Quân đội Hoa Kỳ, cỗ máy chiến tranh vô địch trong thế kỷ 21 (phần 2 và hết)

Chiến lược & chiến thuật của quân đội Mỹ
(tiếp theo kỳ trước)

Một trong những chiến lược cơ bản của Hoa Kỳ là xây dựng và phát triển quân đội của họ theo hướng cơ động, linh hoạt, nhanh nhẹn, tốc độ cao. Và mục tiêu cơ bản chính là triệt tiêu sự cơ động, tốc độ của kẻ địch. Chính sự thiếu cơ động đã dẫn đến thất bại cho quân đội Iraq và Taliban trong 2 cuộc chiến Vùng Vịnh và chiến tranh Afghanistan.

Cách tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ là bằng mọi giá, bằng mọi cách phải chiến thắng trong chiến tranh thông tin ngay lúc đầu. Ngay từ đầu họ đã nắm bắt mọi thông tin, trong khi bịt mắt bịt tai quân địch. Quân đội Hoa Kỳ hùng mạnh, rất khó chiến bại là vì họ có sự mẫn cảm chiến trường thích hợp.

Trong chiến đấu, phải cần một khoảng thời gian để hoàn tất một chuỗi tấn công, từ phát hiện mục tiêu tới chỉ huy một cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu đặc biệt đó. Tiến trình gồm những bước sau: Phát hiện, định vị, nhắm, tấn công và đánh giá chiến dịch. Trong trận chiến Vùng Vịnh đầu tiên, tiến trình một “chuỗi” như thế mất 100 phút, trong khi trong trận chiến Kosovo và Afghanistan, mất 40 và 20 phút. Trong trận chiến Iraq mất có 10 phút, gần như là đạt mục tiêu “thấy là diệt”.

Trong hoàn cảnh đó, địch không có đủ thời gian để cơ động. Ví dụ trong chiến tranh Afghanistan, khi thám báo Hoa Kỳ phát hiện một đoàn xe đang rút khỏi thủ đô Kabul. Đơn vị thám báo lập tức truyền tin về trung tâm chỉ huy qua vệ tinh. Sau khi Lầu Năm Góc phát lệnh tấn công, các chiến đấu cơ Mỹ nhanh chóng tiếp cận đoàn xe và nã tên lửa từ trên cao lên đầu địch. Cùng lúc đó, một máy bay không người lái cũng bắn tên lửa như mưa, đánh dấu chiếc máy bay không người lái đầu tiên trên thế giới. Hơn 100 liên quân Taliban - Al Qaeda bị tử trận trong lần không kích này, trong đó có Atef Mohammed, phó tướng của Osama Bin Laden. Trận không kích này là bản thu nhỏ những chiến dịch trên toàn bộ chiến trường Afghanistan, và sau này là phương pháp thường thấy cho những cuộc tấn công chiến thuật của quân Mỹ.

Trong chiến tranh Iraq, quân Iraq ngay từ đầu đã bị bịt tai bịt mắt. Quân lực Iraq vừa không đủ mạnh vừa không thể đưa quân vào hoạt động. Khi bình luận về cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 trong quyển sách "Vượt qua chiến tranh hạt nhân", tác giả B.N. Sripcinko, chiến lược gia quân sự Nga, đã viết: “Iraq đã chuẩn bị rất nhiệt tình, cẩn trọng, chu đáo, nghiêm túc, hay ho... cho một trận chiến lỗi thời”. Nhiều năm trước, Iraq vẫn còn những sư đoàn tăng, hậu cần không quân và Tuyến phòng ngự Saddam với lực lượng Vệ binh Cộng hòa "hữu danh vô thực", "có tiếng không có miếng" (trong khi Hussein chủ quan tưởng Vệ binh Cộng hòa đang rất giỏi, trong khi cả thế giới trầm trồ ngỡ rằng VBCH là "hổ" thật, họ cho rằng VBCH vẫn thiện chiến, tinh nhuệ như trong chiến tranh Iran - Iraq, thì CIA đã thừa biết VBCH của Iraq lúc này chỉ là "hổ giấy"). Cuối cùng chỉ còn lại súng trường và bom tự chế còn dùng được trong cuộc chiến Iraq.

Chiến tranh Iraq, cuộc chiến quy mô gần đây nhất của Mỹ, là một minh chứng của sức mạnh quân sự Hoa Kỳ, nó là cuộc chiến có “khoảng cách thế hệ” khổng lồ. Những cuộc chiến tranh khốc liệt do Mỹ liên tục tiến hành thường xuyên từ thập niên 1980 đến nay đều không cái nào như cái nào, mà là thay đổi đều đặn, từ chiến tranh cơ giới đến chiến tranh tin học.

Thật ra bản lĩnh chiến tranh thật sự của quân đội Mỹ còn chưa được thể hiện hết trong chiến tranh Iraq, do quân đội Saddam Hussein đã chiến đấu với một phong độ rất kém. Những điểm mạnh của của quân đội Hoa Kỳ bao gồm khả năng chiến tranh điện tử, không lực, và hệ thống khí tài theo lý thuyết mới và công nghệ mới đã chưa được trình bày ra hết, và chỉ một phần nhỏ những khả năng đó được huy động.

Quân sự Hoa Kỳ xếp hạng #1 trong cả ba lĩnh vực quân sự quan trọng nhất trên thế giới ngày nay: Thứ nhất, họ đi tiên phong trong cách mạng quân sự mới, trong đó có phát minh công nghệ quân sự mới. Nếu chúng ta so sánh cách mạng quân sự với một cuộc đua đường dài, Hoa Kỳ không chỉ nghiễm nhiên là người dẫn đầu những người tham dự, mà còn giữ khoảng cách 1000 mét với những người chạy kế tiếp, và nếu thấy khoảng cách với người sau thu lại còn 900 mét, Hoa Kỳ sẽ cho rằng mình "bị đe dọa".

Thứ hai, chi phí cho quân sự, quốc phòng của Hoa Kỳ đứng cao nhất thế giới, số lượng bằng 12 nước theo sau cộng lại. Và ngay lúc này quân sự Hoa Kỳ vẫn còn đang phát triển nhanh nhất hành tinh, ngay cả những lúc nền kinh tế của họ bị tăng trưởng âm.

Thứ ba, một hệ thống chiến tranh toàn cầu mới do Mỹ xây dựng sẽ thành hiện thực khi hệ thống tự vệ toàn cầu bằng tên lửa đã sẵn sàng để sử dụng. Lĩnh vực cuối cùng mà một quân đội khác có thể đe dọa Hoa Kỳ là vũ khí hạt nhân, vũ khí phóng xạ, cũng sẽ thành vô dụng.

Mỹ ngay từ trước Thế chiến 2 đã ưu tiên quân chủng không quân và xem đây là một lực lượng chiến đấu chính của họ. Quân chủng không quân Hoa Kỳ là diễn viên chính đã lâu từ chiến tranh Vùng Vịnh cho đến chiến tranh Kosovo rồi tới cuộc chiến Afghanistan. Vì vậy lâu nay trong quân đội Hoa Kỳ luôn có những mâu thuẫn, tranh luận, giành tiền ngân sách tài trợ về phía quân - binh chủng của mình, vì lợi ích của quân - binh chủng của mình.

Các lực lượng hải quân, bộ binh, thủy quân lục chiến, tuần duyên, và các binh chủng núi v.v. không cam lòng, không thỏa mãn chỉ với vai trò hỗ trợ, làm viên gạch lót đường cho không quân hưởng mọi quân công, thành tích, danh vọng và tiền tài trợ. Họ không muốn bị cho ra rìa. Những quân binh chủng và đơn vị ngoài không quân của Mỹ đã cảm thấy mối đe dọa này nếu quân sự - quốc phòng Hoa Kỳ cứ tiến triển theo hướng này. Nhiều cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra giữa Ngoại trưởng Colin Powell và Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld.

Rumsfeld kiến nghị một lý thuyết quân sự mới: “Tấn công chớp nhoáng chính xác”, gọi là học thuyết Rumsfeld. “Chính xác” liên quan tới trí thức hóa cao chiến tranh. Vấn đề then chốt, cốt lõi nhất trong học thuyết Rumsfeld là quân đội phải được cải tổ thành những nhóm chiến đấu nhỏ hơn nhưng dễ triển khai hơn.

Có thể gọi đây là những nỗ lực "biệt kích hóa", "đặc nhiệm hóa" chiến tranh, vì nó có hiệu quả giống như các nhóm biệt kích, đặc nhiệm. Phối hợp với không kích, nó có nhiệm vụ giúp các vũ khí được dẫn đường chính xác tấn công các mục tiêu quan trọng, để yêu cầu chiến đấu được hoàn thành nhanh. Trong khi quan điểm của phía Powell cho rằng những lực lượng to lớn dưới đất phải được sử dụng, và phải phối hợp với các cuộc hành quân của các đơn vị nặng.

