Chiến dịch Linebacker II: Cần xem lại khái niệm 'cứu bóng trước khung thành'

Gần đây một vài chương trình văn nghệ, cầu truyền hình và bài báo gọi chiến dịch Linebacker của không quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam là "cứu bóng trước khung thành". Khái niệm này thoạt nghe thì thấy có nét hay về nghệ thuật, nhưng lại không chính xác về khoa học lịch sử quân sự, lịch sử chiến tranh. Nhân dịp sắp kỷ niệm đại thắng Điện Biên Phủ trên không đánh bại chiến dịch Linebacker II, tôi xin được đóng góp đôi điều về đề tài này.
Các thông tin quân sự chính

Hai chiến dịch Linebacker mà không quân Mỹ thực hiện ở Việt Nam là nằm trong chiến lược chiến tranh phá hoại của Mỹ chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam và một phần nhỏ ở những vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam, từ năm 1965, và kết thúc hẳn sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của quân dân thủ đô vào năm 1972.

Chiến lược quân sự của chính phủ Mỹ trên chiến trường miền Nam VN chủ yếu là dùng bộ binh bình định vùng tạm chiếm và xâm lấn vùng giải phóng. Chiến lược quân sự ở miền Bắc VN là áp dụng chiến tranh phá hoại, sử dụng không quân và hải quân với mục tiêu cao nhất là hủy diệt miền Bắc và thủ đô Hà Nội, mục tiêu thấp hơn là phá hoại, gây thiệt hại, gây suy nhược và gây tê liệt tiềm lực kinh tế và quân sự, phá hủy hệ thống giao thông, các cơ sở hạ tầng, kinh tế của Việt Nam, để giảm thiểu và phần nào ngăn chặn miền Bắc tiếp viện cho miền Nam và cộng đồng xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam (bằng cách ném bom chiến lược dai dẳng vào cảng Hải Phòng), khủng bố tinh thần, đánh bại ý chí chống ngoại xâm của quân dân Việt Nam, đồng thời động viên tinh thần đang sa sút của binh lính Mỹ-ngụy (bằng cách ném bom chiến lược dai dẳng vào thủ đô và các đô thị lớn ở miền Bắc VN, những khu dân cư đông người và các mục tiêu dân sự khác).

Nói chung, chiến tranh phá hoại không phải là cuộc chiến xâm lấn, chiếm đóng, mà là cuộc chiến phá hủy, hủy diệt, gây tê liệt, gây khó khăn cho đối tượng. Và chính phủ Mỹ đã cho quân đội Mỹ thực hiện chiến lược chiến tranh đó ở miền Bắc VN và một số vùng giải phóng ở miền Nam. Chiến lược phá hoại này đồng hành với các chiến lược chiến tranh khác được bộ binh Mỹ thực hiện trong những vùng tạm chiếm và đa phần vùng giải phóng ở miền Nam.

Sau 3 năm tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, và 4 năm tạm ngưng, từ khoảng giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 năm 1972, Mỹ lại bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, kéo dài đến cuối tháng 10 cùng năm. Chiến dịch này được đặt tên Linebacker, bắt đầu bằng Linebacker I. Chiến dịch này do các tướng Melvin R. Laird, Thomas H. Moorer, John Dale Ryan, John C. Meyer, John W. Vogt, Jr chỉ huy, đều là những tướng giỏi có nhiều quân công trong Thế chiến II, trên chiến trường châu Âu, châu Phi.

Để trả đũa và giải tỏa sức ép tiến công của quân đội Việt Nam trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, Hoa Kỳ quyết định mở chiến dịch Linebacker, ném bom miền Bắc Việt Nam, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng, nhằm tàn phá, gây tê liệt và kiệt quệ miền Bắc VN, ngăn chặn các nước đồng minh viện trợ cho Việt Nam và ngăn chặn miền Bắc chi viện cho miền Nam.

Lần này với chiến dịch Linebacker I, Hoa Kỳ đã tung ra những loại máy bay tối tân hiện đại nhất, trong đó có pháo đài bay "không thể bị bắn trúng" B-52, và những đòn công kích chiến lược và công kích chiến thuật mạnh mẽ, ác liệt hơn rất nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (chiến dịch Rolling Thunder).

