Hùng ca Điện Biên Phủ trên không và những thế cờ chiến lược (phần 2 và hết)

Không quân Hoa Kỳ có vai trò và uy lực như thế nào?
(tiếp theo phần trước)


Mũi nhọn quân sự của Mỹ chính là quân chủng không quân. Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đặt trọng tâm phát triển quân chủng này không phải vì chim ưng là biểu tượng quốc gia của nước Mỹ, cũng không phải vì Đảng Cộng hòa được mệnh danh là "đảng diều hâu", mà là vì tính thực dụng, trí tuệ, tầm nhìn xa, tham vọng bành trướng quốc tế, và khả năng kinh tế, ngân sách quốc phòng dồi dào của Mỹ.

Trong chiến tranh hiện đại, không quân đã thể hiện ưu thế siêu việt so với quân chủng lục quân và hải quân. Không quân di động, tác chiến vừa nhanh vừa chuẩn. Ít phải dùng nhiều người và đỡ hao binh tổn tướng. Về chính trị thì nó mang tính chất công kích, quấy rối, đỡ bộc lộ rõ bản chất xâm lược so với bộ binh hành quân chiếm đóng.

Không quân tấn công được vào các mục tiêu trên không, dưới đất và trên biển. Nó chiến đấu được trong nhiều không gian và thời gian khác nhau và phá hoại mọi nơi. Nó có nhiều tác dụng đa dạng như chuyển quân rất nhanh, đổ bộ, nhảy dù, bắn đạn, phóng tên lửa, dội bom, rải chất độc hóa học vào các mục tiêu khác nhau. Ngoài vai trò chính, nó còn có thể chiến đấu với vai trò phụ, tiếp ứng, trợ chiến cho lục quân và hải quân bạn cũng như tấn công, oanh kích vào các mục tiêu bộ binh và thủy binh địch.

Lục quân và hải quân bị hạn chế bởi không gian tự nhiên trong hoạt động, trong khi không quân có thể chiến đấu mọi nơi và mọi chiến trường. Hải quân chỉ chiến đấu được trên tàu, trên biển. Lục quân chỉ chiến đấu được trên bộ, trong khi máy bay và không quân có thể tác chiến và không kích vào mọi nơi, trên biển, trên bộ, và trên không.

Không quân đáp ứng được ba yếu tố quyết định thành bại trong một trận đánh, đó là: Tốc độ, điểm cao, và sức mạnh công phá, sức mạnh hỏa lực. Tốc độ hành quân, di chuyển, tấn công của máy bay nhanh hơn gấp vạn lần chân người, xe, tàu. Phàm trong chiến tranh xưa nay, bao gồm cả chiến tranh cổ đại, phe nào chiếm được điểm cao thì phe đó ưu thế hơn và cơ hội chiến thắng cao hơn. Trong chiến tranh thời cổ đại - trung đại thì trên núi, trên thành, và trong chiến tranh thời cận đại - hiện đại thì mục tiêu chiếm trước trên chiến trường luôn là các điểm cao, các ngọn đồi. Trong chiến tranh Triều Tiên, quân Trung Quốc và quân Hoa Kỳ đã giành nhau từng ngọn đồi. Trong chiến tranh biên giới Việt - Trung, ta và giặc cũng tranh nhau từng điểm cao.


Oanh tạc cơ Thế hệ mới (Máy bay ném bom 2018) của không quân Mỹ

Các quyển sách giáo khoa binh pháp cổ điển như Tôn Vũ Binh Pháp, Ngô Khởi Binh Pháp, Vũ Mục Di Thư (Nhạc Phi) của Trung Quốc, Hành Quân Pháp (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Binh Thư Yếu Lược (Trần Hưng Đạo), Hổ Trướng Khu Cơ (Đào Duy Từ) của Việt Nam đều chỉ ra rằng quân dưới thành phải đông gấp 3 lần quân trên thành thì mới đánh ngang cơ với nhau. Và nếu quân trên thành có cung nỏ mạnh thì quân dưới thành phải đông gấp 5 lần thì mới có khả năng phá thành. Như vậy, điểm cao là rất quan trọng, và không quân chính là một loại "điểm cao di động" nhanh nhẹn và độc đáo trong chiến tranh hiện đại.

Trong các cuộc chiến cổ điển, các đội quân xạ thủ nào có cung tiễn càng mạnh, bắn được càng xa, thì càng chiếm ưu thế lớn trên sa trường. Trong chiến tranh hiện đại thì hỏa lực càng mạnh càng chiếm ưu thế. Máy bay có thể phóng nhiều loại tên lửa, rải mọi loại bom, bom chùm, bom bi, và cả bom nguyên tử.

Không quân Mỹ như thế nào sau chiến bại ở Việt Nam?

Lịch sử phát triển của nền công nghiệp quốc phòng, khoa học công nghệ quân sự của Hoa Kỳ có hai bước ngoặt chính: Một là bước ngoặt Chiến tranh Thế giới lần 2; từ năm 1939 đến 1945, hai cơ quan Office of Strategic Services (OSS, tiền thân của CIA) và Joint Intelligence Objectives Agency (JIOA) của Mỹ thực hiện chương trình Operation Paperclip, là một chương trình nhằm chiêu dụ, tuyển dụng, mua chuộc, thậm chí bắt cóc và ép buộc các nhà bác học, khoa học, toán học, kỹ sư, những bộ óc thiên tài, thông thái, ưu tú nhất của Đức và Nhật bí mật làm việc, nghiên cứu cho Bộ quốc phòng Hoa Kỳ và sau đó vẫn sử dụng họ đến năm 1991. Nhiều người đã mất tích bí ẩn.

Từ khi chương trình đó được triển khai, nền khoa học kỹ thuật, công nghệ quốc phòng của Mỹ có sự tiến bộ vượt bực, bỏ xa các nước khác, vượt trội cả các nước châu Âu. Và sau khi Liên Xô sụp đổ, chỉ còn lại một mình Hoa Kỳ độc quyền bá chủ công nghệ chiến tranh trên thế giới.

Hai là bước ngoặt Chiến tranh Việt Nam; trong quá trình xâm lược Việt Nam, với ý chí quyết thắng bằng mọi giá, Mỹ đã sáng tạo, nghiên cứu nhiều công nghệ mới, đặc chế nhiều vũ khí, công cụ chiến tranh mới. Họ đã nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng 3 loại hình chiến tranh công nghệ cao trong cuộc chiến Việt Nam: Chiến tranh điện tử (electronical warfare), chiến tranh hóa học (chemical warfare) và chiến tranh khí tượng (weather warfare). Trong đó, chiến tranh điện tử và chiến tranh khí tượng là lần đầu tiên quân đội Mỹ áp dụng trong chiến sử Hoa Kỳ.

Và sau khi bị Việt Nam ban cho sự thất bại đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, chính phủ Mỹ đã tăng cường ngân sách quốc phòng, phát triển nâng cao năng lực quân đội, khoa học chiến tranh và công nghệ quân sự, phát triển và nâng cấp lực lượng không quân. Họ xem lại tất cả, thẩm định và đánh giá lại tất cả, viết lại nhiều giáo trình quân sự.


Cầu Hàm Rồng bị đánh sập bởi bom định hướng bằng tia laser (laser-guided bomb - LGB). Với loại bom mới này, 14 chiếc máy bay đã làm được điều mà 871 chiếc trước đây không làm được.