Khi bắt đầu những cuộc chiến do Hoa Kỳ phát động và tiến hành từ thập niên 1990 thì có sự thỏa hiệp giữa hai lý thuyết này, cả Rumsfeld lẫn Powell đều được áp dụng. Sự khác biệt chủ yếu giữa lý thuyết Powell và Rumsfeld nằm ở chỗ: Trong khi Powell nhắm vào việc phải diệt địch trên bình diện rộng, thì Rumsfeld không còn nhấn mạnh sự quan trọng phải tiêu diệt quân đội, phá hủy khí tài, mà chuyển trọng tâm vào việc tiêu diệt ý chí chiến đấu. Kết quả thực tiễn đã chứng minh học thuyết Rumsfeld là đúng.

Thật ra chỉ sau chiến tranh Iraq thì quan điểm của Rumsfeld mới hoàn toàn chiến thắng triệt để, dứt điểm quan điểm của Powell. Cuộc chiến này xảy ra trong thời điểm Hoa Kỳ có ưu thế tuyệt đối về quân đội, hỏa lực, vũ khí, công nghệ, chính trị. Quân đội Hoa Kỳ đã tốc chiến tốc thắng trong cuộc chiến không cân sức này. Sư đoàn 3 Cơ khí rời Nasiriyah và Najaf, nơi đang đánh nhau dữ dội, rồi hành quân đường dài xa hàng trăm km về thủ đô Baghdad, và lập kỷ lục chiến sử mới về hành quân thọc sâu. Tốc độ tiến quân của quân đội Mỹ bằng hoặc hơn quân đội Hitler khi tấn công chớp choáng Liên Xô.

Nhưng ngay cả trong chiến tranh Iraq, sức tiến công của quân lính Hoa Kỳ đã không hiệu quả thần tốc như vậy nếu không có sự hỗ trợ từ không lực vượt trội, áp đảo. Trong khi suốt 12 năm trước cuộc xâm lược, thì Mỹ đã chiếm vùng trời Iraq, và "chặn họng" không lực Iraq. Sự vắng mặt của không quân Iraq đồng nghĩa với việc tinh thần quân đội Iraq đã bị Mỹ cướp mất. 12 năm với vùng cấm bay, dội bom và thám sát đã làm tinh thần, ý chí của quân đội Iraq kiệt quệ.

Cùng lúc đó, sư đoàn 3 Bộ binh Cơ giới, đơn vị chủ lực của quân đội Hoa Kỳ, chưa bao giờ đánh trận nào nặng ký. Tốc độ tiến quân nhanh mà lục quân Mỹ có được là vì không quân Mỹ đã làm chủ bầu trời và oanh tạc, quét sạch mọi trở lực. Mỗi khi bộ binh Hoa Kỳ gặp bất kỳ sự kháng cự nào của quân đội Saddam Hussein thì họ không ngừng lại đánh mà họ bỏ đi, để cho không quân vào "làm việc". Quân đội không buồn đánh chiếm bất cứ thành phố nào trong cuộc chiến ngoài thủ đô Baghdad. Ngay cả trong thủ đô Baghdad thì bộ binh Mỹ cũng không đánh trận nào ấn tượng, mà là dùng USD bôi trơn bàn tay các quan chức cấp cao của lực lượng Vệ binh Cộng hòa để thôi chống cự. Một số chuyên gia phương Tây đã cho rằng không quân đóng góp 95% vào cuộc chiến này, trong khi lục quân góp 5%.

Thường khi đối tượng quốc gia nào đó có "lực lượng đối lập" khá đông và mạnh thì Mỹ chỉ dùng không quân, hoặc đơn thuần chỉ là máy bay không người lái như trường hợp Libya. Trong trường hợp mà quốc gia đó không có "lực lượng đối lập" đủ mạnh, hoặc nhà nước và quân chính quy trung ương không yếu như Gaddafi thì Hoa Kỳ vẫn phải vận dụng đến bộ binh, như trường hợp Iraq. Không quân chủ yếu là sức mạnh tấn công và hủy diệt. Nó khó có thể mang trách nhiệm phòng thủ, chiếm đóng và bảo vệ.

Không quân như hai tay của một người, anh có thể dùng nó đập bể cửa sổ hay ván cửa. Nhưng nếu muốn lấy nhà người ta và muốn sở hữu, sử dụng lấy tài sản trong ngôi nhà thì sẽ phải dùng đôi chân (bộ binh) để vào nhà. Vai trò của các quân, binh chủng còn tùy thuộc vào mục đích chiến tranh và bản chất cũng như đặc tính các lực lượng. Nhưng nói chung, Mỹ đặt trọng tâm vào không quân là đúng, lục quân và hải quân bị hạn chế bởi không gian tự nhiên trong hoạt động, trong khi không quân có thể chiến đấu mọi nơi và mọi chiến trường. Hải quân chỉ chiến đấu được trên biển và lục quân trên bộ, trong khi không quân có thể chiến đấu mọi nơi, trên biển, trên bộ, và trên không.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của cuộc chiến Iraq, nhiệm vụ chính trị của cuộc chiến tranh này, Hoa Kỳ phải tính đến phương kế sử dụng bộ binh cho những mục tiêu chiến tranh đặc biệt này. Thành quả cuộc chiến đã chứng minh quan điểm của Rumsfeld là đúng. Vì thế nhiều người Mỹ cho rằng kẻ chiến thắng trong chiến tranh Iraq chính là phe Rumsfeld. Ngày 26 tháng tư 2003, Rumsfeld đến Vùng Vịnh thị sát quân đội. Khi ông tới thì những tràng pháo tay và những tiếng reo mừng đón chào đã nổi lên.

Chiến thắng của Rumsfeld không chỉ với quân đội Hoa Kỳ, mà còn cả với học thuyết quân sự Nga. Dữ kiện cho thấy một đội quân uyển chuyển hơn, linh động hơn, tính cơ động cao hơn, thì dù cỡ nhỏ hơn, sẽ tuyệt đối thắng một đội quân lớn nhưng rườm rà, chậm chạp và vướng đầy những quan niệm lối mòn quân sự cũ kỹ, lạc hậu, lỗi thời như Iraq.

Quân đội Iraq là một quân đội lớn. Và theo cách dàn đại quân của Liên Xô cũ, Iraq tập trung số lượng lớn đơn vị xe tăng, xe bọc thép, và pháo binh, với các bộ chỉ huy tập trung cao độ. Nhưng tuyến phòng thủ trông bề ngoài hoành tráng "dễ sợ" đó đã bị một ít không quân Hoa Kỳ phá sạch chỉ trong mấy ngày. Nhiều chuyên gia quân sự Nga sau khi nhìn lại, xem xét và nghiên cứu kỹ về chiến tranh Iraq đã giật mình thốt lên: Mô hình quân sự đã bị viết lại. Các nước khác nên chú ý là Hoa Kỳ đã viết lại các giáo trình quân sự.

Trong cuộc chiến Kosovo năm 1999, không quân được dùng không chỉ về quân sự, nhưng nó còn được chơi như lá bài ngoại giao. Không kích không chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự của đối thủ, mà còn cả mục tiêu chiến lược quốc gia. Về cơ bản, việc sử dụng không quân mang tính chiến lược. Cách Hoa Kỳ sử dụng không quân luôn là dùng nó như cách chủ động và như sức mạnh chiến lược của cuộc chiến. Không có gì khác nhau về bản chất, vai trò mà chỉ khác nhau về mức độ trực tiếp, mức độ nổi trội và mức độ rõ ràng.

Mỹ đã phát động, tiến hành và lãnh đạo hàng loạt các cuộc chiến lớn trong gần một thế hệ qua. Các cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, oanh tạc Bosnia và Herzegovina, oanh kích Iraq, chiến tranh Kosovo, chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Iraq, không kích Nam Tư v.v. Trong đó họ đã đánh từng trận theo cùng một kiểu: Trước hết là tấn công chính trị, phát động chiến dịch toàn cầu cho chiến tranh, khuất phục quốc gia trong tầm ngắm bằng hải và không quân (đè ý chí của địch xuống trước, nâng cao uy thế phe mình).

Sau đó bao vây tứ phía, cho đến khi có thể chiến thắng với ít hay không phải đánh nhau chút nào. Bao vây bầu trời mang tính toàn cầu đã trở nên đặc tính chiến lược cơ bản của Mỹ mỗi khi chuẩn bị chiến tranh hiện đại. Trung tướng Lưu Á Châu của Trung Quốc khi nghiên cứu về quân sự Mỹ ngày nay đã cho biết: "Nếu muốn tiên đoán xem Hoa Kỳ có phát động chiến tranh hay không, và bao lớn, chỉ cần coi lại việc triển khai không quân."