Không thể phủ nhận, chiến dịch này đã giáng một đòn nặng nề vào kinh tế miền Bắc nước ta. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa từ bạn bè bên ngoài vào Việt Nam, cũng như các hoạt động chi viện của miền Bắc cho miền Nam Việt Nam bị suy giảm rõ rệt. Ngoài hai trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng, không quân Hoa Kỳ còn tấn công ác liệt khắp miền Bắc. Cơ sở hạ tầng của miền Bắc từ đường bộ, đường sắt, cầu, cảng, nhà máy, cơ sở sản xuất cho đến đê điều đều bị tàn phá nặng nề.

Ngược lại, Mỹ có hơn 1 ngàn máy bay các loại bị bắn hạ, trong đó có 34 chiếc B-52. Hàng ngàn phi công, không quân Mỹ bị tử trận hoặc bắt giữ. Sau khi tổn thất nặng nề, Mỹ tạm ngưng chiến dịch Linebacker I, chuyển trọng tâm vào chiến trường miền Nam và hội nghị Paris về Việt Nam.

Ngày 18/12/1972, Hoa Kỳ mở chiến dịch Linebacker II, nhằm tàn phá miền Bắc Việt Nam với trọng tâm ở thủ đô Hà Nội. Ý đồ chiến lược của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ là tấn công dồn dập bằng pháo đài bay B-52, máy bay ném bom tối tân nhất thế giới, dùng sức mạnh và biện pháp không hạn chế đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của Việt Nam, nhắm phần nào gỡ gạc tình thế, tình hình yếu kém, thất bại ở miền Nam, ép Việt Nam phải từ bỏ các vấn đề nguyên tắc và chấp nhận những điều kiện vô lý, ngang ngược, trịch thượng của họ trong hội nghị Paris về Việt Nam, trong đó quan trọng nhất, có tính quyết định nhất, chính là vấn đề Mỹ cho rằng "Washington rút quân thì Hà Nội cũng phải rút quân", theo đó Việt Nam phải chấp nhận điều khoản rút quân chính quy về miền Bắc, ở miền Nam chỉ còn lại quân Giải phóng của Chính phủ cách mạng Cộng hòa miền Nam Việt Nam và quân đội của ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Chiến dịch này còn được giới dân sự Mỹ gọi là The December Raids (Cuộc bắn phá tháng 12) hoặc là The Christmas Bombings (Rải bom lễ Giáng sinh), một số người còn ví von gọi là "The nightmare before Christmas" (Cơn ác mộng trước Giáng sinh).

Tại Việt Nam, sự kiện này ban đầu được gọi giản dị là "cuộc chiến 12 ngày đêm", ngay sau đó một số báo Pháp đưa tin về việc này, đã ví trận thắng này như trận thắng Điện Biên Phủ ở trên không trung. Từ đó khái niệm "Điện Biên Phủ trên không" được báo chí Việt Nam thấy hay nên sử dụng đến nay.

Phía Hoa Kỳ do hai tướng John Dale Ryan (Thành viên của Bộ tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ - JCS, cố vấn cao cấp của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ và Hội đồng An ninh Quốc gia, lập nhiều chiến công thành tích trong Thế chiến II) và John W. Vogt Jr (nguyên Tư lệnh lực lượng Đồng minh ở mặt trận Trung Âu trong Thế chiến II, Tổng tư lệnh Không quân Hoa Kỳ ở châu Âu) chỉ huy.

Trong 12 ngày đêm xâm phạm không phận và tung hoành trên vùng trời Hà Nội, lực lượng không quân thiện chiến của Mỹ đã ném xuống hơn 36.000 tấn bom. Không quân Mỹ đã dội bom bừa bãi vào nhà cửa, nhà thương, nhà máy, trường học, di tích lịch sử, đền thờ, nhà thờ, chùa chiền v.v. Những đợt tấn công này đã gây thương vong cho hàng chục ngàn dân lành, hủy diệt hoàn toàn hàng ngàn nhà dân và hàng trăm trường học, bệnh viện, rạp hát, chùa miếu, di tích lịch sử.... Tại Hà Nội, khu phố Khâm Thiên hoang tàn nhất, bị hủy diệt hoàn toàn.

Chiến dịch ném bom vô nhân đạo này đã bị phản đối quyết liệt khắp thế giới, kể cả những nước đồng minh lâu năm, thân cận của Hoa Kỳ, dư luận nhiều nước gây áp lực để chính phủ của mình chính thức lên án cuộc ném bom.

