Ngày
toàn thắng 30/4 là một ngày hội non sông, là một đại lễ, một ngày hội
lớn của dân tộc. Đây là một ngày có những ý nghĩa lịch sử trọng đại, bao
gồm nhiều bài học lịch sử quan trọng. Đây là ngày giải phóng hoàn toàn
miền Nam, giải phóng nốt những vùng tạm chiếm còn lại ở miền Nam Việt
Nam, thống nhất đất nước. Đây là ngày toàn thắng trước giặc Mỹ xâm lược,
hoàn toàn đánh bại cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, đánh
bại chiến lược chiến tranh cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam (Phi Mỹ hóa -
Việt Nam hóa chiến tranh, De-Americanization, Vietnamization, thay màu
da trên xác chết, dùng người Việt đánh người Việt).
Ngày này cũng
mang nhiều ý nghĩa và bài học về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, về
tinh thần đề cao cảnh giác với người láng giềng phía Bắc, về chủ quyền
lãnh thổ trên Biển Đông, về công tác địch vận, binh vận, kể cả trong
nhóm chóp bu có chức vụ cao nhất của địch, và nhất là ý nghĩa về sự
thống nhất quốc gia dân tộc sau hàng trăm năm chiến tranh và chia rẽ,
chia ly, chia cắt. Bài viết này xin được nói sâu hơn về một số vấn đề mà
chính sử và truyền thông chính thống ít nhắc tới hoặc chưa được trình
bày sâu sát.
Chiến
dịch Mùa xuân 1975 bắt đầu từ trận Phước Long, là trận đánh trinh sát
chiến lược, đến 3 "chiến dịch trong chiến dịch" liên tiếp nhau: Chiến
dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, và sau cùng là chiến dịch Hồ
Chí Minh lịch sử. Ngoài ra còn có những chiến dịch nhỏ hơn, diễn ra trên
những địa bàn chiến lược như Long Khánh - Xuân Lộc, Trường Sa và các
đảo trên Biển Đông, các trận đánh trên các tuyến phòng thủ từ xa như Tây
Ninh - An Lộc - Dầu Tiếng, Phan Rang - Ninh Thuận, và các đợt tiến công
quét sạch Khmer đỏ ra khỏi bờ cõi mà trước đó họ đã "đục nước béo cò"
khi vào đóng giữ những nơi mà quân ngụy Sài Gòn đào ngũ, tan hàng rã
ngũ, trốn chạy. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã dẫn đến kết quả là chấm dứt
hoàn toàn sự chia cắt đất nước của ngoại bang, đưa đến việc thống nhất
đất nước, xã hội, chính trị, dân cư.
Trước đó, nhà báo nổi tiếng
Neil Sheehan của tờ New York Times đã nói: "Sau những năm dài tìm cách
khuất phục những dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật
của mình, nước Mỹ, một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này, cuối cùng
có thể bị những người cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương.
Nếu đúng như vậy, thì thắng lợi của người Việt Nam sẽ là một thí dụ vô
song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc."
Chỉ
trong vòng 55 ngày, chiến dịch Mùa xuân đã đuổi người quân nhân Mỹ cuối
cùng ra khỏi Việt Nam và đánh sập ngụy quyền Sài Gòn, đây là một trong
những chiến dịch thần tốc nhất trong chiến sử thế giới, một trong những
sự sụp đổ nhanh nhất trong lịch sử thế giới, và sự tháo chạy hỗn loạn,
vô trật tự, vô nguyên tắc, vô tổ chức, và vô kỷ luật nhất trong quân sử
thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là vì Mỹ đã cắt giảm viện trợ quân sự
xuống chỉ còn hơn 700 triệu USD (tương đương với khoảng 4,6 tỷ USD ngày
nay). Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch và Phát
triển của chế độ Sài Gòn, giáo sư đại học Harvard tại Mỹ trong sách "Từ
tòa Bạch Ốc đến dinh Độc Lập" đã đưa ra nhiều thông tin gián tiếp cho
thấy sự sinh tồn của ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn phụ thuộc vào sự nuôi
dưỡng, cưu mang của chính phủ Hoa Kỳ, cụ thể bản báo cáo mà Nguyễn Văn
Thiệu đã đọc:
"Nếu mức viện trợ quân sự là 1,4 tỷ USD thì có thể giữ được các vùng đông dân cư tại bốn vùng chiến thuật.
Nếu mức viện trợ quân sự xuống 1,1 tỷ USD thì có thể không giữ được Quân khu I.
Nếu mức Viện trợ quân sự còn 900 triệu USD thì khó giữ được Quân khu I, Quân khu II.
