Học sử Việt để làm gì?

Nhiều người mơ hồ không hiểu tại sao phải học sử. Nhiều người cho rằng nó không thực tế. Rằng ngày nay thời buổi kinh tế thị trường thì làm giàu kiếm tiền cho sướng thân, học sử làm gì, dùng cho việc gì, có công dụng gì, hiệu quả gì. Một số người xem lịch sử như một loại khoa học tự nhiên, toán học, máy móc vô cảm mà trở nên "khách quan phiệt". Còn có một bộ phận thiểu số lệch lạc quay sang xuyên tạc, bóp méo, coi thường, báng bổ lịch sử xuất phát từ nhiều nguyên nhân và động cơ khác nhau.

Khái niệm "người mình thì đương nhiên học sử nước mình" là phổ biến trong nước ta từ trước tới nay nên có ít người quan tâm đến việc giải thích, phân tích dông dài với các thành phần trên. Tuy nhiên cũng có nhiều người có lòng đã chịu khó giải thích cặn kẽ vì sao phải học sử, nguyên nhân, động cơ của việc học sử, học/dạy sử để làm gì.

Nhiều người đã nói rồi. Nhiều nguyên nhân đã được báo chí đăng tải rồi. Nên nội dung bài viết này xin chỉ bàn về hai vấn đề: 1) Học sử để giữ nước và phát triển đất nước, noi gương và tiếp bước tinh thần chống ngoại xâm của ông bà tổ tiên một khi có giặc. 2) Học sử để xua tan dần một loại tư tưởng tạm gọi là tư tưởng thuộc địa, đang ngự trị trong một bộ phận không nhỏ chúng ta. Xua tan tư tưởng thuộc địa cũng chính là củng cố tinh thần dân tộc, cơ sở tư tưởng vững chắc của công cuộc gìn giữ và phát triển nước nhà.

Sự tiếp cận, nhận thức và vận dụng lịch sử khác nhau giữa Ta - Tây - Tàu

Người phương Tây, Âu - Mỹ tiếp cận và nhận thức lịch sử như những nhà khoa học tự nhiên, nhà khảo cổ học thực thụ. Sử học đối với họ như một môn khảo cổ học. Đòi hỏi sự máy móc, gần như là trần trụi. Đôi khi họ sa vào bệnh "khách quan phiệt". Đó là do trong lịch sử của họ, họ không trải qua một quá trình lâu dài ngồi yên một chỗ bảo vệ quốc gia dân tộc và bị bủa vây, tấn công xâm lược từ bốn phương tám hướng như Việt Nam. Họ thường ở một tư thế tấn công, xâm lược nước khác, và chinh phạt khắp thế giới.

Nói chung họ dùng lịch sử chủ yếu để học, để lấy kinh nghiệm, để nghiên cứu tỉ mỉ. Họ hay có câu "Learn from the past, and move on". Tạm dịch là "Học hỏi, rút ra kinh nghiệm từ quá khứ, và bỏ qua, bước tiếp". Họ xem lịch sử là một môn khoa học bình thường, tiếp cận, nhận thức và vận dụng như một môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học khảo cổ. Ở đây, dã sử không thịnh hành và lịch sử gắn liền với khoa học, nhân chủng học, khảo cổ học.

Tộc Hán, Trung Hoa nhận thức lịch sử qua lăng kính AQ, tự tôn, tự cao tự đại đôi khi thái quá. Và có lối tiếp cận thiên về cảm tính, duy tình, duy tâm, trái ngược lối tiếp cận nghiêng về lý tính, duy lý, duy vật của phương Tây. Họ nhìn lịch sử bằng một tâm lý mơ mộng, "lãng mạn". Họ nhớ "sử" qua các tiểu thuyết chương hồi hơn sử chuyên môn. Họ thưởng lãm lịch sử như thưởng thức một bức tranh đẹp. Họ không ngần ngại tô vẽ, thêu dệt lên trên đó những gì đẹp đẽ nhất. Và trong dã sử thì họ càng không ngại thêu dệt lên trên đó những gì hư cấu nhất, thần thánh nhất, và phóng đại thổi phồng, nhằm thỏa mãn tư tưởng AQ, tinh thần Đại Hán, và chủ nghĩa đại dân tộc bá quyền nước lớn.

Trong các tác phẩm văn học lịch sử / dã sử của người Tàu, chúng ta thường thấy tư tưởng chủ đạo của họ là: Vua thường là con trời (thiên tử) sai xuống. Các quan thì là những vì sao trên trời đầu thai, giáng phàm, thiên binh thiên tướng do Ngọc Đế phái xuống nhân gian cứu độ chúng sinh. Xem các quốc gia dân tộc xung quanh là "Đông di, Tây nhung, Nam man, Bắc địch". Đó là một điều dễ nhận thấy trong quá trình phát triển của phong kiến Hoa Hạ.

Những tác phẩm dã sử có giá trị như Đông Chu Liệt quốc, Tam Quốc chí, Thủy Hử.... mà nhiều người đọc rồi tin vào, thuộc làu "lịch sử Trung Quốc" qua nó, thật ra chỉ có một phần nhỏ là dựa theo khoa học lịch sử khách quan. Ngoài ra đều là hư cấu, tô son trát phấn, thổi phồng, phóng to. Chưa kể những thể loại dựa vào một thời điểm, bối cảnh lịch sử nhất định, rồi tha hồ tô vẽ thêu dệt vô tội vạ không cần theo một lề lối sử sách nào, như Phong Thần, Hán Sở tranh hùng, Thuyết Đường, Tiết Nhân Quý, Tây Du Ký....

Và hầu hết hư cấu của họ đều đặt trong ý thức chủ đạo của người Hán: Hoàng đế là "thiên tử". Các văn thần thì người là Văn khúc tinh quân, Văn xương tinh quân, Thái thượng lão quân, Thái bạch kim tinh, võ tướng thì phải là Vũ khúc tinh quân, Nhị thập bát tú, Nhị lang thần Dương Tiễn, Na Tra. Vua quan cùng vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế đầu thai giáng thế....