Tại Hoa Kỳ, nhiều thành phần diều hâu từng ủng hộ cuộc ném bom trong chiến dịch Linebacker I, bây giờ chất vấn cả sự cần thiết và tính tàn bạo nghịch thường của Linebacker II. Mười sáu phi công đã gởi đơn khiếu nại lên Bộ chỉ huy xin không bay; 45 gia đình gởi thơ chất vấn về trạng thái tinh thần phi công. Nhiều nơi đã xảy ra binh biến, nội loạn trong quân đội Mỹ. Bất chấp những cuộc trấn áp, thảm sát tại Đại học Tiểu bang Kent và các thành phố ở California trước đó, nhân dân và sinh viên Mỹ vẫn xuống đường biểu tình đòi chính phủ chấp nhận ký vào hiệp định Paris.

Sau 12 ngày đêm quyết chiến, quân dân thủ đô đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay ném bom chiến lược B-52, và số phận của chiến dịch Linebacker II đã được định đoạt.... Tổng thống Nixon ra tín hiệu đề nghị nối lại đàm phán và ngày 30 tháng 12 đã ra lệnh chấm dứt chiến dịch ném bom, quay lại đàm phán tại Paris và chấp nhận rút quân đội (thực tế là rút lực lượng quân sự chính quy) về nước gần như "không điều kiện", bởi vì Mỹ đã nhượng bộ vấn đề then chốt nhất: Hà Nội phải rút các đơn vị quân sự chính quy khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam, theo nguyên tắc Mỹ áp đặt ra là "Hoa Kỳ rút quân thì Bắc Việt cũng phải rút quân".

Sau chiến dịch này, khí thế của quân dân cả nước đều phấn chấn dâng cao. Việt Nam là quốc gia đầu tiên và đang là duy nhất trên thế giới đánh bại được "thần tượng" B-52. Và sau năm 1975 đến nay, với khoa học kỹ thuật công nghệ quân sự thế giới tiên tiến hơn, cũng vẫn chỉ có 1 máy bay B-52 bị bắn hạ trong chiến tranh Vùng Vịnh 1991.

"Linebacker" là gì?

Linebacker không phải là thủ môn bóng đá và không có vai trò "cứu nguy quả bóng trước khung thành". "Linebacker" là một vị trí cầu thủ trong môn thể thao "football" của người Mỹ, mà tiếng Việt hay gọi là "bóng đá Mỹ" hoặc "bóng bầu dục Mỹ". Cầu thủ "Linebacker" có thể tạm dịch là "trung vệ" theo ngôn ngữ bóng đá tiếng Việt.

Về cơ bản, mô hình phòng thủ của bên phòng ngự football có 3 tuyến: Một là defensive line (tạm dịch: Tiền vệ), có vai trò phòng thủ phía trước, chặn đứng bên tấn công ôm bóng xông tới. Hai là linebacker (tạm dịch: Trung vệ), có vai trò phòng giữ ở tuyến giữa. Ba là defensive-back hoặc secondary (tạm dịch: Hậu vệ), có vai trò phòng vệ đường dài, chủ yếu can thiệp vào các đường chuyền bóng để cản phá hoặc cướp bóng, đây cũng là tuyến phòng thủ cuối cùng. Nếu bên tấn công có được bóng qua khỏi tuyến này thì họ sẽ có một không gian thênh thang phía trước chạy tới thành trì của đối thủ và ghi bàn.

Các cầu thủ trung vệ ở giữa (linebacker) về cơ bản là có trách nhiệm quan trọng nhất, họ vừa tiếp sức cho các tiền vệ, vừa tiếp lực cho các hậu vệ, đề phòng đối thủ vượt qua. Họ vừa phòng thủ trực tiếp các đợt ôm bóng tấn công ngay phía trước. Họ vừa đề phòng những cú chuyền bóng đường dài và đuổi theo kẻ ôm bóng vật xuống ngăn cản, một khi kẻ đó đã vượt qua hàng phòng thủ. Họ trụ sẵn ở phòng tuyến giữa, phòng tuyến 2, nhưng phải luôn sẵn sàng để trợ chiến cho phòng tuyến 1 và trợ thủ cho phòng tuyến 3.