Học viện quân sự West Point nổi tiếng của Mỹ những năm sau mốc thời gian 1975 đã mở nhiều hội thảo, nghiên cứu, phân tích, tranh luận từ các hiệu trưởng, cựu hiệu trưởng, giáo sư, giảng viên và cựu giảng viên từng phục vụ trong trường, và những người thỉnh giảng được mời từ bên ngoài, thậm chí ngoài nước Mỹ, tham gia bàn bạc, hội luận, xem xét, thẩm định, đánh giá từng chiến dịch một, từng thời điểm một, và từng góc độ, từng khía cạnh, "không bỏ sót hòn đá nào chưa lật" ("leaves no stone unturn", châm ngôn Mỹ) để giải đáp câu hỏi hóc búa: Tại sao chúng ta thua Việt Nam? Sau đó họ đã phải chỉnh sửa, cập nhật, thậm chí viết mới lại hoàn toàn, in lại nhiều giáo trình quân sự của trường.

Đó là những bước ngoặt mới, bước tiến lịch sử của quân đội Mỹ trong quân sử Hoa Kỳ. Và kể từ những bước dài đó, cho đến nay, quân đội Hoa Kỳ không còn biết thất bại là gì, dù là những thất bại quân sự trong những trận đánh nhỏ lẻ. Đến nỗi trong hai ba thập kỷ trở lại đây, mỗi lần Mỹ dùng binh là thiên hạ không ai đặt câu hỏi là Mỹ "sẽ thua hay thắng", mà họ đặt câu hỏi Mỹ "cần bao lâu để thắng".


Bia tưởng niệm những quân nhân Mỹ chết trận ở Việt Nam

Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đã từng cho thử nghiệm các cơ sở dữ liệu trên các siêu máy tính, siêu phần mềm được đặc chế dành riêng cho quốc phòng mà họ đã phát triển từ những ý tưởng, cơ sở ban đầu của các nhà bác học, khoa học, toán học Đức và Nhật mà họ đã bắt cóc về phục vụ trong chương trình, chiến dịch Paperclips.

Các máy tính, phần mềm quân dụng, đặc biệt đó lấy hàng triệu tình huống chiến trường, và "chạy" đi "chạy" lại có thể lên đến hàng tỷ lần với tốc độ nhanh để xác định cách giải quyết, giải pháp, cách phản ứng tối ưu là gì. Họ phân tích dữ liệu chi tiết và các con số, để đánh giá mức độ hiệu lực của những cách đánh khác nhau, đánh ở đâu là tốt nhất, dùng quân nào là tốt nhất....

Cơ sở nghiên cứu của họ là từ hàng vạn cuộc chiến, trận đánh lớn nhỏ khác nhau trong chiến sử thế giới, kim cổ đông tây, mà lịch sử thế giới còn ghi lại, từ cổ đại đến hiện đại. Họ đặc biệt chú trọng nghiên cứu kỹ càng, sâu sắc hơn về các trận chiến sử dụng vũ khí hạng nặng, vũ khí hiện đại. Hệ thống điện toán tính toán mọi đặc tính, ước lượng mức độ tinh nhuệ, sở trường, sở đoản, chất lượng vũ khí, quân số, các quân binh chủng được sử dụng, địa điểm đóng quân, chiến địa, không gian, thời gian, thiên nhiên, các giả định và "phỏng đoán có căn cứ" (educated guess) về mục tiêu chiến thuật và chiến lược của các bên tham chiến, may rủi, các khả năng ngẫu nhiên, và các yếu tố liên quan....


Vũ khí không gian: Không gian, vũ trụ là điểm cao nhất, các vũ khí trên quỹ đạo sẽ có khả năng nhìn thấy và hạ gục bất kỳ vật thể gì trên mặt đất.

Từ những thuật toán phức tạp đó, các nhà toán học quân sự Mỹ đã phát hiện ra một sự thật tưởng chừng như rất đơn giản mà trước đó nhiều nhà quân sự trên thế giới dù có biết sơ qua nhưng không đánh giá đúng tầm mức quan trọng của nó và không khai thác nó đúng mức. Đó là trong chiến tranh cổ đại, trung đại, cận đại thì quân đội nào chiếm điểm cao thì cơ hội chiến thắng về chiến thuật (chiến thắng trận đánh) cao hơn rất xa, và điểm đóng quân càng cao hơn địch thì cơ hội thắng càng cao hơn và tỷ lệ chênh lệch thương vong giữa quân trên cao và quân dưới thấp càng cách xa. Những đội quân biết chiếm đóng đồi núi trước, những đội quân trên các tường thành càng cao, thì khả năng thắng trận càng cao.


Mô hình máy bay bí ẩn X-37B trên quỹ đạo trái đất.

Trong chiến tranh hiện đại thì càng đơn giản đến lạ lùng. Các siêu máy tính và thuật toán đó "nói" cho ta biết quân đội gần như bao giờ cũng nên dùng không lực, nói cách khác, chỉ nên dùng không quân và máy bay mà thôi. Đây là một kết quả có phần làm đảo ngược cách nghĩ thông thường của con người, kể cả những người trong quân đội, lâu nay luôn có xu hướng cho rằng cả ba quân chủng hải - lục - không quân đều quan trọng bằng nhau và nên được phát triển, vận dụng đồng đều. Hoặc có xu hướng cho rằng bộ binh đóng vai trò quyết định trên chiến trường và mới là quan trọng nhất.

Về tổng quát, khắp thế giới chỉ có một số rất nhỏ là thoát khỏi nguyên lý này, trong đó có Việt Nam. Trong lịch sử phong kiến, các thành trì của Việt Nam đều thấp hơn nhiều so với các thành quách, lâu đài hoành tráng, vĩ đại, cao sừng sửng ở Trung Quốc và phương Tây. Các sách binh pháp cổ truyền của người Việt cũng không đặt cược nhiều vào yếu tố "thành cao, hào sâu" như các quyển binh pháp của phong kiến Trung Hoa.

Trong lịch sử hiện đại, Việt Nam rất kém về không quân, thậm chí trong kháng chiến chống Pháp thời gian đầu thì Việt Nam hoàn toàn không có máy bay chiến đấu. Trong kháng chiến chống Mỹ thì không quân Việt Nam cũng rất kém phát triển. Nhưng Việt Nam thắng, một phần là nhờ có hệ thống phòng không mạnh (nghĩa là vô hiệu hóa thế mạnh không quân của địch, yếu tố mà các máy tính Mỹ có tính vào). Và phần lớn là nhờ chiến lược chiến tranh nhân dân, chiến thuật chiến tranh du kích, và tinh thần giữ nước vững chắc, can trường của người Việt Nam.


Máy bay cất hạ cánh thẳng đứng nổi tiếng V-22 Osprey của Mỹ

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld sau Chiến tranh Việt Nam đã cùng nhiều chuyên gia, chuyên viên khác nghiên cứu rất kỹ về nghệ thuật đánh du kích của Việt Nam, và đó là cơ sở lớn để ông ta về sau đã ủng hộ và kêu gọi đẩy mạnh quá trình nghiên cứu các cơ sở dữ liệu và từ đó hình thành "học thuyết quân sự Rumsfeld", một học thuyết quân sự mới của Mỹ, và được quân đội Mỹ áp dụng hoàn toàn kể từ sau Chiến tranh Iraq.

Nhưng dù dùng đến siêu máy tính và các thuật toán cao cấp chi li, họ cũng vẫn không kết luận được là vì sao họ thất bại trước Việt Nam. Ngày nay vẫn chưa có đồng thuận nào trong giới nghiên cứu lịch sử quân sự Hoa Kỳ về nan đề này.

Đó là do từ một tư tưởng nghiêng nặng về chủ nghĩa cá nhân và thực dụng lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản nên họ không thể có được sự nhận thức, cảm nhận sâu sắc về "chiến tranh nhân dân", không hiểu nổi, không nhận thức sâu sắc, không cảm nhận được cái tinh thần sẵn sàng "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", điều họ chưa từng trải nghiệm qua.

