Thời chống Mỹ được các nhân chứng lịch sử và giới nghiên cứu sử học thừa nhận là một thời kỳ bão táp, bi hùng nhất nhưng cũng không kém phần đẹp đẽ, lãng mạn trong lịch sử Việt Nam.
Xưa nay giới nghiên cứu sử học, quân sự, chính trị học v.v. khắp Á - Âu khi tìm hiểu về lịch sử Hoa Kỳ, quân đội/quân sự Hoa Kỳ, và về hai cuộc chiến tranh của Pháp - Mỹ tại Việt Nam đều đặt ra một nghi vấn, một câu hỏi: Tại sao Việt Nam thắng Pháp - Mỹ? Nhất là vấn đề tại sao một xứ sở nhỏ bé và được cho là "nhược tiểu" như Việt Nam lại có thể thắng được đại cường quốc Hoa Kỳ. Và tại sao một thuộc địa nhỏ yếu như Việt Nam lại có thể ban cho thực dân Pháp thất bại đầu tiên và duy nhất của họ trước một đối thủ thuộc địa. Xưa nay không có thuộc địa Á - Phi nào thắng được thực dân Tây Dương, ngoài Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu này nếu tìm hiểu cẩn thận lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm nay thì sẽ thấy Việt Nam còn có những ngoại lệ khác. Dân tộc Việt Nam đã có những tiền lệ làm nên những chiến công khó tin trước phong kiến Trung Hoa, Mông Cổ, chứ không phải đột nhiên xuất hiện kỳ tích đánh Pháp đuổi Mỹ.
Nhiều người, nhiều nhóm đã bỏ công phân tích, nêu ra nhiều nguyên nhân, nhưng thường là không đầy đủ. Vấn đề này hầu như không thể nói ra rõ ràng được. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, các nhà sử học Việt Nam giao lưu, hàn huyên với các tướng lĩnh, giới sử học phương Tây, nhất là Pháp và Mỹ thì khi được hỏi điều đó thì các cụ cũng chỉ nói đại ý rằng các ông nên tìm hiểu thêm lịch sử nước Việt, nếu các ông biết lịch sử nước chúng tôi thì có lẽ các ông đã không thắc mắc điều đó.
Quả thật như vậy, trước khi quân dân Việt Nam lập nên chiến tích to lớn thắng Pháp - Mỹ lưu truyền hậu thế thì trước đó, quân dân Âu Lạc do Thục Phán lãnh đạo, sau 10 năm kháng chiến (218 TCN - 208 TCN), đã làm cho nhà Tần không thể tiếp tục cuộc chiến và phải rút quân về, sau khi đã tiêu diệt và đồng hóa các tộc khác trong khối Bách Việt. Trong khi đó tộc Lạc Việt và Âu Việt vẫn đứng vững và sinh tồn. Trong khi "Bạo Tần" là một sức mạnh vô địch lúc đó đã quét sạch và gồm thâu 6 nước vốn đã tồn tại hàng trăm năm, thống nhất Trung Hoa. Vó ngựa chinh phạt của họ phải dừng bước ở phương Nam.
Dân tộc Việt Nam cũng sinh tồn sau khoảng 1000 năm Bắc thuộc, không bị đồng hóa, vẫn giành lại được độc lập và thống nhất, giang sơn thu về một mối. Trong khi người Hán ở Trung Hoa là một dân tộc rất mạnh về văn hóa, họ đã đồng hóa đến cả những kẻ chiến thắng và đô hộ họ (Mông Cổ, Mãn Châu). Vậy mà khi họ đã chiến thắng quân sự trước dân Việt, và có cả chính sách đồng hóa, hòng biến người Việt thành người Hoa, nhưng âm mưu đồng hóa vẫn bất thành.
Đế quốc Mông Cổ thôn tính hơn 1/3 quả địa cầu, đánh chiếm và nô dịch cả nước Trung Hoa rộng lớn, đánh đâu được đó, không thể chiến bại. Vó ngựa vô địch của họ dẫm nát từ Á sang Âu và chỉ dừng bước sau khi đã đánh bại và cướp phá hả hê ở châu Âu, Trung Đông và Nga, họ không tiếp tục cuộc trường chinh ở các nơi này là vì các nơi này quá xa với triều đình trung ương Nguyên Mông.
