Nhà sản xuất: Mickey Grant
Đạo diễn, quay phim: Mickey Grant
Giám đốc sản xuất: Stan Cottrell
Kỹ thuật: Ivan Stang
Âm nhạc: Brian Mendelsohn
Người dịch: Hồ Nguyễn
Năm sản xuất: 1986
Phim có sự trợ giúp của xưởng phim Giải phóng
Mỗi khi năm mới Tết đến, ngoài niềm vui hân hoan của một ngày Tết cổ truyền theo truyền thống văn hóa dân tộc, ngoài niềm vui mừng Đảng - mừng xuân - mừng đất nước đổi mới thì người Việt chúng ta còn có 2 niềm tự hào khác, đó là niềm tự hào về Xuân Kỷ Dậu - Tết Mậu Thân.
Xuân Kỷ Dậu, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Quang Trung Nguyễn Huệ đã đánh tan tành gần 30 vạn quân Thanh khiến chúng tháo chạy tán loạn về nước, lập nên chiến công toàn thắng cho dân tộc, thống nhất hai miền Nam Hà và Bắc Hà.
Tết Mậu Thân, quân Giải phóng tuy không lập được chiến công toàn thắng như chiến công xuân Kỷ Dậu, nhưng cũng lập nên chiến công không nhỏ, đánh choáng váng hơn 50 vạn quân Mỹ, làm rung chuyển xã hội Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán Paris, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Việt Nam, tạo tiền đề cho Điện Biên Phủ trên không và chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Nam Bắc sum họp 1 nhà.
Năm nay là năm chẵn (kỷ niệm 45 năm chiến dịch Mậu Thân), nên đài báo, cư dân mạng, dư luận đã nói, viết, chiếu phim về chiến dịch này cũng đã nhiều nên mình cũng không viết bài tham luận gì về chiến dịch này. Nhưng mình xin được giới thiệu với các bạn một bộ phim tài liệu ngắn gọn nhưng xuất sắc, tuyệt vời.
Trong chiến dịch tổng công kích, tổng nổi dậy năm Mậu Thân 1968, chiến cuộc bùng nổ trên gần như toàn bộ miền Nam, quân chính quy miền Bắc và quân Giải phóng miền Nam đồng loạt tiến công đánh vào quân đội Mỹ. Nhưng trọng tâm trọng điểm chiến cuộc vẫn là ở Sài Gòn.
Chính chiến cuộc ở Sài Gòn đã ghi vào những thước phim của các phóng viên chiến trường quốc tế, và những phóng viên gan dạ đó đã đưa chiến tranh vào từng căn hộ Mỹ và thế giới. Nó vô tình làm cho cho cả thế giới thấy sự chiến đấu can trường của quân dân Việt Nam, sự tàn ác của Mỹ-ngụy khi xử bắn tù binh bừa bãi ngoài đường, sự bất lực của "đội quân vô địch" Hoa Kỳ, sự vô dụng, rệu rã của các lính kiểng ngụy quân ở đô thị Sài Gòn.
Chứng kiến sự bó tay của quân Mỹ và sự ăn hại của quân ngụy, để cho Biệt động Sài Gòn đánh vào các mục tiêu khó tin nhất như Tòa đại sứ Mỹ, Dinh tổng thống ngụy, Đài phát thanh Sài Gòn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất như chỗ không người, các đại biểu QH Mỹ, các thành viên CP Mỹ càng ngao ngán hơn, ý chí xâm lược và niềm tin chiến thắng càng lung lay hơn.
Nhưng để có được một Mậu Thân lịch sử, để có được kết quả đó ở Sài Gòn thì vai trò của quân và dân Củ Chi là vai trò then chốt. Quân dân Củ Chi đã dốc toàn lực hỗ trợ cho lực lượng biệt động đánh thẳng các cơ quan đầu não của Mỹ tại Sài Gòn. Du kích Củ Chi đã dẫn đường cho các cánh quân khác đi vào thành đô đánh Mỹ.