Nếu viện trợ quân sự chỉ còn 750 triệu USD thì chỉ có thể phòng thủ một vài khu vực.
Nếu viện trợ quân sự chỉ còn 600 triệu USD thì chỉ còn có thể giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long."
Cũng
theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, có lúc Nguyễn Văn Thiệu đã ngậm cay nuốt
đắng "than thân trách phận" với một dân biểu Mỹ rằng: "Mới vài ngày
trước đây là một tỷ, bây giờ còn 700 triệu, tôi làm gì được với số tiền
này? Như là chuyện cho tôi 12 đô la và bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất
từ Sài gòn đi Tokyo." Sau đó, ông Thiệu phái ông Nguyễn Tiến Hưng đi xin
thêm tiền và sau này thuật lại trong quyển sách trên, tiến sĩ Nguyễn
Tiến Hưng đã ví việc này với "cái nhục của kẻ đi cầu xin".
Chiến dịch Trường Sa và các đảo trên biển Đông
Đứng
trước thực tế Trung Quốc đã dè chừng và dồn quân phòng thủ Hoàng Sa,
đồng thời lăm le cho hải quân, cùng có hành động như lực lượng hải quân
của 5 bên tranh chấp âm mưu xâm chiếm các hòn
đảo thuộc quần đảo Trường Sa một khi quân ngụy Sài Gòn giải tán, hải
quân Việt Nam đã khẩn trương triển khai chiến dịch Trường Sa và
các đảo trên Biển Đông, để giải phóng hoặc tiếp quản thật nhanh những
vùng này trước khi các nước ngoài có thể "đục nước béo cò".
Chiến
dịch Trường Sa và các đảo trên Biển Đông là một phần của Chiến dịch Mùa
xuân năm 1975, là một chiến dịch không lớn nhưng có ý nghĩa quan trọng
về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Chiến dịch diễn ra trong thời gian
từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1975. Mục tiêu chiến dịch nhằm vào các đảo
trên quần đảo Trường Sa và các đảo ven biển miền Nam Việt Nam mà quân
ngụy Sài Gòn đang đồn trú và một số đảo do quân Khmer đỏ đánh chiếm từ
tay quân ngụy Sài Gòn từ trước.
Ý thức được một thực tế là lực
lượng hải quân lúc đó chưa đủ sức giải phóng Hoàng Sa từ tay Trung Quốc,
nhất là biết Trung Quốc đã đề phòng trước, nên hải quân Việt Nam đã tập
trung giải phóng Trường Sa từ tay Mỹ-Thiệu, chủ yếu bằng phương pháp
địch vận, binh vận, ngụy vận, thuyết phục địch quy hàng để "bất chiến tự
nhiên thành", hy vọng những chiến thắng dồn dập ở đất liền sẽ góp phần
thuyết phục địch đầu hàng và giải phóng được quần đảo.
Theo các
tác giả Nguyễn Văn Đấu, Dương Thảo, Đặng Văn Tới trong sách "Bộ Tham mưu
Hải quân - Biên niên sự kiện (1959-2004)", NXB Quân đội nhân dân xuất
bản năm 2004, thì ngày 9 tháng 4 năm 1975, đài trinh sát kỹ thuật của
Quân đội Nhân dân Việt Nam cướp được bức điện của lính ngụy đồn trú trên
đảo Nam Yết gọi về đất liền yêu cầu tăng viện và điện trả lời của Bộ
Tổng tham mưu ngụy với nội dung: "Không có lực lượng tăng viện". Nhận
được tin này, Quân ủy Trung ương QĐNDVN điện cho Bộ tư lệnh tiền phương
quân chủng Hải quân đặt tại Đà Nẵng: "Có tin đối phương chuẩn bị rút
khỏi các đảo ở Trường Sa. Kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng
hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân đội
nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm
chiếm."
