm người khác tự động ra đường thu gom cờ quạt, vũ khí, quân trang, quân dụng của lính ngụy ném bỏ đầy đường. Đồng bào treo đầy cờ Giải phóng trước nhà riêng, công sở và tự nguyện góp lương thực cho bộ đội.

Tại phường Bàn cờ quận 3, các cơ sở mật của cách mạng phát động quần chúng nổi dậy chiếm giữ các kho tàng của ngụy quyền, giữ gìn trật tự, an ninh, làm vệ sinh đường phố. Đồng bào thu gom được khoảng 3 ngàn khẩu súng các loại đem nộp cho cách mạng.

16 giờ ngày 30/4, phường Bàn Cờ tổ chức mít tinh, hàng chục ngàn người dân Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng và giới thiệu những người tốt vào chính quyền mới. Đến 17 giờ, thành lập xong các bạn phụ trách phường, khóm và tổ chức cho những người trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện.



Trưa 30/4, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng các sinh viên, giáo viên, trí thức Sài Gòn, theo lời kêu gọi của Mặt Trận, đi tới Đài phát thanh và phát biểu trực tiếp trên sóng, nhạc sĩ xúc động phát biểu và kêu gọi:

Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mà mơ ước của tất cả chúng ta đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này cũng như những điều mơ ước (của) các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất (thì) hôm nay chúng ta đã đạt được những kết quả đó. Tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam này hãy… và hợp tác chặt chẽ với chánh phủ lâm thời miền Nam Việt Nam.

Những kẻ đã ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước. Chúng ta là người Việt Nam. Đất nước này là đất nước Việt Nam. Chúng ta ở trên đất nước của chúng ta.

Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ đến đây… những cái thái độ hòa giải tốt đẹp. Các bạn không có lý do gì sợ hãi để mà ra đi cả. Đây là cơ hội đẹp đẽ và duy nhất để đất nước Việt Nam thống nhất và độc lập.

Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước từ mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn thân hữu cũng như những người chưa quen với tôi ở lại và chúng ta kết hợp chặt chẽ với Ủy ban cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng Miền Nam Việt Nam này…gặp tất cả các anh em ở trong Ủy ban Cách mạng Lâm thời.

Hiện tại chúng tôi đang ở đài phát thanh Sài Gòn. Và tôi mong các bạn chuẩn bị sẵn sàng để đến đây góp tiếng nói, để lên tiếng để tất cả mọi người đều yên tâm và tôi xin tất cả các anh em sinh viên, học sinh của Miền Nam Việt Nam này hãy yên ổn kết hợp lại với nhau; khóm phường đều kết hợp chặt chẽ để đón chờ Ủy ban Cách mạng Lâm thời đến. Xin chấm dứt.

Tôi xin hát một bài. Hiện tại ở trên đài thì không có đàn guitar, tôi xin hát lại cái bài Nối vòng tay lớn. Hôm nay, thật sự cái vòng tay lớn đã được nối kết:

Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la
Anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát
Quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm
Nối tròn một vòng Việt Nam….



Hân hoan trong niềm vui chiến thắng nên dù quá vội không mang theo đàn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn cất vang lời bài "Nối vòng tay lớn", một bài hát ý nghĩa và thích hợp để hát trong thời điểm đó. Và đây cũng chính là bài hát đầu tiên được phát lên sóng của Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Buổi chiều 30/4, KTS Nguyễn Hữu Thái, một nhân chứng lúc đó, đã kể lại với phóng viên Tiến Dũng của báo VNExpress năm 2011: "Chiều 30/4/1975, phần lớn người dân Sài Gòn đều túa ra đường để được tận hưởng bầu không khí hân hoan, phấn khởi của ngày thành phố được giải phóng. Những người nghe tin tức qua Đài Phát thanh Sài Gòn cảm thấy xúc động dâng trào khi nghe Trịnh Công Sơn hát 'Nối vòng tay lớn' trong giờ phút lịch sử của dân tộc".

oOo

Chỉ trong vòng 55 ngày, chiến dịch Mùa Xuân đã đuổi những người lính Mỹ cuối cùng ra khỏi Việt Nam và đánh sập ngụy quyền Sài Gòn, đây là một trong những chiến dịch thần tốc nhất trong chiến sử thế giới, một trong những sự sụp đổ nhanh nhất trong lịch sử thế giới, và sự tháo chạy hỗn loạn, vô trật tự, vô nguyên tắc, vô tổ chức và vô kỷ luật nhất trong quân sử thế giới.