Trước khi đụng đầu với Đại Việt, họ chỉ phải chịu lui binh không thành công 1 lần duy nhất trên đường đi biển đến xâm lược đảo quốc Nhật Bản. Họ không có hải quân nên phải sử dụng thủy binh người Hán, và trên đường đến Nhật do đường xa và kỹ thuật hạn chế nên đã bị sóng biển, thần phong đánh chìm gần hết các chiến thuyền. Trên đất Việt, họ 3 lần kéo đại quân, binh mã chính quy đông đảo và thiện chiến sang xâm lược và đều bị thất bại nhục nhã phải tháo chạy về nước.
Nghĩa là: Trước Pháp - Mỹ thì Việt Nam đã từng làm được những kỳ tích khó tin tưởng chừng như không thể. Đã có tiền lệ rồi. Đây là những sự thật thực tế khách quan và là niềm tự hào dân tộc chính đáng chứ không phải là "tự sướng" như các giọng điệu dèm pha, chê bai của những kẻ phản động.
Rõ ràng, dân tộc VN là một trong các dân tộc rất đặc biệt, và mạnh nhất trong vấn đề bảo vệ quê hương, làng nước, chống lại giặc ngoài. Đó là điểm mạnh. Còn điểm yếu thì là sau khi hết giặc thì bắt đầu trở lại với nếp sống, lối sống xuề xòa, dễ dãi, thậm chí tha hóa, tiêu cực.
Thời Bác Hồ nước ta có một không khí chính trị trong sáng, với một môi trường chính trị trong sạch, vậy mà với thiên tư chính trị của mình, Bác Hồ vẫn đề phòng, coi đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, và gọi tham nhũng tiêu cực là "giặc nội xâm", ý muốn đặt ngang với giặc ngoại xâm để cảnh giác Đảng và quân dân, để cho mọi người nhận thức đúng tầm mức tác hại của loại giặc này, mối nguy này. Vậy mà ngày nay các thế hệ lãnh đạo và mọi người về cơ bản là chưa làm được tốt, thậm chí nhiều người làm rất tệ, nhiều kẻ xấu chui lọt vào bộ máy chính trị của chế độ để thủ lợi, làm giàu, nhiều người tốt bị tha hóa biến chất và tự diễn biến thành người xấu. Đây là những điều rất đáng suy ngẫm. Tuy nhiên đó là chuyện khác.
Trong cuộc đối chiến lịch sử giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, hai nước có thể nói là hai kỳ phùng địch thủ ở chỗ: Một nước chưa thua ai bao giờ và một nước có truyền thống đánh bại những đối thủ chưa thua ai bao giờ.
Tuy nhiên, đối thủ Hoa Kỳ này là một đối thủ rất áp đảo. Sau cuộc chiến các nhà văn trên thế giới hay dùng khái niệm sức mạnh con người, sức mạnh trí tuệ đã chiến thắng sức mạnh sắt thép, sức mạnh điện tử. Nhưng thực tế thì nhân lực Hoa Kỳ cũng rất mạnh, và trí tuệ của họ cũng rất cao, nếu nhân sự họ không tài giỏi, trí tuệ họ không thông minh thì làm sao họ hùng mạnh được như vậy và đánh đâu được đó.
Nhiều chuyên gia, sử gia Nga và Trung Quốc thì cho rằng Mỹ thua Việt Nam một phần là vì thật ra Mỹ chỉ là con hổ giấy chứ cũng không phải quá mạnh như vậy, rằng quân đội Mỹ không phải là vô địch, họ còn thua Hồng quân (Liên Xô), hay ít nhất chỉ là ngang ngửa với nhau thôi, chứ quân Mỹ không phải là nhất thế giới.