Nói chung là họ dùng lịch sử chủ yếu để giải trí và để thỏa mãn cái Tôi, cái tâm lý AQ tự tôn và "tự sướng", để có cảm giác ta đây là trung tâm của hoàn vũ, của thiên hạ. Phục vụ và góp phần nuôi dưỡng cho tư tưởng nước lớn của họ. Ở đây, lịch sử gắn liền với dã sử, văn học, nghệ thuật.

Trong bài thơ Lịch sử nước ta của Bác Hồ, với nội dung tóm tắt sơ lược lịch sử Việt Nam, có hai câu ở trên đã trở thành câu thơ nổi tiếng:

"Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam!
"

Đương nhiên gốc tích nước ta thì chúng ta cần thuộc. Thuộc gốc tích nước nhà là điều tốt. Nhưng tác dụng thật sự của việc "tường gốc tích" là gì? Tác dụng thực chất, thực tế của nó là gì?

Bác Hồ có một câu nói nổi tiếng khác đã giải đáp câu hỏi trên: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!"

Đại Việt, Việt Nam nhận thức và tiếp cận lịch sử ở đâu đó vào khoảng giữa của hai nền văn hóa trên. Không quá máy móc, cứng ngắt như phương Tây, không quá tô hồng thổi phồng như phương Bắc, mà thực tế, "thực dụng". Dùng lịch sử như một công cụ, phương tiện, tấm gương để giữ nước, để truyền lửa từ đời này sang đời nọ, từ thế hệ này sang thế hệ kia, từ già tới trẻ, từ cha đến con, người này ngã xuống người kia đứng lên, cha ngã xuống sẽ có con báo thù, ông ngã xuống sẽ có cháu phục hận. Nó có tác dụng truyền lửa và xây dựng một động lực tranh đấu, cống hiến, xây dựng cho thế hệ trẻ. Hun đút và rèn luyện tinh thần yêu nước thương nòi và đoàn kết dân tộc.

Đó là do nhu cầu thiết yếu của Việt Nam trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm qua. Do những đặc điểm đặc thù, do nằm trong một vị trí địa chính trị trọng yếu, có một dãy đất màu mỡ tài nguyên, phong phú cả về thiên nhiên và nhân lực, đều dồi dào v.v. Làm cho bao nhiêu thế lực Tây - Tàu đều thèm rõ dãi muốn thôn tính. Mấy ngàn năm nay VN luôn phải đối phó với đủ mọi loại giặc ngoại xâm. Phía Nam phía Bắc, phía Đông phía Tây, bốn phương tám hướng, thù trong giặc ngoài. Do đó nhu cầu và động lực bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc VN luôn mạnh mẽ, cần kíp, khẩn cấp, và thường trực hơn nhiều so với những nền văn hóa khác, những quốc gia dân tộc khác với những hoàn cảnh đặc thù khác.

Do đó nhận thức lịch sử, phương pháp tiếp cận sử học, cách dùng sử của người Việt xưa nay cũng khác họ, và đều nằm trong chủ đạo của tộc Việt và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Chủ đạo là niềm tin của một số người, của những tập thể, dần dà kết hợp với nhau thành một dân tộc. Những niềm tin riêng cộng lại, hợp lại thành một niềm tin chung của một dân tộc. Chủ đạo của tộc Việt kết hợp nhiều đời lại một cách tiến triển tự nhiên, tiến hóa và thích nghi theo tự nhiên, chứ không do ai tạo ra. Từ những thực tế lịch sử đó, nó hun đút nên và hình thành "chủ nghĩa yêu nước Việt Nam".

Nhiều chiến thắng lừng lẫy, oanh liệt trong những cuộc chống ngoại xâm trong quá khứ đã hun đút và hình thành một niềm tự hào dân tộc chính đáng và tiếp lửa cho lòng yêu nước truyền thống của dân tộc Việt Nam. Dân tộc nào cũng có lòng yêu nước, quốc gia nào cũng có chủ nghĩa ái quốc của họ, nhưng lòng yêu nước đặc thù Việt Nam đã được hình thành và tôi luyện trong lao động sản xuất với bao điều kiện thiên nhiên nghiệt ngã, và trong chiến đấu bảo vệ đất nước, quê hương, làng mạc, ruộng vườn. Tinh thần yêu nước đó đã trở thành "chủ nghĩa yêu nước Việt Nam", và trên thực tế đã biến thành một sức mạnh vô biên từng đánh bại tất cả kẻ thù xâm lược.

Bác Hồ đã đúc kết lại điều đó như sau: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

Nói chung, chúng ta dùng lịch sử để làm gương cho đời sau noi theo, để truyền lửa, và để nghiên cứu học tập người xưa. Do đó cách tiếp cận của ta không "máy móc", "trần trụi" như phương Tây, Âu - Mỹ, không "lãng mạn", "hoành tráng", "hoang đường", "trên mây", "giả tưởng", "trang trí lộng lẫy", "nhìn lịch sử qua con mắt gã AQ" như Trung Hoa. Mà là chừng mực, vừa phải, vừa đủ, và hữu dụng trong thực tế.

Do đó phương thức tiếp cận và cách dùng lịch sử của Việt Nam luôn đặt nặng vào lợi ích chung của dân tộc, kết hợp và giải quyết hài hòa giữa vấn đề khách quan và vấn đề lợi ích, trên một nền móng là lấy lợi ích dân tộc làm chủ đạo, lấy sự bảo vệ đất nước và công cuộc chống ngoại xâm làm đối tượng phục vụ.

Từ sự khác biệt về hướng tiếp cận, góc nhận thức, và sự vận dụng, đưa đến một số thực tế khác nhau. Bên Tây, Tàu người ta có thể đụng chạm vào bất kỳ ngõ ngách tế nhị nhạy cảm nào trong lịch sử của họ. Tha hồ hư cấu, tiểu thuyết hóa, tiêu cực hóa, bôi đen danh nhân này vĩ nhân kia cũng không có gì quan trọng.