Nguyên nhân của hiện tượng đó chủ yếu là vì Hoa Kỳ đã giảm bớt viện trợ quân sự xuống còn hơn 700 triệu USD (tương đương với khoảng 4,6 tỷ USD ngày nay). Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển của chế độ Sài Gòn, giáo sư đại học Harvard tại Mỹ trong sách Từ tòa Bạch Ốc đến dinh Độc Lập đã đưa ra nhiều thông tin gián tiếp cho thấy khả năng tồn vong của ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn nằm trong bàn tay người Mỹ và phụ thuộc hoàn toàn vào sự cưu mang của chính phủ Hoa Kỳ, cụ thể bản báo cáo mà Nguyễn Văn Thiệu đã đọc:

"Nếu mức viện trợ quân sự là 1,4 tỷ USD (giá thời đó) thì có thể giữ được các vùng đông dân cư tại bốn vùng chiến thuật.

Nếu mức viện trợ quân sự xuống 1,1 tỷ USD thì có thể không giữ được Quân khu I.

Nếu mức viện trợ quân sự còn 900 triệu USD thì khó giữ được Quân khu I, Quân khu II.

Nếu viện trợ quân sự chỉ còn 750 triệu USD thì chỉ có thể phòng thủ một vài khu vực.

Nếu viện trợ quân sự chỉ còn 600 triệu USD thì chỉ còn có thể giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long."

Nhưng rốt cuộc Hoa Kỳ đã viện trợ 700 triệu USD mà không một khu vực nào cầm cự nổi, kể cả Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long. Và đó chỉ là viện trợ quân sự, chưa tính viện trợ kinh tế. Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, có lúc Nguyễn Văn Thiệu đã nói cay đắng với một dân biểu Mỹ rằng: "Mới vài ngày trước đây là một tỷ, bây giờ còn 700 triệu, tôi làm gì được với số tiền này? Như là chuyện cho tôi 12 đô la và bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất từ Sài Gòn đi Tokyo." Sau đó, Thiệu nhờ tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đi xin thêm tiền và sau này thuật lại trong quyển sách trên, ông Nguyễn Tiến Hưng đã ví việc này với "cái nhục của kẻ đi cầu xin".

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những trùng hợp kỳ diệu của lịch sử

Nhìn lại cuộc trường kỳ kháng chiến "2 trong 1" kéo dài 30 năm của dân tộc (1945-1975), thì có thể thấy một hiện tượng kỳ lạ: Hai chiến dịch quyết định thắng bại cuộc chiến là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Mùa Xuân đều diễn ra 55 ngày đêm. Một chiến dịch đưa tới kết quả toàn thắng giặc Pháp, giải phóng miền Bắc, giải phóng nửa nước, và một chiến dịch đưa tới kết quả toàn thắng giặc Mỹ, giải phóng nốt những vùng tạm chiếm còn lại ở miền Nam, hoàn thành sứ mạng lịch sử giải phóng dân tộc, giành lại hoàn toàn độc lập, hòa bình, thống nhất và sạch bóng quân xâm lược, đều là 55 ngày.

Trong cả hai chiến dịch lịch sử đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp đều có vai trò quyết định, với hai quyết định chiến thuật quân sự sáng suốt trong đời:
  • Quyết định rút pháo ra để thay đổi chiến thuật "đánh nhanh - giải quyết nhanh" sang "đánh chắc - tiến chắc", đánh bóc vỏ từ từ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là quyết định làm nên chiến thắng, vì nếu không rút pháo ra mà cứ theo đà, theo thế tiến đánh kiểu thí mạng thì sẽ tổn thương to lớn và khả năng rất cao là sẽ thất bại.
  • Quyết định chỉ thị "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng", trong chiến dịch Mùa Xuân. Trong khi tình hình bình thường lúc đó nếu tiến quân theo lối thông thường thì tốc độ đã không nhanh như vậy, có thể phải tốn nhiều ngày hơn, nhưng đại tướng Võ Nguyên Giáp cố gắng thu gọn và chỉ thị phải đánh trong 3 ngày, đẩy lên cao nhất yếu tố tốc độ.