Tuy nhiên vấn đề quân sự thì bao gồm cả hệ thống chính trị, do đó phải dùng sức mạnh quốc gia để đo lường chứ không chỉ có duy nhất quân sự. Và lịch sử đã chứng minh sức mạnh nước Mỹ mạnh hơn nhiều so với sức mạnh Liên Xô. Nước Mỹ sau khi thua VN thì vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Còn Liên Xô không đánh thua ai nhưng bị sụp đổ. Rõ ràng lịch sử xưa nay trên thế giới chưa từng thấy một đế chế, quốc gia nào hùng mạnh đến như vậy.
Hoa Kỳ là một đối thủ mạnh nhất mà lịch sử Việt Nam chưa từng thấy, mạnh hơn hẳn các đối thủ khác của Việt Nam trong lịch sử. Khoa học kỹ thuật, công nghệ chiến tranh của Mỹ cao hơn Việt Nam gấp hàng trăm lần. Tuy VN được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ hạn chế về vũ khí và chuyên gia khoa học, nhưng khoảng cách vũ khí tối tân, khoa học quân sự, công nghệ quốc phòng giữa Việt - Mỹ vẫn cách biệt rất xa. Không như thời phong kiến, dù quân viễn chinh có hùng mạnh tinh nhuệ đến cấp độ nào thì các bên chiến tuyến đều chủ yếu dùng cung nỏ kiếm đao đánh nhau.
Do đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài tham luận "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thắng lợi vĩ đại, bài học lịch sử" cho hội thảo khoa học "Đại thắng mùa Xuân 1975 – Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam" do Bộ Quốc phòng, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương tổ chức trong hai ngày 14 và 15 tháng 4 năm 2005 đã nói về thời khắc nước sôi lửa bỏng khi đó: "Dân tộc Việt Nam đứng trước một khó khăn, thử thách chưa từng thấy trong lịch sử"…. và…. "Cuộc kháng chiến chống Mỹ là thử thách lớn nhất, ác liệt nhất đối với dân tộc ta. Chúng ta đã phải đương đầu với đế quốc hùng mạnh nhất, giàu có nhất, tàn bạo, nham hiểm và hiếu chiến nhất. Cuộc chiến tranh kéo dài qua năm đời tổng thống Mỹ với một tương quan lực lượng chênh lệch nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân ta về phương thức sản xuất và tiềm lực kinh tế quân sự."
Vậy tại sao Việt Nam thắng Mỹ và tại sao Mỹ thua Việt Nam? Việt Nam thắng Mỹ, như các chuyên gia nghiên cứu trên thế giới đã phân tích, là nhờ sự tổng hòa, tổng hợp của nhiều nguyên nhân và yếu tố. Nhưng, nói cho cùng, yếu tố quyết định vẫn là ở chủ đạo dân tộc và truyền thống bảo vệ làng nước của dân tộc từ ngàn xưa truyền lại.
Một khi dân ta đoàn kết, khi khối đại đoàn kết dân tộc được vững mạnh, cùng đồng lòng đoàn kết chống giặc, khi muôn triệu trái tim đều cùng chung nhịp đập, vạn người như một, thì quân dân Việt Nam đã biến thành một sức mạnh vô biên và trước sau gì cũng sẽ đánh bại tất cả kẻ thù xâm lược. Năm nay chưa thắng thì năm sau sẽ thắng, thập niên tới sẽ thắng, thế hệ sau sẽ thắng, bao lâu cũng được, đánh cho tới khi thắng mới thôi. Người này ngã xuống thì người kia đứng lên. Ông ngã xuống, cha đánh tiếp, cha ngã xuống, con cháu sẽ báo thù phục hận và nối nghiệp, nối tiếp cuộc kháng chiến để đền nợ nước, trả thù nhà.