Bên Ta thì nhận thức đó là thất lễ, bất kính, nếu có hại nghiêm trọng thì có thể còn bị gọi là "đốt đền". Do ở VN những danh nhân có công lớn với Tổ quốc và nhân dân thì ngoài việc ngưỡng mộ thì còn có tâm lý kính ngưỡng nữa. Nghĩa là không chỉ "yêu" mà còn là "kính". Người ta không chỉ yêu Bác Hồ, mà còn kính Bác Hồ. Các anh hùng dân tộc thì được dân gian xây đền thờ phụng. Sử xanh nước Việt thường được ngắm nhìn như một bàn thờ Tổ quốc, bàn thờ tổ tiên trang nghiêm cổ kính.

Yếu tố "kính trọng" và "biết ơn" luôn gắn liền với tâm thức trong quá trình nhận thức Việt sử. Yếu tố lợi ích dân tộc, truyền lửa cho thế hệ sau, xây dựng lòng tin, nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh thần cách mạng v.v. luôn đồng hành trong quá trình tiếp cận, sử dụng, và giáo dục lịch sử Việt Nam. Như vậy là vừa có lý vừa có tình. Không quá lý tính, máy móc khô cứng như Tây. Không quá cảm tính, duy tình, ướt át ủy mị hoang tưởng thêu thùa như Tàu. Ta không khô khan như Tây, ướt át như Tàu, nhưng vừa vặn và biết dừng ở chỗ "tự hào" chứ chưa cán mức "tự sướng" như Trung Hoa. Tại VN, lịch sử gắn liền với chính trị xã hội, văn hóa phong tục, con người, và công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Nhận diện một tư tưởng tai hại

Đây là một vấn đề mà lâu nay tôi luôn trăn trở và nhiều người cũng khó chịu và phản ảnh về loại tư tưởng này. Có một bộ phận lớn người Việt lại không xem người Việt và người nước ngoài (đặc biệt là người phương Tây) là bình đẳng như nhau, mà luôn xem người ngoại quốc là "hơn" người Việt Nam, người VN "thua" người ngoại quốc.

Tạm gọi đây là tư tưởng thuộc địa hoặc tư tưởng dân tộc hạ đẳng. Tư tưởng dân tộc thượng đẳng là tư tưởng phát xít, nhưng ít ra đó là tư tưởng coi dân tộc mình cao hơn dân tộc khác, đàng này ngược lại, một số người lại coi dân tộc khác cao hơn dân tộc mình. Tư tưởng, tâm lý, não trạng, tinh thần này xuất phát sâu xa từ 100 năm nô lệ giặc Tây trong lịch sử cận đại và hiện đại, mà đến bây giờ vẫn chưa tẩy rửa hết được trong một bộ phận người Việt. Tư tưởng này là một trong những căn bệnh xã hội, và là một trong những di chứng, di căn, tàn dư từ thời thuộc địa.

Mức độ nặng, nhẹ của tư tưởng này

Mức độ nhẹ:

Nếu các bạn quan sát các đường phố Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, Sài Gòn, thì sẽ thường xuyên thấy những người khách du lịch "Tây ba lô" da trắng tóc vàng mắt xanh chạy xe máy đầy đường nhưng họ lại không đội mũ bảo hiểm. Và họ cũng thừa biết khi họ cầm lái xe máy trên đường phố, rất ít khi có chuyện cảnh sát giao thông "đụng chạm" tới họ.

Người nước ngoài đi xe vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm hoặc chở nhiều người trên xe. Cảnh sát giao thông nhiều nơi vốn rất tích cực chặn phạt người phạm luật, lại chẳng mấy khi chặn lại những người nước ngoài phạm luật. Như là họ bị "khớp", họ "teo" trước những người da trắng phương Tây.

Có vẻ như trong xã hội chúng ta hiện nay có một sự phân biệt ngầm nào đó, như là một sự phân biệt chủng tộc ngược, không cần tinh ý lắm cũng có thể thấy. Vào quán ăn hay quán cà phê, nếu là người nước ngoài, đặc biệt làn da càng trắng càng tốt, mắt càng xanh càng tốt, tóc càng vàng càng hay, nói tiếng Anh càng thao thao bất tuyệt như gió càng hay, giọng Tây càng chuẩn càng xịn, thì bạn sẽ được phục vụ tốt hơn, được ân cần niềm nở nhiều hơn.

Một người nhà văn, ca sĩ, người mẫu có thể rất khó tính, kiêu kỳ với phóng viên người trong nước, nhưng lại hết sức vồn vã không chỉ với phóng viên nước ngoài mà cả với bất kỳ người nước ngoài nào mà họ gặp.

Đã bao lần chúng ta chứng kiến tình huống một khách hàng người Việt khi bước vào một nhà hàng, cửa tiệm hay văn phòng cùng với một khách hàng Âu - Mỹ thế là nhân viên người Việt kia lập tức đon đả, có khi còn xum xoe, khúm núm, đón tiếp người Âu - Mỹ kia như một khách quý VIP, và coi người khách hàng đồng hương kia như không hiện diện, đến nhìn cũng không thèm nhìn.

Nếu muốn kiểm chứng điều này, bạn hãy làm một vài thử nghiệm nhỏ: Hãy thử đến dịch vụ nào đó và nói bằng một ngôn ngữ nào khác tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp càng tốt, miễn sao cho nhân viên nghĩ rằng bạn là một người ngoài nước, người Trung Quốc, người Hàn Quốc, người Nhật, người Đài Loan, người Sing, hay thậm chí một Việt kiều mất gốc (quên hẳn tiếng mẹ đẻ), rồi xem thái độ phục vụ và thời gian giải quyết công chuyện có nhanh hơn so với nếu bạn nói bằng tiếng Việt hay không. Tư duy bán hàng, kinh doanh vốn đặt nặng lợi ích mà còn kỳ thị chính người mình như thế thì làm sao tốt cho kinh tế nước nhà.