Đây cũng là vấn đề thuộc về tính giai cấp trong chiến tranh mà các thống soái Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành hay nói. Không có siêu máy tính, thuật toán tinh vi, hay công thức toán học chi li nào tính ra được yếu tố giai cấp, yếu tố dân tộc, yếu tố con người, tình đoàn kết đặt cái chung lên trên cái riêng, ý thức đặt nghĩa lớn lên trên tình riêng, tình yêu đối với quê hương xứ sở, nói chung là yếu tố tinh thần và yếu tố chính trị.

Các cơ sở dữ liệu cũng chỉ ra rằng một đội quân nhỏ hơn nhưng uyển chuyển, linh động, tốc độ cao (speed, fast), nhanh nhẹn cao (quickness), tính cơ động cao hơn, và biết chú trọng bảo vệ sinh mạng người lính, bảo vệ sinh lực bản thân, sẽ gần như tuyệt đối thắng một đạo quân đông đảo nhưng chậm chạp, cồng kềnh, vướng víu, và chủ trương đánh kiểu thí mạng, lạm dụng chiến thuật "biển người" và các phiên bản tương tự (như "tiền pháo hậu xung" kiểu cổ điển). Tỷ lệ có lẽ là hơn 95% xác suất chiến thắng.

Về con người cụ thể, cả thế giới có lẽ chỉ có một vài vị tướng, một ít đạo quân là ngoại lệ, trong đó có hai nhân vật đều ở Trung Quốc, một là nhà quân sự trứ danh Hàn Tín (nhà Hán), hai là danh tướng Bành Đức Hoài (CHND Trung Hoa).



Minh họa Hàn Tín và chân dung Bành Đức Hoài

Hai vị tướng này quan niệm quân càng đông càng tốt. Hàn Tín có biệt tài tận dụng quân số áp đảo, dàn dựng, thiết kế những "thiên la địa võng", "thập diện mai phục", bao vây chặt chẽ và kín kẽ, đặt phục binh khiến quân địch bốn phương tám hướng đều không có đường đi, không có lối ra. Ông cũng có những phương pháp huấn luyện đặc biệt, kỳ lạ, khó ai bắt chước, để rèn luyện một đạo quân đông nghịt có thể di chuyển nhịp nhàng, hiệp đồng tác chiến ăn ý, kỷ luật, nói tiến là cùng tiến, nói lui là cùng lui.

Ông cũng là người đầu tiên "phát minh" ra cách cai quản một lực lượng đại quân số lượng lớn trên chiến trường bằng các đội trưởng cai quản theo nhóm, cách này khiến cho một đạo binh lớn, dù rườm rà vẫn khó đổ vỡ, chạy loạn. Trước đó, trong thời Xuân Thu - Chiến Quốc, một đạo quân lớn một khi bị tấn công mạnh, bị thất thế, quân tiên phong bị loại khỏi vòng chiến thì thường bị vỡ trận và chạy loạn, dẫm đạp lên nhau mà chạy.

Tên tuổi Hàn Tín không chỉ được giới chuyên môn quân sự hiện đại Trung Quốc đưa vào trong các giáo trình quân sự, mà còn được giới chuyên ngành toán học đưa vào giáo trình toán học. Nghệ thuật đếm quân của Hàn Tín đã được các nhà toán học Trung Quốc qua nhiều thời kỳ phát triển thành một định lý nói về nghiệm của hệ phương trình đồng dư bậc nhất. Và họ đặt tên cho nó là "Bài toán Hàn Tín điểm binh" (Chinese remainder theorem - Định lý số dư Trung Quốc).

Tục truyền khi Hàn Tín điểm quân số, bởi vì quân của ông quá đông, nên ông cho quân lính xếp hàng 3, hàng 5, hàng 7 rồi báo cáo số dư. Từ đó ông tính chính xác quân số đến từng người dù quân nhiều đến số lượng nào. Trong khi các tướng sĩ khác không đủ năng lực, không biết cách đếm, kiểm soát, quản lý, chỉ huy số quân đông đến mức đó.

Định lý Hàn Tín có nhiều ứng dụng trong các bài toán về số nguyên lớn áp dụng vào lý thuyết mật mã. Trong cuộc nội chiến Quốc - Cộng (Chinese Civil War), Mao Trạch Đông từng cho người dùng định lý toán học đặc thù Trung Hoa này để trợ lực cho đội quân mật mã của mình, góp phần làm cho công tác bảo vệ và lấy cắp mật mã thêm khởi sắc.

Cả Bành Đức Hoài và Hàn Tín đều có biệt tài lợi dụng quân số đông để mà chia binh rồi dùng nghi binh, khiến cho quân địch tưởng rằng họ sẽ đánh vào nơi này, nhưng họ lại dùng kỳ binh đánh mạnh một cách thần tốc và bất ngờ vào nơi khác, thường là các trọng điểm chứa lương thảo hoặc các thành lũy, các cơ sở phòng ngự, các doanh trại, đồn lính hiểm yếu, đầu não thần kinh của quân địch. Và cú đánh không ai ngờ đó thường trở thành một trận quyết chiến chiến lược đưa đến kết quả toàn thắng.

Nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa là tiến sĩ Trương Tiểu Minh (Zhang Xiao Ming) từ Trường Đại học Không chiến Hoa Kỳ (U.S. Air War College) và chuyên gia phân tích người Anh gốc Hoa là Gary Lý (Gary Li), người đứng đầu Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược Không quân và Hải quân Hoàng gia Anh (London), khi hợp tác nghiên cứu phân tích về cuộc Nội chiến Trung Quốc (Chinese Civil War), họ cho rằng nếu Mao Trạch Đông không có nguyên soái Bành Đức Hoài thì kết quả tốt nhất (cho cộng sản Trung Quốc) là cuộc chiến sẽ còn kéo dài thêm hai ba năm nữa. Kết quả xấu nhất là hai bên phải lấy sông Hoàng Hà chia đôi thiên hạ. Vì vậy họ lên án Mao "qua cầu rút ván" (về việc Mao đày đọa Bành Đức Hoài sau khi "vắt hết quả chanh" ông ta ở Triều Tiên), và xếp Mao vào danh sách chung với các lãnh đạo Trung Hoa có tiếng lạm sát công thần như Lưu Bang, Hán Quang Vũ, Lý Thế Dân, Triệu Khuông Dẫn, Chu Nguyên Chương....

Nhưng cái quan trọng nhất mà các nhà quân sự Mỹ rút tỉa, đúc kết được chính là: Những con toán đó cho thấy các phần trăm về các khả năng, cơ hội thắng trận, và tỷ lệ xác người là không hề gần nhau, mà là rất cách xa. Các con số cho thấy một cách vô cùng áp đảo rằng nếu ai đó đặt trọng tâm phát triển bất kỳ quân binh chủng nào khác mà bỏ bê không quân, hoặc sử dụng bộ binh, hải quân, hoặc lính thủy đánh bộ quá nhiều hơn không quân, không có phối hợp không yểm mà chỉ tấn công một mình, thì không chỉ là sai, mà còn là quá sai, sai đến mức "điên rồ". Và mỗi lần họ dùng lục quân và hải quân quá nhiều lần không cần thiết là mỗi lúc họ tự làm giảm xuống xác suất chiến thắng.

Dĩ nhiên các thuật toán này không tính đến các vấn đề "con người" liên quan khác, như ngân sách quốc phòng và thực tiễn trình độ công nghiệp quốc phòng của các nước. Không phải ai cũng có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới như Mỹ (số lượng bằng 12 nước phía sau cộng lại), và có một nền công nghiệp quốc phòng "khủng" như Mỹ ở cả chiều rộng và chiều sâu, để phát triển một quân chủng tốn kém như không quân.

Các thuật toán này cũng có ít nhiều hạn chế, ví dụ nó chỉ tính thắng thua chủ yếu qua đếm xác. Chứ không tính đến các mục đích chiến lược chính trị. Nếu đánh giá thắng bại một cách máy móc như vậy thì trong hai cuộc kháng chiến không biết Việt Nam đã thua bao nhiêu lần.