 Nhiều tài liệu, sách báo trong và ngoài nước cho rằng trong chiến dịch Mùa Xuân nếu quân đội Việt Nam không cố gắng tăng tốc hành quân lên nhanh nhất có thể, khai thác và tận dụng triệt để sự hoảng loạn tinh thần, sụp đổ tâm lý, không còn lòng nào chiến đấu của ngụy quân mà xốc tới thừa thắng xông lên, làm cho các hệ thống phòng ngự của địch bị sụp đổ dây chuyền như domino, hàng hàng lớp lớp đào ngũ bỏ chạy, mà chậm chạp trì trệ, thì ngụy quân có khi đã trấn tĩnh lại, lập lại trật tự hàng ngũ và kịp thời thành lập các quân đoàn án ngữ, phòng thủ các điểm hiểm yếu, then chốt, câu giờ để quân đội Mỹ có thời gian mà hành sự. Ngày nay, các tài liệu giải mật còn cho thấy thêm yếu tố Trung Quốc. Họ có thể thừa cơ "đục nước béo cò" nếu quân Việt Nam không đủ nhanh chân nhanh tay.

Như vậy, nếu không có chỉ thị đó của đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc tăng tốc hành quân lên tối đa nhất có thể, khai thác và tận dụng cao nhất tình hình thuận lợi và sự hoảng loạn sụp đổ của quân địch, thì có thể xảy ra những hiện tượng sau:

  • Quân đội ngụy có thời gian hoàn hồn lại và tái bố trí, điều chỉnh lại lực lượng, hợp quân thành lập các quân đoàn liên kết phòng thủ các tuyến trọng yếu.
  • Hoa Kỳ có thời gian tính toán, quyết định, hành động, trực tiếp can thiệp để giữ ngụy quyền không bị sụp đổ.
  • Hải quân các bên tranh chấp tại biển Đông sẽ thấy sự thuận lợi, dễ dàng nổi máu tham, và nếu họ nổi lòng tham thật thì họ sẽ có thời gian để "đục nước béo cò". Nếu hải quân các nước đến quần đảo Trường Sa trước thì chưa chắc hải quân Việt Nam giành lại được.


Với những khó khăn như vậy thì dù thành công giải phóng được miền Nam thì cũng sẽ chịu thương vong lớn hơn nhiều cho binh lính cả ta và địch cũng như dân thường, chưa kể những tổn thất vật chất, có khi phải mấy tháng sau mới hoàn toàn giải phóng được hết miền Nam, lúc đó quần đảo Trường Sa có lẽ cũng đã bị các nước khác chiếm đóng từ lâu. Chưa kể Hoa Kỳ có thể nghĩ tới chuyện kéo quân quay lại.

Do đó, hai quyết định lịch sử đó của đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hai thời điểm lịch sử, có tính quyết định trọng đại đó, có thể nói đã quyết định kết quả hai cuộc chiến tranh giữ nước lớn nhất, khó nhất trong lịch sử Việt Nam. Nếu không có hai quyết định đó thì không ai biết chuyện gì xảy ra, diễn biến lịch sử tiếp theo là gì, có thể diễn biến vẫn không thay đổi, nhưng nhiều máu đổ hơn, nhiều người ngã xuống hơn là điều không nghi ngờ gì.

2. Các âm mưu "đục nước béo cò" của Trung Quốc - Khmer Đỏ

Thời điểm này Trung Quốc và đàn em Khmer Đỏ đã bộc lộ ý đồ "đục nước béo cò" muốn nhân cơ hội chiến sự ở Việt Nam mà mưu tính lấn chiếm đất đai, biển đảo, thậm chí duy trì chia cắt Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tượng này có nguồn gốc từ các thời điểm trước đó, và dần leo thang đến tháng 4 năm 1975.