Trong sinh hoạt thường nhật, nếu chúng ta ra đường thì sẽ rất hay gặp những câu đại loại: "Tây nó vậy", "Ở Tây thì khác", "Thử ở Tây coi".... Nhiều người nặng tư tưởng vọng ngoại, sính ngoại, thậm chí là sùng ngoại, bất kể chuyện gì cũng cho là ở Tây nhất định phải hơn Ta. Trẻ con phải ăn sữa ngoại, đồ hộp Tây mới tốt, mới đảm bảo, và cho rằng tốt hơn rau tươi, thực phẩm tươi ở nội địa. Trong khi các nhà khoa học đã cho biết thực phẩm nhập khẩu và đồ hộp để lâu ngày có nguy cơ bệnh tật, ung thư cao hơn so với thực phẩm tươi trong nước.

Rồi nhất định phải dùng đồ ngoại, hàng hiệu bên Tây thì mới là "ngon"…. Cà phê Việt Nam được bao nhiêu người Việt Nam và người dùng quốc tế đánh giá là thơm ngon đặc biệt, và cà phê còn là một trong những mặt hàng mà Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Vậy mà khi "đại gia" Starbuck đến Việt Nam, chúng ta thấy từng dòng người cam chịu mệt mỏi, đau chân, chờ từ sáng đến trưa chỉ để được vào uống cà phê Starbuck, mà nhiều người sành cà phê đã nói thẳng hương vị của nó không khác gì nước lã pha đường, còn mùi cà phê thì rất nhạt, cà phê thật thì ít mà hương liệu thì nhiều. Như vậy rõ ràng những người này không phải đến để thưởng thức cà phê, mà họ đến để "lấy le".

Đây là một trong những lỗ hổng của CNTB làm lệch lạc văn hóa tiêu dùng, khi thói quen tiêu dùng không còn xuất phát từ giá trị thực của món hàng, mà xuất phát từ sự bị dẫn dắt, lèo lái của các ông kẹ khổng lồ, các ông trùm tư bản, dùng tiền đè bẹp đối thủ bằng "chiến thuật biển người" về quảng cáo, tiếp thị, dùng danh hão và hư vinh để thay đổi thị hiếu tiêu dùng.

Khi những trò này của các tập đoàn ông kẹ tư bản chiến thắng giá trị thực của hàng hóa, giá trị thực của dịch vụ thì nền kinh tế thị trường sẽ bị lệch lạc, lũng đoạn, thao túng và không còn vận hành lành mạnh. Đồng thời đưa đến sự trì trệ chậm tiến về chất lượng kinh doanh, sản xuất, lao động, phục vụ. Như vậy thì kinh tế sẽ khó mà phát triển nhanh và bền vững.

Nhiều người khá giả ở trong nước chỉ xài hàng ngoại, lườm nguýt chê bai hàng nội với các giọng điệu rất kém xây dựng. Đến khi đi du lịch bên Tây, chọn được cái quần, cái áo khoái chí, mua và đến khi lật mác ra xem mới té ngửa đó là hàng xuất khẩu made in Vietnam. Tất nhiên, giá cả tính bằng ngoại tệ, đắt gấp mấy chục lần so với giá cả tại Việt Nam ở cùng một món hàng. Đôi khi đó chính là các món hàng trước đó vài năm họ đã gặp ở trong nước và đã lườm nguýt chê bai vì trong đầu họ nghĩ hàng Việt là nhất định phải dỏm, là nhà quê, quê mùa, kỳ thị thương hiệu Việt Nam.

Nhiều khi chuyện gì bên Tây cũng thấy hay, mắt sáng rỡ khen nức nở, nhưng đến khi sự việc giống y chang hay tương tự diễn ra bên Ta lại nghĩ khác, cho là là dở, là có vấn đề, chê bai không thương tiếc, tiêu chuẩn kép. Đúng là không thể phủ nhận những thành quả tốt đẹp ở các nước đã phát triển giàu mạnh trước ta từ lâu. Nhưng cũng không cần thiết phải tất cả mọi việc đều nâng họ lên, hạ mình xuống một chiều, một lề như vậy, trong khi mỗi xã hội dù đã phát triển hay đang phát triển thì cũng đều đan xen các mặt phải, mặt trái và các vấn đề tích cực, tiêu cực. Thực tế mỗi nơi đều có những thuận lợi, hạn chế, mặt mạnh, mặt yếu.

Gần một thế kỷ bị người Pháp nô dịch đã làm cho nhiều bộ phận người Việt dần hình thành và phát triển triệu chứng tâm lý tự ti mặc cảm dân tộc, đến nỗi trong thâm tâm cho rằng cái gì của người phương Tây đều là hay là tốt, là hơn người, và hầu như bất cứ người da trắng nào cũng vượt trội hơn da màu, da vàng. Hơn cả chính mình. Một người da trắng ôm tư tưởng da trắng thượng đẳng (một loại tư tưởng có "bà con họ hàng" với chủ nghĩa phát xít) đã đành, nhưng một người da vàng ôm tư tưởng da trắng thượng đẳng thì thật đáng thương, và điều này rõ ràng là một biểu hiện của tư tưởng thuộc địa.

Tư tưởng này ở mức độ nhẹ thật ra cũng vẫn chỉ là những tư tưởng vô thưởng vô phạt chưa đến nỗi nào, và phần lớn vẫn là vô hại cho xã hội. Nhưng nếu không tỉnh táo nhìn nhận lại, thì những người này sẽ có ngày biến chứng thành "mức độ vừa", "mức độ nặng", rồi đến "ung thư nhận thức" thì hậu quả cũng khó lường.

Mức độ vừa:

Những người bà nhà mình hay gọi là "đi nước ngoài về chê mắm thối quá", hay như anh Quản Giáo hay gọi là "cua bò đường nhựa mà tưởng văn minh", "hưởng sái cái danh của thằng Mỹ". Nhiều nạn nhân trong số này do chịu ảnh hưởng từ sự di căn, di chứng từ thời thực dân thuộc địa và phụ thuộc ngoại bang trước năm 1975 nên bản chất con người và nhân cách, nhân phẩm của họ cũng bị ảnh hưởng xấu, các nhìn nhận, nhận thức sự vật của họ luôn xuất phát từ nhân sinh quan, quan điểm, góc nhìn, tuyên truyền của Tây, và đặc biệt là Mỹ.