Nhân vật kỳ tài Rumsfeld và học thuyết của ông đã làm thay đổi quân sự Mỹ như thế nào?

Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld là nhà chính trị và doanh nhân. Ông giữ chức Bộ trưởng bộ quốc phòng Hoa Kỳ năm 1975-1977 và được George W. Bush đích thân mời quay lại giữ chức này năm 2001-2006. Ông là người trẻ tuổi nhất và cũng là người cao tuổi nhất từng giữ chức vụ này, cũng như có nhiệm kỳ dài thứ nhì trong lịch sử, chỉ sau Robert McNamara.


Donald Rumsfeld

Ông là một nhân vật xuất thân dân sự, chỉ trải qua ba năm phục vụ quân dịch trong hải quân vào thời bình. Thông thường bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và thế giới nhiều người xuất thân quân đội, có kinh nghiệm thâm niên, từng trải trên chiến trường thực tế, hoặc là thế hệ sau của các gia đình, dòng họ quân đội lâu năm.

Vậy tại sao ông Rumsfeld không thuộc nhóm "nhà nòi" quân đội đó, không hề được đào tạo bài bản về quân sự, chưa hề trải qua một trường đại học quân sự nào (ông tốt nghiệp ở trường đại học Princeton với chuyên ngành Khoa học chính trị), lại có thể tiến thân và trở thành Bộ trưởng quốc phòng của cường quốc quân sự Hoa Kỳ? Để rồi năm 2001, khi Bush đau đầu về các âm mưu quân sự nhắm vào khu vực Trung Đông thì Bush lại hạ cố mời Rumsfeld "xuống núi" một lần nữa?

Một phần lớn nguyên nhân là Rumsfeld có thực tài và có sự nhận thức quân sự rất sâu sắc, chỉ từ những nghiên cứu riêng biệt và sự hỗ trợ từ các trợ lý. Chính nhờ không xuất thân nhà nòi quân đội mà ông không bị vướng những lối mòn tư duy quân sự cũ kỹ, hoàn toàn suy nghĩ mới mẻ, xuất phát từ những góc độ nhìn mới, từ quan niệm mới, nhìn quân sự nói chung và quân Mỹ nói riêng từ những góc cạnh khác nhau.

Ông có cách nhìn, những suy nghĩ, lối làm việc đặc biệt "không giống ai". Và nhờ cái "không giống ai" đó đã hình thành nên những chương trình nghiên cứu "không giống ai": Dùng khoa học tự nhiên, toán học, hóa học, địa dư học, hải dương học, vũ trụ học...., những gì tưởng như không liên quan gì đến quân sự, để nghiên cứu quân sự. Hình thành nên những chương trình nghiên cứu, phân tích dữ liệu từ các siêu máy tính, phần mềm đặc biệt, công thức toán học, lập trình, thuật toán.... Dần hình thành nên "học thuyết Rumsfeld". Và sau chiến tranh Iraq, học thuyết quân sự Rumsfeld đã thay đổi quân đội Mỹ, đổi mới hoàn toàn tư duy quân sự của Mỹ, thậm chí đảo ngược quan niệm quân sự của một số tướng lĩnh, nhà quân sự và giáo trình.

Tuy nhiên, quan điểm mới mẻ của ông đã từng bị cản trở, thậm chí bị chống đối gay gắt trong nội bộ quân đội Mỹ. Một bộ phận bảo thủ trong quân đội Mỹ chống ông từ những quan điểm quân sự truyền thống. Một bộ phận nhóm lợi ích chống ông bởi vì nếu càng lúc càng làm theo tư tưởng quân sự của Rumsfeld thì ngân sách quốc phòng sẽ chi cho không quân ngày càng lớn, ngân sách dành cho hải quân và lục quân ngày càng thấp dần. Do đó chỉ có quân chủng không quân là hoan nghênh Rumsfeld. Còn quân chủng lục quân và hải quân thì ghen ghét, than phiền, khiếu nại, bài xích.

Năm 1977, Rumsfeld bị gài, bị tố cáo, và vướng nhiều vụ kiện tụng. Khi đó chủ trương cải cách quân sự của ông rất quyết liệt, rất sáng tạo, nhưng có phần chủ quan nóng vội sau khi quân viễn chinh Mỹ thất bại trước Việt Nam. Người ta cho rằng ông bị chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi sinh ra tự ái dân tộc và tạo ra sự nóng vội, thiếu chín chắn. Người thì cáo buộc rằng ông muốn nổi danh. Có người còn nghi ngờ ông là gián điệp của KGB Liên Xô muốn gây bất hòa, chia rẽ trong quân đội Mỹ. Tất cả sự hãm hại, bôi đen đó đều do nhóm lợi ích quân đội đứng sau gài bẫy và ông bị áp lực phải thôi chức vụ trong quân đội. Ông đành phải ra ngoài kinh doanh và làm chính trị. Cho đến khi Bush thân hành mời Rumsfeld ngồi chiếc ghế Bộ trưởng quốc phòng, ông ta trở lại và phục vụ đến năm 2006 thì về hưu vì lý do sức khỏe và tuổi tác.


Rumsfeld với tổng thống Ford năm 1975. Từ khi làm cố vấn cho Nixon năm 1969, Rumsfeld đã nếm trải nhiều cay đắng với kết quả thất bại của Mỹ tại Việt Nam. Một mình Rumsfeld không có khả năng làm xoay chuyển "bàn cờ" Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ 1, trước khi ra đi thì ông đã kịp xây dựng một cơ sở nghiên cứu cao cấp, bằng các phương tiện công nghệ cao. Trong nhiệm kỳ 2, từ những kết quả nghiên cứu đó, ông đã hình thành hoàn chỉnh "học thuyết Rumsfeld" và trình lên tổng thống.

Từ khi "xuống núi", phục vụ trong nhiệm kỳ 2, Rumsfeld được sự ưu ái của tổng thống và sự ủng hộ của phe cấp tiến, phe xuất thân dân sự trong chính phủ Mỹ. Tuy nhiên các quân binh chủng hải quân, bộ binh, thủy quân lục chiến, tuần duyên đã không cam lòng, không thỏa mãn với vai trò phụ, hầu như chỉ làm viên gạch lót đường cho quân chủng không quân, và để mọi quân công, thành tích, danh vọng và ngân quỹ vào tay quân chủng không quân. Họ cảm thấy bị đe dọa vị thế và quyền lực, lợi ích. Họ sợ bị cho ra rìa. Nhiều cuộc tranh luận gay gắt và nhiều lần to tiếng giữa ngoại trưởng Colin Powell và Donald Rumsfeld đã xảy ra.



Rumsfeld đề ra và kiến nghị một lý thuyết quân sự mới: "Tấn công chớp nhoáng chính xác". "Chính xác" liên quan tới "trí thức hóa" chiến tranh. Có thể gọi đây là những nỗ lực "trí thức hóa" chiến tranh để "biệt kích hóa", "đặc nhiệm hóa" chiến tranh, vì nó có hiệu quả giống như các nhóm biệt kích, đặc nhiệm.

Quan điểm truyền thống của phe bảo thủ đứng đầu bởi Powell cho rằng những lực lượng to lớn dưới đất phải được sử dụng, và phải phối hợp với các cuộc hành quân của các đơn vị nặng. Ông cho rằng không quân là cánh tay, bộ binh là đôi chân. Đôi tay có thể đánh đấm tùy thích, nhưng đôi chân mới là cái dùng để bước vào nhà địch. Do đó không có chân thì không thể được. Đôi chân phải vững như đứng tấn trong võ thuật. Còn vấn đề gốc rễ, trọng yếu nhất trong học thuyết Rumsfeld là quân đội phải được cải tổ thành những nhóm chiến đấu nhỏ hơn nhưng dễ triển khai và năng động, linh hoạt hơn.