Sau khi khoảng 2.000 quân ta mai phục trong các tàu
đánh cá trá hình đã đột kích bất ngờ vào Trường Sa và tổ chức nổi dậy ở
Côn Đảo, trong đánh ra - ngoài đánh vào hải quân ngụy và quân Khmer đỏ,
một bộ phận lớn quân ngụy đã đầu hàng, nhưng trong đó có một số vẫn
ngoan cố chống cự. Kết quả là quân ta có 10 người thương vong. Quân ngụy
có 187 người thương vong, 557 người bị bắt sống. Quân ta cũng loại khỏi
vòng chiến 284 tên Khmer đỏ và bắt sống hơn 400 tên khác. Sở dĩ có sự
chênh lệch khá lớn giữa số lượng thương vong như vậy là vì địch bị bất
ngờ, và những người lính hải quân ngụy đóng ở các đảo đa phần là những
người đút lót để được ra đó để tránh phải đánh trận, gọi là "lính
kiểng", họ có năng lực chiến đấu kém và không có tinh thần chiến đấu,
nhất là với những tin tức thất thủ dồn dập đến từ đất liền. Còn quân
Khmer đỏ thì không quen thủy chiến và tác chiến trên biển đảo và hời hợt
không có sự chuẩn bị từ trước. Yếu tố bất ngờ và yếu tố tinh thần đã
làm nên chiến thắng tuyệt đối này.
Đánh đuổi Khmer đỏ
Tuy
không nằm trong kế hoạch chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng các hoạt động
đánh đuổi quân Khmer đỏ ra khỏi các vùng đất liền Việt Nam ở Tây Nam Bộ
bị họ lấn chiếm cũng là một trong các hoạt động quân sự để chiến dịch
này có được kết quả hoàn chỉnh, bảo vệ vững chắc lãnh thổ Việt Nam.
Ngay
sau khi ngụy quân tại đồng bằng sông Cửu Long tan rã và đầu hàng Mặt
trận, từ ngày 3 đến ngày 12 tháng 5 năm 1975, chính quyền Khmer đỏ đã
lợi dụng khoảng trống quyền lực tại các địa phương trên khu vực biên
giới giữa các tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc của Việt Nam với các tỉnh Takeo và
Campot của Campuchia, sử dụng quân chính quy mở các cuộc tấn công lấn
chiếm nhiều địa điểm của Việt Nam. Đặc biệt là khu vực Ba Chúc (huyện
Tri Tôn), Phú Cường, Phú Hiệp (huyện Tịnh Biên), thị xã Châu Đốc, huyện
lỵ An Phú; quân Khmer đỏ đã sát hại trên 500 thường dân Việt Nam, kể cả
một số cựu quân nhân Sài Gòn đã buông súng, đào ngũ; bắn vào những Việt
kiều từ Campuchia chạy trốn khỏi chế độ Khmer đỏ về Việt Nam. Tại Tây
Ninh, quân Khmer đỏ cũng tấn công lấn chiếm nhiều địa điểm tại Xa Mát,
Ta Nốt, Lò Gò (huyện Tân Biên), Phước Thạnh, Phước Tân, (huyện Châu
Thành), Cây Me, Mộc Bài (huyện Bến Cầu) sát hại hàng trăm thường dân
Việt Nam.
Song song với các chiến dịch chiếm lại các đảo Phú
Quốc, Thổ Chu, Polovai, quần đảo Nam Du trên Vịnh Thái Lan. Bộ tư lệnh
Quân khu 9 đã sử dụng sư đoàn 4 bộ binh được tăng cường trung đoàn hải
quân đánh bộ 101 từ Bộ tư lệnh hải quân mở cuộc tấn công mạnh mẽ vào
quân Khmer đỏ. Ngày 7 tháng 5, giải phóng Châu Đốc. Đến đầu tháng 6, các
đơn vị này đã giải phóng toàn bộ khu vực biên giới thuộc tỉnh An Giang
bị quân Khmer đỏ lấn chiếm; loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn quân
chính quy Khmer đỏ, thu giữ một khẩu pháo 105 mm, hai khẩu cối 82 và 60
mm, tám đại liên 12,7 mm, hơn 40 súng bộ binh các loại. Sau khi giành
lại chủ quyền lãnh thổ, các đơn vị này đã tổ chức rào dây thép gai trên
40 km đường biên giới và bố trí phòng thủ tại chỗ đề phòng quân Khmer đỏ
tiếp tục lấn chiếm.
Mưu sâu của Đặng Tiểu Bình và tấm gương Dương Văn Minh
Dương
Văn Minh là một tướng lĩnh đã từng phục vụ dưới quyền của Pháp lẫn Mỹ,
nhưng sau đó được em trai mình là đại tá QĐNDVN Dương Thanh Nhựt, bí
danh Mười Ty “ngụy vận” và cảm hóa được ngay từ đầu. Năm 1963, trong lúc
Mỹ muốn "thay ngựa giữa dòng", lật Diệm, còn Mặt trận thì cũng muốn
diệt Diệm vì gia đình này quá độc tài tàn bạo. Thế là cách mạng cũng
tương kế tựu kế và “thuận nước đẩy thuyền”, ủng hộ Dương Văn Minh làm
theo ý Hoa Kỳ. Dương Văn Minh cũng không từ chối đảo chính Diệm vì ông
ta có tinh thần dân tộc và còn là một Phật tử sùng đạo, mắt thấy gia
đình Diệm đàn áp đạo Phật dã man và “Đảng Cần Lao” lộng hành, tàn ác, xã
hội không có tự do tín ngưỡng, thì tất nhiên là muốn lật Diệm.