Bác Hồ đã đúc kết lại điều đó như sau: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
Cho nên, Việt Nam thắng là vì nếu đoàn kết, nếu đồng lòng, nếu một lòng kháng chiến, không sợ hy sinh gian khổ, thì VN sẽ tất thắng, vấn đề chỉ là thời gian. Còn tại sao Mỹ thua? Cựu chiến binh, nhà nghiên cứu quân sử Việt Nam Trần Trọng Trung khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Mỹ đã nói đanh thép gọn gàng tương tự ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, sử gia, nhà nghiên cứu Việt Nam khác, đại ý: Mỹ đã không học kỹ sử Việt, chọn sai đối tượng xâm lược ngay từ đầu. Bởi vì cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam vốn dĩ ngay từ ban đầu đã là một cuộc chiến tranh tất bại, thất bại tất yếu. Người Mỹ không học kỹ chiến sử Việt Nam nên đã nhắm mắt đưa chân, sa lầy vào trong một cuộc phiêu lưu quân sự bế tắc.
Đồng thời, tài lãnh đạo của các nhân vật lãnh đạo cuộc chiến của Việt Nam đã tận dụng hiệu quả yếu tố địa lợi và nhân hòa, đây là 2 yếu tố mà Việt Nam đã chiếm ưu thế áp đảo trước Hoa Kỳ, thậm chí lợi thế nhân hòa này không phải chỉ có trong nước Việt Nam, mà còn lan rộng ra toàn cầu, cả thế giới, trong đó có cả chính quốc Hoa Kỳ, diễn ra hàng chục ngàn cuộc biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam, đòi chính phủ Mỹ phải rút quân viễn chinh và kết thúc chiến tranh.
Một cựu chiến binh từng nói một câu rất hay rằng trong thời chống Mỹ thì "dân tộc này đã hóa thánh". Suy ra, nếu dân tộc biết đoàn kết, đồng lòng cùng nhau chống ngoại xâm, thì cuộc kháng chiến ngay từ đầu vốn dĩ đã là một cuộc chiến tất thắng. Mỹ tuy đúng là to lớn hùng mạnh áp đảo, nếu phải là "thánh" thì mới thắng được Mỹ thì dân tộc Việt Nam cũng sẽ "hóa thánh" được để thắng Mỹ. Nếu cần phải "hóa thánh" mới thắng được giặc, thì dân tộc VN cũng sẵn sàng "hóa thánh".
Quả thật, nhìn lại Việt sử thời chống Mỹ, những đức tính đó, những hy sinh đó, những đỉnh cao trí tuệ thời chiến đó, những mưu lược, kế sách đó, những chiến công, kỳ tích đó, những gian lao đó, chỉ có thể dùng khái niệm "thần thánh" để diễn tả.
Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử, mỗi khi có giặc, thì dân tộc VN sẽ vươn mình lớn lên vừa đủ để thắng một đối tượng ngoại xâm nào đó. Giặc càng mạnh thì sẽ dân ta càng mạnh. Sở dĩ thời chống Mỹ dân tộc đã "hóa thánh", mọi chất lượng chiến đấu, lao động, sản xuất, văn hóa nghệ thuật, trong đó có nhạc cách mạng đều tăng lên vượt bực, là vì đối tượng ngoại xâm lúc đó là Mỹ, là một siêu cường mạnh nhất mà lịch sử thế giới chưa từng có. Dân tộc VN phải như vậy, mọi chất lượng phải tăng cao lên như vậy, thì mới thắng được loại giặc mạnh đến mức độ đó. Đây là một nhu cầu, để giải quyết nhu cầu đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, thì dân mình buộc phải như vậy.
Và hiện tượng trên trong lịch sử Việt Nam đã thể hiện trong truyền thuyết Thánh Gióng. Khi có giặc Ân đến xâm lấn, thì đứa trẻ sẽ phải lớn nhanh, sẽ phải trưởng thành mau chóng, để đủ sức đánh giặc. Trong thời chống Mỹ có rất nhiều đứa trẻ phải "lớn lên" nhanh chóng và tham chiến chống giặc theo khả năng của bản thân. Tham gia giao liên, đưa tin, cứu thương, tải đạn, thậm chí cả đánh giặc bằng vũ khí thực thụ, bắn máy bay Mỹ....