Tư tưởng quân sự chủ đạo của quân đội Mỹ ngày nay là tê liệt hóa đối thủ. Chiến tranh tê liệt hóa đã là một hoạt động liên tục của Mỹ trong chiến tranh hiện đại. Nếu xem lại suốt một thế kỷ lịch sử từ khi sinh ra không quân cho thấy chiến lược của không quân Mỹ quanh đi quẩn lại giữa oanh tạc các mục tiêu quân sự và dân sự, giữa ném bom chiến lược và không yểm.

Trong Thế chiến 2, Mỹ đặt trọng tâm vào rải bom chiến lược và đã ghi nhiều bàn thắng trước khối Trục. Trên chiến trường Việt Nam, không quân Mỹ thường chịu trách nhiệm không kích gián tiếp do nghĩ rằng chiến thắng được bộ binh quyết định nơi chiến trường. Họ có áp dụng chiến tranh tê liệt hóa nhưng chưa đặt nó lên thành vai trò chủ đạo ở Việt Nam. Sau khi Mỹ thua trận và nghiên cứu nguyên nhân thua trận thì chiến tranh tê liệt hóa đã trở thành chủ đạo, nhất là sau chiến tranh Vùng Vịnh.

Điều này được quyết định do khuyết điểm tự nhiên của quân đội và tập tính Hoa Kỳ. Họ có 3 tiêu chuẩn đánh giá sức chiến đấu: Khoảng cách tấn công, tốc độ tiến công và sức hủy diệt. Và so với không quân thì bộ binh tụt hậu về cả ba phương diện, thường quá lớn về cỡ và không uyển chuyển về hoạt động. Và nó dễ bị sa lầy trong những cuộc chiến tranh kéo dài nơi xứ lạ đất khách. Không quân đã loại bớt được sự bất lợi về yếu tố "địa lợi" trong một cuộc chiến tranh xâm lược.

Không quân có thể chiến thắng trước các quân binh chủng khác. Vì không quân với tốc độ chớp nhoáng, có thể đập cú chết người vào tâm điểm địch quân. Bên đạt ưu thế bầu trời trước sẽ có ưu thế quyết định trong chiến tranh. Một quốc gia mất quyền làm chủ bầu trời sẽ chịu thiệt hại to lớn. Như vậy, làm chủ bầu trời có nghĩa là chiến thắng. Những quốc gia thất bại trong việc làm chủ bầu trời chịu số phận thất bại và phải chấp nhận mọi điều kiện bên thắng đưa ra. Chỉ có Việt Nam là phá vỡ được quy luật này.

Một số sĩ quan Việt Nam nghiên cứu xu hướng quân sự Hoa Kỳ và tiên đoán rằng chiến tranh tương lai của Mỹ có thể là không người lái, vì bây giờ cả 5 yếu tố bầu trời, vũ trụ, mặt đất, đại dương, và điện tử được hòa chung, xu hướng chiến tranh "không-đối-mặt" (vừa có nghĩa trên không đối mặt đất, vừa có nghĩa 2 bên không giáp mặt nhau thật sự) ngày càng rõ nét.

Năm 2000, Hoa Kỳ đưa ra chiến lược “cảnh báo toàn cầu, mục tiêu toàn cầu và sức mạnh toàn cầu”, trong đó chiến đấu cơ vũ trụ có thể bay vào không gian và tấn công một mục tiêu dưới đất trong chưa đầy một tiếng. Năm 2020, theo dự kiến, không quân Hoa Kỳ sẽ có 4 lớp: lớp B-2, lớp F-22, lớp phi cơ tiềm kích hỗn hợp và lớp chiến đấu cơ không người lái, tất cả đều có đặc tính siêu tàng hình.

Nhiều nguyên tắc chiến tranh tương lai của Hoa Kỳ thực ra đã được vô tình "bật mí" trong chiến tranh Iraq. Ví dụ việc sử dụng rộng rãi các oanh tạc cơ tàng hình và máy bay không người lái. Trên chiến trường Libya, các máy bay không người lái của Mỹ đã san bằng lực lượng của đại tá Gaddafi, làm được những việc mà các máy bay ném bom, máy bay chiến đấu của NATO đã không làm được, dù với số lượng gấp đôi, gấp chục. Những điều này cho thấy thời đại chiến tranh không người lái đang tới gần.

Tên lửa thông minh và bom thông minh được tia laser dẫn đường sẽ rơi như mưa đá trên trời xuống. Ngay cả chiến đấu cơ cũng sẽ là tàng hình, dù là không người lái. Thực tế quân đội Hoa Kỳ đã ngưng đánh mặt đối mặt với địch thủ từ sau cuộc chiến tại Việt Nam. Họ đã đi trước các đối thủ xa. Về mặt kỹ thuật, công nghệ chiến tranh, không có thế lực quân sự nào hiện nay chạy theo nổi với Hoa Kỳ.

Một số sử gia phương Tây cho rằng trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một "đế chế" có tầm kiểm soát toàn cầu và khả năng can thiệp áp đảo và trắng trợn như Hoa Kỳ. Hai thập niên trước, Hoa Kỳ vẫn thỉnh thoảng còn có khả năng bị địch thủ nhỏ hơn và yếu hơn đánh bại trong một vài trận chiến. Còn Hoa Kỳ ngày nay gần như đã trở thành "thiên hạ vô địch". Cách thiên hạ đánh nhau cũng bị Hoa Kỳ làm cho thay đổi hết. Kết quả là luật chơi chính trị quốc tế cũng thay đổi.

Thiết kỵ xác định vị thế đế chế La Mã, xạ kỵ xác định vị thế đế chế Nguyên Mông, hải quân xác định vị thế đế quốc Anh, không quân xác định vị thế đế quốc Mỹ. Hoa Kỳ muốn thiết lập chỗ đứng như siêu cường duy nhất trên thế giới bằng không quân của mình. Không lực Hoa Kỳ có kế hoạch biến mình trở thành không lực "thiên hạ vô địch thủ", và có thể có mặt tại bất kỳ nơi nào vào bất cứ lúc nào, chỉ trong tương lai gần.

Tóm lại, bản chất những cuộc chiến tranh kiểu mới do Hoa Kỳ tiến hành chính là tin học hóa. Nhiều nhà lãnh đạo quân đội của Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nga đã lưu ý ngay từ đầu trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991. Trong nhiều năm trời, chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Chính Nhật thường xuyên nhắc đi nhắc lại về đề tài chiến tranh tin học hóa mỗi khi họ đi thăm quân đội.

Những vũ khí Hoa Kỳ dùng trong các cuộc chiến gần đây đều đã sử dụng những phát minh và kiến thức khoa học tiên tiến nhất. Gồm Cơ học Newton, Động lực học, Cơ lượng tử, Động điện lực, Thuyết tương đối hẹp và rộng, Hóa hữu cơ và vô Cơ, Mạng điện toán...

Đây là cuộc cách mạng quân sự hoàn toàn mới và mở ra một kỷ nguyên mới. Nó thay đổi kiểu triển khai bộ binh tầm cỡ lớn trong chiến tranh trên mặt đất, sang chiến tranh dựa trên sức mạnh làm chủ bầu trời bằng hệ thống điện tử kỹ thuật cao, và hoàn thành các mục tiêu chiến lược bằng các chiến dịch trên không.

Chiến tranh tin học hóa của Mỹ không hẳn chỉ là việc chú trọng sử dụng vũ khí số hóa, mà theo Trung tướng Lưu Á Châu của Trung Quốc thì có 3 cấp tin học hóa: Cấp vũ khí điện tử, những hệ thống hành binh trên mạng, sự thay đổi từ tấn công chiến lược sang chiến tranh tâm lý.

Có một điểm chung trong tất cả những cuộc chiến Hoa Kỳ tham dự trong hai thập niên qua: Không có đội quân nào đủ sức chống nổi Hoa Kỳ. Lý do chính là sự đối đầu và đối kháng giữa hệ thống của hai bên đã làm cho chiến tranh ở cấp đối cấp chống lại quân đội Hoa Kỳ là bất khả thi.

Năm 1999, trong cuộc chiến Kosovo, chỉ huy trưởng không quân Liên bang Nam Tư lái một chiến đấu cơ MIG, ráng cự lại các chiến đấu cơ của liên quân NATO. Nhưng radar của Nam Tư đã bị nhiễu, và sự liên lạc từ và tới chiến đấu cơ MIG bị gián đoạn. Chỉ huy trưởng không thể thấy địch quân ở đâu. Tệ hơn nữa, ông ở ngay trong tầm ngắm của địch. Chiến đấu cơ MIG bị một chiến đấu cơ Hà Lan bắn và vỡ tan ngay sau khi cất cánh. Năm máy bay khác cũng bị bắn hạ 5 phút sau khi rời đường băng. Hầu hết tên lửa đất đối không cũng không sống nổi quá 5 phút.