Một
thời gian sau, năm 1964, Mỹ nhận ra là họ không thể dùng được Dương Văn
Minh, họ không tin dùng ông nữa và ông bị cho "ngồi chơi xơi nước". Mỹ
làm cuộc đảo chính đưa “tướng râu dê” Nguyễn Khánh lên. Tướng Nguyễn
Khánh sau khi lên thì độc tài quân phiệt không kém Diệm, và bị chống đối
quyết liệt, nhất là sau khi hiến chương Vũng Tàu ra đời, thanh niên và
sinh viên miền Nam rầm rộ biểu tình chống Mỹ-ngụy. Mỹ không yên tâm nên
lại đảo chính lần nữa và đưa Thiệu-Kỳ lên, và liên danh này là 2 nhân
tuyển cuối cùng của Mỹ mà họ hài lòng và an tâm nhất sau khi chọn lựa và
thử nghiệm một loạt các tay sai khác nhau.
Mặt trận, thông qua
người nhà của tướng Minh, đã “ngụy vận” và cảm hóa được ông. Từ chỗ còn
mơ hồ về việc miền Nam bị Mỹ xâm lược và cho rằng Mỹ có giúp xã hội miền
Nam, như các hành động tâm lý chiến mị dân xây nhà, sửa sang đường xá,
phát đồ chơi cho trẻ em, xây trường học (cũng là để nhồi sọ), xây bệnh
viện (cũng để chữa trị cho lính Mỹ, người Mỹ), chích ngừa miễn phí, khám
bệnh miễn phí, bố thí thực phẩm cho dân nghèo, làm “từ thiện”, “nhân
đạo” v.v. thì ông ta cũng nhận thức được bản chất của cuộc chiến, ông ta
là một nhà chính trị trong cuộc, tuy đã bị “lập trình”, nhồi nhét lâu
ngày dưới những mái trường và quân trường của Pháp - Mỹ nhưng sau khi
nghe người của Mặt trận giải thích, phân tích thì ông ta cũng dần nhìn
ra vấn đề, nhìn nhận đúng sự việc.
Ông thấy người Mỹ gây tội ác,
ông thấy chính quyền của mình rõ ràng là một bọn bù nhìn nằm dưới quyền
Mỹ, không có thực quyền, không có quyền quyết định cuối cùng, không có
độc lập thật sự, thậm chí người Mỹ tràn lan khắp miền Nam, không coi
"đồng minh Việt Nam Cộng hòa" ra gì, chà đạp lên "luật pháp VNCH", mặc
tình thảm sát "công dân VNCH", sát hại một số tướng tá "đồng minh VNCH"
mà Mỹ không ưa, giật dây đảo chính lật đổ, đưa lên đưa xuống các "tổng
thống VNCH" như những món đồ chơi, tóm lại là thích làm gì thì làm,
thích giết ai thì giết từ người dân cho tới "tổng thống". Từ đó, ông ta ý
thức ra được đây đúng là một chính quyền bù nhìn của Mỹ và đang phục vụ
cho cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, xã hội miền Nam là một
xã hội thực dân mới (neocolonialism).
Tuy nhiên, ông ta còn
trách nhiệm với gia đình, cho nên không thể một sớm một chiều mà ly khai
ngay lập tức hay theo về với cách mạng. Mặt trận biết vậy và còn khuyến
khích ông ta ở lại, đối với Mặt trận thì một sĩ quan cao cấp, có chức
vụ cao, “thân tại Tào, tâm tại Hán” ở trong hàng ngũ giặc thì có lợi cho
cách mạng hơn. Năm 1975, Mặt trận đã dùng “con bài bí mật” này tuyên bố
đầu hàng vô điều kiện làm Hoa Kỳ không phản ứng kịp và Trung Quốc cũng
không kịp đục nước béo cò.