Colin Powell và George W. Bush. Powell là một viên chỉ huy, một nhà lãnh đạo quân sự uy tín, có tài động viên quân đội, có công trong Chiến tranh Vùng Vịnh. Nhưng từ ngày Bush "thỉnh" Rumsfeld "tái xuất giang hồ" thì quan hệ giữa hai người lạnh nhạt dần.

Thật ra chỉ sau cuộc chiến Iraq thì quan điểm của Rumsfeld mới thắng dứt điểm quan điểm của Powell. Cuộc chiến này xảy ra trong thời điểm Hoa Kỳ có ưu thế tuyệt đối về quân đội, hỏa lực, vũ khí, công nghệ, chính trị. Quân đội Hoa Kỳ đã tốc chiến tốc thắng trong cuộc chiến không cân sức này. Sư đoàn 3 Cơ khí rời Nasiriyah và Najaf, nơi đang đánh nhau dữ dội, rồi hành quân đường dài xa hàng trăm km về thủ đô Baghdad, và lập kỷ lục chiến sử mới về hành quân thọc sâu. Tốc độ tiến quân của quân đội Mỹ bằng hoặc hơn quân đội Hitler khi tấn công chớp choáng Liên Xô.

Nhưng trong cuộc chiến đó, sức tiến công của lục quân Hoa Kỳ đã không thể thần tốc như vậy nếu không có sự yểm trợ từ không lực áp đảo. Trong khi suốt 12 năm trước cuộc chiến, thì Mỹ đã "lập vùng cấm bay", xâm chiếm không phận Iraq và "chặn họng" không lực Iraq. Sự vắng mặt của không quân Iraq đồng nghĩa với việc tinh thần quân đội Iraq đã bị Mỹ "đè đầu" dần. 12 năm với vùng cấm bay, dội bom, thám sát, dùng cả máy bay quân sự và bong bóng dân sự rải truyền đơn, rải đô la Mỹ, đã làm sa sút dần tinh thần, ý chí của quân đội Iraq. Chiến tranh ném bom kết hợp chặt chẽ với chiến tranh tâm lý và chiến tranh công nghệ cao chính là những lý luận vỡ lòng, cơ bản nhất của học thuyết quân sự Rumsfeld sau nhiều năm nghiên cứu tỉ mỉ, chu đáo.


Rumsfeld được Reagan đặc phái đi Iraq gặp Saddam Hussein trong cuộc chiến Iran - Iraq năm 1983, ca ngợi Hussein và giúp đỡ, viện trợ cho Iraq chống Iran. Đúng 20 năm sau, Rumsfeld quay lại Iraq với vai trò và nhiệm vụ trái ngược, lần này với tư cách là Bộ trưởng quốc phòng dưới trướng Bush, nắm quyền chỉ đạo cuộc chiến Iraq năm 2003.

Trên chiến trường Iraq khi đó, tốc độ tiến quân nhanh mà bộ binh Mỹ có được là vì không quân Mỹ đã làm chủ bầu trời và tung hoành ngang dọc, tha hồ tự do oanh tạc, không kích, quét sạch mọi trở lực. Mỗi khi bộ binh Hoa Kỳ gặp bất kỳ sự kháng cự nào của quân đội Iraq thì họ không ham đánh mà họ tránh đi và chờ các đồng đội chiến hữu không quân vào "làm việc".

Quân đội Mỹ "không thèm" đánh chiếm bất kỳ tỉnh thành nào trong cuộc chiến ngoài thành phố Baghdad, thủ đô của Iraq. Ngay cả trong thủ đô Baghdad mà Saddam Hussein kêu gọi tử thủ bằng một cuộc tử chiến cuối cùng trên đường phố, cho rằng lính Mỹ không quen tác chiến trong thành phố, thì bộ binh Mỹ cũng không cần đánh trận nào lớn.

Quân đội Mỹ chỉ cần dùng tâm lý chiến, vừa dọa vừa dụ, vừa vung cao cây gậy vừa nhử bằng củ cà rốt, trong đó có cả dùng lợi ích vật chất để hối lộ, họ đưa ra những tờ đô la Mỹ bôi trơn các quan chức cấp cao của lực lượng Vệ binh Cộng hòa để thôi chống cự. Một số chuyên gia quân sự ở châu Âu sau khi nghiên cứu lại cuộc chiến, đã cho rằng không quân Mỹ đóng góp 95% cho chiến thắng này, trong khi lục quân chỉ góp 5%.

Thành quả cuộc chiến đã chứng minh quan điểm của Rumsfeld là đúng. Ngày 26 tháng tư 2003, Rumsfeld đến Vùng Vịnh thị sát quân đội. Khi ông tới thì những tràng pháo tay và những tiếng reo mừng đón chào đã nổi lên, nhất là từ các chiến sĩ không quân.

Chiến thắng của Rumsfeld không chỉ với quân đội Iraq, với Powell và phe bảo thủ trong quân đội Hoa Kỳ, mà còn cả với học thuyết quân sự Liên Xô/Nga. Những dữ kiện này đã cho thấy một đội quân uyển chuyển hơn, linh động hơn, tính cơ động cao hơn, thì dù cỡ nhỏ hơn, sẽ tuyệt đối thắng một đội quân lớn nhưng rườm rà, chậm chạp và vướng đầy những quan niệm lối mòn quân sự cũ kỹ, lạc hậu, lỗi thời như Iraq.

Quân đội Iraq là một quân đội lớn. Và theo cách dàn đại quân của Liên Xô cũ, Iraq tập trung số lượng lớn đơn vị xe tăng, xe bọc thép, và pháo binh, với các bộ chỉ huy tập trung cao độ. Nhưng tuyến phòng thủ trông bề ngoài hoành tráng "dễ sợ" đó đã bị một ít không quân Hoa Kỳ phá sạch chỉ trong mấy ngày. Nhiều chuyên gia quân sự Nga sau khi nhìn lại, xem xét và nghiên cứu kỹ về chiến tranh Iraq đã giật mình thốt lên: Mô hình quân sự đã bị viết lại. Các nước khác nên chú ý là Hoa Kỳ đã viết lại các giáo trình quân sự.

Rumsfeld làm rõ ba tiêu chuẩn đánh giá sức chiến đấu: Khoảng cách tấn công, tốc độ tiến công và sức hủy diệt. Và so với không quân thì bộ binh tụt hậu về cả ba phương diện, thường quá lớn về cỡ và không uyển chuyển về hoạt động. Và nó dễ bị sa lầy trong những cuộc chiến tranh kéo dài nơi đất khách.

Không quân loại bớt được sự bất lợi về yếu tố địa lợi trong một cuộc tấn công quân sự. Không quân có thể chiến thắng trước mọi quân binh chủng khác. Vì không quân với tốc độ chớp nhoáng, có thể đập cú chết người vào tâm điểm địch quân. Bên đạt ưu thế bầu trời trước sẽ có ưu thế quyết định trong chiến tranh. Một quốc gia mất quyền làm chủ bầu trời sẽ chịu thiệt hại to lớn.

Như vậy, ai làm chủ bầu trời có nghĩa là chiến thắng. Những quốc gia thất bại trong việc làm chủ bầu trời chịu số phận thất bại và phải chấp nhận mọi điều kiện bên thắng đưa ra. Chỉ có Việt Nam là phá vỡ được quy luật này, đặc biệt bằng trận Điện Biên Phủ trên không.

Xu hướng chiến tranh của Mỹ trong tương lai là gì?

Một số sĩ quan Việt Nam nghiên cứu xu hướng quân sự Hoa Kỳ và tiên đoán rằng chiến tranh tương lai của Mỹ có thể sẽ là tận dụng máy bay siêu thanh, máy bay không người lái để phát triển chiến tranh "không giáp mặt". Ngày nay cả 5 yếu tố bầu trời, vũ trụ, mặt đất, đại dương, và điện tử được hòa làm 1, nên xu hướng chiến tranh "không giáp mặt" ngày càng rõ nét.