Trong suốt cuộc chiến Iraq, không có trận không chiến nào, cũng không có trận đấu tăng nào. Khi có một cơn bão cát, Vệ binh Cộng hòa Iraq cố tận dụng và đưa hơn ngàn chiếc tăng phản kích địch. Nhưng ngay khi di chuyển, đã bị máy bay và vệ tinh trinh sát của Mỹ phát hiện. Kết quả, họ bị trực thăng vũ trang và những đơn vị phối hợp đè bẹp và tàn sát. Giấc mơ có trận đấu tăng quyết định ở Kirsk tan theo những đợt bom Mỹ.

Chiến tranh tâm lý

Mỹ luôn tận dụng mọi khía cạnh, mọi vấn đề để giành phần thắng, và trong các loại hình chiến tranh mà Mỹ tiến hành luôn luôn có chiến tranh tâm lý (psychological warfare - PSYWAR) đồng hành. Tác chiến tâm lý bao gồm cả những hành động mua chuộc, chiêu dụ, lôi kéo những kẻ địch bản xứ đứng về phía Mỹ hoặc hiệu quả hơn đó là gia nhập hẳn vào hàng ngũ của Mỹ, như chương trình Moolah ở Trung Quốc, Triều Tiên hay chương trình Chieu Hoi (chiêu hồi) ở Việt Nam.


Chi phiếu 100.000 USD của chính phủ Mỹ dành cho những người phản bội


Túi nylon tâm lý chiến của quân đội Mỹ, ghi bằng tiếng Việt chiêu dụ những chiến sĩ trong Quân Giải phóng miền Nam "hồi chánh"


Các chiến sĩ tâm lý chiến thuộc phân đội 1080, trong chiến dịch chiến tranh tâm lý thứ 318 của quân đội Hoa Kỳ ở Iraq, đang phát tán những báo chí "tư nhân", "bất vụ lợi" ở khu vực Đông Rashid của thành phố Baghdad, Iraq vào tháng 7 năm 2007


Nhiệm vụ chiến tranh tâm lý chiến thuật thứ 350, do phân đội thứ 10 của sư đoàn Núi phụ trách, họ rải truyền đơn lên trên một ngôi làng gần Hawijah trong khu vực Kirkuk, Iraq vào tháng 3 năm 2008

Hệ thống chiến tranh tâm lý của Hoa Kỳ được chia làm 3 phần: Chiến lược tâm lý, chiến dịch thông tin, và chiến thuật tâm lý. Mỗi sản phẩm thông điệp của chiến tranh tâm lý Hoa Kỳ đều được "chế tạo" thành và phổ biến rộng rãi ra một cách cẩn thận, chuyên nghiệp.

Có 3 loại hình tuyên truyền mà Mỹ dùng để tạo nên các sản phẩm thông điệp, bao gồm tuyên truyền Trắng là một hình thức tuyên truyền công khai, chính thống, chính thức, tuyên truyền Đen và tuyên truyền Xám là hình thái tuyên truyền ngụy trang, che đậy, mờ ám, tiêu cực. Trắng, xám, đen không phải là sự phân loại về nội dung tuyên truyền, mà là sự phân loại về biện pháp, phương thức được sử dụng để thực hiện chiến dịch chuyển tải, phát tán những sản phẩm thông tin đó.

Tâm lý chiến được dùng để hỗ trợ cho những chiến dịch đặc biệt, chiến tranh phi quy ước (unconventional warfare) và kích động chống đối, nổi dậy, nội loạn (insurgency operations). Nó bao gồm các chiến dịch "chống khủng bố", Diễn biến hòa bình, kêu gọi trừng phạt, cấm vận v.v.

Chiến tranh tâm lý "Trắng" là loại hình tuyên truyền bằng những công bố, tuyên bố, hoặc động thái chính thức của chính phủ Mỹ, hoặc từ những thông tin được cung cấp bởi những nguồn có liên quan đến chính phủ Mỹ, cũng như những báo chí, truyền thông chính thống (mainstream media) tại Mỹ. Nó công khai cho thấy nó là thông tin từ phía Mỹ, từ chính quyền Mỹ.

Những cơ quan phụ trách tuyên truyền Trắng nhắm vào đối tượng độc giả, khán thính giả nước ngoài bao gồm: Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Sở Thông tin Hoa Kỳ (United States Information Agency - USIA), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (United States Agency for International Development - USAID), Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, và nhiều sở, bộ khác của chính phủ Hoa Kỳ.

Trong ngành truyền thông ở Mỹ có một chức danh gọi là "nhà báo quan tòa" (Journalist adjudicator), kiểm soát những luật lệ bất thành văn trong giới truyền thông, thực chất chính là hệ thống tuyên truyền và kiểm duyệt để thực hành chiến tranh tâm lý và phản tuyên truyền.

Trong bài nói chuyện ở Chicago vào ngày 16 tháng 6 năm 2007, nhà báo và là nhà sản xuất phim tài liệu John Pilger cho biết ông đã bị từ chối bởi một nhân viên như vậy ở kênh truyền hình PBS của Mỹ khi ông ta muốn cho phát hình bộ phim tài liệu mang tựa đề "Year Zero: The Silent Death of Cambodia" (Năm 0: Cái chết âm thầm của Campuchia), nói về sự hình thành sức mạnh của lực lượng Pol Pot và sự dính líu của Kissinger và Nixon. Phim tài liệu này đã phát hình trên khoảng 60 quốc gia và trở thành một trong những phim tài liệu được nhiều người xem nhất, nhưng lại bị cấm ở Mỹ. Đây là đoạn nói về vấn đề này trong bài phát biểu của ông Pilger:

"Tôi đã hoàn thành một số phim tài liệu về Campuchia. Cuốn phim đầu tiên là Year Zero: the Silent Death of Cambodia. Nó nói lên vấn đề những trận bom của Mỹ dội xuống Campuchia đã có tác dụng dọn đường cho sự phất lên của Pol Pot. Những gì mà Nixon và Kissinger bắt đầu thì Pol Pot đã hoàn thành, những hồ sơ CIA đã cho thấy việc này không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi trao Year Zero cho đài PBS và đem tới Washington. Ban quản lý của CBS xem phim và bị sốc. Họ thầm thì, rỉ tai với nhau. Họ bảo tôi chờ ở ngoài. Cuối cùng một người trong số họ đã xuất hiện và nói, "John, chúng tôi yêu mến phim tài liệu của bạn. Nhưng chúng tôi bất an vì nó cho biết Mỹ đã chuẩn bị con đường cho Pol Pot."

Tôi nói, "Có phải bạn không đồng ý với những bằng chứng trong đó?" Tôi liệt kê ra một loạt những tài liệu CIA. "Ồ, không," ông ta trả lời. "Nhưng chúng tôi sẽ gọi điện thoại cho một journalistic adjudicator."

Từ "journalist adjudicator" có thể được phát minh bởi George Orwell. Rốt cuộc họ tìm ra 1 trong duy nhất 3 người phóng viên được Pol Pot mời đến Campuchia. Và đương nhiên, ông ta đã từ chối không cho chiếu cuốn phim tài liệu đó, và tôi không bao giờ nghe gì từ PBS nữa. Year Zero đã được trình chiếu trên khoảng 60 quốc gia và đã trở thành một trong những phim tài liệu được xem nhiều nhất trên thế giới. Nó chưa bao giờ được phép chiếu ở Hoa Kỳ."

"I’ve made a number of documentaries about Cambodia. The first was Year Zero: the Silent Death of Cambodia. It describes the American bombing that provided the catalyst for the rise of Pol Pot. What Nixon and Kissinger had started, Pol Pot completed—CIA files alone leave no doubt of that. I offered Year Zero to PBS and took it to Washington. The PBS executives who saw it were shocked. They whispered among themselves. They asked me to wait outside. One of them finally emerged and said, “John, we admire your film. But we are disturbed that it says the United States prepared the way for Pol Pot.”

I said, “Do you dispute the evidence?” I had quoted a number of CIA documents. “Oh, no,” he replied. “But we’ve decided to call in a journalistic adjudicator.”

Now the term “journalist adjudicator” might have been invented by George Orwell. In fact they managed to find one of only three journalists who had been invited to Cambodia by Pol Pot. And of course he turned his thumbs down on the film, and I never heard from PBS again. Year Zero was broadcast in some 60 countries and became one of the most watched documentaries in the world. It was never shown in the United States."