Trong
những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Trung Quốc đã tìm cách đi cửa sau để
tiếp xúc tướng Minh, “tổng thống” vào ngày cuối của chế độ Sài Gòn, để
tiếp tục chống lại cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân của quân dân
miền Nam Việt Nam. Văn kiện “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30
năm qua” của Bộ ngoại giao Việt Nam do NXB Sự Thật xuất bản vào tháng
10 năm 1979 đầu tiên công bố chuyện mờ ám này. Sau này, tướng Dương Văn
Minh, tướng Nguyễn Hữu Hạnh, sĩ quan ngụy Trần Viết Đại Hưng, và nhiều
cựu tướng tá, sĩ quan quân đội Sài Gòn cũng thừa nhận chuyện này.
19
giờ ngày 28 tháng 4, ngay sau khi tân "tổng thống" Dương Văn Minh vừa
thu âm xong bản tuyên bố của mình với yêu cầu cả hai bên ngưng bắn,
thương lượng để bàn giao chính quyền thì ông Vanussème (Vanuxem), tùy
viên quân sự và an ninh của Đại sứ quán Pháp tại Sài Gòn xuất hiện. Ông
này yêu cầu ngưng phát cuộn băng và đưa ra một đề nghị khiến ông Dương
Văn Minh cũng phải kinh ngạc vì sợ mình nghe nhầm: Chính quyền mới do
ông Dương Văn Minh đứng đầu hãy kêu gọi Trung Hoa can thiệp, ngăn chặn
cộng sản Việt Nam tiến vào Sài Gòn.
Vanussème nói có những nguồn
tin ở Washington, Paris và Bắc Kinh cho biết Trung Quốc không ủng hộ một
thắng lợi hoàn toàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ông ta còn khẳng định: "Quân đội Trung Quốc sẽ vào giúp các ông đứng
vững". Tuy nhiên, tướng Minh đã từ chối đề nghị của Vanussème và nói:
“Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay
sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục
làm tay sai cho Trung Cộng.” Sau khi Vanussème đi khỏi, Dương Văn Minh
than với vài người thân hữu: "Mình đã bỏ Pháp đi theo Mỹ, bây giờ nó lại
xui mình đi theo Tàu. Thật là chán quá."
Rất nhiều tư liệu, hồi
ký, hồi ức của các chóp bu ngụy, sĩ quan ngụy đã thừa nhận việc này. Ví
dụ ông Dương Văn Minh sau khi định cư ở Pháp, đã kể lại cho các sinh
viên Pháp gốc Việt trong một buổi nói chuyện thân mật ở Paris rằng trong
ngày 30 tháng 4, khi ngụy quyền Sài Gòn trong cơn hấp hối, sắp sụp đổ,
thì người của Trung Quốc đã tìm cách liên lạc với chính phủ Dương Văn
Minh thông qua sự trung gian của người Pháp, đề nghị viện trợ, giúp đỡ
khẩn cấp ngụy Sài Gòn chống lại quân dân miền Nam.
Theo cựu chuẩn
tướng quân đội Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh (hiện đang là thành viên của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam), thì sáng ngày 30-4-1975, tướng tình báo Pháp
Francois Vanussème đã đến “Phủ thủ tướng” gặp “tổng thống” Dương Văn
Minh, đề nghị kêu gọi Trung Quốc can thiệp để cứu ngụy quyền Sài Gòn
đang trong cơn nguy cấp. Tướng Minh vốn đã được Ban Binh vận Trung ương
cục miền Nam thông qua em trai Dương Thanh Nhựt (bí danh Mười Ty, người
của cách mạng) và gia đình đã thuyết phục từ trước, nên ông đã khước từ
và nói: “Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng
làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể
tiếp tục làm tay sai cho Trung Cộng.” Cựu "dân biểu" Sài Gòn Lý Quý
Chung, Bộ trưởng Thông tin trong ngụy quyền Dương Văn Minh, trong hồi ức
“Hồi ký không tên” xuất bản ở Việt Nam cũng đề cập tới chuyện này.
Ông
Nguyễn Hữu Thái, một chiến sĩ cách mạng, một trong những gương mặt tiêu
biểu của phong trào sinh viên Sài Gòn chống Mỹ trước 1975 cũng xác nhận
thông tin này. Trong bài hồi ức “Dương Văn Minh và tôi” năm 2008, ông
ta kể lại: Viên tướng Pháp Francois Vanussème đội lốt ký giả hối hả đến
gặp tướng Minh và các cộng sự, và nói với họ: “Hãy rút về Cần Thơ, cố
thủ Vùng 4 Chiến thuật, chỉ vài ngày nữa thôi thì Trung Quốc sẽ có giải
pháp trung lập hóa miền Nam”. Tướng Minh từ khước đề nghị của đặc sứ
Pháp và sau đó than với cộng sự một câu khác: “Hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ
bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao!”