Rồi sau khi hết giặc, Thánh Gióng bay về trời. Chất "thánh" của dân tộc lại hết. Suốt chiều dài lịch sử nước nhà luôn diễn ra chuỗi quy luật như vậy. Sau giải phóng năm 1975, sau khi hết giặc Mỹ, thì chất "thánh" của dân tộc lùi dần. Cả nước trở lại dễ dãi, xuề xòa, "sao cũng được", thậm chí quay lại thói quan liêu phong kiến, và đến nay nhiều bộ phận đang tha hóa.
Trong thời chống Mỹ, cả thế giới nhìn thấy một Việt Nam "hóa thánh", nhờ đó đã lập nên được một chiến công thần thánh khiến thế giới kinh ngạc và không thể giải thích, mãi đến tận ngày nay người ta vẫn nói về Chiến tranh Việt Nam. Mọi chủ đề về Mỹ, về Việt Nam, đều làm cho dư luận thế giới liên tưởng và nhớ lại Chiến tranh Việt Nam. Những câu "Hồ Chí Minh, Tướng Giáp, Việt Nam" đã trở thành câu nói quen thuộc của nhiều người trên thế giới. Học viện quân sự West Point, ngành sử học ở đại học Harvard, Cambridge vẫn đang có những hội thảo, nghiên cứu, tranh luận về nguyên nhân thất bại của quân đội Mỹ trước Việt Nam. Họ cố gắng phân tích, giải thích, tìm ra lý do vì sao Mỹ thua VN, từ đâu và cái gì đã làm nên chiến công hiển hách và sự thất bại đầu tiên và đang là duy nhất của quân Mỹ trong lịch sử.
Sau thời chống Mỹ, cả thế giới nhìn thấy một Việt Nam tuy có phát triển phần nào, nhưng rõ ràng là không còn "thần thánh" gì cả, mà trở thành rất đỗi bình phàm. Những hiện tượng tiêu cực "phàm phu tục tử" thấy ở mọi ngõ ngách. Trong khi thời chống Mỹ thì quả thật "ra ngõ là gặp anh hùng", những anh hùng sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, với những khát vọng vào Nam, vào thành đánh Mỹ đến mức độ sẵn sàng tìm đủ mọi cách để được đi lính, thậm chí cả gian lận. Thời nay thì nhiều thanh niên cũng gian lận, nhưng không phải với mục tiêu cao cả đó, mà với những mục tiêu không thể tầm thường hơn, xôi thịt, thậm chí là xấu xa, trái đạo và trái luật.
Hiện tượng "có giặc thì trưởng thành nhanh và hóa thánh, hết giặc thì không còn chất thánh" đó phải chăng chính là ám thị đằng sau truyền thuyết Thánh Gióng, một thông điệp, một bài học lớn mà văn minh cổ xưa Việt Nam đã truyền lại để răn dạy hậu thế?
oOo
Phim tài liệu này đã gián tiếp giải đáp 3 câu hỏi: 1) Tại sao Việt Nam thắng Mỹ. Không, âm nhạc và nhạc cách mạng không phải là nguyên nhân VN thắng Mỹ. Song tình cảm dân tộc sâu đậm, chủ đạo dân tộc, truyền thống đánh giặc giữ làng giữ nước của dân tộc Việt Nam từ bao đời đã phản ánh vào trong các bài hát này, các nhạc sĩ đã thay mặt đồng bào chung quanh họ gởi gắm thông điệp đó, ý chí đó, lý tưởng, tình cảm đó vào trong từng nốt nhạc.
2) Tại sao dòng nhạc cách mạng của Việt Nam thời chống Mỹ lại hay đến vậy. Trong khi các nước khác như Trung Quốc, âm nhạc họ có bao nhiêu nhạc phẩm hay tuyệt, nội âm nhạc trong vài bộ phim cũng đã hay ngất ngây, nội trong phim Tây Du Ký thôi đã có bao nhiêu bài hay. Vậy mà tìm không ra nhạc chiến đấu, nhạc động viên, nhạc quân hành nào của họ mà nghe hay.