Chiến tranh tâm lý "Xám", là loại hình tuyên truyền bằng những nguồn tin mờ mịt, mơ hồ, không rõ ràng. Nguồn gốc thật (chính phủ Mỹ) không được tiết lộ tới những đối tượng độc giả, khán thính giả. Những nguồn tin được ngụy tạo như là một nguồn tin phi chính thống không phải từ chính phủ Mỹ, hoặc "trung lập" giả tạo, hoặc ngụy tạo là những nguồn từ phía thứ ba không thù địch với đối tượng mà chính phủ Mỹ muốn bôi nhọ.

Chiến tranh tâm lý Xám cũng có thể là những nguồn tin tuyên truyền cho góc nhìn, quan điểm của Hoa Kỳ, phục vụ cho lợi ích của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, có hại cho đối tượng mà Hoa Kỳ muốn bôi nhọ, mà không trực tiếp từ Hoa Kỳ, có thể từ những quốc gia "vệ tinh" của Mỹ, những quốc gia lệ thuộc Mỹ, những đồng minh lâu năm của Mỹ v.v. mà có bàn tay của Mỹ của trong đó. Có nhiều trường hợp những tác động, tham gia của phía Mỹ cũng không được tiết lộ.

Chiến tranh tâm lý "Đen", là loại hình tuyên truyền từ những nguồn (quốc gia, chính phủ, đảng phái, phe nhóm, tổ chức, cá nhân v.v.) có thái độ thù địch với cộng đồng quốc tế nói chung. Lợi dụng hoặc là ngụy tạo những nguồn đó. Lợi ích của chính phủ Mỹ được khéo giấu đi và chính phủ Mỹ nếu cần sẽ bác bỏ trách nhiệm. Loại hình tâm lý chiến này thích hợp cho những kế hoạch chiến lược cao.

Để đạt được hiệu quả cao nhất 2 loại hình chiến thuật chiến tranh tâm lý công khai (overt) và giấu kín (covert) đều phải được chia cách ra làm 2 tổ riêng rẽ, biệt lập với nhau. Nhân viên tham gia chiến thuật overt không thể tham gia chiến thuật covert, và ngược lại. Họ không biết được nhiệm vụ của nhau.

Chiến tranh tâm lý Hoa Kỳ luôn muốn gởi thông điệp tuyên truyền tới thính giác, thị giác của đối tượng. Trong quân ngũ, ở cấp chiến thuật, thường có những chuyên gia hùng biện, tâm lý, cầm loa gào thét, hoặc phát thanh những ghi âm thu sẵn trước trận. Những chiến dịch có tính chiến lược thì có thể dùng hệ thống truyền thanh, truyền hình, xuất bản, in ấn, máy bay rải truyền đơn, hoặc, như một phần của chiến dịch covert, những sản phẩm tuyên truyền sẽ được đặt trên các cơ quan thông tin của nước khác, che giấu nguồn gốc Hoa Kỳ.

Tác chiến tâm lý là một bộ phận của chiến dịch thông tin: Đó là một hoạt động phối hợp của chiến tranh điện tử, chiến tranh mạng, chiến tranh tâm lý, các lừa dối quân sự... để gây ảnh hưởng, quấy rối, phá hoại, lũng đoạn và thao túng tư tưởng, tâm lý, tinh thần, đầu óc, trí tuệ, và quyết định của con người khác, và ngược lại bảo vệ tư tưởng, tâm lý, tinh thần của quân nhà.

Ngay từ đầu thập niên 1950, khi Mỹ chỉ mới đứng sau và viện trợ cho Pháp xâm lược Đông Dương, chứ họ chưa tiến hành chiến tranh với Việt Nam, thì chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu trước, đề phòng trước, và đã cẩn thận cảnh báo về chiến tranh tâm lý của Mỹ và kêu gọi quân dân ta phải đề cao cảnh giác trước tâm lý chiến của Hoa Kỳ.

Trong thời gian đó Bác Hồ đã viết nhiều bài báo, phân tích, bình luận về các thủ đoạn và hình thức tẩy não, nhồi sọ, tuyên truyền dối trá của Mỹ, trong đó có 2 bài viết ấn tượng đó là bài "Tuyên truyền" do Bác Hồ viết ngày 25-5-1954 trên báo Nhân dân số 188 và bài "Chiến tranh nhồi sọ" do Bác viết ngày 25-7-1952 trên báo Cứu quốc số 2128.

Trong bài "Tuyên truyền", Người viết: "Nói tóm lại, chúng dùng đủ mọi cách, mọi dịp để tuyên truyền, để hòng phá hoại tâm lý và tinh thần của nhân dân ta; cũng như chúng dùng bom đạn để phá hoại mùa màng và giao thông của ta." Cuối bài Người nhấn mạnh ý chính: "Chúng ta phải đánh thắng địch về mặt tuyên truyền, cũng như bộ đội ta đã đánh thắng địch về mặt quân sự!"

Trong bài "Chiến tranh nhồi sọ", Bác viết: "Ở các nước, có hơn 400 cơ quan làm việc tuyên truyền cho Mỹ... Mỹ còn lập nhà thương, trường học, hội từ thiện, vân vân, ở các nước, để làm cơ quan tuyên truyền và ổ mật thám. Hiện nay, tại những vùng tạm bị (Pháp) chiếm ở nước ta, Mỹ đang ra sức xâm lược vǎn hoá để hủ hoá và gieo rắc bệnh phục Mỹ, thân Mỹ, sợ Mỹ vào nhân dân, nhất là vào thanh niên ở những vùng ấy. Đó là một điều mà cán bộ giáo dục và tuyên truyền ta phải đặc biệt chú ý và phải ra sức chống lại."

Ngoài ra, Mỹ còn khai thác và tận dụng điện ảnh như là một vũ khí tuyên truyền hữu hiệu. Không "đường đường chính chính" tuyên truyền công khai, quang minh chính đại như một số nước khác, trái lại họ tuyên truyền rất khéo, rất ngầm, tuyên truyền chủ yếu bằng hình thức ẩn dụ xa xôi, ám chỉ bóng gió một cách rất nhẹ nhàng, từng bước tiêm nhiễm sâu dần vào nhân tâm.

Trong thời kỳ bành trướng quốc tế dưới ngọn cờ "chống cộng sản", Mỹ đã sản xuất rất nhiều phim truyện có nội dung chống cộng, những anh hùng nước Mỹ (trong đó có cả hình tượng Rambo) đột nhập các chiến khu Việt Cộng cứu ra các chiến binh Hoa Kỳ v.v. Trong thời kỳ can thiệp khắp thế giới dưới ngọn cờ "chống khủng bố", Mỹ sản xuất nhiều phim truyện có nội dung chống khủng bố, chống Hồi giáo cực đoan, về chiến tranh trên sa mạc v.v. Như phim Delta Force (Chuck Norris) có nội dung về những không tặc Trung Đông tàn ác hung dữ trong thập niên 1990.

Từ năm 2000, nhất là sau khi đem quân tấn công Iraq, treo cổ tổng thống Iraq Saddam Hussein, chính phủ Mỹ và các công ty tư bản sản xuất nhiều bộ phim truyền hình ca ngợi quân đội Mỹ, ca ngợi "chiến tranh chống khủng bố", đả kích "chủ nghĩa khủng bố" và xây dựng những nhân vật phản diện khủng bố rất "ác" trước mắt khán giả, như gần đây với phim truyền hình "24" của Mỹ đã được phát ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, trong phim cố ý quay nhiều cảnh trẻ em, phụ nữ, như là những nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, nhận mạnh sự "nguy hiểm" của "bọn khủng bố", và nêu cao tính chính nghĩa và tính tất yếu phải đi diệt khủng bố khắp thế giới và xem đó là một nhiệm vụ cao cả.

Phim "24" cũng chú trọng vào việc giải thích cho những tội ác lính Mỹ ở các nơi và những tội ác tra tấn đánh đập dã man những nghi can khủng bố trong các trại tù bí mật, ra điều Quốc hội Mỹ cũng rất nhân từ và quan tâm đến chuyện tra tấn này, chỉ là nhân vật chính và những điệp viên, lực lượng đặc biệt, quân đội Mỹ phải làm chuyện "bất đắc dĩ" v.v.

Nước Mỹ cũng sắp ra mắt phim điện ảnh "Dictator", một bộ phim hài, với nội dung cho thấy tính chất "ác độc" và "ngu dốt" của một nhà độc tài ở Trung Đông. Những phim có nội dung tương tự sẽ lần lượt ra mắt khán giả trên cả màn ảnh lớn và màn ảnh nhỏ, phục vụ cho thời kỳ can thiệp chính trị, quân sự, diễn biến hòa bình, hậu thuẫn đối lập và tổ chức cách mạng màu để chống lại một số quốc gia với chiêu bài "chống độc tài" hiện nay.