Những
ngày cuối tháng 4 năm 1975, “con bài Dương Văn Minh” đã phát huy tác
dụng, các tổ chức bí mật của ta ở trong chóp bu ngụy quyền đã cùng với
tướng Minh giành quyền từ tay ông lão chống cộng cực đoan Trần Văn
Hương, không nghe lời Mỹ, bác bỏ mọi uy hiếp, dụ dỗ của Trung Quốc, đầu
hàng vô điều kiện và kêu gọi binh lính bỏ vũ khí đầu hàng làm Mỹ và
Trung Quốc đều bất ngờ.
Sự kiện trên cũng cho thấy, Trung Quốc
không chỉ muốn “liên Mỹ đả Việt”, mà còn muốn thay thế vai trò của Mỹ
đối với ngụy quyền. Vì khách quan mà nói, Mỹ đã “bỏ con giữa chợ”, hoàn
toàn bỏ rơi ngụy Sài Gòn từ sáng ngày 30/4/1975. 4:58 sáng thì Martin đã
rời Việt Nam. 7 giờ sáng những quân nhân cuối cùng của Hoa Kỳ cũng rời
khỏi Việt Nam. 7:53 sáng chiếc trực thăng quân sự cuối cùng của Mỹ chở
10 người lính Thủy quân Lục chiến Mỹ cuối cùng tháo chạy khỏi Việt Nam.
Không đầy 4 giờ sau, ngụy quyền sụp đổ, ngụy quân tan rã. Còn 2 tướng
Fredrick C. Weyand và John Murray thì đã bỏ chạy khỏi Việt Nam ngay từ
chiến dịch Mùa xuân 1975, trước chiến dịch Hồ Chí Minh.
Như vậy,
kết quả cuộc chiến đã được định đoạt vào lúc 7:53 sáng ngày 30/4 khi
người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, chứ không phải khi
Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vào 11:30 trưa hôm đó, tướng Minh là
quân bài của Mặt trận từ lâu, và tác dụng của việc tuyên bố đầu hàng và
kêu gọi buông súng chỉ là để cho không còn đổ máu vô ích, đánh gục những
sự ngoan cố cuối cùng của một bộ phận cuồng tín.
Không những các
thỏa thuận giữa Trung Quốc với Mỹ, những mưu đồ chiến lược của họ đã bị
thất bại, mà một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập, thống nhất,
phát triển, hội nhập, và có uy tín và vị thế chính trị ngày càng cao
trên trường quốc tế, sẽ mãi là vật cản, chướng ngại không thể nào san
bằng cho mưu đồ bá quyền Đại Hán của bộ phận "diều hâu" Trung Quốc ở Đông Dương
và Đông Nam Á. Thắng lợi lịch sử của dân tộc Việt Nam ngày 30/4/1975
không chỉ là thất bại lớn của Hoa Kỳ, mà cũng là thất bại lớn của những bộ phận bá quyền bành trướng nói chung trong khu vực và trên thế giới.
Lịch sử chia cắt Việt Nam (phụ lục)
Kể
từ thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, rồi cuộc nội chiến giữa Tây Sơn - Nguyễn,
Việt Nam chưa bao giờ có được sự thống nhất thật sự, triệt để và lâu
dài. Trong thời Nguyễn sau này cũng xảy ra cuộc nổi dậy quy mô lớn của Lê
Văn Khôi đánh chiếm 6 tỉnh ròng rã 2 năm, và hàng loạt cuộc khởi
nghĩa nông dân khác chống lại ách thống trị phong kiến phản động của vương triều Nguyễn.
Chiến sự liên miên, giặc giã nổi lên như ong, khởi nghĩa khắp nơi, nội chiến nối tiếp nội chiến.
Khi thực dân Pháp xâm lược và thôn
tính nước ta, họ chia Đại Nam ra 3 kỳ, 3 xứ riêng lẻ (Nam Kỳ -
Cochinchine, Trung Kỳ - Annam, Bắc Kỳ - Tonkin) với 3 chế độ cai trị riêng biệt, phục vụ cho chính sách “chia để trị”, “dùng người Việt trị
người Việt”. Đây cũng là chia cắt, nhưng do giặc xâm lăng chia cắt,
không phải nội chiến.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước
Việt Nam phục hồi nền độc lập sau gần 100 năm Pháp thuộc và mấy năm bị quân
giặc Nhật Bản chiếm đóng. Chính phủ Việt Nam DCCH tuyên bố độc lập và thống
nhất, xóa bỏ chế độ Bắc – Trung – Nam của thực dân, phát xít. Tuy nhiên,
sau đó quân Tưởng kéo vào miền Bắc, liên quân Anh – Pháp kéo vào
Nam, sau đó thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, mưu đồ tái chiếm
thuộc địa, đại nghiệp thống nhất đất nước bị quân thù ngăn trở. Quân dân
Việt Nam trên cả nước đã phải bước vào cuộc chiến tranh khốc liệt chống
quân Pháp xâm lược.