Vai trò này tương tự như quân chủng không quân, khi các lực lượng không quân cũng được dùng cho việc hỗ trợ các lực lượng bộ binh và hải quân cũng như hải quân đánh bộ. Không quân trong một trận chiến và linebacker trong một trận đấu football luôn có một đặc điểm tương đồng: Tính linh động, linh hoạt, mềm dẻo, đa năng, đa công dụng của nó.

Như vậy, khái niệm "cứu bóng trước khung thành" hoàn toàn không tương thích với thuật ngữ "Linebacker", và khái niệm đó không phải là nguyên nhân người ta đặt tên chiến dịch này như vậy. Nếu theo khái niệm đó thì chiến dịch phải được đặt tên là "Goalkeeper" (thủ môn) mới hợp lý.

Vai trò của Linebacker (LB) là phòng thủ tuyến giữa.


Hoa Kỳ mở hai chiến dịch Linebacker để làm gì?

Đến giữa năm 1972, gã khổng lồ "chú Sam" bắt đầu mệt mỏi, nên họ thúc đẩy mạnh quá trình "Việt Nam hóa chiến tranh", tăng cường xây dựng, phát triển, trang bị, huấn luyện ngụy quân.

Họ muốn đẩy quá trình phi Mỹ hóa lên cao nhất: Mỹ sẽ rút các đơn vị chiến đấu. Ngụy quân hoàn toàn đánh thay Mỹ. Từng bước biến những trận đánh giữa người Mỹ và người Việt trở thành những trận đánh giữa người Việt với người Việt. Tương đồng với những gì thực dân Pháp đã làm từ năm 1949 với chiến lược "Vàng hóa chiến tranh" (biến các trận đánh giữa người da trắng với người da vàng trở thành các trận đánh giữa người da vàng với nhau), với ít thành công hơn.

Họ muốn dùng người Việt đánh người Việt, "thay màu da trên xác chết". Nguyên văn câu nói của đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker, làm việc ở Việt Nam từ năm 1967 đến 1973, về chương trình Việt Nam hóa chiến tranh là: "Thay đổi màu xác chết" ("Changing the color of the corpses").

Ban đầu danh từ, thuật ngữ chính thức của chương trình chiến lược này là "Phi Mỹ hóa chiến tranh" (De-Americanize). Nhưng sau đó bộ trưởng quốc phòng Melvin Laird nhận ra danh từ này đã gián tiếp thừa nhận việc Mỹ xâm lược Việt Nam, thú nhận vai trò chính của Mỹ trong cuộc chiến. Do đó, ông đề nghị dùng một danh từ nào đó không nói gì tới Mỹ. Theo đó, cái tên mới "nhẹ nhàng" hơn là "Việt Nam hóa chiến tranh" (Vietnamization) được sử dụng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin R. Laird khi đó đã miêu tả chính sách này trong tài liệu công khai của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, theo đó chính sách của Mỹ là: "Phát triển, trang bị, và huấn luyện quân đội 'Nam Việt Nam' và phân công họ ngày càng nhiều vai trò chiến đấu hơn, đồng thời đều đặn giảm bớt số lượng của quân nhân chiến đấu Mỹ." ("Expand, equip, and train South Vietnam's forces and assign to them an ever-increasing combat role, at the same time steadily reducing the number of U.S. combat troops".)

Nhìn chung, xét theo lợi ích tổng thể, chiến dịch Linebacker II được tiến hành nhằm ép bức Việt Nam phải chấp nhận các yêu sách, điều khoản bất công, vô đạo, phi lý, phi nghĩa của họ trong hội nghị Paris về Việt Nam, mà vấn đề chủ yếu, then chốt nhất, trọng yếu nhất chính là chuyện Hà Nội phải rút về các đơn vị quân đội từ miền Bắc. Chấp nhận "luật chơi" quân đội chủ lực Mỹ rút thì chủ lực Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng phải rút. Và miền Nam chỉ còn lại chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, quân Giải phóng và chính quyền, quân đội Sài Gòn.

Cụ thể hơn, Washington muốn Hà Nội phải thay đổi bản dự thảo tháng 10, chủ yếu là nhượng bộ và chấp nhận điều khoản trước đó do họ đề xướng là QĐNDVN phải rút về Bắc. Nhưng Việt Nam chỉ chấp nhận nguyên tắc độc lập tự do: Các lực lượng nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam.