Thực tế khách quan xưa nay đã cho thấy mỗi khi Mỹ đang thường dùng danh nghĩa gì để can thiệp, bành trướng thì sẽ có một loạt phim Hollywood phục vụ, hỗ trợ cho danh nghĩa đó, bất kể đó là "chống cộng sản", "chống khủng bố", hay là "chống độc tài" ngày nay. Và họ khéo léo vận dụng tất cả, trong đó có cả thể loại phim hài. Nội dung định hướng là: Ca tụng và "tri ân" những chiến binh Hoa Kỳ đang đóng quân hoặc tiến hành chiến tranh khắp nơi trên thế giới để "bảo vệ an toàn cho người Mỹ chúng ta", "bảo vệ an ninh cho nước Mỹ chúng ta", "phổ biến các giá trị dân chủ", "đem làn sóng dân chủ tới các nước đang chịu ách thống trị độc tài ác ôn", giải thích, đánh lạc hướng một số tội ác của Mỹ hoặc một số chính sách khắc nghiệt của Mỹ gây phẫn nộ trong dư luận, và "ác quỷ hóa", "đen hóa" một số đối tượng mà họ muốn chống.

Chiến tranh tâm lý của Mỹ có những lúc đi kèm với chiến tranh khủng bố, thảm sát để khủng bố tinh thần đối thủ và khủng bố tinh thần nhân dân bản địa để họ không dám tiếp tế, giúp đỡ, nuôi giấu lực lượng kháng chiến bản địa.

Quân đội Hoa Kỳ thường bị đả kích và lên án về những tội ác chiến tranh, các tội ác vi phạm quyền con người, có thể kể đến một số điển hình như: Diệt chủng người Mỹ bản địa (thổ dân da đỏ); giết hại và hủy diệt trong Thế chiến 2; thảm sát, dội bom, dùng vũ khí sinh học (vũ khí vi trùng) ở Triều Tiên; thảm sát, dội bom và rải chất độc hóa học ở Việt Nam; bắn rơi máy bay chở khách trong chiến tranh Iran-Iraq; không kích hủy diệt ở Nam Tư; thí nghiệm vô nhân đạo trên cơ thể con người; thảm sát dân thường ở Iraq, Afghanistan, xâm phạm tình dục (cưỡng hiếp người dân và các tù nhân tình nghi, trong đó có cả trẻ em, cưỡng hiếp lẫn nhau, lính nam cưỡng hiếp đồng đội nữ, mà không bị đền tội v.v.); tra tấn vô nhân đạo lên tù nhân tình nghi, rất nhiều nạn nhân bị giam giữ nhiều năm chỉ vì bị "tình nghi" trong các nhà tù Guantánamo, Abu Ghraib và nhiều hệ thống nhà tù bí mật còn gọi là "khu vực đen", không hề khẳng định họ có tội, cũng không hề được đem ra tòa xử...

Có hai loại tội ác, một là những tội ác cố ý, có lệnh từ cấp trên, nằm trong chiến lược khủng bố và chiến tranh tâm lý, nhằm khủng bố tâm lý, tinh thần của đối thủ và những người dân ủng hộ đối thủ. Hai là những tội ác từ những cá thể, nhóm lính bất trị, vô kỷ luật bị sốc trước sự chống trả quyết liệt của quân dân bản xứ và những bất hợp tác, chống đối của cư dân bản địa, xuất phát từ bản chất của một đội quân xâm lược phi nghĩa. Bản chất của quân đội vốn là như vậy thì những quân luật, kỷ luật cũng khó mà kiểm soát được ác tính của binh lính mỗi khi bộc phát. Phần này chỉ chú trọng trình bày, phân tích những tội ác cố ý, nằm trong chiến lược tâm lý chiến của quân đội Mỹ.

Mỹ chiếm đóng miền Nam Việt Nam, thay thế vai trò trước đây của Pháp, xua 58 vạn quân đi càn quét khắp các làng xóm miền Nam, giết hại người dân miền Nam, tấn công quân đội miền Nam, dội bom khắp nơi, tiến quân đánh phá vào những vùng giải phóng của miền Nam, thảm sát có hệ thống, gây tội ác có tổ chức, có lệnh trên, vào các “Pinkville” (làng hồng, ý nói những khu vực thân cộng).

Nhiều sĩ quan Mỹ sau này đã thú nhận sau trong các hồi ức, hồi ký, trả lời phỏng vấn báo chí, tác giả sách, TV, radio v.v. rằng có rất nhiều vụ thảm sát gà chó không tha là do họ nhận lệnh cấp trên để “vô hiệu hóa” (tàn sát) tất cả những con người, gia súc, đồ vật gì mà có thể làm lợi cho Việt Cộng, nhằm khủng bố tinh thần, tạo nên tâm lý sợ hãi để dân làng sợ mà không còn dám tiếp tế, nuôi giấu, che chở và ủng hộ Việt Cộng nữa.

Những tên đồ tể sát nhân trong vụ thảm sát, diệt chủng làng Sơn Mỹ chấn động thế giới thời bấy giờ, sau này trả lời phỏng vấn đài radio BBC 4 thì họ (Trung úy William Calley, tướng William Peers v.v.) cũng phải thú nhận họ chỉ là những kẻ thừa hành, họ nhận lệnh cấp trên để gây ra những tội ác chiến tranh đó, và tuyên bố xin lỗi các nạn nhân và nhân dân Việt Nam.

Theo bài báo “My Lai: A Questions of Orders” tuần báo Time, Đại tá Oran Henderson đã ra lệnh phải “xóa sạch chúng”. Trong sách “My Lai: An American Tragedy” của tác giả William George Eckhardt, xuất bản năm 2000, tóm tắt lại bản báo cáo của tướng Peers, trong đó ghi rõ chi tiết Trung tá Frank A. Barker ra lệnh cho các chỉ huy của Tiểu đoàn 1 đốt trụi làng, giết sạch con người và gia súc, gà chó không tha, đốt sạch các kho lương thực và đầu độc các giếng nước. Một số binh sĩ của Đại đội Charlie sau này đã khai rằng Đại úy Ernest Medina ra lệnh cho họ giết tất cả những người dân "khả nghi", bao gồm cả phụ nữ, trẻ em, người già v.v. họ đốt làng, phá hủy lương thực và đầu độc giếng nước.

Trả lời phỏng vấn BBC News Anh ngữ tháng 3 năm 2008, sĩ quan Celina Dunlop tự thú: “Đa phần lính trong đơn vị tôi không coi người Việt Nam là loài người” (Most people in our company didn’t consider the Vietnamese human). Trong Thư viện Tội ác chiến tranh ở Mỹ, có bài viết “Into the Dark: The My Lai Massacre”, trong đó có nói về một phi công trực thăng bay trên khu vực làng Mỹ Lai (Sơn Mỹ) đã thốt: “Quang cảnh phía dưới trông như biển máu! Cái quái gì đang xảy ra thế?” (It looks like a bloodbath down there! What the hell is going on?).

Lúc đầu, Mỹ che giấu thông tin và bịa đặt ra là mình chỉ giết Cộng sản, giết lính, giết VC, bịa ra những “cuộc đọ súng ác liệt”, “trận đánh đẫm máu” nhưng sau đó một số người lính tham dự đã không kín miệng, sự việc rò rỉ, báo chí và phóng viên chiến trường khắp thế giới vào cuộc, dư luận quốc tế gây sức ép quyết liệt, nên quân đội Mỹ đành phải đưa 1 kẻ thủ ác “ra tòa”. Nhưng chỉ xử qua loa chiếu lệ, chỉ huy lữ đoàn Henderson là Trung úy William Calley, ông ta là người duy nhất phải ra tòa án binh từ trước tới nay sau hàng trăm vụ thảm sát lớn nhỏ do quân đội Mỹ và chư hầu gây ra ở Việt Nam (thảm sát Sơn Mỹ, thảm sát Thạnh Phong, thảm sát Bình Hòa, thảm sát Định Tường, thảm sát Kiến Hòa, thảm sát Gò Công, thảm sát Hà Mỹ, thảm sát Thái Bình v.v.)

Ban đầu Calley “ra tòa” không phải về tội giết dân thường, hay tội ra lệnh tàn sát thường dân, mà về tội “che giấu thông tin”, sau đó được tuyên bố trắng án. 10 tháng sau, do dư luận Việt Nam, Hoa Kỳ và quốc tế làm lớn, áp lực chính trị căng thẳng, Mỹ đành phải lôi Trung úy Calley ra tòa và bị tuyên án “chung thân” nhưng chỉ 2 ngày sau đó Tổng thống Nixon đã ra lệnh thả Calley. Cuối cùng Calley chỉ phải chịu án 4 tháng ngồi tù quân sự tại bang Kansas. Theo tài liệu “War Crimes: Brutality, Genocide, Terror, and the Struggle for Justice” (“Tội ác chiến tranh: Khủng khiếp, Diệt chủng, Khủng bố, và sự tranh đấu vì công lý”) của tác giả Neier, NXB Random House, trong thời gian này hắn vẫn được bạn gái thăm nuôi và quan hệ tình dục không hạn chế trong nhà giam, được cung cấp thực phẩm đặc sản, nước giải khát, và bao cao su. Dư luận Mỹ và thế giới thì chỉ xem hắn là con Tốt thí, là con dê tế thần, là kẻ giơ đầu chịu báng.