Họ có niềm tin lớn và sự sùng bái mạnh mẽ, gần như là một tín đồ, một con cừu vào Tây - Mỹ. Họ không có cái nhìn khách quan, độc lập về chính nước họ hay về lịch sử nước họ, mà họ nghĩ theo, nói hùa theo, lặp lại thuộc lòng như con vẹt các quan điểm, các tuyên truyền, các chiến dịch thông tin chiến tranh tâm lý của chính phủ Mỹ và các báo đài tư bản phương Tây.

Giống như họ không có đầu óc trí não, họ không biết suy nghĩ, không biết nói, mà cần Mỹ, phương Tây, các quyền lực hữu khuynh và chống cộng quốc tế nghĩ dùm họ, nhận thức hộ, nhận xét hộ cho họ. Do đó mỗi khi họ mở miệng ra là chúng ta thấy họ có những luận điệu xơ cứng, cứng ngắt như một cỗ máy tâm lý chiến của quân đội Hoa Kỳ, xa lạ và xa rời thực tế Việt Nam.

Họ thoái hóa và tự hạ thấp bản thân mình xuống thành một cái loa, hay chính xác hơn là những chiếc loa rè (vì lặp đi lặp lại mãi những luận điệu tương tự nhau suốt gần nửa thế kỷ qua) của Mỹ và phương Tây. Mỹ nghĩ thay họ, và họ nói thay, nói dùm lại cho Mỹ, bị lợi dụng hoặc cả trả lương, bảo trợ, đỡ đầu để đi tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị các quan điểm Mỹ. Họ cam tâm làm một loại tuyên truyền viên, dư luận viên định hướng dư luận theo lề Mỹ, bất chấp thực tế nước nhà và lợi ích quốc gia.

Họ trung thành và mù quáng, cực đoan đến độ tất cả các quan điểm của Mỹ họ đều nghe theo và muốn rập khuôn, từ các quan điểm lịch sử cho đến các quan điểm chính trị - xã hội, văn hóa, toàn cầu hóa, xóa bỏ ranh giới quốc gia dân tộc. Nhiều người còn biện bộ cho văn hóa súng đạn ở Mỹ và muốn đem văn hóa súng đạn đó vào Việt Nam.

Do bị đồng hóa, Tây hóa, Mỹ hóa, họ dần bị nhồi sọ vào đầu rằng các quyền tự do cá nhân theo kiểu muốn làm gì thì làm là cao hơn lợi ích xã hội, đất nước, dân tộc và chủ quyền độc lập của quốc gia. Các giá trị độc lập tự do dân tộc, quyền tự chủ và tự quyết dân tộc đối với họ không bằng các quyền tự do cá nhân. Nhưng trớ trêu thay ngay chính ở Mỹ thì các quyền tự do cá nhân của họ vẫn không hơn được các quyền lực chính phủ và nhất là các lợi ích tập đoàn tài phiệt. Đó là sự tự bưng tai bịt mắt của những thành phần này. Họ chỉ thích nhìn những gì giống Mỹ. Họ chỉ thích nghe những gì giống Mỹ nói. Não trạng họ chỉ thích nghĩ những gì mà Mỹ muốn họ nghĩ. Họ không nhìn ra rằng họ chỉ là những con cừu trong một bầy cừu theo quỹ đạo, theo lề mà người Mỹ hướng họ đi.

Hãy thử đi là biết, hãy nói thử vài lời phê phán, chỉ trích Mỹ - Tây, hay thử đăng những bài báo đưa tin những mặt trái của xã hội Mỹ - Tây, thì lập tức họ sẽ rất khó chịu, bực tức, bức xúc dị thường, và những lời lẽ phản ứng chống chế khiên cưỡng, cãi lại, hầu như chẳng cần bình tâm suy nghĩ gì, thậm chí là những thái độ mất bình tĩnh, những câu chửi đổng sẽ lập tức tuôn ra như là một phản xạ có điều kiện trước những ai cả gan dám đụng chạm tới uy tín Mỹ, quốc thể Mỹ, thương hiệu Mỹ, "giấc mơ Mỹ", "quê hương thứ hai" hoặc "quê hương thứ hai trong tương lai" của họ. Tệ hại hơn là khi họ đuối lý yếu lẽ, bị bất lực không thể phản bác, bảo vệ được hình ảnh nước Mỹ trong họ trước những người kia, thì họ thường đánh trống lảng sang việc chê bai, nói xấu, công kích vào chính "quê hương thứ nhất" của họ.

Tóm lược lại, các biểu hiện chung của tư tưởng này ở "mức độ vừa" là: Tinh thần "đội Tây đạp Ta", "nâng Tây hạ Ta", "khen Tây chê Ta" một cách cực đoan. Lấy quan điểm, góc nhìn, nhãn quan, nhân sinh quan, tiêu chí, chuẩn mực, niềm tin, lời nói, chiêu bài của Tây làm thước đo, làm chân lý, làm "kim chỉ nam", làm một loại "khuôn vàng thước ngọc", và đặt trọn niềm tin vào những gì liên quan đến Tây. Tin Tây, không tin Ta.

Và họ chê theo lề một chiều chứ không hề đánh giá, nhận xét khách quan. Lườm nguýt đồng bào, nhăn nhó chỉ trích quê hương dân tộc đất nước. Có vẻ như mỗi lời chê Ta khen Tây của họ làm cho họ rất sung sướng, hả hê, thỏa mãn, và "tự hào" ta đây là văn minh vậy. Họ ngộ nhận lệch lạc khái niệm văn minh và mỗi khi họ khen Tây, chê Ta họ tưởng tượng trong đầu rằng họ là "văn minh" hơn người đối thoại kia. Họ tưởng rằng như vậy họ cũng là văn minh như Tây. Như là họ nấp sau, rúc vào "thương hiệu" văn minh của Tây để hưởng sái, ăn ké cái "thương hiệu" đó. Nói nôm na theo dân gian Việt Nam là "thấy sang bắt quàng làm họ", "cáo mượn oai hùm".