Năm 2000, Hoa Kỳ đưa ra chiến lược "cảnh báo toàn cầu, mục tiêu toàn cầu và sức mạnh toàn cầu", theo đó chiến đấu cơ vũ trụ có thể bay vào không gian và tấn công một mục tiêu dưới đất trong chưa đầy một tiếng. Năm 2020, theo dự kiến, không quân Hoa Kỳ sẽ có 4 lớp: Lớp B-2, lớp F-22, lớp phi cơ tiềm kích hỗn hợp và lớp chiến đấu cơ không người lái, tất cả đều có đặc tính siêu tàng hình.

Nhiều nguyên tắc chiến tranh tương lai của Hoa Kỳ thực ra đã được vô tình "bật mí" trong chiến tranh Iraq. Ví dụ việc sử dụng rộng rãi các oanh tạc cơ tàng hình và máy bay không người lái.

Trong suốt cuộc chiến Iraq, không có trận không chiến nào, cũng không có trận đấu tăng nào. Khi có một cơn bão cát, Vệ binh Cộng hòa Iraq cố tận dụng và đưa hơn ngàn chiếc tăng phản kích địch. Nhưng ngay khi di chuyển, đã bị máy bay và vệ tinh trinh sát của Mỹ phát hiện. Kết quả, họ bị trực thăng và những đơn vị phối hợp đè bẹp và tàn sát. Giấc mơ có trận đấu tăng quyết định ở Kirsk tan theo từng đợt bom Mỹ.


Oanh tạc cơ không người lái X-47B của Mỹ

Trên chiến trường Libya, các máy bay không người lái của Mỹ đã san bằng quân đội nước này, làm được những việc mà các máy bay ném bom, máy bay chiến đấu của NATO đã không làm được trước đó, dù với số lượng gấp đôi, gấp chục. Những dấu hiệu này phần nào cho thấy có lẽ thời đại chiến tranh không người lái, chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh không giáp mặt đang tới gần.

Tên lửa thông minh và bom thông minh được tia laser dẫn đường sẽ rơi như mưa đá trên trời xuống. Ngay cả chiến đấu cơ cũng sẽ là tàng hình, dù là không người lái. Thực tế quân đội Hoa Kỳ đã ngưng đánh mặt đối mặt với địch thủ từ sau cuộc chiến Việt Nam. Họ đã đi trước các đối thủ xa. Về mặt kỹ thuật, công nghệ chiến tranh, không có thế lực quân sự nào hiện nay chạy đua nổi với Hoa Kỳ.

Một số sử gia phương Tây cho rằng trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một đế quốc có tầm kiểm soát toàn cầu và khả năng can thiệp áp đảo và lộ liễu như Hoa Kỳ. Hai thập niên trước, Hoa Kỳ vẫn thỉnh thoảng còn có khả năng bị địch thủ nhỏ hơn và yếu hơn đánh bại trong một vài trận chiến nhỏ lẻ. Còn Hoa Kỳ ngày nay gần như đã trở thành "thiên hạ vô địch".

Cách thiên hạ đánh nhau cũng bị Hoa Kỳ làm cho thay đổi. Nhiều học thuyết quân sự cũng bị Mỹ cho vào sọt rác. Hoa Kỳ đã "cách mạng hóa" tư duy quân sự, văn hóa quân sự, thói quen quân sự, và cách thức tiến hành chiến tranh trên thế giới. Từ đây, thế giới này không còn như xưa.


Vũ khí siêu thanh tiên tiến bay với tốc độ gấp 5 lần âm thanh và có thể tấn công mọi mục tiêu trên trái đất. Đỉnh cao của tác chiến tầm xa và chiến tranh không giáp mặt.

Các siêu máy tính của Mỹ đã có những kết quả thống kê cho thấy trong lịch sử chiến tranh thế giới từ cổ đại đến cận đại, đội quân nào mạnh về đánh xa hơn (xạ tiễn chính xác, nhiều cung nỏ), hoặc đội quân nào có tốc độ cao hơn, thì xác suất chiến thắng càng cao. Xác suất chiến thắng của kỵ binh so với bộ binh thì gần như một trời một vực.

Tóm lại là càng nhanh càng tốt, càng xa càng tốt, quân đội nào phóng lao, bắn tên được xa hơn, có máy bắn đá ném được xa hơn, thì xác suất thắng càng cao. Lực lượng không quân và máy bay chiến đấu chính là khai thác và tận dụng tối đa hai ưu điểm đó (tốc độ và đánh tầm xa).

Thiết kỵ xác định vị thế đế chế La Mã, xạ kỵ xác định vị thế bá chủ của vó ngựa Nguyên Mông và đưa tên tuổi của Thành Cát Tư Hãn vào lịch sử thế giới cổ kim, các đội "kỵ binh bay" xác định vị thế đế quốc Mỹ. Cái đáng sợ là tốc độ, độ cao, khả năng đánh xa của Mỹ ngày nay đã bỏ xa các nước còn lại. Chứ không để người khác theo kịp phía sau như vó ngựa Mông Cổ và La Mã xưa.

Hoa Kỳ muốn thiết lập chỗ đứng như một siêu cường áp đảo nhất trong lịch sử thế giới bằng không quân của mình. Không lực Hoa Kỳ có kế hoạch làm cho họ có thể có mặt tại bất kỳ nơi nào trên hành tinh, vào bất cứ lúc nào, chỉ trong tương lai gần.


Lính Mỹ điều khiển máy bay tự sát

Từ đó, hầu hết động thái quân sự của Hoa Kỳ đều căn cứ trên cơ sở toán học, xác suất học, tin học, dựa trên các xác suất thống kê, để có hiệu quả tối ưu. Và từ những kết quả thống kê đó, chính phủ và bộ quốc phòng Mỹ đã đặt trọng tâm vào phát triển quân chủng không quân và sản xuất máy bay tàng hình, máy bay siêu âm, máy bay không người lái....

Học thuyết quân sự Rumsfeld và các thử nghiệm của giới khoa học, toán học, xác suất học quân sự Mỹ, đứng đầu bởi ông Rumsfeld trong nhiều năm, đã mở ra một bước ngoặt mới và trang sử mới cho quân sự Hoa Kỳ và thế giới.

Tổng kết

Điện Biên Phủ trên không là một thiên anh hùng ca bi tráng, là bản hùng ca bất tử bất diệt, và còn là nước cờ chiến lược độc đáo, thể hiện ý chí sắt đá bất khuất, quật khởi kiên cường, trái tim và trí tuệ Việt Nam.

Ngày xưa, vó ngựa Mông Cổ trăm trận trăm thắng và gây khiếp đảm khắp Á - Âu và chúng đã kéo cả bầy vào Thăng Long. Quân ta cho chúng tạm "ở trọ" rồi sau đó đánh đuổi chúng đi. Ngày nay, những con "chim ưng sắt" Hoa Kỳ bất khả chiến bại, với lực lượng không quân và những con "diều hâu lửa" đã gây run sợ khắp Đông - Tây, chưa bao giờ bị bắn trúng, chưa bao giờ bị đánh bại, và chúng đã kéo cả đàn bay vào Hà Nội.

Thành phố Hà Nội lúc này không còn là thành Hà Nội năm 1882 khi chỉ có 400 quân Pháp thành công chiếm thành, khiến lão tướng Hoàng Diệu anh dũng tuẫn quốc. Hà Nội năm 1972, trong 12 ngày đêm lịch sử, 5 cửa ô Hà Nội đã giương cao nòng súng đãi giặc. Già trẻ lớn bé, nam nữ lão ấu, đều đồng lòng đoàn kết, chung sức chung lòng đánh giặc giữ vững thủ đô. "Rồng lửa Thăng Long" liên tục phun lửa làm cho hàng hàng lớp lớp ó đen Hoa Kỳ rơi rụng như lá mùa thu.