Theo ghi âm radio của nhà báo quân đội Mỹ Robert Hodierne, một cựu binh Chiến tranh Việt Nam, người dẫn chương trình đài phát thanh BBC 4 Anh ngữ khi phỏng vấn một loạt những cựu binh Mỹ từng tham gia vụ tàn sát, hãm hiếp, tắm máu ở Sơn Mỹ đã kết luận: “Những vụ thảm sát này không chỉ đơn thuần là những hành vi của nhóm lính bất trị gây ra. Nó là những cuộc bắn giết được lên kế hoạch cẩn thận từ trước, với mục tiêu giết càng nhiều càng tốt, hủy diệt càng nhiều càng tốt”.

Trong các tài liệu, hồ sơ của quân đội Mỹ, Lữ đoàn 173, có báo cáo chi tiết về 142 vụ bắt giữ và ngược đãi người dân, trong đó có 127 trường hợp liên quan đến Lữ đoàn này. Tuy nhiên các giới chức lãnh đạo của Hoa Kỳ đã cố gắng bưng bít thông tin. Tờ Los Angeles Times đã đăng bài viết tố cáo các chỉ huy quân đội Mỹ đã che giấu tội ác của cấp dưới trong chiến tranh ở Việt Nam và phần lớn các quân nhân phạm tội đã không bị trừng phạt, hoặc chỉ bị phạt rất nhẹ, trong khi người tố cáo lại bị trả thù, ngược đãi, trù dập.

Một số thông tin khác liên quan đến tội ác quân đội Hoa Kỳ khi giải mật hồ sơ những vụ thảm sát tại Việt Nam, theo báo Los Angeles Times, Baltimore Sun ở Mỹ, Cơ quan Lưu trữ Hồ sơ và Tài liệu Quốc gia (NARA) của Hoa Kỳ đã có hơn 9.000 trang tư liệu, hồ sơ cung cấp chi tiết về 320 cuộc thảm sát lớn nhỏ đã được cơ quan điều tra của quân đội Mỹ xác minh và có những bằng chứng cụ thể. Nhưng trong 320 cuộc thảm sát này lại không có Thảm sát làng Sơn Mỹ, cuộc thảm sát ghê rợn và chấn động quốc tế, cho thấy còn rất nhiều tội ác thảm sát, trong đó có những vụ thảm sát tương đương mức độ như thảm sát Sơn Mỹ của quân đội Mỹ tại VN mà chưa được ghi nhận đầy đủ, những hồ sơ còn nhiều thiếu sót, còn nhiều cuộc thảm sát không được đưa vào hồ sơ, hoặc bị che giấu bưng bít thành công.

Các vụ việc được chứng minh trong hồ sơ của NARA có thể kể đến: 7 vụ thảm sát từ 1967 đến 1971, trong đó có ít nhất 137 dân thường bị giết; 78 vụ tấn công khác nhau vào những người dân thường, trong đó ít nhất 57 người bị giết, 56 người bị thương và 15 vụ cưỡng hiếp tập thể, gian sát (hiếp trước giết sau); 141 vụ tra tấn thường dân hoặc tù binh chiến tranh.

Ngoài 320 trận thảm sát được xác minh, hồ sơ còn có những tài liệu có liên quan đến hơn 500 hành động tàn ác mà các điều tra viên chưa thể chứng minh hoặc không được quan tâm đến.

Những gì mà nhiều nhân chứng sống, trong đó có các nạn nhân của Mỹ, các phóng viên chiến trường ngoại quốc, những hung thủ lính Mỹ kể lại v.v. đều phù hợp với những gì Bác Hồ và cả những cựu chiến binh Nam Bộ nói về tội ác của giặc Mỹ ở nhiều khu vực dân cư miền Nam Việt Nam: “Chúng dùng chính sách 3 sạch: Giết sạch, phá sạch, đốt sạch.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng giận dữ phát biểu với ký giả quốc tế, nguyên văn: "Vì Mỹ mà đất nước chúng tôi bị chia cắt làm đôi, đồng bào miền Nam chúng tôi đang lâm vào tình cảnh đau thương, nước sôi lửa bỏng. Vì Mỹ mà miền Nam Việt Nam có những tòa án phát xít, những luật lệ bạo ngược, những máy chém lưu động giết người khắp thành thị và thôn quê, có những trại giam khổng lồ, giam cầm và tra tấn hàng chục vạn người, giết chết hàng vạn người yêu hòa bình và yêu Tổ quốc. Vì Mỹ mà có những sư đoàn, binh lính với máy bay, xe tăng và đại pháo Mỹ đi càn quét liên miên, giết hại thường dân, đốt phá làng mạc. Nói tóm lại vì Mỹ mà miền Nam Việt Nam biến thành địa ngục trần gian".

Tóm lại, cách thắng một cuộc chiến tranh của Mỹ luôn là: 1. Áp đảo ngay từ đầu về chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý, chiến tranh chính trị, tạo ra một sức ép vô hình, một áp lực khổng lồ vô hình vô ảnh. 2. Dùng lực lượng không quân và hải quân chất lượng nhất thế giới về năng lực tác chiến và vũ khí tối tân để chiếm lĩnh vùng biển và vùng trời, gây thêm sức ép, tạo thêm áp lực nghẹt thở vây hãm địch. 3. Dùng chiến tranh công nghệ cao và các đội quân cơ động, đặc nhiệm, tác chiến nhanh nhẹn để tê liệt hóa về quân sự và nhanh chóng chiếm lĩnh đầu não, thủ đô của địch. Đồng thời áp dụng tâm lý chiến, trong đó có những thủ đoạn khủng bố tinh thần để tê liệt hóa về chính trị, ngoại giao. Những chiến lược, chiến thuật của Mỹ ở trên, ngoài Việt Nam ra, thì cho đến nay chưa gặp đối thủ.

Sở dĩ Mỹ hoàn toàn thua tại Việt Nam là vì: 1. Việt Nam cũng giỏi về chính trị, tình báo, tuyên truyền, và có ưu thế về yếu tố "nhân hòa". Mỹ không thể áp đảo được. 2. Đúng là không quân và hải quân Mỹ đã hoành hành trên khắp vùng trời và vùng biển của Việt Nam và tận dụng ưu thế hỏa lực của họ. Nhưng ý chí của quân dân VN đã khiến hải quân Mỹ không thể gây sức ép tinh thần. Không quân vô địch của họ thì gặp phải khắc tinh là hệ thống phòng không thiện chiến hàng đầu thế giới của ta mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiên liệu và chú trọng ngay từ đầu. Không quân ta không chọi lại họ nhưng các đơn vị phòng không của ta thì có thể hóa giải không quân của họ. "Kẻ cắp gặp bà già", "Vỏ quít dày gặp móng tay nhọn". 3. Các đội quân cơ động, đặc nhiệm, nhanh nhẹn của họ đều bó tay trước địa hình hiểm trở thuận lợi cho đội quân du kích bản địa, và thực tế là du kích miền Nam còn cơ động và nhanh nhẹn hơn họ nhiều do trang bị nhẹ và thông thạo đường đi nước bước. Họ không có cách bình định được miền Nam, không tiêu diệt được Quân Giải phóng, không chiếm được những vùng giải phóng, vì vậy không thể tập trung lực lượng lớn để đánh ra Bắc và càng không thể "mơ mộng" chiếm được thủ đô của Việt Nam ở tận miền Bắc. Họ nhiều lần đem các loại máy bay ném bom hiện đại nhất, tối tân nhất ra tàn phá Hà Nội, muốn khủng bố và tê liệt hóa đầu não của VN, nhưng đều bị đánh bại phải rút về và bị tổn thất nặng nề. Và dân tộc Việt không như những dân tộc khác, Mỹ càng gây tội ác để khủng bố tâm lý thì dân Việt càng bất khuất và căm thù giặc, chẳng những không sợ mà càng nuôi giấu kháng chiến, khuyến khích con em, con cháu đi theo Mặt trận đánh giặc.