Nguyên tắc đó theo đạo lý và logic: "Ông là người nước ngoài thì ông đi khỏi nước tôi. Còn đây là nhà tôi, tôi ở lại nước tôi, nhà tôi thì tôi muốn đi đâu thì đi. Tôi không bàn với ông chuyện tôi ở đâu trên đất nước tôi. Cũng như ông không bàn với tôi chuyện ông ở đâu trên đất Mỹ". Đây là nguyên tắc, đạo lý rất dễ hiểu, nhưng Mỹ-ngụy đã cố tình tránh né không muốn hiểu. Một số kẻ có tư tưởng bán nước, với bản chất mất gốc, vong bản, theo hướng phản quốc ngày nay cũng cố tình tránh né không muốn hiểu nguyên tắc và đạo lý giản dị này trong nhận thức lịch sử Việt Nam.

Ngoài ra, nước Mỹ vẫn còn quốc thể, danh dự, uy thế, "thương hiệu" của một đại cường quốc. Để bảo vệ danh dự, hình ảnh Hoa Kỳ, và bảo vệ lợi ích chiến lược của họ, họ muốn Việt Nam cũng phải nhượng bộ bằng cách rút về vĩ tuyến 17 các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Như vậy, chiến dịch Linebacker II oanh tạc miền Bắc và thủ đô Hà Nội chính là để ép Việt Nam chấp nhận điều đó, cũng như một số điều khác của họ trong hội nghị Paris. Sau khi chiến dịch bị phá sản, Mỹ không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận bản dự thảo tháng 10 mà trước đó họ đã "từ chối", và ký hiệp định chính thức. Giáo sư Guenter Lewy, trong cuốn sách "Mỹ ở Việt Nam", xuất bản năm 1978, đã cho biết: "Chiến dịch Linebacker 2 không thể vắt ra được những nhượng bộ quyết định nào của Việt Nam".

Các cơ quan chiến tranh tâm lý hay tuyên truyền rằng Mỹ làm như vậy là để "lên dây cót tinh thần" làm vui lòng Nguyễn Văn Thiệu. Đây là lập luận vô lý. Mỹ có tiếng là "nhà kinh doanh thực dụng", họ không bao giờ lãng phí nhân mạng, tiền bạc, máy bay, vũ khí và thời gian, tốn nhiều công sức to lớn đến mức độ như vậy, liều đánh tới như vậy, tốn kém, tổn thất đến như vậy, chỉ để làm vui lòng một nhân vật mà họ coi không ra gì.

Trong thời điểm đó Nixon đã tỏ ra không bằng lòng với Thiệu và nói nhiều câu với Kissinger cho thấy sự coi thường: "Ông sẽ hiểu thế nào là sự tàn bạo nếu tên đểu giả đó không chịu chấp thuận ký vào." "Tôi sẽ cắt đầu nó nếu cần thiết." "Không thể để có cái đuôi chó phản lại cái đầu con chó được".

Theo tiến sĩ kinh tế Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển của Ngụy Sài Gòn, giáo sư đại học Harvard tại Mỹ trong cuốn “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” (The Palace File) xuất bản năm 1986 thì trong thời điểm đó Mỹ đã nhiều lần gởi thơ yêu cầu, bắt buộc, và đe dọa (kể cả việc nhắc lại vụ hạ sát Ngô Đình Diệm nhằm đe dọa tính mạng Thiệu) Thiệu phải ký vào hiệp định theo đúng ý Mỹ.

Nói chung, cả hai chiến dịch Linebacker I và II đều là để tấn công Bắc Việt bằng đường không, tàn phá, hủy diệt miền Bắc mà họ đã tự tin khoác lác là "sẽ đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá", nhằm mục đích làm suy kiệt và buộc Hà Nội không chịu đựng nổi nữa mà phải nhượng bộ, chấp nhận các vấn đề phi lý, bất công do phía Mỹ đưa ra, trong đó lớn nhất là yêu cầu VN phải rút đại quân về Bắc, Mỹ rút thì "Bắc Việt Nam" cũng phải rút.