Năm 1970, CIA Mỹ cung cấp cho Nhà Trắng và Lầu Năm Góc nhiều tài liệu mật về sự mâu thuẫn sâu sắc giữa Trung Quốc và Liên Xô. Từ những hồ sơ này, các nhà phân tích CIA kết luận: Bất đồng Xô - Trung sẽ kéo dài. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Henry Kissinger đã nhanh chóng chớp thời cơ để bắt đầu lộ trình phục hồi quan hệ với Trung Quốc. Bắt đầu từ những năm 1970, Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu "đi đêm" với nhau, mà điểm nhấn là chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Nixon năm 1972, trong lần gặp gỡ này Nixon và mật đàm với Mao Trạch Đông về nhiều vấn đề, không những về quan hệ song phương, mà còn về quan hệ đa phương trên phạm vi toàn cầu và khu vực, đặt trọng tâm vào bán đảo Đông Dương và khu vực Đông Nam Á, trong đó có tâm điểm Việt Nam. Sau đó là nhiều cuộc mật đàm giữa ngoại trưởng Kissinger và thủ tướng Chu Ân Lai, chủ tịch Hoa Quốc Phong và các lãnh đạo Trung Quốc, như nhiều hồ sơ được bạch hóa về sau, cũng như các hồi ký của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon, ngoại trưởng Henry Kissinger và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã đề cập đến những vụ "đi đêm", mật đàm với Trung Quốc.

Năm 1974, tình hình chiến trường càng lúc càng tiêu cực, bi quan, người Mỹ cho rằng khó giữ nổi miền Nam Việt Nam, sớm muộn gì cũng thua và mất miền Nam Việt Nam, nên họ đã thỏa thuận nhượng lại Hoàng Sa cho Trung Quốc để đổi lấy những lợi ích chính trị, kinh tế, và củng cố, thắt chặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, hình thành thái cực Mỹ - Trung chống Việt - Xô. Đó là thời kỳ Trung - Xô xung đột và Trung Quốc "liên Mỹ đả Việt" (聯美打越).

Đó là lý do vì sao khi hải quân Trung Quốc được Mỹ bật đèn xanh bất ngờ tấn công vào Hoàng Sa của Việt Nam đang dưới sự bảo hộ của Mỹ, hải quân ngụy sau khi buộc phải tự vệ thì có lệnh phải triệt thoái, và họ đã chạy khỏi và bỏ lại toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, các lực lượng hải quân hùng hậu quanh đó bị Nguyễn Văn Thiệu hạ lệnh án binh bất động, những tàu chiến đang trên đường ra Hoàng Sa thì bị gọi quay về. Hạm đội 7 của Mỹ đã không chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc.

Trong trận đánh nhỏ trước khi rút lui, theo thống kê của Thời báo New York trong loạt bài về sự kiện này năm 1974 ngay sau khi sự kiện xảy ra, thì quân đội Sài Gòn có 138 quân lính bị thương vong hoặc bị bắt sống, quân đội Trung Quốc có 18 quân lính thương vong. Sau trận đánh, Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đến nay.

Có câu "đánh tớ phải nể mặt chủ", Trung Quốc đã an bài trước với Hoa Kỳ sau hậu trường, được Mỹ gật đầu, thì mới có thể ngang nhiên, công khai đánh thẳng vào quần đảo Hoàng Sa ngay trước mắt Hạm đội 7 của Mỹ như vậy. Lúc đó Trung Quốc không muốn và không dại gì làm mất lòng Mỹ trong khi quan hệ hai nước đang phục hồi và phát triển tốt đẹp. Mỹ vừa hợp tác, vừa lợi dụng Trung Quốc để chia rẽ khối xã hội chủ nghĩa châu Á và gây hại cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Tóm lại, Trung Quốc đã sớm biết từ trước là Hạm đội 7 của Hoa Kỳ sẽ không chống lại cuộc tấn công của họ.

Trung Quốc nói là để "tự vệ", nhưng thực chất đó là một hành động xâm lược, một hành vi "đục nước béo cò", thừa lúc miền Nam Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa đang bị Mỹ xâm lược để trục lợi. Đó là một hành động xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam để về trước mắt: cướp Hoàng Sa, về lâu dài: khống chế Việt Nam từ mặt biển và từng bước thực hiện ý đồ bá chủ Biển Đông, biến Biển Đông thành "ao nhà" ở sân sau của mình.