---oOo---


Quân đội Mỹ, trong thế kỷ 21 này đã trở thành một đội quân vô địch, có sức mạnh áp đảo, bách chiến bách thắng, bất khả chiến bại, ngày nay khi Mỹ đem quân đánh nơi đâu thì các chuyên gia quân sự không còn thảo luận chuyện Mỹ sẽ thắng hay thua, mà họ bàn luận chuyện bao lâu Mỹ sẽ thắng, các địch thủ "tội nghiệp", "đáng thương hại" kia có thể cầm cự, chống đỡ, trụ được bao lâu, thoi thóp, hấp hối được bao lâu. Nhiều cuộc chiến tranh đã như mèo vờn chuột, như kịch bản phim, như chơi trò chơi điện tử chứ không còn như chiến tranh thông thường.

Sở dĩ đạt được thành tựu đó, ngoài vấn đề có một tiềm lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ dồi dào, sở hữu những kho vũ khí số lượng đồ sộ, chất lượng tối tân, một nền công nghiệp quốc phòng tân tiến, hiện đại, một nền công nghệ chiến tranh sáng tạo, bỏ xa thiên hạ, đi trước thời đại v.v. thì yếu tố con người, yếu tố nhân lực cũng chiếm phần lớn. Mỹ có những lãnh đạo, tướng lĩnh, tài năng, chuyên nghiệp, làm việc một cách bài bản, khoa học, chỉ huy một đội quân nhà nghề không ai địch nổi.

Họ khai thác, tận dụng mọi tiểu tiết, dù là nhỏ nhất, để giành thắng lợi. Họ không bỏ qua một sơ hở nào, một chi tiết nhỏ nào, một hòn đá nào chưa lật (leaves no stone unturn), họ tận dụng mọi lĩnh vực từ chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, chiến tranh tâm lý, chiêu hồi v.v. đặc biệt là tận dụng ưu thế vượt trội về công nghệ. Họ tận dụng mọi lợi thế về khoa học quân sự, công nghệ chiến tranh để giành chiến thắng. Đó là một đoàn quân thông minh, với những chiến binh thông minh và "vũ khí thông minh", "tên lửa thông minh", "bom thông minh", "đạn thông minh", những robot quân sự "thông minh" với công nghệ trí tuệ nhân tạo cao cấp, cùng một lực lượng nhân tài có trí tuệ cao và đầy tinh thần sáng tạo, phát kiến và phát minh những công nghệ mới, vũ khí hủy diệt mới.

Trong lịch sử Việt Nam, quân đội Mỹ chính là lực lượng ngoại xâm thông minh, trí tuệ, thực dụng, và nguy hiểm nhất mà Việt Nam đã đối phó trong mấy ngàn năm giữ nước. "Thâm nho", có một nền văn minh lớn như Trung Quốc, hay một quân đội nhà nghề với trình độ phát triển cách xa thuộc địa An Nam như thực dân Pháp cũng không thể so bì với Mỹ.

Chính vì vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thắng lợi vĩ đại, bài học lịch sử" đã viết nguyên văn như sau: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ là thử thách lớn nhất, ác liệt nhất đối với dân tộc ta. Chúng ta đã phải đương đầu với đế quốc hùng mạnh nhất, giàu có nhất, tàn bạo, nham hiểm và hiếu chiến nhất. Cuộc chiến tranh kéo dài qua năm đời tổng thống Mỹ với một tương quan lực lượng chênh lệch nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân ta về phương thức sản xuất và tiềm lực kinh tế quân sự.

Thiếu Long

-------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

- Kill Anything That Moves: U.S. War Crimes And Atrocities In Vietnam, 1965-1973 (Giết tất cả những gì nhúc nhích: Tội ác chiến tranh hung bạo của Mỹ ở Việt Nam), Nick Turse, NXB Đại học Columbia, 2005
- Stephen Endicott, Edward Hagermann. The United States and Biological Warfare: Secrets from the Early Cold War and Korea, (Google Books, relevant excerpt), Indiana University Press, 1998
- Deborah Nelson, “THE WAR BEHIND ME: Vietnam Veterans Confront the Truth About U.S. War Crimes”, Basic Books, 2008
- Barton C. Hacker, Margaret Vining. American Military Technology: The Life Story of a Technology. JHU Press, 2007
- Jeremy Black. Fighting for America: The Struggle for Mastery in North America, 1519-1871, 2011
- Boyne, Walter J. Beyond the Wild Blue: A History of the U.S. Air Force, 1947–2007, 2007
- Robert Frank Futrell. Ideas, Concepts, Doctrine: A History of Basic Thinking in the United States Air Force, 1979
- Robert Doughty. American Military History and the Evolution of Western Warfare, 1996
- Chester G. Hearn. Air Force: An Illustrated History: The U.S. Air Force from 1910 to the 21st Century, 2008
- Stephen Howarth. To Shining Sea: A History of the United States Navy, 1775–1998, 1999
- Robert W. Love. History of the U.S. Navy, 1775–1941 (1992) và History of the U.S. Navy, 1942–1991 (1992)
- Millett, Allan R. Semper Fidelis. A History of the United States Marine Corps, 1991
- Sweeney, Jerry K., và Kevin B. Byrne, eds. A Handbook of American Military History: From the - Revolutionary War to the Present, 1997
- Weigley, Russell Frank. The American Way of War: A History of United States Military Strategy and Policy, 1977
- Stein, R. Conrad. The Korean War: "The Forgotten War". Hillside, NJ: Enslow Publishers, 1994
- James C. Bradford. Atlas of American military history. Oxford University Press, 2003
- Esposito, Vincent J. Học viện quân sự West Point Atlas of American Wars. New York: Frederick A. Praeger, 1959.
- Esposito, Vincent J. The West Point Atlas of American Wars: 1900-1918, 1997
- Griess, Thomas E. West Point Atlas for the Second World War: Asia and the Pacific, 2002
- Griess, Thomas E. West Point Atlas for the American Civil War, 2002
- Griess, Thomas E. The West Point Atlas for Modern Warfare, 2011
- Griess, Thomas E. West Point Atlas for the Great War: Strategies and Tactics of the First World War, 2003
- Tác giả: Võ Nguyên Giáp - Hồi ký: Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng - Năm xuất bản: 2005
- Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam - Ban biên soạn: Gs. NGND Phan Huy Lê, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Trần Xuân Thanh - Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia - Năm xuất bản: 2010
- Sấm sét trên Thái Bình Dương, Tác giả: Albert Vulliez, Người dịch: Người Sông Kiên - Lê Thị Duyên, Nhà xuất bản: Sông Kiên, Năm xuất bản: 1974
- Ngọn lửa chiến tranh lạnh (Lãnh chiến phong hoả), Tác giả: Lý Kiện (Trung Quốc), Nhà xuất bản: Thanh Niên
- Bí mật những chiến dịch không kích của Mỹ vào Bắc Việt Nam. Tác giả: Cảnh Dương, Đông A. Nhà xuất bản: Công An Nhân Dân. Năm xuất bản: 2007
- 5 Đường mòn Hồ Chí Minh, Đặng Phong, NXB Tri thức & Phương Nam Books xuất bản
- Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội - Nhà xuất bản Harper Collins, 1999 Vương quốc Anh - Tác giả: Richard H.Shultz, Jr - Dịch giả: Hoàng Anh Tuyên - Nhà xuất bản: Văn hoá - Thông tin - Năm xuất bản: 2002
- Berman, Larry. Lyndon Johnson's War: The Road to Stalemate, 1991
- Department of the Army. Report of the Department of the Army Review of the Preliminary Investigations into the My Lai Incident (Báo cáo của tướng Peers), Volumes I-III, 1970
- "American soldiers testify in My Lai court martial". By Karen D. Smith. Dec. 6, 2000. Amarillo Globe-News.
- Neier, A. War Crimes: Brutality, Genocide, Terror, and the Struggle for Justice, Random House
- Sự lừa dối hào nhoáng - Tác giả: Neil Sheehan - Người dịch: Đoàn Doãn - Nhà xuất bản Công An Nhân Dân - Năm 2003
- Carter Malkasian. The Korean War, 1950–1953. Essential Histories. London; Chicago: Fitzroy Dearborn, 2001
- Cuộc chiến dài ngày giữa nước Mỹ và Việt Nam 1950-1975 - Tác giả: George C. Herring - Người dịch: Phạm Ngọc Thạch - Nhà xuất bản: Công an Nhân dân - Năm xuất bản: 2004
- Cuộc phỏng vấn Trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Không quân Quân khu Chengdu, Trung Quốc về Chiến tranh Iraq trên tạp chí Khoa Học Quân Sự Không Quân năm 2010.
- Phim tài liệu: Vietnam - The 10,000 Day War (Cuộc chiến 10.000 ngày), Đạo diễn: Michael Maclear, Tập đoàn Truyền thông Canada (CBC) sản xuất

- Tài liệu Internet