Một khi các đơn vị chính quy từ miền Bắc rút khỏi miền Nam, chỉ còn lại quân Giải phóng miền Nam, thì Mỹ sẽ càng thuận lợi hơn trong việc củng cố chế độ thực dân mới và hệ thống thuộc địa kiểu mới trong vùng tạm chiếm, vẫn còn nhiều hy vọng chiến thắng cuộc chiến. Nếu như quân miền Bắc ở lại và cùng với quân miền Nam chống họ (vốn đã không còn thực binh chiến đấu) và quân ngụy, nếu họ phải chống Việt Nam chỉ bằng công cụ quân đội ngụy, thì hy vọng thắng cuộc sẽ càng rất mỏng manh, và dù có thắng phần nào thì họ cũng chỉ còn đủ sức co cụm giữ các vùng tạm chiếm, không còn đủ lực mở rộng chiến tranh xâm lược ra vùng giải phóng và không loại trừ miền Bắc nếu họ đủ mạnh, đủ điều kiện.

Tóm lại, chiến dịch Linebacker I và II đều cùng một nhiệm vụ và bản chất, chỉ khác nhau về thời điểm và cường độ. Linebacker II là một cú chót, giống như một hành động giãy giụa hung tợn trong tuyệt vọng.

Kết quả chiến dịch Linebacker chỉ là một bước ngoặt lớn, tạo ra tiền đề lớn, chứ nó không quyết định sự thắng - bại của cuộc chiến

Khái niệm "Mỹ cút" trong thời điểm năm 1973 phải được hiểu rõ "Mỹ" đây có nghĩa là "thực binh chiến đấu Mỹ", còn sự đô hộ, thống trị, cai trị thực dân mới, tầm ảnh hưởng bao trùm của chủ nghĩa thực dân mới, sự can thiệp vào Việt Nam, sự nuôi dưỡng ngụy quyền bù nhìn tay sai Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn đó. Bởi vì:

“Chính thể Sài Gòn không thể tự nuôi nổi chính mình; thậm chí không thu đủ lợi tức cho hoạt động hàng ngày. Họ phải phụ thuộc vào viện trợ Mỹ.”“Từ trước đó, giới chức đã thôi nói về xây dựng quốc gia, cải cách điền địa, dân chủ, minh bạch. Thay vào đó, họ bàn về một cuộc chiến phải thắng trước những kẻ thù của nhà nước hư cấu ‘Nam Việt Nam’ (fictive state). Quỹ đạo này của chính sách Mỹ khiến người ta gần như không thể nói thật về những thành công, thất bại, đặc biệt là với các nhà hoạch định chính sách. Chưa bao giờ Hoa Kỳ đạt tới điểm khi chính thể Sài Gòn có thể tự mình tồn tại mà không nhờ viện trợ Mỹ.“, đó là ghi chép thẳng thắn khách quan không úp mở của Tiến sĩ James Carter, giáo sư sử học tại Đại học Drew (Mỹ) trong sách Inventing Vietnam: The United States and State Building, 1954-1968, do NXB Đại học Cambridge (Anh) xuất bản năm 2008.

Đến mấy tháng đầu trong năm 1975, dù Mỹ đã cắt giảm mạnh viện trợ quân sự thì (viện trợ quân sự) vẫn còn 700 triệu USD (tương đương với khoảng 4,6 tỷ USD ngày nay), nhưng người Mỹ đã bỏ chạy tán loạn, người "chạy" bằng trực thăng, kẻ thì chạy bộ, còn ngụy quân thì ném cờ ba que, quân phục và súng ống đầy đường phố, tháo chạy tán loạn theo Mỹ, bám càng trực thăng Mỹ, ngụy quyền thì sụp đổ nhanh chóng.

Ngày 18/4/1975, tổng thống Gerald Ford ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Việt Nam. Ngày 20/4/1975, Chính phủ Mỹ buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức "tổng thống" và đưa lên cụ Trần Văn Hương, với hy vọng rằng có thể thuyết phục được Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ khẩn cấp để cứu nguy tay sai, tiếp tục cuộc chiến, bởi vì ông Thiệu lâu nay tuy được lòng Chính phủ Mỹ, nhưng không được lòng nhiều người trong Quốc hội Mỹ với tình trạng tham nhũng thối nát mà như ông Hương đã phải thú nhận: "Diệt hết tham nhũng thì lấy ai ra mà làm việc".