Chiến dịch Linebacker II mà nhiều người Mỹ gọi là chiến dịch "Ném bom lễ Giáng sinh" (Christmas Bombing) như để tố cáo bản chất phi nhân tính, vô nhân đạo của nó, đã thất bại nhục nhã, đàn chim sắt Mỹ bị bắn tan xác, giặc lái Mỹ bị các "o du kích nhỏ" tóm gọn, áp giải.


Tác phẩm "O du kích nhỏ", một trong những kiệt tác nhiếp ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ Phan Thoan. Tác phẩm ra đời trong bối cảnh không quân Hoa Kỳ oanh tạc dữ dội miền Bắc năm 1965. Trong ảnh là nữ du kích Nguyễn Thị Kim Lai và giặc lái Mỹ William Robinson. Khi xem bức ảnh này năm 1966, nhà thơ Tố Hữu đã "xuất khẩu thành thơ", vịnh bức ảnh bằng 4 câu thơ: "O du kích nhỏ giương cao súng. Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu. Ra thế! To gan hơn béo bụng. Anh hùng đâu cứ phải mày râu!" Tác phẩm này là một trong những nguồn cảm hứng động viên các chiến sĩ phòng không đánh giặc năm 1972.

Một trận đánh lịch sử, một trận quyết chiến chiến lược đã đi vào huyền thoại, hoàn toàn có thể sánh được với huyền thoại Điện Biên Phủ (trên bộ). Trong "Điện Biên Phủ trên bộ", giặc Pháp phải chiến đấu trong chảo lửa Điện Biên. Quân ta có ưu thế độ cao, chiến đấu từ trên cao. Trong Điện Biên Phủ trên không, giặc Mỹ lại là bọn chiến đấu từ trên cao. Sau Điện Biên Phủ trên bộ, hiệp định Genève quy định quân ta phải tập kết về Bắc và phải chờ hai năm thì quân Pháp mới rút hẳn và tổ chức tổng tuyển cử, rồi Mỹ vào thay chân Pháp....

Sau Điện Biên Phủ trên không, hiệp định Paris quy định quân ta có quyền ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam, và quân Mỹ phải rút ngay và tổ chức tổng tuyển cử ngay sau đó. Lần này không có ai thay chân Mỹ. Quân ta tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành đại nghiệp giải phóng dân tộc, chính thức khép lại những cuộc trường chinh dài đằng đẵng kể từ khi quân Pháp tấn công Đà Nẵng năm 1858 rồi sau đó xâm chiếm Việt Nam....

Những diễn biến này cho thấy rằng về hiệu quả chiến thuật và chiến lược, ở cả quân sự và chính trị, thì Điện Biên Phủ trên không cũng không kém gì nhiều so với Điện Biên Phủ trên bộ.

Về ý nghĩa lịch sử, đại thắng Điện Biên Phủ trên không cũng như bao nhiêu trận quyết chiến chiến lược hào hùng đánh giặc xâm lăng trong lịch sử, nó mang ý nghĩa trọng đại của văn hóa truyền thống "tiếp bước đời trước - truyền lửa đời sau" của dân tộc Việt Nam anh hùng. Như một tuyên ngôn về sức sống trường tồn vĩnh cửu của dân tộc Việt Nam. Không kẻ thù nào có thể phá vỡ được, dù cho họ mạnh hay đông đến đâu. Dù đẳng cấp, trình độ phát triển của họ đi trước trên ta bao nhiêu lâu.

Những chiến công vang dội này có tác dụng cổ vũ, hâm nóng tinh thần yêu nước của các thế hệ mai sau và cũng để răn đe các thế lực ngoại xâm trong tương lai, làm cho tất cả đều hiểu rằng dù khó khăn đến mức độ nào thì Việt Nam chắc chắn cũng sẽ giành chiến thắng chung cuộc, dù đó là những kỳ công cả thế giới không ai làm được trong lịch sử.

Người Việt Nam đã làm nên những chiến công, kỳ tích khó hiểu mà đến nay, dù đã trải qua cả vạn hội luận, hội thảo chuyên đề, hàng chục vạn sách vở bài báo, thậm chí dùng cả siêu máy tính, siêu phần mềm để tính toán, phân tích, mà đến giờ này ở Mỹ vẫn chưa có kết luận rõ ràng làm sao mà họ có thể thua được.

Về ý nghĩa chính trị - quân sự, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không đã triệt để đập tan áp lực đòi Việt Nam nhượng bộ và yêu cầu hoang tưởng của phía Mỹ đòi Việt Nam rút quân khỏi vùng miền của Việt Nam. Kết quả trận đấu trí - đấu lực này đã buộc chính phía Mỹ phải rút quân khỏi vùng miền của Việt Nam.

Sau khi "đánh cho Mỹ cút", cuộc chiến đã mở ra một trang mới, tạo ra bước ngoặt chiến tranh mới, thuận lợi nhất, dễ dàng nhất để tiến lên dứt điểm "đánh cho ngụy nhào", hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất hoàn toàn đất nước, đem lại cảnh thái bình, độc lập tự do.


Bài thơ chúc Tết năm 1969 của chủ tịch Hồ Chí Minh (Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Sài Gòn)

Miền Bắc không còn tiếng hú báo động từ loa phường kêu gọi đồng bào mau xuống hầm trú ẩn, không còn cảnh tản cư tránh bom đạn, không còn cảnh mưa bom bão đạn kẻ thù giáng xuống, không còn những ngôi nhà, chung cư, khu phố, bệnh viện, trường học, nhà máy, nhà thờ, chùa chiền, di tích lịch sử bị bom giặc tàn phá.

Miền Nam không còn bóng giặc, không còn tiếng bom đạn đì đùng, không còn những ngày đêm vùng vẫy trong trại tập trung "Ấp Chiến Lược", không còn những ngày đêm bị càn bị quét, không còn những trận càn, ruồng bố, khủng bố trắng, thảm sát man rợ và những tội ác dã man mà nhiều người gọi là những tội ác diệt chủng, chống loài người.

Không còn những thảm cảnh giết người đốt nhà, "ba sạch" (phá sạch, giết sạch, đốt sạch). Không còn những cảnh phụ nữ, trẻ con bị hiếp rồi giết. Không còn những cảnh những bà cụ, ông lão bị lùa xuống mương và xả súng giết tập thể. Không còn những tên giặc giơ thủ cấp của người Việt yêu nước khoe khoang trước ống kính. Không còn những đạo luật giết người, "lê máy chém" khắp nơi.

Không còn bọn mật vụ Phượng Hoàng hàng ngày hàng giờ lùng sục bắt cóc, thủ tiêu. Không còn những tên lính giặc không coi người Việt là loài người như sĩ quan Mỹ Celina Dunlop đã tự bạch trên kênh BBC Anh ngữ tháng 3 năm 2008: "Most people in our company didn’t consider the Vietnamese human". Không còn những thảm kịch cắt đầu, xẻo tai, xẻo thịt, xẻo vú phụ nữ. Bom đạn và chất độc hóa học không còn rơi lên trên đất miền Nam, người miền Nam.

Không còn những bi kịch lính Mỹ đối đãi bất công, đánh đập, giết chóc một bộ phận lính ngụy, sĩ quan ngụy, giết "tổng thống" ngụy. Không còn những lần người Mỹ thí nghiệm và lùa lính ngụy đi vào đất chết. Không còn cảnh tượng lính Mỹ hãm hiếp, bắt làm nô lệ tình dục vợ con và người thân của lính ngụy. Không còn cảnh những cô gái Sài Gòn phấn son kỹ lưỡng với những chiếc váy không thể ngắn hơn đứng đầy đường công khai giữa ban ngày chào mời lính Mỹ.