Sau đại thắng Điện Biên Phủ, giải phóng miền
Bắc Việt Nam, giành được độc lập tự do thực tế trên nửa nước, khi đó
quân dân Việt Nam vẫn còn sức để chiến đấu giải phóng nốt miền Nam,
nhưng Đảng và Bác Hồ muốn tranh thủ hòa bình, dưỡng sức nuôi quân đợi
thời cơ, và không muốn đồng bào, chiến sĩ phải tổn thất thêm, xương máu
đổ xuống thêm, đất nước bị tàn phá thêm, và cũng không muốn dồn Pháp vào
đường cùng, vào chân tường, chọc họ liều lĩnh gây tội ác, do đó đã mở
ra một con đường cho Pháp xuống nước và giữ thể diện, chấp nhận cho Pháp
nghị hòa và đàm phán trong hội nghị Genève.
Sau khi chắc chắn
rằng Hiệp định Genève về Đông Dương này đã có các điều khoản về sự đảm
bảo chủ quyền, độc lập, thống nhất, và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước,
vĩ tuyến 17 chỉ có ý nghĩa quân sự (military zone), và nuôi hy vọng về
một cuộc tổng tuyển cử năm 1956 trên toàn quốc để hoàn toàn thống nhất
đất nước, cũng như dự tính về những cuộc đấu tranh chính trị trong 2 năm
đó để gây sức ép, tạo áp lực cho Pháp, Mỹ, ngụy ở miền Nam phải nghiêm
chỉnh thực hành hiệp định Genève, tổng tuyển cử tự do thống nhất đất
nước, cộng với những ràng buộc mang tính nguyên tắc trong hiệp định rằng
quân đội thực dân Pháp phải cuốn gói rời khỏi Đông Dương trong vòng 2
năm, nên Việt Nam đã chấp nhận ký Hiệp định Genève 1954 với Pháp. Sự
nghiệp thống nhất tạm hoãn 2 năm.
Sau đó Mỹ, vốn trong chiến
tranh Pháp - Việt chính là kẻ đứng sau thực dân Pháp, đã từ hậu trường
nhảy ra phía trước sân khấu, lần lượt thu mua, chiêu hồi các tay sai cũ
của Pháp, sử dụng các công cụ ngụy quyền, ngụy quân mà Pháp đã sử dụng
và để lại, từng bước hất cẳng Pháp ra khỏi võ đài chính trị ở miền Nam
Việt Nam. Mỹ-ngụy đã xé bỏ Hiệp định Genève về Đông Dương để chia cắt
đất nước, đóng cửa vĩ tuyến 17, canh giữ sông Bến Hải, ngăn cầu Hiền
Lương, chia cắt không cho miền Nam và miền Bắc gặp nhau, gây khó khăn
một cách có hệ thống cho việc giao lưu, qua lại, liên lạc Bắc-Nam.
Mỹ-Diệm chia cắt không cho Nam-Bắc hiệp thương, giao thương, quan hệ. Họ
chia cắt, ngăn cản không cho lãnh đạo miền Bắc vào miền Nam, không cho
Đảng bộ miền Nam liên hệ ra Bắc.
Trong lịch sử phong kiến, Loạn
12 sứ quân đã chia ra 12 vùng ảnh hưởng khác nhau, chiến tranh Nam - Bắc
Triều giữa nhà Mạc và Trịnh-Lê, phân tranh Nam Hà - Bắc Hà, Đàng Trong –
Đàng Ngoài giữa 2 thế lực Trịnh - Nguyễn là chia cắt kiểu nội chiến,
nghĩa là chia cắt vì mỗi vùng hình thành một lực lượng địa phương, không
phục nhau, ly khai với nhau. Hoặc có nhiều phe đảng khác nhau chống
nhau rồi kéo đến nơi nào đó dựng nghiệp, xưng hùng một cõi.