Tuy nhiên, đến ngày 23/4/1975, dù Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức nhưng Quốc hội Mỹ sau nhiều lần tranh luận đã quyết định không đổi ý, không viện trợ khẩn cấp, Chính phủ Mỹ đành tuyên bố chiến tranh kết thúc.

Ngày 30/4/1975, Graham Martin rời Việt Nam từ 4:58 sáng. 7 giờ sáng, những người lính cuối cùng của Mỹ bắt đầu rời khỏi Việt Nam. 7:53 sáng, chiếc trực thăng cuối cùng của quân đội Mỹ chở 10 người lính Thủy quân Lục chiến rời khỏi Việt Nam. Đến 11:30 trưa cùng ngày, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, ngụy quyền hoàn toàn sụp đổ, ngụy quân giải tán.

Mỹ là người có quyền hành, là người cáng đáng, phụ trách, chi tiền, lãnh đạo cuộc chiến 1954-1975 và hoàn toàn nuôi dưỡng ngụy quyền Sài Gòn từ đầu đến cuối. Mỹ chưa bao giờ bỏ rơi ngụy quyền, đến năm 1975 Mỹ vẫn bảo bọc, viện trợ quân sự và cả kinh tế cho ngụy quyền.

Ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã cho biết lý do "từ chức" trên đài truyền hình:

"Người Mỹ đánh giặc ở đây không đánh được, đi về. Đặt ra một cái chương trình Việt Nam hóa, chúng ta chấp nhận, rồi cũng hổng “Việt Nam hóa”. Hổng “Việt Nam hóa” rồi, hứa rằng Cộng Sản xâm phạm thì sẽ phản ứng, hổng phản ứng. Thì chỉ còn một cái chuyện tối thiểu là đưa đồ cho người ta đánh, mà không đưa. Thì thử hỏi cái đó là cái gì?

Thất hứa, thiếu công bằng, thiếu tín nghĩa, vô nhân đạo đối với 1 “đồng minh” đang chịu đau khổ triền miên. Trốn tránh trách nhiệm của một đại cường quốc.

Sở dĩ tôi từ chức hôm nay là bởi vì hôm nay, bên quốc hội Hoa Kỳ đưa vấn đề viện trợ ra mổ xẻ. Tôi nghĩ rằng hành động tôi từ chức hôm nay biết đâu ngày mai. Từ cái chỗ nó lên 300 nó lên 722 hay là lên 1 tỷ mấy. Rồi tới tấp cầu hàng không chở xe, tăng, đạn, pháo không còn ông Thiệu ở đây viện trợ, viện trợ, viện trợ. Tôi hi vọng như vậy.

Để coi thử, quốc hội Huê Kỳ có đồng ý. Tôi cũng hy vọng rằng trong tình thế quân sự căng thẳng tại quân khu 3, quân khu 4. Ông Thiệu đi rồi và ông tổng thống Hương thì biết đâu còn 3 – 4 ngày, còn 1 tuần thì cái chuyện đó có thể làm được.

Nếu tôi để ngày mai ngày mốt mà tôi mới từ chức, rồi Cộng Sản nó khởi sự tấn công thì e rằng nó đã quá trễ, lúc đó nó quá dở, trễ quá rồi làm hỏng được. Mà Huê Kỳ, quốc hội Huê Kỳ cứ viện trợ 350, “Trời phải sớm chút, này trễ quá rồi 350 không thể lên 722 được.” Không sớm hơn, cũng không trễ hơn.

Bởi vì tôi nghĩ rằng, cái thời gian tính từ hôm nay có thể thay đổi được cục diện quân sự tại chiến trường miền Nam."


Do từ chức không tình nguyện dưới sức ép của chính phủ Mỹ và đang trong tâm trạng hoảng loạn nên ông ta nói có phần tối nghĩa và bất mãn trách móc Mỹ. Nhưng đọc kỹ thì vẫn có thể rút ra được hai nội dung: Việc từ chức là để chờ chực Quốc hội Mỹ thay đổi ý định, chấp thuận cho Chính phủ viện trợ khẩn cấp, cứu vãn tình thế. Và Mỹ đúng là có chương trình "Việt Nam hóa", nhưng chưa bao giờ có thực tế "Việt Nam hóa", chuyện "Việt Nam hóa" chưa bao giờ hoàn thành. Chính tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu đã vô tình lỡ lời, nói hớ thú nhận như vậy ngay trong diễn văn từ chức. Đây vốn là một cuộc chiến "Mỹ hóa" từ đầu tới cuối, từ năm 1954 tới ngày 30/4/1975.