Mức độ nặng:

Nói về "mức độ nặng" của tư tưởng này cần nhìn lại lịch sử một chút. Trước năm 1975, đất nước tôi trải dài Bắc Nam từ xưa đến nay. Nước tôi thì tôi muốn đi đâu thì đi. Tại sao tôi đi xuống phía Nam thì tôi phải trốn tránh khổ sở trong đường Trường Sơn như vậy? Tại sao ông dội bom lên đầu chúng tôi? Ông lấy quyền gì, lấy tư cách gì mà ngăn cấm, bắn phá, rải bom, không cho tôi đi đến phía Nam nước tôi?

Hiệp định Geneve quy định nước Việt Nam là 1 nước thống nhất từ Bắc đến Nam. Năm 1956 sẽ tổng tuyển cử để hợp thức hóa việc thống nhất này. Ông lấy quyền gì mà dùng bom đạn và lính ngụy để bắn giết phá hoại cuộc tổng tuyển cử? Xong rồi ông bảo đây là một "quốc gia" ly khai riêng biệt, độc lập với miền Bắc.

Nếu bây giờ người Việt Nam qua Mỹ, cướp lấy Texas, lập ra và viện trợ cho chính quyền Rick Perry rồi bảo đây là một "quốc gia độc lập". Rồi không cho người Cali đến Texas, các tiểu bang khác ai muốn đến Texas thì rải bom lên đầu họ, bắn giết họ, thì có người Mỹ nào chấp nhận chuyện đó hay không?

Ai mà đi bàn, đi nói với người Mỹ rằng liệu nước Mỹ có nên chia cắt hay thống nhất, liệu các tiểu bang này kia có nên ly khai thành một nước độc lập hay không thì người Mỹ sẽ nhìn kẻ đó như một kẻ tâm thần mới xuất viện. Còn bên Trung Quốc mà nói vậy thì có khi bọn họ sẽ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay ngay. Nhưng ở VN thì có một bộ phận lại coi đó là chuyện bình thường.

Tôi quan sát hoặc nghe kể lại về một số blog "trái lề" thì thấy trong những nơi đó có nhiều tín đồ "Tây giáo", "Mỹ giáo", cuồng Tây, cuồng Mỹ quả thật có những tư tưởng "ngu dốt vô hạn và khốn nạn vô cùng", một tư tưởng dân tộc hạ đẳng, một tâm lý tự ti mặc cảm nô lệ, một tinh thần sẵn sàng làm nô tài, nô bộc, osin cho ngoại bang.

Họ có những luận điệu kinh hoàng như "các nước khác cũng chia cắt đấy có sao đâu", "không hạp nhau thì ly dị, chia tay, có sao đâu". Trong khi bất cứ người nào có lòng tự trọng, có lòng tự trọng dân tộc, dù trung bình thôi, thì cũng biết vấn đề thống nhất đất nước và độc lập dân tộc là một nguyên tắc mặc định (default), không cần bàn cãi.

Bàn cãi về những chuyện đó đã là không thể chấp nhận rồi, lại còn bảo rằng chia cắt là không sao, việc thống nhất không quan trọng, miếng ăn mới là nhất. Đây là bản năng của bầy đàn gia cầm, gia súc, không phải tư duy của con người. Hoặc nói nhẹ nhất thì đây cũng là cách nghĩ của những kẻ sinh ra để làm nô lệ, không phải của những con người tự do. Trong khi họ ngày đêm hô hào "tự do", giương biểu ngữ "freedom" trong các cuộc biểu tình chống cộng, thì bản thân họ lại thích hợp nhất với "nghề" làm nô lệ, nghề đánh thuê, và đầu óc, ý nghĩ, lời lẽ của họ đầy mùi nô lệ, nô tài, thích làm tôi tớ cho ngoại bang, ngoại tộc.

Chả trách hễ người Việt, người Mỹ gốc Việt nào mà đi lính Mỹ bên đây thì họ gọi đó là "niềm tự hào, vinh dự họ hàng, tự hào dân tộc, được đi lính Mỹ không dễ đâu nhé". Trong lính Mỹ đầy bọn hãm hiếp (rapist) các nữ chiến hữu trong chính quân đội Mỹ và phụ nữ bản địa, giết chóc thảm sát khắp thế giới, đa số đều là bọn ác quỷ hung thần giết người không gớm tay mà họ lấy làm "tự hào" vì "được" phục vụ trong quân đội đó.

Hồi lâu rồi mình lang thang vào diễn đàn Tía Lia, một diễn đàn của người Việt ở Mỹ, thấy có một bản tin nói về một người lính gốc Việt đi lính Mỹ, rồi có một tên ở dưới còm tỉnh bơ "thật là vinh hạnh cho tổ quốc". Má ơi! Một người Việt Nam đi lính cho Mỹ mà là vinh hạnh cho Tổ quốc? Giá trị của Tổ quốc Việt Nam là.... đi lính cho Mỹ? Đó là tư tưởng của con vật hay con người? Tệ hơn cả nô lệ. Nô lệ họ còn biết nhục, họ không coi việc đi làm nô lệ phục vụ, đâm thuê chém mướn, chết thay chết thế cho ngoại bang là "vinh hạnh tổ quốc", "tự hào dân tộc".... Sau khi đọc phải cái còm đó mình không còn vào diễn đàn đó nữa.

Những kẻ như vậy thì chúng ta cũng không ngạc nhiên mỗi khi một người Việt Nam nhắc tới tội ác của Mỹ gây ra ở Việt Nam thì chúng nó trơ trơ tỉnh bơ, thậm chí có những tên còn bênh vực, ngụy biện, nhảy ra đỡ dùm "bu" của nó.