Việt Nam trong thời bình thì nhiều ca khúc cách mạng cũng được sáng tác, đôi khi có những thi đua sáng tác. Trong nhiều dịp lễ lớn có các cuộc thi sáng tác cho các sự kiện đó. Nhưng nhạc cách mạng ngày nay vẫn không thể sánh bằng với nhạc thời chống Mỹ. Có một số bài cũng chỉ dừng ở mức "nghe được" hoặc "mì ăn liền", nghe hay và có thể có cảm xúc nhất thời, nhưng sau vài tiếng là quên sạch. Cho thấy đã là âm nhạc thì nếu không có cảm hứng, không có tâm hồn, thì dù có kêu gọi, động viên sáng tác cỡ nào thì cũng vẫn không tài nào nghe hay được.
3) Tại sao người ta lại sáng tác ra được những kiệt tác như vậy. Các nhạc sĩ đã sáng tác những bài ca rung động lòng người đó trong hoàn cảnh nào. Họ sáng tác như thế nào. Các tuyệt tác đó được hình thành ra sao.
Sau khi coi bộ phim tài liệu này các bạn sẽ biết câu trả lời cho 3 câu hỏi đó. Đây còn là một trong những bộ phim tài liệu có lời bình hay nhất trong tất cả các phim tài liệu trong và ngoài nước mình từng coi. Đây cũng là một trong những phim tài liệu về âm nhạc, về lịch sử khá nhất mình từng coi.
Các nhạc sĩ kể lại quá trình sáng tác của họ một cách rất chân chất và tự nhiên, có sao kể vậy. Nhạc sĩ Huy Thục kể lại một câu chuyện rất ấn tượng về Bác Hồ, cho thấy Bác không bỏ qua một cơ hội nào để cảnh tỉnh các đồng chí, cộng sự, cấp dưới về chuyện phải cảnh giác vấn đề "tơ hào của dân". Với đầu óc nhạy bén thiên tài, Bác đã làm như vậy ngay trong khi vấn đề tham nhũng khi đó vẫn chưa thành một chủ đề lớn, tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên đều đang trong sáng, trong sạch. Các lãnh đạo (trong sạch) ngày nay nếu chưa làm thì nên học Bác Hồ ở vấn đề "nhắc đi nhắc lại", "dặn đi dặn lại" với cấp dưới, thay vì chỉ có đọc diễn văn hay tuyên huấn rồi thôi.
Nhạc sĩ Tố Hải nói thẳng thắn: "Sau trận Mậu Thân trốn trên núi đói thấy ông nội...." Hay nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể lại câu chuyện ông ta đã phổ nhạc xong xuôi hẳn hoi một bài thơ về Tây Nguyên vì thấy bài thơ hay. Nhưng sau khi tìm tòi kỹ hơn về Tây Nguyên và nghe lại bài hát của mình thì ông thấy nó chẳng có chút chất Tây Nguyên nào mà là "Tây nguyên xi". Thế nên đành phải bỏ bài hát đó. Sau đó ông phải lặn lội đến Tây Nguyên, đích thân sinh sống, lao động chung với người Tây Nguyên, rồi sau đó ông mới sáng tác được những tác phẩm ưng ý.
Các nhạc sĩ kể lại nhiều chi tiết thú vị. Xem phim này các bạn sẽ biết thêm được các thông tin ít người biết, ít người để ý, như nhạc sĩ của bài hát nổi tiếng "Hà Nội, niềm tin và hy vọng" lại là một người miền Nam. Hay nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại khi đưa bài "Như có Bác trong ngày đại thắng" lên đài phát thanh hát thì bị "chê" rằng: "Sắp chiến thắng lớn như thế mà sáng tác bài gì nghe như nhạc thiếu nhi thế này".
Phim chủ yếu giới thiệu các nhạc phẩm tiêu biểu của các tác giả còn sinh sống và phỏng vấn họ, do đó về yếu tố âm nhạc thì phim chưa được đầy đủ lắm. Nhưng nó vẫn là một bộ phim tài liệu chất lượng cao, có giá trị, và rất đáng xem.
Đây là một bộ phim tài liệu rất hay, xin giới thiệu với các bạn:
Tập 1: Niềm tin
Tập 2: Hy vọng
Tập 3: Mùa xuân
Tập 4: Khúc khải hoàn