Vậy quân dân Củ Chi đã sinh sống và chiến đấu như thế nào. Đất thép Củ Chi, "thành phố đường hầm" Củ Chi là một kỳ quan kiên cố và rộng lớn như thế nào. Điều đáng khâm phục là "thành phố đường hầm" này là một kỳ quan nhân tạo, được xây dựng trong hoàn cảnh khó khăn với một công nghệ lạc hậu, chứ không phải kỳ quan thiên nhiên hay các kỳ quan nhân tạo khác mà các dân tộc khác thảnh thơi xây dựng trong thời bình.
Nhân dân và du kích Củ Chi đã đánh Mỹ như thế nào. Vì sao Mỹ ngụy sợ vùng chiến khu Tam Giác Sắt ngay sát bên Sài Gòn như sợ cọp, mỗi lần hành quân vào là bị "bụp" tơi tả. Câu trả lời có thể tìm ra từ những lời kể của những nhân chứng trong bộ phim tài liệu này.
Đây là phim tài liệu của đạo diễn Mickey Grant. Ông đến địa đạo Củ Chi và làm phim tài liệu về "thành phố đường hầm" nổi tiếng thế giới này, với sự trợ giúp của xưởng phim Giải phóng. Phim được thực hiện năm 1986. Đây là bản gốc, chính thức, do đích thân đạo diễn upload lên trang Youtube của ông.
Đây là một bộ phim tài liệu cực kỳ hay không thể diễn tả bằng lời. Nó cuốn hút từ đầu chí cuối không phải từ sự hoành tráng tốn kém, kỹ xảo đồ họa 3D sặc sỡ hay hàn lâm học thuật gì, mà hay từ nội dung súc tích, sự chân thật, bình dị, mộc mạc, đậm đà tình làng nghĩa xóm của làng quê miền Nam. Kết hợp âm nhạc du dương, da diết trầm lắng thật hay.
Phim được thể hiện với một phong cách đặc biệt, khác người: Không có thuyết minh mà từ đầu đến cuối phim là những lời kể chân thành, giản dị của người dân Củ Chi, của người dân quê miền Nam, của những người kháng chiến miền Nam. Nghe những ông bà cụ kể lại, nghe hoài vẫn không chán. Người Củ Chi nói về đất Củ Chi, những nhân chứng trong cuộc nói về cuộc chiến đấu anh hùng của người dân Củ Chi chống giữ, giằng co với quân viễn chinh Mỹ. Một phần nhỏ trong cuộc trường chinh kháng chiến anh hùng của người dân miền Nam và nhân dân Việt Nam trong cuộc đọ sức đọ trí với "gã khổng lồ", "con khủng long" bách chiến bách thắng Hoa Kỳ.
Xem phim này xong càng thấy thương yêu, kính phục những ông bà cụ, những cha anh miền Nam kiên cường chống Mỹ. Những người con Nam Bộ thành đồng Tổ quốc, miền Nam đi trước (1945) - về sau (1975). Họ đều là những thiên cổ anh hùng bất khuất, lưu danh sử xanh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Sinh thời Bác Hồ đã đưa tay lên tim mình và nói: Hình ảnh miền Nam luôn ở trong trái tim tôi.
Xem phim này xong, với góc độ nhìn của một người con miền Nam, quê ở Bến Tre, sinh trưởng ở Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, mình càng thấy việc một số người gọi ngụy quyền Sài Gòn là "miền Nam", "miền Nam Việt Nam", "Nam Việt Nam" theo cách gọi xuyên tạc của chính phủ Mỹ, là chuyện vô cùng đáng trách.
Nói chung, bộ phim tài liệu này rất hay, rất nên xem, đáng tham khảo. Một nguồn sử liệu quý hiếm. Mình không phải dân du lịch, không phải có "ý đồ" muốn quảng cáo du lịch Củ Chi, nhưng vẫn phải giới thiệu tới các bạn phim tài liệu này.