Giống hệt tư tưởng chó săn của bọn Việt gian thời Pháp thuộc, thời kháng chiến. Tây là nhất, ta là bét. Tây là sang, ta là hèn. Tây là chủ, ta là tớ. Tây là thượng đẳng, ta là hạ đẳng. Tây sinh ra là để chơi cha ta. Mục đích sống trong cuộc đời ta là làm hài lòng chủ Tây, phục vụ cho Tây, Tây cho ăn thì mừng, Tây không cho thì nhịn.

Các trường hợp nhẹ và vừa thì còn có thể chữa khỏi. Nhưng nếu một người đã lâm bệnh này nặng nề trầm kha thì đó sẽ là một "lính ngụy tiềm năng" khi đất nước có chiến tranh với bên ngoài.

Nguồn gốc của tư tưởng này

Từ đâu có cái tư tưởng dân tộc hạ đẳng, tâm lý tự ti mặc cảm dân tộc và tinh thần đội Tây lên đầu như thế này? Đó là xuất phát từ sự thích ứng, thích nghi (adaptation) với ngoại cảnh để sinh tồn của động vật. Sống và trưởng thành trong môi trường nào thì sẽ trở thành người của môi trường đó. Những người sống lâu năm trong môi trường ra sao thì sẽ hòa mình và không khéo thì sẽ hòa tan vào môi trường đó.

Trong suốt 100 năm nô lệ giặc Tây trong thời Pháp thuộc, dân tộc Việt Nam đã sống trong một môi trường bị áp bức, nô dịch, sưu cao thuế nặng, bị ngu dân hóa, nhà tù nhiều hơn trường học, nhân dân bị bắt lính để làm bia đỡ đạn cho giặc Pháp. Lao động khổ sai, bắt buộc, kể cả trẻ em, phụ nữ, cụ già, thợ thuyền, công nhân, nông dân, thợ cạo mủ cao su v.v. bị bóc lột tột cùng, vắt cho cạn kiệt. Trong khi đó ai phục tùng chủ Tây, ai làm "chó săn" cho Tây thì được sung sướng, được hưởng sái, ăn ké những gì mẫu quốc có được.

Bốn năm thế hệ liên tục như vậy, có những gia đình, gia tộc, cả nhà phục vụ Tây liên tục nhiều đời như vậy. Sẽ nảy sinh hiện tượng di truyền tư tưởng bán nước. Vừa di truyền một nhân phẩm, nhân cách tồi tệ, hèn kém, hạ lưu, những đặc tính, "phẩm chất" thích hợp cho sự phục vụ chủ nhân da trắng, vừa được bố mẹ dạy bảo những tư tưởng bán nước, những nhân sinh quan thực dụng xôi thịt, xem đồng tiền và các quyền lợi vật chất là trên hết, xem miếng ăn là cao nhất, cài đặt vào đầu óc tinh thần sẵn sàng làm "chó săn" cho Tây.

Một người nông dân thường sẽ phè phỡn, giờ giấc tùy tiện. Bởi vì không cần phải đúng giờ đúng giấc. Một người công nhân thì phải kỷ luật, đúng giờ giấc theo lịch trình của nhà máy. Một trí thức thì thường nói và viết là chính, họ là những nhà tư tưởng, truyền đạt các ý nghĩ hay, song họ thường ít dấn thân, ít trực tiếp làm, nên họ thường ngại dấn thân và sợ khó sợ khổ. Tư sản và tiểu tư sản thì quen hưởng thụ, ít làm việc nên hay mơ mộng, truyền cảm, hay ngại khổ sợ khó, và thiếu sự kiên quyết và dũng cảm trong hành sự việc lớn. Con người nào, sống thế nào, trong môi trường nào thì thường sẽ như vậy. Nó dần hình thành những tính chất, tính cách, đặc tính cần thiết để hoàn thành vai trò của nó hàng ngày.

Một dân tộc bị nô lệ, áp bức, phát sinh tâm lý sợ hãi, thần phục các ông chủ da trắng mũi lõ thì lâu ngày đã hình thành dần, phát triển dần tư tưởng dân tộc hạ đẳng, những tính cách, đặc tính, "phẩm chất" cần thiết để hoàn thành vai trò nô lệ, để làm một nô lệ thuộc địa, làm một người dân thuộc địa phục vụ cho những ông bà đầm bên Tây, những ông bà chủ từ mẫu quốc Đại Pháp và các đồng minh của mẫu quốc ở Tây Dương, an phận với một thân phận nô lệ trung thành, an phận với vai trò nô lệ và phần việc của mình, hễ ai dám có thái độ bất phục bất tuân là đòn roi thực dân quất xuống chan chát ngay.

Sau đó là một chế độ, xã hội thực dân mới ở miền Nam Việt Nam với đầy người Mỹ, cũng da trắng mũi lõ và cũng cao ngạo, cao cao tại thượng còn hơn cả người Pháp ngày trước, vì Mỹ mạnh hơn Pháp, ngay cả Pháp còn phải nể sợ Mỹ, nên trong mắt họ Mỹ còn cao hơn cả Pháp. Từ đó, nhu cầu "làm hài lòng người Mỹ" đã dần trở nên một loại "văn hóa" xã hội, một thói quen sinh sống, sinh hoạt và sinh tồn. Làm sở Tây sở Mỹ, được qua Tây qua Mỹ, trở thành giấc mơ, ước vọng của nhiều người. Được ông Tây ông Mỹ xách theo qua nước họ trở thành hy vọng, ước mơ của bao cô gái.

Trong chiến tranh Mỹ - Việt, tình trạng đó càng đúng với nhiều người sống trong vùng tạm chiếm mà có quan hệ ràng buộc lợi ích chặt chẽ với Mỹ-ngụy. Ví dụ những người làm sở Mỹ, làm việc trong các cơ quan quân sự và dân sự của Mỹ-ngụy, lãnh lương Mỹ, sống nhờ tiền Mỹ, sống nhờ sự nuôi dưỡng của Mỹ.