Không còn cảnh những căn cứ quân sự nước ngoài đầy kẽm gai mọc lên như nấm, gần 100 vạn quân viễn chinh tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm, không coi ai ra gì, tự do cướp - hiếp - giết khắp nơi, xâm hại chà đạp lên quyền con người. Không còn những phận đời trôi nổi của gần nửa triệu con lai Mỹ, trong đó có hàng vạn trẻ mồ côi. Nông thôn và đô thị miền Nam cũng không còn những lần biểu tình bị đàn áp dã man bằng dùi cui, lựu đạn cay, roi điện, súng đạn. Những sân trường không còn đổ máu, không còn những người dân, thanh niên, sinh viên ngã xuống trước quân đội Mỹ và cảnh sát ngụy.

oOo


Về bên thua cuộc, Điện Biên Phủ trên không và kết cục của cuộc chiến Việt Nam đã trở thành một "Giáng sinh kinh hoàng" của không quân Mỹ, một bài học lớn của nước Mỹ, đồng thời hai tiếng "Việt Nam" có một thời gian đã trở thành cơn ác mộng và nỗi ám ảnh của họ. "Biến cố Việt Nam" đã trở thành một vết thương không bao giờ phai mờ, một nỗi đau nỗi nhục không bao giờ quên hẳn, một bài học đến nay vẫn chưa nghiên cứu hết, của Hoa Kỳ.

Nhiều cựu quân nhân Mỹ từng chinh chiến ở Việt Nam (Vietnam veterans) khi thỉnh giảng trong các trường học Mỹ, đã thú nhận khái niệm "American pride" (niềm tự hào Mỹ) đã bị sự kiện Việt Nam làm cho hoen ố, đã trở thành một tỳ vết, một vết nhơ không thể nào rửa sạch. Và rằng mỗi khi họ nghe ai nói đến "American pride" thì họ lại nghĩ đến chiến tranh Việt Nam và đau lòng, uất ức, không thoải mái, không cam lòng. Và hai tiếng "Việt Nam" ám ảnh trong đầu họ mỗi khi nghe quốc ca, chào quốc kỳ.

Sau khi thất bại trong chiến dịch Linebacker II và hoàn toàn thua hẳn hai năm sau đó, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phát triển quân lực, đặt trọng tâm vào quân chủng không quân và khoa học công nghệ cao. Chính phủ Mỹ đã tích cực chi thêm cho ngân sách quốc phòng, cải tiến năng lực chiến đấu của quân đội, đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ quân sự, phát triển và nâng cấp quân chủng không quân mạnh mẽ hơn nữa. Họ xem lại tất cả, thẩm định và đánh giá lại tất cả, viết lại giáo trình quân sự.

Những bài học, kinh nghiệm từ chiến tranh Việt Nam được nghiên cứu, rà soát, đúc kết, rút kinh nghiệm. Ý tưởng mới được đưa vào nghiên cứu. Các dự án lớn được đưa vào thực hiện. Các loại vũ khí, thiết bị mới được phát minh, sản xuất. Chương trình huấn luyện mới được đưa vào quân trường. Giáo trình quân sự được viết mới, cập nhật cẩn mật các bài học nhớ đời, kinh nghiệm đau thương ở Việt Nam.

Kể từ đó, quân đội Mỹ không còn biết thua là gì, khái niệm "thua trận" hầu như không còn tồn tại trong tự điển quân sự Mỹ. Hai ba thập kỷ gần đây, mỗi khi Mỹ cất quân đánh ai là dư luận không còn ai nghi ngờ kết quả, không còn ai đặt câu hỏi rằng họ sẽ thua hay thắng, thay vào đó là câu hỏi thực tế hơn: Họ cần bao nhiêu giờ để thắng.

Hiện nay quân chủng không quân Hoa Kỳ đã phát triển cực cao, phát triển đến máy bay siêu thanh và máy bay chiến đấu, ném bom không người lái thế hệ mới. Trước chiến tranh Mỹ - Việt, quân đội Mỹ là một đội quân khó địch. Sau chiến tranh, quân đội này đã trở thành một đội quân vô địch. Nỗi nhục trên chiến trường Hà Nội và Việt Nam đã biến không quân và quân đội Mỹ thành một lực lượng đáng sợ mà thế giới này chưa bao giờ thấy.

---------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

Việt Nam:

- Tác giả: Võ Nguyên Giáp - Hồi ký: Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng - Năm xuất bản: 2005
- Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam - Ban biên soạn: Gs. NGND Phan Huy Lê, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Trần Xuân Thanh - Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia - Năm xuất bản: 2010
- Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968: Bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Nội: Nxb Quân đội Nhân dân, 2005.
- Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris - Tác giả: Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ - Nhà xuất bản: Công an Nhân dân - Năm xuất bản: 2002
- Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 7 và 8 - Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia - Năm xuất bản: 1996
- Bí mật những chiến dịch không kích của Mỹ vào Bắc Việt Nam. Tác giả: Cảnh Dương, Đông A. Nhà xuất bản: Công An Nhân Dân. Năm xuất bản: 2007

Hoa Kỳ:

- Tucker, Spencer. ed. Encyclopedia of the Vietnam War (1998) 3 vol. reference set; also one-volume abridgement (2001)
- Chiến tranh Việt Nam-Được và Mất - Nigel Cawthorne - NXB Đà Nẵng
- Sự lừa dối hào nhoáng - Tác giả: Neil Sheehan - Người dịch: Đoàn Doãn - Nhà xuất bản Công An Nhân Dân - Năm 2003
- Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam - Tác giả: Robert McNamara - Người dịch: Hồ Chính Hạnh, Huy Bình, Thu Thủy, Minh Nga - Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia - Năm xuất bản: 1995
- Hồ sơ mật Dinh Độc Lập (The Palace File) - Tác giả: Nguyễn Tiến Hưng - Harper & Row Publishers - 1986
- Cuộc chiến dài ngày giữa nước Mỹ và Việt Nam 1950-1975 - Tác giả: George C. Herring - Người dịch: Phạm Ngọc Thạch - Nhà xuất bản: Công an Nhân dân - Năm xuất bản: 2004
- Kill Anything That Moves: U.S. War Crimes And Atrocities In Vietnam, 1965-1973 (Giết tất cả những gì nhúc nhích: Tội ác chiến tranh hung bạo của Mỹ ở Việt Nam), Nick Turse, NXB Đại học Columbia, 2005
- Boyne, Walter J. Beyond the Wild Blue: A History of the U.S. Air Force, 1947–2007, 2007
- Robert Frank Futrell. Ideas, Concepts, Doctrine: A History of Basic Thinking in the United States Air Force, 1979
- Robert Doughty. American Military History and the Evolution of Western Warfare, 1996
- Chester G. Hearn. Air Force: An Illustrated History: The U.S. Air Force from 1910 to the 21st Century, 2008
- Millett, Allan R. Semper Fidelis. A History of the United States Marine Corps, 1991
- Sweeney, Jerry K., và Kevin B. Byrne, eds. A Handbook of American Military History: From the - Revolutionary War to the Present, 1997
- Esposito, Vincent J. Học viện quân sự West Point Atlas of American Wars. New York: Frederick A. Praeger, 1959.
- Griess, Thomas E. West Point Atlas for the Second World War: Asia and the Pacific, 2002
- Griess, Thomas E. The West Point Atlas for Modern Warfare, 2011
- Thiếu tá James H. Kean - Hồ sơ SSN/0802 USMC, bản báo cáo After Action Report 17/4/1975 - 7/5/1975
- George R. Dunham - U.S. Marines in Vietnam: The Bitter End, 1973-1975 (Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ ở Việt Nam: Sự kết thúc cay đắng, 1973-1975) - Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ xuất bản năm 1990

- Tài liệu Interner