Chia
cắt thời Tây Sơn ở phía Nam, nhà Lê của Lê Chiêu Thống ở phía Bắc là
loại chia cắt đã có từ trước, bắt nguồn từ Trịnh - Nguyễn phân tranh từ
các thế hệ trước. Nhưng trong thời điểm này thì Nam Hà có thực lực và
độc lập thật sự, còn Bắc Hà sau một thời gian cát cứ quân phiệt, hỗn
quân hỗn quan đánh loạn lẫn nhau, tranh giành quyền lực, rồi sau đó giặc
Thanh tiến vào “bảo vệ triều đình”, “giúp An Nam quốc vương chống giặc
Nguyễn Huệ - Tây Sơn”, “giúp đỡ Lê Duy Kỳ khôi phục ngai vàng, khôi phục
nhà Lê, khôi phục cơ nghiệp tổ tông”, “phù Lê diệt Huệ” v.v. Sau khi Lê
Chiêu Thống sang cầu viện thì Bắc Hà đã thuộc về quyền kiểm soát của
vua Càn Long và nhà Thanh, triều đình Lê Chiêu Thống chỉ là cái “đuôi
trâu” không có quyền hành gì thật sự, người Hoa, người Thanh muốn làm gì
thì làm, hoành hành bá đạo, nhũng nhiễu lương dân bá tánh. Chia cắt
đấy, nhưng chỉ có Nam Hà là thuộc quyền lãnh đạo của người Việt, còn Bắc
Hà là bị người Mãn Thanh xâm lược và chiếm đóng.
Chia cắt thời
Pháp thuộc là chia cắt kiểu bị đô hộ. Khi tên đô hộ làm chủ và có quyền
hành ở cả 3 nơi bị chia cắt. Họ chia nước ta ra làm 3 miền, 3 xứ, với 3
hệ thống cai trị khác nhau, hầu dễ bề “chia để trị”, chia rẽ dân tộc
Việt Nam và thực hiện chính sách “dùng người Việt trị người Việt”.
Chia
cắt sau Hiệp định Genève về Đông Dương là chia cắt kiểu một bên là một
Việt Nam giải phóng nửa nước, có độc lập nhưng chưa thống nhất trên thực
tế, một bên là dưới quyền thực dân Pháp chưa chịu rút hết, vẫn đang cố
gắng níu kéo, bám víu cho kỳ được.
Sau đó Mỹ xông vào và từng
bước lấn dần quyền lực của Pháp và sau đó hất cẳng Pháp hoàn toàn, thay
vào vị trí và vai trò của Pháp. Mỹ đã xâm lược, chiếm đóng, và kiểm soát
miền Nam Việt Nam, chia cắt lâu dài đất Việt, ngăn cấm miền Bắc và miền
Nam gặp nhau, không cho đến với nhau. Các lãnh đạo, tướng lĩnh, chiến
binh miền Nam muốn ra Bắc thì phải đi lén lút khổ sở. Miền Bắc muốn chi
viện cho miền Nam thì phải hành trình thầm lặng, vất vả, gian nan và
nguy hiểm qua Đường Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển, và 3 “Đường
mòn Hồ Chí Minh” bí mật khác. Quân đội Mỹ chinh phạt, bình định, đàn
áp, càn quét, tấn công khắp miền Nam và phá hoại miền Bắc.
Đại
nghiệp thống nhất giang san hùng vĩ vốn đã dở dang sau Cách mạng
tháng Tám, sau Tuyên ngôn Độc lập, sau hội nghị Genève, sau kháng chiến
chống Pháp cuối cùng cũng đã hoàn thành vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Thống nhất đây là thống nhất tất cả: Thống nhất Nam-Bắc, thống nhất
Bắc-Trung-Nam, thống nhất miền Nam, thống nhất vùng tạm chiếm và vùng
giải phóng, xóa đi các “mảnh da báo”, lấp lại hố ngăn cách, thống
nhất toàn bộ.
Về mặt pháp lý quốc tế, thì năm 1976 họp Quốc hội là thống
nhất Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, đặt tên mới cho quốc gia, trở thành
nước CHXHCN Việt Nam, thống nhất toàn bộ, thống nhất tất
cả, thống nhất triệt để.
Ngày 30/4,
dân tộc Việt Nam cuối cùng cũng hoàn thành được sự nghiệp thống nhất,
điều mà đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam chưa từng có kể từ khi giặc
Tây vào xâm chiếm, đô hộ, nô dịch và chia nước ta ra làm 3 xứ thuộc địa,
điều mà nhân dân VN tranh đấu và hy sinh gian khổ suốt một thời kỳ
giành độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc lâu dài từ thời Pháp thuộc đến
ngày toàn thắng, hoàn toàn thống nhất quốc gia và giải phóng hoàn toàn
miền Nam, đưa đất nước thoát khỏi nỗi đau chia cắt và tất cả giặc ngoại
xâm.
Thiếu Long