Hành động xâm lược của Trung Quốc đã có tính toán từ trước và được sự thỏa hiệp của Hoa Kỳ. Vì vậy, khi đó người Mỹ ở Sài Gòn đã trao đổi với Nguyễn Văn Thiệu và hải quân Mỹ ở gần đó đã được lệnh nhắm mắt làm ngơ cho Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa, đồng thời các lực lượng hải quân ngụy đang trên đường tiếp viện, tái chiếm Hoàng Sa đều bị bắt quay về đất liền.

Ngày 20/1/1974, chính phủ Tây Ninh của Cộng hòa miền Nam Việt Nam chính thức phản đối hành động này của Trung Quốc. Ngày 26/1/1974, chính phủ Tây Ninh tuyên bố lập trường 3 điểm về việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải. Ngày 14/2/1974, Cộng hòa miền Nam Việt Nam khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam.




Chủ tịch Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Jimmy Carter

Tháng 4 năm 1975, đứng trước thực tế Trung Quốc đã dè chừng và dồn quân phòng thủ Hoàng Sa, đồng thời cho hải quân, cùng có hành động như lực lượng hải quân của 5 nước âm mưu xâm chiếm các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa một khi quân ngụy Sài Gòn giải tán, hải quân Việt Nam đã khẩn trương triển khai chiến dịch Trường Sa và các đảo trên biển Đông, để giải phóng hoặc tiếp quản thật nhanh những vùng này trước khi các nước ngoài "đục nước béo cò".

Chiến dịch nhỏ này là một phần của chiến dịch Mùa Xuân năm 1975, diễn ra trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1975. Mục tiêu của chiến dịch là quần đảo Trường Sa và các đảo ven biển miền Nam mà quân Sài Gòn đang đồn trú và một số đảo do quân Khmer Đỏ chiếm đóng từ trước.

Theo các tác giả Nguyễn Văn Đấu, Dương Thảo, Đặng Văn Tới trong sách "Bộ Tham mưu Hải quân - Biên niên sự kiện (1959-2004)", NXB Quân đội nhân dân xuất bản năm 2004, thì ngày 9 tháng 4 năm 1975, đài trinh sát kỹ thuật của Quân đội Nhân dân Việt Nam cướp được bức điện của quân ngụy đồn trú trên đảo Nam Yết gọi về đất liền yêu cầu tăng viện và điện trả lời của Bộ Tổng tham mưu ngụy với nội dung: "Không có lực lượng tăng viện".

Nhận được tin này, Quân ủy Trung ương QĐNDVN điện cho Bộ tư lệnh tiền phương quân chủng Hải quân đặt tại Đà Nẵng: "Có tin địch chuẩn bị rút khỏi các đảo ở Trường Sa. Kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân đội nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm."

Khoảng 2 ngàn chiến sĩ hải quân Việt Nam trong các tàu đánh cá trá hình đột kích bất ngờ vào Trường Sa và phối hợp với cuộc tổ chức nổi dậy vượt ngục đồng loạt ở Côn Đảo, trong đánh ra - ngoài đánh vào hải quân ngụy và quân Khmer Đỏ, một bộ phận lớn quân ngụy đã đầu hàng, nhưng trong đó có một số vẫn ngoan cố chống cự. Kết quả quân ngụy có 187 người thương vong, 557 người bị bắt sống. Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng loại khỏi vòng chiến đấu 284 lính Khmer Đỏ và bắt sống hơn 400 kẻ khác

Trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, tuy ban đầu không nằm trong kế hoạch của chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng trước các hoạt động "đục nước béo cò" ngoài dự tính của Khmer Đỏ, QĐNDVN đã triển khai các hoạt động quân sự đánh đuổi quân Khmer Đỏ ra khỏi những vùng bị họ lấn chiếm ở miền Tây Nam Bộ.