Tóm lược:

Qua các nội dung phân tích chi tiết ở trên, chúng ta có thể tạm kết luận rằng khái niệm "Linebacker, cứu bóng trước khung thành" là:

Sai hết về thuật ngữ - Linebacker có vai trò tiếp lửa cho tuyến trên, tuyến dưới và các nơi, không có vai trò cản bóng trước khung thành. Linebacker cũng là một vị trí cầu thủ trong bộ môn thể thao bóng bầu dục Mỹ, không phải là bóng đá. Môn bóng bầu dục chỉ có các end zone (thành trì cuối sân), không có khung thành. Và nếu cầu thủ có ném bóng vào thành trì thì cũng không ghi bàn được. Phải có người ôm bóng hoặc chụp bóng trong thành trì đó thì mới ghi bàn (6 điểm), gọi là "touchdown".

Chưa chính xác về mục tiêu - Hai chiến dịch Linebacker là để buộc Việt Nam phải nhượng bộ ở tại hội nghị Paris về Việt Nam chấp nhận luật chơi "tôi rút thì anh cũng phải rút" và các yêu sách, điều khoản vô lý, trịch thượng khác trên bàn hội nghị Paris. Khái niệm "cứu bóng" hay "cứu thua" e rằng hơi tối nghĩa, khó hiểu, có phần mù mờ, mơ hồ và không chính xác.

Không đúng về tiền đề - Có lẽ khái niệm "cứu bàn thua" này là dựa trên tiền đề Mỹ thật sự rút khỏi và thua năm 1972? Nếu vậy thì đây là một tiền đề không đúng với thực tế. Mỹ chưa thua năm 1972, họ chỉ thua hẳn vào năm 1975. Mỹ chưa bao giờ thật sự rút khỏi VN hoàn toàn, quân nhân chiến đấu Mỹ rút, tất cả cái khác ở lại.

Nhà báo, nhà sử học người Mỹ Gabriel Kolko, tác giả cuốn sách Anatomy of a War: Vietnam, the United States, and the Modern Historical Experience (Giải phẫu một cuộc Chiến tranh: Việt Nam, Hoa Kỳ, và trải nghiệm lịch sử hiện đại) do NXB Pantheon Books New York, ấn hành năm 1985, cho biết sau khi hiệp định Paris 1973 được ký kết thì người Mỹ đã cam kết tiếp tục trợ cấp đầy đủ về kinh tế và quân sự cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; Mỹ còn công nhận chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là chính quyền "hợp pháp" duy nhất ở miền Nam Việt Nam; không thừa nhận chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và thành phần chính trị thứ ba, như đã thỏa thuận trong hiệp định Paris về Việt Nam. Như vậy, chính phủ Mỹ đã giành lấy quyền áp đặt và quyết định ai hợp pháp, ai không hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo nguồn của NXB Thông Tấn, Hà Nội, viện trợ quân sự tài khóa 1973-1974 của Mỹ dành cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là 1,26 tỷ USD theo giá thời đó, tương đương 6,74 tỷ USD ngày nay. Theo thống kê của chuyên gia kinh tế học Douglas C. Dacy trong sách Foreign Aid, War, and Economic Development: South Vietnam, 1955-1975 (Viện trợ nước ngoài, Chiến tranh, và Phát triển kinh tế: Nam Việt Nam, 1955-1975), do Đại học Cambridge (Anh) xuất bản năm 1986 và 2005, ngay sau năm 1973 (sau khi hiệp định Paris 1973 được ký kết), đến năm 1974, bên cạnh duy trì viện trợ quân sự thì Hoa Kỳ đã tăng viện trợ kinh tế cho chính quyền Sài Gòn 23,8%. Chỉ đến năm 1975 mới cắt giảm mạnh viện trợ quân sự.

Có thể khẳng định, Hoa Kỳ chưa bao giờ thật sự rút khỏi Việt Nam hoàn toàn, quân nhân chiến đấu Mỹ rút, tất cả cái khác ở lại. Nói chung, khái niệm "Linebacker, cứu bóng trước khung thành" không phải là một khái niệm chính xác.

Thiếu Long