Cả xã hội miền Nam trong những vùng bị chiếm là sống nhờ vào đô la Mỹ. Những công trình xây dựng cũng do người Mỹ xây hoặc bỏ tiền ra xây. Một xã hội hoàn toàn phụ thuộc, lệ thuộc vào Mỹ. Một xã hội không thể tự mình nuôi nổi chính mình. Thực trạng này cũng tương tự xã hội Đông Dương trước đó, cả xã hội phải sống dựa vào Pháp, sống nhờ vào tiền Pháp, không thể tự nuôi lấy bản thân.

oOo


Đất nước phát triển sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình "trị liệu" căn bệnh tâm lý này. Nhưng vấn đề cơ bản gốc rễ vẫn là sự am tường nắm vững lịch sử để hiểu rằng cha ông, cha anh mình rất anh hùng, dân tộc mình không ngu hèn, không phải là hạ đẳng.

Dân tộc mình còn chưa giàu bằng người là vì những khuyết điểm của chính ta và một quá trình bị xâm lược cướp bóc lâu dài, chứ không phải là vì chúng ta là dân tộc hạ đẳng, thua người khác. Người phương Tây giàu hơn chúng ta là vì họ ít khuyết điểm hơn và một quá trình đi xâm lược cướp bóc lâu dài, và một trong những nạn nhân bị cướp của họ chính là Việt Nam, chứ không phải vì họ là dân tộc thượng đẳng, hơn người, hơn chúng ta.

Vai trò của công tác giáo dục lịch sử cho hậu thế

Chiến công thắng giặc Ân, Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên Mông là nguồn cảm hứng, là nguồn động viên cho chiến công thắng giặc Minh, Xiêm, Thanh. Chiến công đó liền trở thành nguồn cảm hứng, nguồn động viên cho chiến công thắng giặc Nhật, Pháp. 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp thắng lợi đó lại trở thành nguồn cảm hứng, động viên cho 21 năm trường chinh kháng chiến chống Mỹ. Kháng chiến chống Mỹ lại trở nên nguồn cảm hứng động viên cho cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, đánh bại quân khát máu diệt chủng Khmer Đỏ và quân đội CHND Trung Hoa.

Trong đó, nhiều học giả đã gọi cuộc kháng chiến chống Tần Thủy Hoàng, chống đế chế Mông Cổ, và chống đế quốc Mỹ là 3 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Nó "thần thánh" là vì loài người thời điểm đó không ai làm được.

Chiến công nối tiếp chiến công. Đời sau kế tục đời trước. Ngọn đuốc lửa thiêng truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều người gọi đó là chủ đạo của dân tộc rất đặc trưng đặc thù Việt Nam ít dân tộc nào có được.

Nếu không có những sông Hát Giang khi Hai Bà trầm mình tuẫn quốc thì không có Trần Quốc Toản vị quốc vong thân. Không có Trần Quốc Toản thì không có sự kiện Lê Lai tình nguyện hy sinh thay Lê Lợi. Không có sự kiện Lê Lai tình nguyện hy sinh thì không có những tấm gương tiết liệt của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng anh dũng tuẫn quốc.

Không có những Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng, những tấm gương bi hùng bi tráng đó thì đã không có những người lính cụ Hồ ôm bom ba càng cảm tử lao thân vào xe tăng Pháp quyết tử cho tổ quốc quyết sinh trong trận tử thủ Hà Nội 1946, đã không có những tấm gương Bế Văn Đàn, Võ Thị Sáu.

Không có những Bế Văn Đàn, Võ Thị Sáu thì không có những Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, 10 cô gái Đồng Lộc.

Nếu không có những Bạch Đằng, Như Nguyệt, Chi Lăng, Rạch Gầm - Xoài Mút, Đống Đa thì không có những Cầu Giấy, Nhật Tảo. Không có Cầu Giấy, Nhật Tảo thì không có Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Không có đại thắng Điện Biên Phủ thì không có Xuân 68, Điện Biên Phủ trên không. Không có đất hùm thiêng Yên Thế, chiến khu Ba Đình thì không có đất thép Củ Chi, vùng Tam giác sắt, địa đạo lòng dân Đồng bằng sông Cửu Long. Không có Xuân Kỷ Dậu thì không có Tết Mậu Thân.

Không có những Thánh Gióng, Thục Phán, Cao Lỗ thì không có Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Không có Bà Trưng, Bà Triệu thì không có Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương. Không có Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục thì không có Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung Nguyễn Huệ. Không có những vị anh hùng dân tộc đó thì không có Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết, Hàm Nghi, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thiện Thuật, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Mai Xuân Thưởng, Hoàng Hoa Thám, Cao Thắng, Phan Đình Phùng....

Không có những anh hùng dân tộc thời chống Pháp lần thứ nhất đó thì đã không có Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và các anh hùng dân tộc trong thời chống Pháp lần thứ hai và cả thời đại Hồ Chí Minh.

Tất cả những chiến công, anh hùng, địa danh, sự kiện lịch sử đó đã làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng trong kháng chiến chống Mỹ. Dòng chảy lịch sử nối tiếp nhau. Chiến công nối liền chiến công. Gương sáng noi theo gương sáng. Thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước. Đời sau noi gương đời trước.

Đó là lý do vì sao phải giáo dục lịch sử, vì sao phải am hiểu lịch sử, vì sao phải bảo vệ lịch sử, vì sao tuyên dương các chiến công, tấm gương kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc.

Bởi vì trong tương lai, các thế hệ mai sau sẽ tiếp tục dùng nó để giữ nước. Và các thế kỷ sau, những con cháu đời sau, những hậu duệ của thế hệ hôm nay vẫn sẽ dùng nó để tiếp bước cha ông mà đánh giặc, trong trường hợp giặc ngoại xâm nào dám xâm lược Việt Nam. Giữ cho quê hương đất nước và dân tộc được trường tồn.

Thiếu Long