Ngay sau khi ngụy quân tại đồng bằng sông Cửu Long tan rã và đầu hàng Mặt Trận, từ ngày 3 đến ngày 12/5/1975, Khmer Đỏ đã lợi dụng khoảng trống quản lý tại các địa phương trên khu vực biên giới giữa các tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc của Việt Nam với các tỉnh Takeo và Campot của Campuchia, sử dụng quân chính quy mở các cuộc tấn công lấn chiếm nhiều địa điểm. Đặc biệt là khu vực Ba Chúc (huyện Tri Tôn), Phú Cường, Phú Hiệp (huyện Tịnh Biên), thị xã Châu Đốc, huyện lỵ An Phú; quân Khmer Đỏ đã sát hại trên 500 thường dân Việt Nam. Tại Tây Ninh, quân Khmer Đỏ cũng tấn công lấn chiếm nhiều địa điểm tại Xa Mát, Ta Nốt, Lò Gò (huyện Tân Biên), Phước Thạnh, Phước Tân, (huyện Châu Thành), Cây Me, Mộc Bài (huyện Bến Cầu), sát hại hàng trăm thường dân Việt Nam.

Song song với các chiến dịch chiếm lại các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Polovai, quần đảo Nam Du trên Vịnh Thái Lan, bộ tư lệnh Quân khu 9 đã sử dụng sư đoàn 4 bộ binh được tăng cường trung đoàn hải quân đánh bộ 101 từ Bộ tư lệnh hải quân mở cuộc tấn công mạnh mẽ vào quân Khmer Đỏ. Ngày 7 tháng 5, giải phóng Châu Đốc. Đến đầu tháng 6, các đơn vị này đã giải phóng toàn bộ khu vực biên giới Tây Nam bị quân Khmer Đỏ lấn chiếm.

Cùng thời điểm đó, Trung Quốc còn tìm cách đi cửa sau để tiếp xúc tướng Dương Văn Minh, "tổng thống" trong 3 ngày cuối của chế độ Sài Gòn, có ý chống lại cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân của quân dân miền Nam Việt Nam, ngăn cản Việt Nam thống nhất. Văn kiện "Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua" của Bộ ngoại giao Việt Nam do NXB Sự Thật xuất bản vào tháng 10 năm 1979 đầu tiên công bố chuyện mờ ám này. Sau này, tướng Dương Văn Minh, tướng Nguyễn Hữu Hạnh, "dân biểu" Lý Quý Chung và nhiều cựu chính khách, tướng tá, sĩ quan quân đội Sài Gòn cũng thừa nhận chuyện này.

Ngày 28/4/1975, ngay sau khi tân "tổng thống" Dương Văn Minh vừa thu âm xong bản tuyên bố của mình với yêu cầu cả hai bên ngưng bắn, thương lượng để bàn giao chính quyền thì ông Francois Vanussème, tùy viên quốc phòng và an ninh của đại sứ quán Pháp ở Sài Gòn xuất hiện. Ông này yêu cầu ngưng phát cuộn băng và đưa ra một đề nghị khiến ông Dương Văn Minh phải kinh ngạc: Chính quyền mới do ông Dương Văn Minh đứng đầu hãy kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa can thiệp, ngăn chặn cộng sản Việt Nam tiến vào Sài Gòn.

Ông Vanussème ám chỉ xa gần nói "có những nguồn tin ở Washington, Paris và Bắc Kinh" cho biết Trung Quốc không ủng hộ giải pháp 1 nước Việt Nam thống nhất. Ông ta còn khẳng định: "Quân đội Trung Quốc sẽ vào giúp các ông đứng vững". Tuy nhiên, tướng Minh đã từ chối đề nghị của Vanussème và nói: "Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Quốc." Sau khi Vanussème đi khỏi, ông Dương Văn Minh than với các cộng sự: "Mình đã bỏ Pháp đi theo Mỹ, bây giờ nó lại xui mình đi theo Tàu. Thật là chán quá." Sở dĩ Trung Quốc muốn thông qua người Pháp là vì ông Dương Văn Minh là một người thân Pháp, đã từng phục vụ trong quân đội Pháp.

Dù trước họng súng của Mỹ-ngụy, Khmer đỏ và các toan tính chính trị bên ngoài, quân dân ba miền Việt Nam vẫn hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, giành lại trọn vẹn độc lập, thống nhất và hòa bình lâu dài cho đất nước Việt Nam.




Người dân Sài Gòn mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng

Tham khảo thêm: Ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4/1975

Thiếu Long